Seite auswählen

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/12 lên tiếng bác bỏ những nhận định mới đây của Uỷ ban bảo vệ nhà báo (CPJ) cho rằng Việt Nam đã gia tăng kiểm duyệt báo chí, bắt bỏ tù các nhà báo trong năm 2020.

Trong báo cáo thường niên được công bố vào ngày 15/12 vừa qua, CPJ nhận định số nhà báo bị bắt bỏ tù trên toàn thế giới trong năm 2020 đạt mức kỷ lục là 274 người bất chấp dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng. Tại Việt Nam, con số nhà báo bị bắt giữ trong năm nay là 15 người.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói với báo giới tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội rằng nội dung báo cáo của CPJ là sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu về tình hình Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và bảo đảm thực thi quyền tự do báo chí, theo Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan.

Cũng theo bà Hằng, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình, mạng di động phủ sóng hơn 99% dân số, hơn 64 triệu người dân đang sử dụng internet và hơn 62 triệu người sử dụng mạng xã hội.

Trong nửa cuối năm 2019 và năm 2020, Việt Nam đã liên tục bắt giữ các thành viên của Hội Nhà báo Việt Nam độc lập bao gồm Chủ tịch và Phó chủ tịch hội là nhà báo Phạm Chí Dũng, blogger Nguyễn Tường Thuỵ, và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”

Ngay sau vòng đối thoại nhân quyền với Mỹ hồi đầu tháng 11 vừa qua, Việt Nam cũng bắt giữ một nhà báo nổi tiếng khác là cô Phạm Đoan Trang với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam” và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm”.

Mới đây nhất, vào ngày 17/12, nhà báo Trương Châu Hữu Danh thuộc nhóm Báo Sạch cũng bị bắt giữ với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Về việc bắt giữ các nhà báo, bà Lê Thị Thu Hằng nói:

“Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành”

RFA (17.12.2020)

 

 

Công an Cần Thơ tạm giam Trương Châu Hữu Danh vì ‘lợi dụng tự do dân chủ’

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh làm việc với công an hôm 15/1/2019 (ảnh tư liệu)

Công an thành phố Cần Thơ hôm 17/12 bắt tạm giam ông Trương Châu Hữu Danh, một facebooker được nhiều người biết tiếng, với cáo buộc ông này “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo tin của Công An Nhân Dân, Tuổi Trẻ và VNExpress, bên cạnh việc bắt tạm giam 3 tháng, công an cũng đã khám xét nơi ở của bị can Trương Châu Hữu Danh ở Long An và thu giữ nhiều tài liệu liên quan.

Tin cho hay nơi cư trú của ông Danh là một căn nhà được vợ chồng ông thuê trong vài năm nay.

Theo tìm hiểu của VOA, ông Danh từng làm việc cho các cơ quan báo chí gồm báo Long An, Lao Động, Nông Thôn Ngày Nay, Làng Mới trong các giai đoạn khác nhau.

Trong vài năm gần đây, ông Danh nổi tiếng trên Facebook với nhiều bài viết và các cuộc tường thuật trực tiếp để phản đối nhiều trạm thu phí BOT ở một số tỉnh, thành phố, cũng như để “chống tiêu cực”, theo như cách gọi của chính ông Danh.

Tuy nhiên, từ phía nhà chức trách Việt Nam, họ coi một số việc trong số những hoạt động đó của ông là vi phạm pháp luật.

Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, giới những người ủng hộ chính quyền Việt Nam cáo buộc rằng ông Trương Châu Hữu Danh có mối quan hệ thân thiết với những người mà họ gọi là “bất mãn”, như các ông, bà Lê Nguyễn Hương Trà, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Lân Thắng, Huỳnh Bửu Long, v.v…

Phản ứng về tin Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị công an tạm giam với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do, dân chủ”, từ Đài Loan, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Trường Sơn viết trên trang cá nhân: “Điều 331 của bộ luật hình sự năm 2015 vừa một lần nữa được sử dụng để bịt miệng những người nói lên suy nghĩ của mình. Lần này nạn nhân là nhà báo Trương Châu Hữu Danh”.

“Với điều luật phản động, phản lý lẽ, và phản hiến pháp này thì bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân”, ông Sơn bình luận.

Một nhà hoạt động khác hiện cũng đang cư trú ở Đài Loan, ông Trịnh Hữu Long, đưa ra ý kiến: “Điều luật này vốn dĩ lâu nay được dùng để bịt miệng những ai nói trái ý chính quyền. Ngôn ngữ và logic của điều luật tạo ra khả năng diễn giải vô biên cho chính quyền … Điều luật này phải bị bãi bỏ, hoặc ít nhất là phải bị đình chỉ thi hành trên thực tế”.

Việt Nam đến nay bắt bớ, bỏ tù nhiều người bằng điều luật kể trên, trong đó có các ông, bà Nguyễn Thị Huệ, Đoàn Khánh Vinh Quang, Quách Duy, Trương Duy Nhất, Nguyễn Hữu Vinh, v.v…

VOA (17.12.2020)

 

Vì sao Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị bắt?

© Ảnh : Trương Châu Hữu Danh

Facebooker Trương Châu Hữu Danh vừa bị bắt. Công an Thành phố Cần Thơ xác nhận đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng ông Trương Châu Hữu Danh, Facebooker nổi tiếng của Việt Nam.

Theo Giám đốc Công an Thành phố Cần Thơ – Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, chủ tài khoản Facebook Trương Châu Hữu Danh bị bắt giam ba tháng với cáo buộc xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị bắt

Ngày 17/12, thông tin về việc Facebooker nổi tiếng của Việt Nam Trương Châu Hữu Danh bị bắt gây xôn xao trên các mạng xã hội và cơ quan truyền thông.

Cụ thể, thông tin từ Công an Thành phố Cần Thơ cho biết, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Thành phố Cần Thơ đã thi hành quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trương Châu Hữu Danh về tội “Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Chiều cùng ngày, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ xác nhận Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP. Cần Thơ đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt đối với ông Trương Châu Hữu Danh, chủ tài khoản Facebook Trương Châu Hữu Danh.

“Ngày 17/12/2020, được sự đồng ý của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Cần Thơ phê chuẩn, Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Cần Thơ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Châu Hữu Danh”, thông báo của Công an TP. Cần Thơ khẳng định.

Ông Trương Châu Hữu Danh sinh ngày 1/1/1982, đăng ký thường trú ở số 85, đường Khương Minh Ngọc, ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh ngãi, thành phố Long An. Được biết, ông Hữu Danh từng công tác ở một số cơ quan báo chí và được biết đến rộng rãi ở Việt Nam trong vai trò một Facebooker nổi tiếng.

Theo thông báo của Công an Cần Thơ, ông Danh bị bắt để điều tra về hành vi Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 331, Bộ Luật Hình sự 2015.

Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Cần Thơ đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

Công an Cần Thơ cho biết, tiến hành khám xét nơi ở của bị can, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan.

“Hiện vụ án đang được tiến hành điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật”, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.Cần Thơ khẳng định.

Vì sao Facebooker Trương Châu Hữu Danh bị bắt?

Như thông báo ngày 17/12 của Công an TP. Cần Thơ, ông Trương Châu Hữu Danh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng về tội “Lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ông Trương Châu Hữu Danh nổi tiếng ở Việt Nam trong vai trò chủ tài khoản Facebook thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, chính trị, xã hội ở Việt Nam với tư tưởng chống phá Đảng và Nhà Nước.

Ông Danh được cho là từng công tác làm việc với một số tờ báo của Việt Nam.

Ngoài là chủ Facebook Trương Châu Hữu Danh, ông còn là thành viên “top” của nhóm “Bạn hữu đường xa” tích cực chống BOT bẩn – hoạt động thu phí không minh bạch ở các trạm BOT.

Ông Danh cũng là thành viên sáng lập nhóm “Báo sạch” nổi tiếng trên mạng xã hội.

Gần đây, cơ quan chức năng xác định, ông Danh lợi dụng sự nổi tiếng của bản thân với 167,917 người theo dõi, Facebooker này thường đăng nhiều bài viết chống phá chính quyền, Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Gần đây nhất, trang Facebook của ông Danh thường xuyên cập nhật về việc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, bắt Cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng và vụ bắt ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.

Trong chiều cùng ngày, ông Trương Châu Hữu Danh được Công an di lý về nhà riêng ở phường 6, thành phố Tân An, tỉnh Long An để thực hiện thủ tục khám xét chỗ ở của bị can.

Ông Trương Châu Hữu Danh đối diện mức án nào?

Theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự năm 2015, ông Danh có thể đối mặt với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù tùy vào mức độ vi phạm.

Cụ thể, Điều 331 quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khẳng định, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong trường hợp nặng hơn, phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù.

Việt Nam đảm bảo thực thi tự do báo chí, tự do ngôn luận

Đáng chú ý, trong cuộc họp báo chiều 17/12, như Sputnik Việt Nam đã đưa tin, trước câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin từ tổ chức Ủy ban Bảo vệ Nhà báo quốc tế (CPJ) cho rằng, chính sách quản chế tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam ngày càng khắt khe, nghiêm khắc khi có nhiều nhà báo bị bỏ tù, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam đảm bảo thực thi tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Người phát ngôn nhắc lại sự thật này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan, được thể hiện rõ ràng qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam trong những năm gần đây.

Minh chứng cho phát biểu của mình, đại diện Bộ Ngoại giao đã nêu ra một số dữ liệu như tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 868 cơ quan báo chí, 125 kênh truyền hình, mạng di động phủ sóng 99,7% dân số. Trong đó mạng 3G, 4G phục vụ 98% dân số. Hơn 64 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng mạng internet và hơn 62 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội.

“Tôi nghĩ đây là những con số khá ấn tượng. Ở Việt Nam cũng như ở bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành của Việt Nam”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Sputnik (17.12.2020)

 

 

Quyền con người ở Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Việt Nam đã không ‘thả’ bất kỳ ‘tù nhân lương tâm’ nào với lý do y tế là đề phòng dịch Covid lây lan cộng đồng.

 Vấn đề trên không được đặt ra tại Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hôm 15-12 nhân kỷ niệm ngày Nhân quyền 10-12.

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nói rằng Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp hiệu quả, minh bạch, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, bao gồm cả các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam chấp thuận.

Cơ chế UPR được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. Phía Việt Nam luôn tuyên bố rằng, “Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận”.

Trong chu kỳ trước, Việt Nam đã chấp thuận 80,2% số khuyến nghị nhận được, ban hành Kế hoạch tổng thể để thực hiện, và hoàn thành 96,2% trong số đó. Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn thực hiện và rà soát báo cáo cho chu kỳ tiếp theo, dự kiến bắt đầu năm 2023.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2019 của Việt Nam, công bố tháng 3/2020, cho biết như sau (trích):

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà nước độc tài do một đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam – cầm quyền, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất được tổ chức vào năm 2016 đã diễn ra không tự do và không công bằng, mặc dù có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng viên đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét kỹ lưỡng.

Bộ Công an chịu trách nhiệm về an ninh trong nước và quản lý đội ngũ công an, một cơ quan điều tra an ninh quốc gia đặc biệt và các đơn vị an ninh khác trong nước. Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ các nhà chức trách dân sự cung cấp hoạt động cứu trợ vào những thời điểm xảy ra thiên tai. Chính quyền dân sự duy trì sự kiểm soát hiệu quả đối với các lực lượng an ninh.

Những vấn đề lớn về quyền con người ở Việt Nam bao gồm: việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; bị ép buộc đưa đi mất tích; tra tấn bởi nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; sự can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; những hình thức tồi tệ nhất của hạn chế tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội; hạn chế đáng kể tự do đi lại, trong đó có việc cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động; hạn chế sự tham gia chính trị; các hành vi tham nhũng lớn; cấm các tổ chức công đoàn độc lập; buôn bán người; sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức.

Đôi khi chính quyền đã có hành động khắc phục, bao gồm việc truy tố đối với các quan chức vi phạm pháp luật; nhưng công an và các quan chức nhà nước thường vi phạm mà không bị trừng phạt” (xem đầy đủ tại *).

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có viết rằng, “Các đại diện ngoại giao của nước ngoài đã thực hiện các chuyến thăm tù nhân chính trị ở cả các trại tạm giam và trại giam. Các chuyến thăm này bị giám sát và không cho họ cơ hội đánh giá độc lập đối với các tù nhân hay đối với điều kiện trại giam”.

Năm nay là năm thứ hai Việt Nam triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện về việc thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III vào cuối năm 2021 và Báo cáo UPR chu kỳ IV vào đầu năm 2024.

Tại Hội thảo về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam và đồng Chủ trì nhóm công tác của Liên hợp quốc về Quản trị và Công lý – bà Caitlin Wiesen đã khuyến nghị trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục coi quyền con người và nhân phẩm là trọng tâm của mọi hành động; tiếp tục tập trung thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các quy trình về công ước quốc tế về nhân quyền như là UPR, ICCPR, CRPD, CAT… (**)

VNTB (17.12.2020)

 

 

Tù nhân -Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm được Dân biểu Đức bảo trợ

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm. Photo by Bui Kim Thoa

Tù nhân lương tâm Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm vừa được Dân biểu Quốc hội Liên Bang Đức Martin Patzelt chính thức bảo trợ theo chương trình “Nghị sĩ bảo trợ Nghị sĩ” (PsP). Gia đình ông Thâm nói với VOA rằng việc bảo trợ này có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần, có thể giúp nhà chức trách xem xét giảm án, bớt đối xử tùy tiện đối với ông Thâm.

Ông Bùi Văn Thâm và cha ông là Bùi Văn Trung ở tỉnh An Giang, thuộc Đạo tràng Út Trung theo Phật Giáo Hòa Hảo không được nhà nước Việt Nam công nhận. Hai ông bị bắt ngày 26/6/2017, sau khi tổ chức lễ giỗ mà gia đình nói rằng công an ngăn cản không cho người đến dự. Đến 2018, ông Trung bị phạt 6 năm tù với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” và cũng với cáo buộc này, ông Thâm bị 5 năm tù và thêm một năm tù nữa cho cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”. Trong vụ án này còn có bốn tín hữu cũng thuộc Đạo tràng Út Trung bị xử phạt, trong đó có chị và mẹ của ông Thâm.

Hiện ông Trung đang thụ án tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, còn ông Thâm hiện đang thi hành án tại trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thông cáo của Dân biểu Martin Patzelt về việc bảo trợ cho tù nhân Bùi Văn Thâm. Photo martin-patzelt.de

Trong thông cáo trên trên web ngày 26/11/2020, ông Martin Patzelt, dân biểu Quốc hội Liên Bang Đức, đã chính thức loan báo việc nhận bảo trợ cho ông Bùi văn Thâm.

Ông viết: “Vì tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, tôi đã nhận bảo trợ cho ông Bùi Văn Thâm, một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo (PGHH) sanh năm 1987, vào chương trình “Nghị sĩ Bảo vệ Nghị sĩ” của Quốc hội Liên bang Đức.”

Ông nói rằng ông Thâm “đang thụ án oan” 6 năm tù tại trại giam Xuyên Mộc và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tín đồ Phật giáo Hòa Hảo này.

“Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt mọi hình thức tra tấn, đối xử hay trừng phạt dã man và hạ thấp nhân phẩm, đồng thời xem xét lại toàn diện quy trình pháp lý, và trả tự do cho Bùi Văn Thâm. Trong i chờ đợi, ông Thâm cần được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, tình trạng thăm nuôi phải được cải thiện để gia đình có cơ hội gặp và trao tay thực phẩm cho ông.”

Ngoài sứ mệnh bảo vệ các nghị sĩ, chương trình Nghị sĩ Bảo trợ Nghị sĩ của Quốc hội Đức còn bao gồm một chiến dịch vận động nhằm bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền bị đàn áp ở nước ngoài, kêu gọi trả tự do, hay đích thân đến thăm gặp họ trong trại giam.

EMBED SHARE

Từ An Giang, bà Bùi Kim Thoa, chị của ông Thâm, nói với VOA:

“Gia đình tôi rất cảm ơn ông Dân biểu. Mong sự liên tiếng của ông Dân biểu sẽ giúp em của tôi và các đồng đạo khác được sớm trả tự do.

“Với sự trợ giúp này, mong rằng Thâm sẽ bớt bị đàn áp trong trại giam vì từ trước đến giờ họ đối xử rất khắc nghiệt đối với Thâm. Mong rằng Thâm có quyền được thăm gặp gia đình.

Hiện giờ Thâm không được thăm gặp, mỗi tháng chỉ được nhận 6 kg thực thẩm thì không đủ dùng.”

Bà Thoa cho biết thêm rằng em của bà không được thăm gặp gia đình từ 10/2019 cho đến nay, và phía trại giam không cho phép ông nhận kinh sách Phật giáo Hòa Hảo.

VOA đã liên lạc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10) thuộc Bộ Công an – đơn vị quản lý trại giam Xuyên Mộc, để tìm hiểu thêm về trường hợp của ông Bùi Văn Thâm, nhưng chưa được phản hồi.

Dân biểu Đức Martin Patzelt. Photo Facebook Martin Patzelt MdB

Dân biểu Patzelt là thành viên Quốc hội Liên Bang Đức từ năm 2013. Ngoài một số trách nhiệm đối nội với trọng tâm giáo dục, xã hội, y tế và văn hóa, ông còn giữ chức vụ báo cáo viên về nhân quyền tại Đông Nam Á, thuộc Ủy ban về Nhân quyền và Viện trợ nhân đạo.

Trên cương vị là một Dân biểu Đức, ông Patzelt trước đây cũng từng lên tiếng cho trường hợp của blogger Anh Ba Sàm – tức ông Nguyễn Hữu Vinh, nhà hoạt động vì quyền của công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Mai Thị Dung, và Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài.

Phần cuối thông cáo vào tháng trước, Dân biểu Patzelt viết: “Vào năm 2018, Việt Nam đã cam kết duy trì nhân quyền và tự do tôn giáo. Tôi đặc biệt nhắc nhở Việt Nam hãy giữ lời hứa này!”

VOA (16.12.2020)

 

 

RSF: Việt Nam trong Top 5 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất

Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia, trong đó có Trung cộng, được coi là những ‘nhà tù’ lớn nhất đối với các nhà báo, theo một báo cáo mới nhất của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) vừa công bố.

Thống kê thường niên của RSF đưa ra hôm 14/12 cho thấy hơn một nửa số nhà báo bị cầm tù – tương đương 61% – đang bị giam giữ tại 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổ chức bảo vệ quyền tự do thông tin có trụ sở ở Paris, Pháp, cho rằng 5 quốc gia này, trong đó còn gồm Trung cộng, Ai Cập, Ả Rập Saudi và Syria là “những nhà tù lớn nhất đối với các nhà báo” trong năm thứ 2 liên tiếp.

Trung Quốc đứng đầu với số lượng 117 nhà báo bị bỏ tù trong khi Việt Nam đứng thứ 4, sau Ả Rập Saudi và Ai Cập, với 28 nhà báo – gồm cả chuyên nghiệp và tự do, theo thống kê của RSF.

“Tại Việt Nam, nơi có 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers đang bị giam cầm, các giới chức đã tiến hành một làn sóng bắt giữ mới vào tháng 5 và tháng 6, nhiều khả năng là vì lý do Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021,” báo cáo của RSF cho biết.

Hồi tháng 6, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nhận định rằng chính phủ Việt Nam đang tăng cường trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến trước kỳ họp của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021.

Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng về thống kê này của RSF.

“Việt Nam luôn là một trong 5 nước có tự do báo chí kém nhất, hầu như không có tự do báo chí,” nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với VOA từ Khánh Hoà. “Báo chí ở Việt Nam chỉ là một công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam…chính vì vậy báo chí mà đăng đúng sự thật nhưng trái ý đảng thì bị các cơ quan chức năng của nhà nước Việt Nam xử lý theo kiểu một là phạt tiền hai là treo đình bản và thứ 3 là khởi tố, bỏ tù các nhà báo.”

Việt Nam xếp hạng 175/180 nước trên thế giới về Chỉ số Tự do Báo chí của RSF năm 2020.

 

Trong số những người bị bắt giữ trong năm nay ở Việt Nam có một số thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Phó chủ tịch hội, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, bị bắt vào tháng 5 vừa qua và chủ tịch của hội, nhà báo Phạm Chí Dũng, người còn là một cộng tác viên chuyên viết blog cho VOA, bị bắt trước đó không lâu vào cuối năm 2019.

Cũng vào tháng 5 vừa qua, công an Việt Nam tiến hành bắt giữ nhà văn và blogger Phạm Thành, còn được biết là chủ trang blog Bà Đầm Xoè và tác giả cuốn sách chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

“Việc bắt giữ (nhà báo) Phạm Đoan Trang, người được trao giải thưởng Tự do Báo chí RSF 2019 hạng mục Ảnh hưởng, vào tháng 10 vừa qua đã khẳng định việc (chính quyền Việt Nam) đang áp dụng một chính sách khắc nghiệt hơn nhiều,” RSF nhận định trong báo cáo.

Theo RSF, bà Trang – người bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 7/10 – nằm trong số 42 nhà báo nữ hiện đang bị bỏ tù trên toàn thế giới, tăng 35% từ 31 người cách đây 1 năm. Người đồng thời là nhà hoạt động xã hội dân sự bị cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” với hai tội danh theo cả điều 88 của Bộ Luật hình sự 1999 và điều 117 của Bộ Luật hình sự 2015, và đối diện mức án lên đến 20 năm tù.

RSF nhận định rằng bà Trang là một trong những nhà báo nổi bật nhất trong năm bị bắt giữ. Không lâu trước khi bị bắt, bà Trang – người đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí – cho xuất bản bản Báo cáo Đồng Tâm về điều tra của bà đối với vụ đụng độ giữa công an và người dân làng Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm qua.

Theo nhà báo Tạo, người từng tham gia quân đội Việt Nam trong chiến tranh, xu hướng những năm gần đây cho thấy “những cây viết độc lập có tư duy phản biện bị khủng bố nặng nề – bắt bớ, đánh đập, hành hung rồi bị bỏ tù ngày càng nhiều.”

“Mà mỗi lần kết án thì án thật nặng,” nhà báo Tạo cho biết và đưa ra ví dụ về việc nhà văn Trần Đức Thạch, từng là chiến sỹ trinh sát trong quân đội Nhân dân Việt Nam và là tác giả hồi ký “Hố chôn người ám ảnh”, bị kết án 12 năm tù hôm 15/12 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Theo nhà báo Tạo, ông Thạch chỉ là “một trong rất nhiều các blogger, nhà báo, Facebooker, nói lên sự thật và những suy nghĩ của mình, không đồng tình với một số hành động của nhà nước Việt Nam mà bị kết án nặng nề.”

Theo RSF, số lượng nhà báo bị bỏ tù trên thế giới vẫn ở mức “cao trong lịch sử” với tổng số 387 nhà báo bị bắt giữ vì liên quan đến việc cung cấp tin tức và thông tin” so với con số 389 vào năm 2019. Nhìn chung, tổ chức này cho biết, số lượng nhà báo – chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp – bị giam giữ đã tăng 17% trong 5 năm qua, từ con số 328 ghi nhận được vào năm 2015.

“Gần 400 nhà báo sẽ trải qua những lễ hội cuối năm trong tù, xa người thân của họ và trong những điều kiện thường khiến tính mạng của họ gặp nguy hiểm,” Tổng thư ký RSF Christopher Deloire nói.

VOA (15.12.2020)