Seite auswählen
Ông già Noel, trưng bày trong một trung tâm thương mại ở Brazilia, Brasil. Ảnh minh họa chụp ngày 16/12/2020.
Ông già Noel, trưng bày trong một trung tâm thương mại ở Brazilia, Brasil. Ảnh minh họa chụp ngày 16/12/2020. AP – Eraldo Peres
Gia Trình

Giáng Sinh 2020 trở thành một kỳ nghỉ đáng nhớ khi nhiều nước châu Âu đón chào Noel trong giãn cách xã hội. Không vì thế mà khán thính giả có thể bỏ qua bữa tiệc âm nhạc với các ca khúc Giáng Sinh kinh điển.

 

Kho nhạc Giáng sinh đa dạng phong phú, không chỉ bó hẹp ở những ca khúc phổ thông như Jingle bell, Silent Night, Last Christmas. Vẻ đẹp của lễ Giáng Sinh ẩn chứa những thông điệp tình yêu, sự che chở và lịch sử phía sau từng bài hát.

Nhìn tổng thế, phần lớn các bài hát phản ảnh hình ảnh truyền thống của Giáng Sinh trắng, tuyết rơi, cả gia đình quây quần bên lò sưởi và cây thông. Theo đó, The Christmas Song do Nat King Cole thể hiện chiếm trọn trái tim người hâm mộ. Bài hát được sáng tác trong một ngày hè nóng nực năm 1945, bởi hai nhạc sỹ Robert Wells và Mel Torme. Chất giọng ấm áp của Nat King Cole ăn nhập tuyệt đối với giai điệu lãng mạn mùa đông với “hạt dẻ nướng”, “gà Tây”, “trang phục Eskimos” trong lời bài hát. Nat King Cole ghi âm lần đầu năm 1946. Nhạc phẩm này trở thành ca khúc Giáng Sinh ưa thích nhất.

Tương tự, giai điệu cuốn hút Feliz Navidad do Jose Feliciano, nhạc sỹ Puerto Rico sáng tác là một dấu ấn khó quên của mùa Giáng Sinh. Đây là bài hát gốc bằng tiếng Tây Ban Nha với điệp khúc tiếng Anh được nhạc sỹ tài hoa sáng tác từ nửa thế kỷ trước : “I wanna wish you a merry Christmas from the bottom of my heart” (Anh muốn chúc em một Giáng Sinh vui vẻ từ đáy lòng mình). Sự đơn giản của giai điệu không đánh mất đi sức hút nam châm của bài hát. Trái lại, Feliz Navidad trở nên siêu phổ cập mùa Noel như bài hát Happy Birthday vang lên dịp sinh nhật.

Thông điệp đoàn tụ và ký ức chiến tranh

Mùa Giáng Sinh không chỉ dành cho gia đình sum họp bên nhau mà còn dành cho gia đình chia xa vì khoảng cách địa lý và xã hội. Chia xa với người mình yêu, bài hát của Darlene Love, Christmas (Baby Please Come Home / Giáng Sinh, hãy về nhà đi anh yêu) là một ca khúc hay về Giáng Sinh có tuổi đời gần 60 năm. Bài hát được tờ Rollingstone đánh giá là “khó ai vượt qua được cảm xúc và nội lực trong giọng hát Darlene”.

Ở bình diện rộng hơn, ca khúc I’ll Be Home for Christmas do nam danh ca Frank Sinatra thể hiện luôn có chỗ đứng trong tim người hâm mộ. Ca khúc được sáng tác dành tặng cho những người lính trong Đại chiến Thế giới thứ Hai. Tác phẩm thể hiện nỗi khắc khoải, man mác cho những trái tim cô đơn. Họ mơ về một kỳ nghỉ Noel đầm ấp bên người thân yêu mà không thể trở về nhà trong thực tại.

Mạnh mẽ hơn thế, ca khúc Happy Xmas (War Is Over / Chúc mừng Giáng Sinh, chiến tranh đã qua đi) của John Lennon năm 1971 xoáy sâu vào khía cạnh chính trị. Cảm hứng được John Lennon và vợ Yoko Ono lồng ghép nhằm phản đối cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam thời điểm đó. Đây là ca khúc được cover lại rất nhiều lần bởi Celine Dion, Miley Cyprus hay Jerry Jucker mà không mất đi giá trị nhân văn của tác phẩm. Bài hát có giai điệu đẹp với dàn đồng ca thiếu nhi ngân nga điệp khúc chúc mừng Giáng Sinh.

And so happy Christmas ; For black and for white ; For yellow and red ones ; Let’s stop all the fights.

Và chúc mừng lễ Giáng Sinh ; Tới người da đen, da trắng, da vàng và da đỏ ; Hãy cùng chấm dứt chiến tranh.

Màu sắc cảm xúc trái chiều đan xen

Bên cạnh thông điệp truyền tải, màu sắc giai điệu của các ca khúc Giáng Sinh cũng đa dạng không kém. Phần lớn khán giả cho rằng các ca khúc Giáng Sinh phải vui nhộn, hài hước, nhưng thực tế, các ca khúc Giáng Sinh có màu sắc u buồn vẫn được ưa thích.

Bản nhạc nữ minh tinh Judy Garland hát trong phim Meet me in St. Louis là minh chứng rõ nét. Ca khúc Have Yourself a Merry Little Christmas xuất hiện trong cảnh phim cả gia đình Esther, do Judy đóng phải chuyển lên New York bỏ lại quê nhà St. Louis. Bài hát có mục đích khích lệ tinh thần người em 5 tuổi của Esther vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi. Tuy màu sắc hơi đuộm buồn, giai điệu đầy cảm xúc rung lên trên thanh quản Judy Garland khiến cho bài hát trở nên bất tử. Vẻ đẹp của bài hát đã phản ánh trọn vẹn tình cảm của con người với mảnh đất họ gắn bó, lớn lên và từng trải.

Tương tự như minh tinh Judy Garland, ông vua nhạc rock and roll, Elvis Presley, ghi dấu ấn để đời với ca khúc Giáng Sinh buồn Blue Christmas. Đây là một ca khúc pha trộn nhạc country, pop, gospel nằm trong tổng thể album Giáng Sinh cùng tên. Tuy tâm trạng buồn đè nặng lên không khí bài hát, ca từ bài hát phản ánh được tia hy vọng lóe sáng trong cách thể hiện của Elvis. Bản nhạc còn được siêu sao nhạc country, Martina McBride song ca với Elvis Presley với nỗ lực làm mới đáng khen ngợi.

I’ll have a blue Christmas without you ; I’ll be so blue just thinking about you ; Decorations of red on a green Christmas tree ; Won’t be the same dear, if you’re not here with me.

Anh có một Giáng Sinh thật buồn vì thiếu vắng em ; Anh buồn vì chỉ nghĩ về em ; Trang trí quả cầu đỏ trên cây thông xanh Giáng Sinh ; Mọi thứ không như cũ nếu em không ở bên anh.

Ở chiều ngược lại, sự kỳ diệu ca khúc Giáng Sinh luôn đưa khán giả chìm đắm trong thế giới cổ tích của tuyết trắng, xe trượt, tuần lộc.

Nữ hoàng nhạc jazz, Ella Fitgerald cũng dẫn dắt thính giả thưởng ngoạn miền đất hứa của ông già Noel trong ca khúc Winter Wonderland. Đặc biệt, các khán giả Nam Bán cầu như Úc hay New Zealand chắc chắn sẽ là người khát khao nhất vì họ phải đón Giáng Sinh trong nắng nóng kỷ lục mùa hè.Sự điêu luyện và tinh tế trong cách thể hiện jazz Ella nuông chiều sự hưng phấn, thích thú trong kỳ nghỉ giống như Bing Crosby. Bản nhạc White Christmas của Bing không bao giờ phai nhòa vì sự tinh tế trong giai điệu và ca từ thổn thức đón chờ Giáng Sinh trắng kể từ năm 1941.

Rất khó khăn để bình chọn ca khúc Giáng Sinh hay nhất vì mỗi ca khúc đều có màu sắc, bối cảnh riêng. Điểm chung lớn nhất của những bài hát Giáng Sinh là kết nối nhân loại và những trái tim hướng về sự đoàn kết, chia sẻ, nhất là trong tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

(Theo Esquire, Guardian, Spotify)

RFI