Seite auswählen

„Qua cuộc thực hành này mới biết dân trí Việt đang ở đâu và lộ trình dân chủ hoá đang ở giới hạn nào ngay trong não trạng trí thức Việt? Trí thức Việt đòi dân chủ nhưng sẽ có dân chủ thực không khi ai cũng muốn xỏ mũi người khác để chăn dắt…“

Chu Mộng Long

 

Tôi người Việt, gắn cả đời với nước Việt, dân Việt. Tôi quan tâm đến nước Việt, dân Việt hơn. Tất nhiên, sẽ rất quan tâm đến thế giới, nếu có ảnh hưởng đến nước Việt, dân Việt.

 

Bầu cử Tổng thống Mỹ ắt hẳn có ảnh hưởng đến toàn cầu chứ không chỉ nước Việt, dân Việt. Cho nên rất nhiều người Việt quan tâm đến Tổng thống Mỹ hơn cả quan tâm đến Tổng bí thư của Việt Nam. Điều đó cũng hợp lẽ.

 

Báo chí, dư luận nổ tung vì “nội bộ Mỹ bị phân hoá sâu sắc“. Hiện thông tin các bên tung ra nhiễu loạn đến mức chưa biết ai sẽ thắng cử, Biden hay Trump? Thậm chí nhiều người cổ vũ bạo lực, nội chiến ở Mỹ để tranh đến cùng ai thắng ai trong chiếc ghế rất lâm thời, chỉ 4 năm nhiệm kỳ tổng thống!

 

Tôi ủng hộ Trump khi Trump nói: Cần trả lại sự trung thực của các lá phiếu chứ không phải ai làm tổng thống. Trump hay Biden cũng chỉ ngồi ở toà Bạch Ốc 4 năm, thậm chí nếu không hợp lòng dân Mỹ thì có khi chỉ ngồi được vài năm.

 

Tôi thì quan tâm nội bộ dân Việt, trí thức Việt bị phân hoá hơn là sự phân hoá nội bộ Mỹ. Phân hoá cũng là tất yếu trong thế giới đa nguyên, đa cực, nhưng đáng quan ngại là cuộc “nội chiến” giữa fan Trump và fan Biden kéo dài căng thẳng từ khi diễn ra tranh cử Tổng thống Mỹ đến nay. Hố sâu thù địch giữa hai bên đã leo thang kịch liệt, đến mức các fan sẵn sàng gây hấn bất cứ lúc nào.

 

Tôi cứ giả định, nếu Việt Nam có tranh cử và bầu cử phổ thông đầu phiếu cho một nguyên thủ nào đó, không chừng nguy cơ bạo loạn diễn ra tức khắc chứ không cần đợi đến khủng hoảng sau mấy trăm năm dân chủ như nước Mỹ.

 

Việc ủng hộ người này không ủng hộ người kia là sự tự do cá nhân và là đương nhiên của cuộc sống. Nếu tất cả đều ủng hộ một người thì tổ chức tranh cử, bầu cử làm gì? Hiến pháp văn minh luôn ràng buộc tự do cá nhân không xâm phạm đến tự do của người khác, các lá phiếu khác nhau cần được tôn trọng. Tranh luận là cần thiết. Chỉ trích cũng cần thiết. Nhưng phải có lý lẽ và bằng chứng, không nên vì yêu người này ghét người kia mà thù địch đến mức đe dọa, áp chế nhau.

 

Hôm qua, một giáo sư điện thoại cho tôi nói rất buồn và thất vọng cho trí thức Việt… trong cuộc bầu Tổng thống Mỹ. Tôi cười, phân hoá mới là thực chứ trên dưới một lòng là giả, giáo sư ạ. Tôi động viên rằng cứ coi như sự phân hoá đó là cuộc thực hành dân chủ ở Việt Nam đi. Qua cuộc thực hành này mới biết dân trí Việt đang ở đâu và lộ trình dân chủ hoá đang ở giới hạn nào ngay trong não trạng trí thức Việt? Trí thức Việt đòi dân chủ nhưng sẽ có dân chủ thực không khi ai cũng muốn xỏ mũi người khác để chăn dắt ngay khi đời sống nông nghiệp đã chuyển biến sang văn minh công nghiệp, hậu công nghiệp?

 

Chu Mộng Long