Mục lục
Hoa Kỳ và EU lên tiếng về bản án đối với 3 nhà báo độc lập Việt Nam
Ba nhà báo Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thụy (trái) và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 ở Sài Gòn.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh châu (EU) vừa lên tiếng về bản án “khắc nghiệt” và kêu gọi trả tự do cho ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) vừa bị chính quyền đưa ra xét xử hôm 5/1.
Trong thông cáo gửi cho VOA tối ngày 5/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết: “Chúng tôi rất thất vọng khi hay tin về những bản án khắc nghiệt do một tòa án ở Việt Nam xét xử đối với ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có ông Phạm Chí Dũng, người sáng lập kiêm Chủ tịch của Hội.”
“Những bản án khắc nghiệt này là bản án mới nhất trong một xu hướng bắt giữ và kết án đáng lo ngại nhằm vào các công dân Việt Nam thực hiện các quyền được ghi trong hiến pháp Việt Nam,” Bộ Ngoại Mỹ viết.
Cũng tối hôm 5/1, Phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Kellee Farmer gửi thông cáo cho VOA trong đó kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động của mình phù hợp với các quy định về quyền con người trong hiến pháp cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.
Kết thúc thông cáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ quán viết: “Tự do báo chí là nền tảng của sự minh bạch và quản trị có trách nhiệm. Các tác giả, blogger và nhà báo thường làm công việc của họ với rủi ro lớn, và chúng tôi kêu gọi các chính phủ và công dân trên toàn thế giới – bao gồm cả Chính phủ Việt Nam – phải bảo vệ họ.”
Sáng ngày 6/1, Phát ngôn viên EU gửi thông báo cho VOA trong đó viết: “Việc tuyên phạt ông Phạm Chí Dũng 15 năm tù và ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn mỗi ông 11 năm tù là một diễn biến tiêu cực. Cả ba đều là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), một tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội.”
“Các quốc gia phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc tranh luận công khai ngay cả khi các ý kiến được bày tỏ trái ngược với những ý kiến mà chính quyền đưa ra. Quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt – cả trực tuyến và trực tiếp – là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng xã hội, phát triển bền vững và bao quát cũng như thịnh vượng,” EU cho biết.
“Quyền tự do biểu đạt được đảm bảo bằng Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia ký kết, bao gồm cả Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự. Hơn nữa, trong khuôn khổ của Đánh giá Định kỳ Phổ quát, Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị để đảm bảo và dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt. Tuy nhiên, việc gia tăng những vụ bắt bớ, bỏ tù và kết án những nhà báo Việt Nam và những nhà bảo vệ nhân quyền lại đi theo hướng ngược lại.”
Liên minh châu Âu mong nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Dũng, ông Thụy và ông Tuấn, cũng như tất cả các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.
Liên minh châu Âu cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam và tất cả các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
VOA (06.01.2021)
VN: Nhóm Triều đại Việt bị bộ Công an nói là tổ chức ‘khủng bố’
NGUỒN HÌNH ẢNH,ẢNH CHỤP MÀN HÌNH Gần 200 năm tù cho nhóm Triều Đại Việt trong phiên sơ thẩm ngày 22/9/2020
Bộ Công an Việt Nam vừa ra thông cáo chính thức về nhóm Triều đại Việt, nói rằng đây là tổ chức ‘khủng bố’ từ nước ngoài.
Theo đó, Bộ Công an Việt Nam cho hay tổ chức này ban đầu được gọi là “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thành lập tháng 1/2018, trụ sở đặt tại Canada.
Những người cầm đầu tổ chức này gồm Ngô Văn Hoàng Hùng, sinh tại Tiền Giang, quốc tịch Canada, tự xưng là “tổng tư lệnh Triều đại Việt”; Trần Thanh Đình, sinh tại Nam Định, quốc tịch Đức, tự xưng là “phó thủ tướng”; Ngô Mạnh Cương, sinh tại TP.HCM, quốc tịch Pháp, tự xưng là “tổng cục trưởng tổng cục đặc nhiệm”; Huỳnh Thanh Hoàng, quốc tịch Mỹ, “phát ngôn viên Triều đại Việt”.
Triều đại Việt được cho là đã gửi hàng chục ngàn USD cùng hàng trăm triệu đồng tiền Việt cho người ở Việt Nam để mua vũ khí, chế tạo bom, mìn, may cờ, in truyền đơn, khẩu hiệu phản động, Bộ Công an Việt Nam thông tin.
Theo thông cáo của Bộ Công an Việt Nam, tổ chức Triều đại Việt hoạt động theo phương châm “Đốt sạch”, “Giết sạch”, “Phá sạch”, “Cướp sạch”; hỗ trợ tiền, chỉ đạo số cơ sở trong nước tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại; kích động người dân xuống đường biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền.
Bộ Công an Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo những người tham gia tổ chức này hay “lôi kéo” người khác tham gia, nhận tài trợ từ Triều đại Việt “sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
BBC đã liên lạc trên trang Facebook có tên Chính phủ Quốc gia VN lâm thời, nhưng chưa nhận được hồi âm.
Hồi diễn ra phiên tòa xử 20 thành viên Triều đại Việt tháng 9/2020, hãng tin Reuters cũng cho hay không thể liên lạc được với tổ chức này để hỏi bình luận về vụ việc.
Phiên xử 20 thành viên Triều đại Việt
Hồi cuối tháng 9/2020, Việt Nam đã xử sơ thẩm 20 người được cho là thành viên của nhóm Triều đại Việt.
Phiên tòa kéo dài 2 ngày, kết thúc trưa 22/9, đưa ra án tù lên tới 200 năm cho 20 bị cáo.
Người chịu án nặng nhất là ông Nguyễn Khanh (sinh năm 1964 tại Bình Dương), 24 năm tù, 5 năm quản chế, và phải bồi thường tổng cộng hơn 200 triệu đồng. Ông Khanh bị tuyên hai tội danh là “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Các bị cáo khác nhận mức án từ 2 năm đến 18 năm tù.
Trẻ nhất trong số 20 bị cáo sinh năm 1993, lớn tuổi nhất sinh năm 1952. Hai người trong số này là dân tộc thiểu số S’Tiêng. Bị cáo đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Long An, Nghệ An, Đắk Nông, Thanh Hóa, Kiên Giang, Bình Dương, chủ yếu làm lao động tự do.
Cáo trạng cho hay 20 bị cáo này đã làm bom tự chế và cho nổ ở ba địa điểm khác nhau tại Việt Nam, gồm trụ sở công an tỉnh Hậu Giang; trụ sở công an phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; tại một cột điện ở Kiên Giang.
Các vụ nổ không gây thương vong, nhưng vụ ở trụ sở công an phường 12 khiến hai người bị thương nhẹ, thiệt hại khoảng hơn 400 triệu đồng.
Tại tòa, ông Khanh nói do gia đình khó khăn nên mới nhận tiền để lo cho gia đình chứ không hề có y’định chống phá nhà nước.
Trao đổi với BBC sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa miễn phí cho 2 trong số 20 bị cáo, nói với BBC News Tiếng Việt rằng ‘tòa đã đi vô trọng tâm vấn đề, chỉ ra cái sai của các bị cáo’, nhưng ‘mức án quá nặng’ nên không cho các bị cáo cơ hội hối cải.
Báo Việt Nam đưa tin rằng tổ chức Triều Đại Việt thường đăng các video livestream trên mạng xã hội “nhằm tuyên truyền, nói xấu Đảng, nhà nước, đả kích chế độ xã hội chủ nghĩa, lôi kéo và chỉ đạo mua vật liệu nổ, chế tạo trái nổ, gây nổ tại trụ sở cơ quan nhà nước, công an…”
Thông cáo của Bộ Công an Việt Nam về tổ chức Triều đại Việt được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường trấn áp các tiếng nói bất đồng trước thềm đại hội đảng toàn quốc sắp diễn ra vào cuối tháng này.
Vụ việc mới đây nhất là phiên tòa xét xử ba nhà hoạt động Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Minh Tuấn hôm 5/1 với “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
BBC (06.01.2021)
37 năm tù cho ba nhà báo tự do
Đây là cách chính quyền Việt Nam “tôn trọng tự do báo chí”.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã kết thúc chóng vánh.
Trưa ngày 5/1/2020, chỉ sau nửa ngày nghị án, tòa đã tuyên nhà báo Phạm Chí Dũng mức án 15 năm tù, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng mức án 11 năm tù. Ngoài án tù, cả ba người còn bị tuyên phạt ba năm quản chế.
Các mức án được đưa ra cho tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 2, Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Cáo trạng mập mờ phi lý
Phần lớn nội dung cáo trạng mô tả cách thức các bị cáo thành lập và điều hành hoạt động của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Tội trạng nằm ở những bài viết được cho là “chống nhà nước”, đăng trên tờ Việt Nam Thời Báo, cơ quan ngôn luận của hội. Tuy nhiên, cáo trạng không hề chỉ rõ ra bài viết nào trong số hàng ngàn bài đã đăng tải là “vi phạm pháp luật”.
Đặc biệt, dẫn theo cáo trạng, trong số 1.530 bài của nhà báo Phạm Chí Dũng, chỉ có 25 bài bị xác định “vi phạm”. Tức tỷ lệ “sai phạm”, ngay cả khi có thể chứng thực, chỉ là 1,6%.
Nhưng cáo trạng không nêu được sai phạm cụ thể là gì.
Những bài viết bị buộc tội của các nhà báo là kết quả áp đặt một chiều, không cho phép phản biện, không ai biết tiêu chuẩn định “tội” là gì, và hoàn toàn không công khai.
Bản cáo trạng còn phi lý khi khẳng định những “hành vi chống phá” của các nhà báo là “đặc biệt nghiêm trọng gây nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến An ninh quốc gia”.
Nó phi lý vì Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và tờ Việt Nam Thời Báo của hội đã được lập ra từ tận năm 2014. Các hoạt động diễn ra công khai, không hề giấu diếm. Các nhà báo khi thành lập hội đều công bố rõ ràng ý định và việc làm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu đó là hành vi “đặc biệt nghiêm trọng” cần phải được “ngăn chặn kịp thời”, chính quyền đã làm gì trong suốt sáu năm?
Truyền thông kết án
Ngay từ buổi sáng, khi phiên tòa chỉ vừa bắt đầu, các tờ báo trong nước đã đồng loạt đăng bài theo cùng một nội dung kết tội, với nhiều phần bê nguyên từ cáo trạng của Viện Kiểm sát (kể cả lặp lại những lỗi câu chữ trong đó).
Tiêu đề của tất cả các báo đều gần như một: “Xét xử Phạm Chí Dũng và đồng phạm về tội chống phá Nhà nước”. Nghĩa là chưa cần tòa tuyên án, trong mắt báo chí quốc doanh, họ đã là tội phạm.
Đặc biệt, nhiều bài viết cố tình lập lờ đánh lận con đen để tô đậm thêm “tội trạng” của các bị cáo.
Trên Tuổi Trẻ, đoạn viết về bị cáo Phạm Chí Dũng khẳng định rằng ông “sử dụng nhiều bút danh khác nhau để viết, đăng tải 1.530 tin, bài viết […] có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.” Nội dung tương tự cũng xuất hiện trên các báo Người Lao Động, Lao Động, Vietnamnet…
Nghĩa là theo các báo trên, ông Phạm Chí Dũng đã có đến 1.530 bài viết “xuyên tạc, phỉ báng, bịa đặt, xâm phạm, chống phá”.
Chỉ một số rất ít, như bài đăng trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, là ghi rõ “qua giám định, cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Phạm Chí Dũng, 5 bài viết của Nguyễn Tường Thụy và 6 bài viết của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc…”
Nhiều báo cũng sao chép nội dung từ cáo trạng khi gọi trang “Việt Nam Thời Báo” của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là “trang web, blogger”. Người viết cáo trạng và các nhà báo trên không phân biệt được sự khác biệt giữa “blog” (trang nhật ký trên mạng) và “blogger” (người tạo nội dung cho trang blog).
Đến đầu giờ trưa, khi bản án được tuyên, các báo quốc doanh cũng đồng loạt đưa tin cùng một nội dung về tội trạng của các bị cáo. Không một tờ nào trong số đó đăng tải ý kiến của bị cáo hay luật sư biện hộ tại tòa.
Ảnh chụp màn hình bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Bài báo đã thay đổi tựa sau khi bị phản ứng. Nguồn: trang Facebook báo Tuổi Trẻ.
Riêng báo Tuổi Trẻ còn bị phản ứng mạnh với cách giật tít “Nhận tiền viết bài chống phá Nhà nước, Phạm Chí Dũng lãnh 15 năm tù”, cố tình tạo ấn tượng về hành vi “phạm tội” của bị cáo. Số tiền được nói đến trong bài chỉ là tiền nhuận bút được trả cho các bài viết của các nhà báo. Ngay sau đó, Tuổi Trẻ đã thay đổi tít bài của mình.
Dằn mặt dư luận trong lẫn ngoài nước
Đây là phiên tòa đặc trưng của những vụ án chính trị: cáo trạng mơ hồ, xử án chóng vánh, mức án được định sẵn và hình phạt răn đe rất nặng.
Mức án nặng nề dành cho ba nhà báo dường như không chỉ để dằn mặt dư luận trong nước mà cả cộng đồng quốc tế.
Trước khi phiên tòa diễn ra, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã gọi các cáo buộc đối với ba nhà báo là “ngụy tạo” (bogus).
Bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) thì nhận xét “ngay cả so với tiêu chuẩn đàn áp khắc nghiệt của chính mình, mức án nặng nề này cho thấy chế độ kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam đã lún sâu đến mức nào”.
Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), ông Daniel Bastard, nhấn mạnh trong thông cáo báo chí rằng các bản án tù này gây nên một sự sửng sốt cực độ. Nó cho thấy ý định của chính quyền Việt Nam trong việc dập tắt mọi hình thức tranh luận của xã hội dân sự.
Đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), ông Shawn Crispin, trong thông cáo báo chí, tuyên bố rằng các bản án tù tàn nhẫn này cho thấy Hà Nội không hề có ý định cho phép các yếu tố căn bản nhất của tự do báo chí hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo xếp hạng của CPJ về “thành tích” bắt giam nhà báo, Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Trung cộng ở khu vực châu Á.
Theo bảng xếp hạng tự do báo chí vào năm 2019 của Tổ chức Phóng viên Không biên giới, Việt Nam đứng chót trong số các nước Đông Nam Á. Nhiều năm qua Việt Nam luôn thuộc nhóm các nước cuối bảng trong hạng mục tự do báo chí trên toàn cầu. Ảnh: seasia.co.
Còn theo bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF trong năm 2020, Việt Nam đứng gần chót bảng, thứ 175 trên 180 nước.
Trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam bày tỏ phản ứng giận dữ trước vụ xử án bỏ túi của chính quyền.
Không ít người lo ngại, rằng bất kỳ lúc nào mình cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt giữ và bỏ tù chỉ vì lên tiếng trước các vấn đề đất nước.
Một số ý kiến cho rằng chỉ có Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn bị bắt, trong khi hàng chục hội viên khác của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vẫn bình an vô sự, là do bộ ba kia “dám” đứng ra lập hội – một điều cấm kỵ đối với chính quyền độc tài.
Trên danh nghĩa, quyền lập hội là một quyền được ghi rõ trong Hiến pháp. Trên thực tế, chính quyền không dung thứ cho bất kỳ ai tự tiện lập ra các tổ chức dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của họ.
Dù ý đồ của chính quyền là gì, mọi dấu hiệu đều cho thấy họ vẫn sẽ quyết tâm dập tắt mọi tiếng nói phản biện theo những cách thức tùy tiện và hà khắc nhất có thể.
Trừ phi gặp phải sự phản kháng lan rộng và đủ sức nặng từ dư luận trong và ngoài nước, quyền lực độc tôn cùng các đạo luật mơ hồ sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tiếp tục mặc sức đàn áp những ý kiến bất đồng, như cách họ đã làm suốt hàng chục năm qua.
Luật Khoa Tạp Chí (06.01.2021)
Liên Âu mong Việt Nam trả tự do cho 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập vừa bị tuyên 37 năm tù
Người Phát ngôn Liên minh châu Âu EU hôm 6-1-2021 ra thông cáo khẳng định việc Tòa án nhân dân TPHCM trước đó 1 ngày kết án với 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là “diễn biến tiêu cực”.
Thông cáo được đăng tải trên Fanpage Liên minh châu Âu tại Việt Nam và trên website chính thức của Liên minh châu Âu khẳng định:
“Quyền tự do biểu đạt được đảm bảo bằng Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia ký kết, bao gồm cả Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự.
Hơn nữa, trong khuôn khổ của Đánh giá Định kỳ Phổ quát, Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị để đảm bảo và dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt.
Tuy nhiên, việc gia tăng những vụ bắt bớ, bỏ tù và kết án những nhà báo Việt Nam và những nhà bảo vệ nhân quyền lại đi theo hướng ngược lại.
Liên minh châu Âu mong các nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Dũng, ông Thủy và ông Tuấn, cũng như tất cả các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.
Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam và tất cả các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.”
Liên minh châu Âu cũng cho biết, Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) là một tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do lập hội.
“Các quốc gia phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc tranh luận công khai ngay cả khi các ý kiến được bày tỏ trái ngược với những ý kiến mà chính quyền đưa ra.
Quyền tự do bảy tỏ quan điểm và biểu đạt – cả trực tuyến và trực tiếp – là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng xã hội, phát triển bền vững và bao trùm cũng như thịnh vượng.” – thông cáo của người phát ngôn EU thể hiện.
Hôm 5-1-2021, Tòa án TPHCM kết án 3 nhà báo thuộc Hội Nhà báo độc lập tổng cộng 37 năm tù giam bao gồm ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội – 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch và Biên tập viên Việt Nam Thời Báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng 11 năm tù.
Cả 3 đều bị khép tội “Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 117 Bộ uật Hình sự 2015.
RFA (06.01.2021)
RFS và CPJ lên tiếng về bản án 37 năm tù đối với 3 thành viên ‘Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam’
Ba thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (từ trái qua): Lê Hữu Minh Tuấn, Nguyễn Tường Thuỵ và Phạm Chí Dũng RFA
Tổ chức phóng viên Không biên giới (RFS) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) phổ biến thông cáo báo chí liên quan Tòa án Việt Nam, vào ngày 5/1, tuyên bản án 37 năm tù giam đối với 3 thành viên của “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”.
Giám đốc Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, ông Daniel Bastard nhấn mạnh trong thông cáo báo chí rằng các bản án tù mà Chính quyền Việt Nam tuyên cho 3 nhà báo của “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” gây nên một sự sửng sốt cực độ. Phiên tòa xét xử được tiến hành trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ 13, sẽ diễn ra vào cuối tháng 1 và các bản án nặng nề rõ ràng cho thấy Chính quyền Việt Nam dập tắt mọi hình thức tranh luận của xã hội dân sự, mà 3 thành viên của “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” từng thực hiện.
RFS cho rằng ba nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn đã phải chịu đựng những điều kiện kinh khủng. Họ bị giam giữ trong nhiều tháng mà không được tiếp xúc với luật sư đến tận cuối tháng 11, chỉ vỏn vẹn khoảng 1 tháng trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở ra.
Thông cáo báo chí của RSF ghi nhận nhà báo Phạm Chí Dũng, từng là đảng viên Đảng CSVN và được RSF vinh danh “anh hùng thông tin” năm 2014. Ông Phạm Chí Dũng bị bắt giữ tại nhà, ở TP.HCM hồi tháng 11/2019. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy bị bắt giữ ở Hà Nội ngày 23/5/2020. Và, nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn bị bắt giữ vào tháng 6/2020.
Cả 3 nhà báo của “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Theo RSF, đây là một tội danh mà Chính quyền Việt Nam thường sử dụng để bịt miệng những ai lên tiếng khác với đường lối tuyên truyền của Đảng CSVN lãnh đạo, mặc dù điều luật này mâu thuẫn với Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam, hiến định về quyền tư do truyền thông của công dân Việt Nam.
Thông cáo báo chí của CPJ, được phổ biến cùng ngày 5/1, cho biết Bộ Công an Việt Nam đã không phản hồi về email của CPJ liên quan bản án 37 năm tù giam đối với 3 thành viên của “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”. CPJ cũng chưa thể xác định được 3 nhà báo này có ý định kháng án hay không.
Đại diện cấp cao khu vực Đông Nam Á của CPJ, ông Shawn Crispin, trong thông cáo báo chí, tuyên bố rằng các bản án tù tàn nhẫn dài hơn một thập niên của Chính quyền Việt Nam đối với mỗi nhà báo gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cho thấy Hà Nội không hề có ý định cho phép thậm chí là các yếu tố căn bản nhất của tự do báo chí hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông Shawn Crispin kêu gọi Chính quyền Việt Nam nên để cho 3 nhà báo này được kháng án và bảo đảm rằng giới nhà báo cùng với tự do báo chí được thực thi ở Việt Nam.
CPJ ghi nhận Việt Nam hiện cầm tù ít nhất 15 nhà báo tính đến ngày 1/12/2020, bao gồm 3 nhà báo của “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam”.
CPJ xếp hạng Việt Nam là quốc gia thứ nhì sau Trung Quốc về bắt giam nhà báo ở Châu Á.
RSF xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong danh sách 180 nước có tự do báo chí trong năm 2020.
RFA (05.01.2021)
Việt Nam : Nhà báo Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù
Ba nhà báo (hàng trên, từ trái sang phải) Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn bị kết án từ 11 đến 15 năm tù ngày 05/01/2021. Hàng dưới : Phạm Chí Thành, Trần Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy. © hrw.org
Hôm nay 05/01/2021, tòa án Thành phố Hồ Chí Minh trong phiên tòa ngắn ngủi đã tuyên án ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập là Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người 11 năm tù vì cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước. Đáng chú ý là ngoài hình phạt tù, các bị cáo còn bị tịch thu toàn bộ số tiền được cho là thu lợi bất chính.
Theo cáo trạng, ba nhà báo trên đây đã « làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước ». Các ông Phạm Chí Dũng (55 tuổi), Nguyễn Tường Thụy (71 tuổi) và Lê Hữu Minh Tuấn (32 tuổi, sinh viên) còn bị quản chế ba năm sau khi đã chấp hành bản án.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thành lập Hội Nhà báo Độc lập năm 2014 và giữ chức chủ tịch hội. Ông Nguyễn Tường Thụy là phó chủ tịch, Lê Hữu Minh Tuấn phụ trách quản trị trang web Việt Nam Thời Báo. Cáo trạng cho biết từ ngày thành lập 04/07/2014 đến 21/11/2019, các trang web và blog của Hội Nhà báo Độc lập đã đăng hơn 23.500 bài viết, trong đó riêng ông Dũng khoảng 1.530 bài.
Riêng báo Tuổi Trẻ nêu ra những khoản nhuận bút lớn (ông Dũng nhận được nhiều tỉ đồng, ông Thụy 180 triệu đồng, ông Tuấn 423 triệu đồng) và chạy tựa « Nhận tiền viết bài chống Nhà nước, Phạm Chí Dũng lãnh 15 năm tù ».
Cơ quan chức năng giám định có 25 bài viết của ông Phạm Chí Dũng, 5 bài của ông Nguyễn Tường Thụy và 6 bài của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung « xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ; bịa đặt, xâm phạm uy tín của đảng, chống nhà nước Việt Nam ».
Trên Facebook, luật sư Đặng Đình Mạnh (biện hộ cho ông Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn) cho biết trong phiên tòa, cả ba ông đều thừa nhận toàn bộ việc thành lập, tham gia Hội Nhà báo Độc lập và việc viết báo, là những quyền theo hiến pháp quy định; nhưng không cho rằng những hành vi ấy vi phạm pháp luật Việt Nam.
Cũng trên Facebook, luật sư Nguyễn Văn Miếng (bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng và Nguyễn Tường Thụy) thuật lại lời nói sau cùng trước tòa của ba bị cáo. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng đây là bản án quá nặng, sẽ bất lợi cho bang giao quốc tế trong giai đoạn khó khăn này, đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại. Ông Nguyễn Tường Thụy cũng đề nghị trả hồ sơ, nói rằng trong tương lai, những việc các ông làm hôm nay sẽ là chuyện bình thường. Ông Lê Hữu Minh Tuấn khẳng định chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Phản đối của các tổ chức nhân quyền và tự do ngôn luận quốc tế
Một ngày trước phiên tòa, ông Phil Robertson, phụ trách châu Á của Human Rights Watch (HRW) tuyên bố những cáo buộc trên đây là « sai lạc ». Ông nói : « Nếu đảng cầm quyền tin chắc vào mình, thì phải chứng tỏ qua việc tôn trọng các quyền dân sự và chính trị, chấm dứt kiểm soát ngặt nghèo báo chí và cho phép các nhà báo độc lập tự do bày tỏ quan điểm, thay vì dập tắt tiếng nói của họ qua việc bắt bớ và tuyên những bản án nặng ».
Reuters hôm nay dẫn lời bà Emerlynne Gil, phó giám đốc khu vực của tổ chức Amnesty International nhấn mạnh : « Ngay cả theo các tiêu chí đàn áp, các bản án nặng nề này choi thấy các nhà kiểm duyệt Việt Nam đã vi phạm trầm trọng như thế nào ».
Trong báo cáo mới nhất của Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) có trụ sở tại Paris, Việt Nam nằm trong số 5 nước bỏ tù các nhà báo nhiều nhất thế giới với 28 tù nhân.
RFI (05.01.2021)
Tuyên bố của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam
Về việc: Nhà cầm quyền Việt Nam kết án thành viên Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam.
Ngày 05 tháng 01 năm 2021, Tòa án Tp Hồ Chí Minh đã tổ chức cái gọi là “Phiên tòa sơ thẩm” để xét xử ba thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐLVN) theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự về cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ba thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án với mức án như sau:
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội NBĐLVN, 15 năm tù, 3 năm quản chế.
Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch HNBĐLVN, 11 năm tù và 3 năm quản chế.
Ông Lê Hữu Minh Tuấn, hội viên HNBĐLVN, 11 năm tù và 3 năm quản chế.
Trước đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn vào biệt giam một thời gian dài không cho tiếp xúc với các luật sư bào chữa hoặc thân nhân. Họ chỉ được gặp các luật sư của mình một thời gian rất ngắn trước khi xét xử và trong khi xét xử, tòa đã bỏ qua những lời biện hộ đúng đắn, phù hợp pháp luật của các luật sư cũng như những người này để kết án một cách bất công.
Phiên tòa không được tiến hành công khai, rất chóng vánh với những bản án nặng nề này nhằm trả thù hèn hạ những tiếng nói yêu dân chủ, tự do, hòa bình và vì sự tồn vong của đất nước, của dân tộc và vì nỗi đau của người dân dưới chế độ độc tài.
Nhận định rằng:
Hội nhà báo độc lập Việt Nam, là một tổ chức xã hội dân sự nghề nghiệp được thành lập và hoạt động dựa trên Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.
Những hoạt động của HNBĐLVN kể từ khi thành lập đến nay, hoàn toàn căn cứ trên cơ sở về quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí và tự do lập hội mà nhà nước Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ, giam cầm và tuyên những bản án nặng nề, ác ý đối với các thành viên HNBĐLVN, đồng thời tiến hành sách nhiễu đồng loạt các thành viên trong HNBĐLVN và nhiều công dân Việt Nam khác trong thời gian vừa qua, một lần nữa, chứng tỏ rằng: Nhà cầm quyền Việt Nam đã đi ngược lại Hiến pháp và luật pháp do chính họ đưa ra.
Những hành động này của nhà cầm quyền Việt Nam, đi ngược lại những tuyên bố của họ, không chấp nhận những phản biện ôn hòa của HNBĐLVN cũng như người dân Việt Nam.
Điều này, xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội mà Nhà nước Việt Nam đã cam kết trong Luật Điều Ước Quốc Tế, đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCNVN khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 09/4/2016.
Việc gia tăng đàn áp các tổ chức Xã hội dân sự tại Việt Nam, trong đó có HNBĐLVN cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã hoàn toàn không tôn trọng những cam kết của mình với các quốc gia liên quan về thực thi quyền con người tại Việt Nam.
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam tuyên bố:
Chúng tôi lên án hành vi của Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm ngược lại Điều 25 Hiến pháp 2013.
Bằng việc bắt giữ, kết án các thành viên của HNBĐLVN, nhà cầm quyền Việt Nam đã đảo ngược hoàn toàn với các quyền tự do căn bản của công dân, cũng như những cam kết của Nhà nước Việt Nam với Công ước Dân sự – Chính trị và cam kết nhân quyền của Việt Nam. Hành vi này đi ngược lại xu thế tiến bộ, văn minh của xã hội loài người trong việc thực thi các giá trị phổ quát con người đưa đất nước đến sự văn minh, đạo đức và thịnh vượng và là hành vi không thể chấp nhận được.
Trong bối cảnh cả đất nước đang đứng trước sự xâm lăng của các thế lực bành trướng Phương Bắc, hành vi này là sự thể hiện thái độ tiếp tay cho các thế lực bành trướng xâm lược lãnh thổ Việt Nam.
Trong bối cảnh đời sống nhân dân đang hết sức khó khăn cần một sự đồng sức, đồng lòng của mọi người dân, mọi tổ chức, tầng lớp xã hội để vượt qua, đây hành vi đi ngược lại những việc cần làm nhằm cho xã hội ổn định, tiến bộ và phát triển.
Trong bối cảnh cả thế giới đang chứng kiến những sự tụt hậu, lên án các chế độ độc tài kìm hãm sự tiến bộ của các dân tộc, việc nhà cầm quyền Việt Nam đang tiến hành với HNBĐLVN chứng tỏ sự độc tài của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng gia tăng. Điều này, càng tạo thêm sự xa lánh của thế giới văn minh đối với Việt Nam.
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam nghiêm khắc yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam ngay lập tức hủy các bản án, xoá bỏ mọi cáo buộc vô lý, các bản án ác ý nhằm trả thù và trả tự do vô điều kiện cho các thành viên của HNBĐLVN cũng như hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị cầm tù chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của công dân một cách ôn hòa.
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, sẽ tiếp tục hoạt động dựa trên tôn chỉ, mục tiêu thành lập Hội nhà báo độc lập, nhấn mạnh đối thoại, phản biện ôn hòa để đưa đất nước, dân tộc đi lên văn minh, hiện đại.
Chúng tôi kêu gọi sự đoàn kết của các thành viên trong Hội NBĐLVN trước thử thách to lớn này để vượt qua bất cứ khó khăn nào, nhằm thực hiện quyền của công dân, quyền con người đang bị tước đoạt, qua đó, đấu tranh cho một nước Việt Nam văn minh, thịnh vượng và phát triển.
Chúng tôi kêu gọi mọi người dân Việt Nam, ý thức một cách rõ ràng về quyền công dân của mình, đặc biệt là những quyền cơ bản như tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội… hiện đang bị xâm hại hết sức nghiêm trọng, cần sự đoàn kết, đấu tranh ôn hòa cho quyền được làm người của mình. Qua đó, ủng hộ HNBĐLVN ngày càng phát triển.
Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức Quốc tế, các tổ chức Xã hội dân sự, đặc biệt là những quốc gia đã tham gia những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, các quốc gia liên quan… cần có những hành động thiết thực hơn đối với Nhà cầm quyền Việt Nam trong việc yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng quyền con người của công dân, tôn trọng và thực hiện các cam kết mà họ đã long trọng ký kết.
Ngày 05/01/2021
HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM
T.M BAN LÃNH ĐẠO HỘI NBĐLVN
Quyền Chủ tịch
J.B Nguyễn Hữu Vinh
VNTB (06.01.2021)
Dân biểu Đức kêu gọi trả tự do cho ông Phạm Chí Dũng
Dân biểu liên bang Đức Renate Künast hôm 5/1 kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng ngay sau khi ông bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế.
“Hôm nay tôi rất bàng hoàng nhận tin nhà báo nổi tiếng Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đã bị Tòa án Nhân dân Tp. HCM kết án 15 năm tù và thêm 3 năm quản thúc tại gia với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam,” bà Künast viết trong một thông cáo bằng tiếng Đức và được tổ chức VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền dịch sang Việt ngữ và gửi cho VOA ngày 5/1.
“Hai cộng sự viên của ông cũng bị tòa án này kết án tổng cộng 22 năm tù và 6 năm quản thúc tại gia. Đây là án tù cao nhất cho tới nay cho tội danh này đối với người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam,” Dân biểu Đức cho biết.
“Cũng trong tư cách là Chủ tịch Nhóm Dân biểu về Quan hệ với Khối ASEAN của Quốc hội Liên bang Đức tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Ts. Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn,” bà kêu gọi.
Dân biểu Künast, trước đó đã chính thức bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng, cho biết rằng ngay trước khi bị bắt Ts. Dũng đã nhiều lần và mạnh mẽ kêu gọi Nghị Viện Âu Châu không bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) nếu Việt Nam không trả tự do cho các tù nhân chính trị và không cải thiện tình trạng nhân quyền một cách cụ thể.
“Các quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu (EU) có bổn phận đấu tranh cho ông được tự do và cho tự do báo chí ở Việt Nam với tất cả các phương tiện của EVFTA và Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa EU và Việt Nam (PCA),” thông cáo viết.
Bà nhấn mạnh: “Những hứa hẹn cải thiện nhân quyền trong tiến trình phê chuẩn EVFTA là chưa đủ mà cần chứng minh bằng hành động thực tế. Thương mại tự do với khối EU không thể diễn ra mà không bảo vệ nhân quyền.”
Theo VOA (05.01.2021)
Nhà báo Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, 3 năm quản chế
Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế, ngày 5/1/2021.
Hôm 5/1, ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị kết án tổng cộng 37 năm tù và 9 năm quản chế, một luật sư bào chữa cho VOA biết. Riêng ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội, bị phạt 15 năm tù và 3 năm quản chế.
Hai thành viên còn lại Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người bị phạt 11 năm tù và 3 năm quản chế trong vụ án “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 do Tòa án Nhân nhân Tp. Hồ Chí Minh xét xử ngày 5/1.
Ông Nguyễn Văn Miếng, một trong hai luật sư bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy, nói với VOA:
“Đây là một mức án rất nặng nề trong giai đoạn hiện nay khi mà Việt Nam đang tranh thủ sự quan tâm của quốc tế.
“Ba người này đã thể hiện quyền tự do báo chí và cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền nhưng đã bị tòa án kết án “tuyên truyền chống nhà nước,” “cổ xúy cho việc thay đổi thể chế chính trị thành tam quyền phân lập”. Điều này đã bị các bị cáo bác bỏ.”
Luật sư Miếng lặp lại phát biểu sau cùng của ông Dũng tại tòa:
“Cuối phiên tòa ông Phạm Chí Dũng nói rằng nếu ông bị kết án với mức án nặng nề là việc vi phạm trắng trợn quyền tự do về báo chí, cũng như các quyền về dân chủ và nhân quyền khác ở Việt Nam, và sẽ bất lợi cho mối bang giao giữa Việt Nam và các nước khác trong giai đoạn hiện nay.”
Bà Bùi Thị Hồng Loan, vợ của ông Phạm Chí Dũng, người được dự phiên tòa hôm 5/1, cho VOA biết rằng nếu chiếu theo khung hình phạt 10-20 năm tù của khoản 2 Điều 117 thì bà không ngạc nhiên về bản án đối với chồng bà, nhưng đối chiếu với bản cáo trạng thì bà cảm thấy buộc tội như vậy là “mơ hồ.”
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm 5/1 cho VOA biết rằng RSF “thực sự kinh hãi trước những bản án rất nặng nề này.”
“Càng kinh ngạc hơn khi biết rằng phiên xử chỉ kéo dài chưa đầy nửa ngày. Phiên tòa cho thấy giới lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay coi thường hoàn toàn Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều 25 của Hiếp pháp này, trong đó tuyên bố quyền tự do báo chí,” ông Daniel Bastard, Trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của RSF viết.
“Phiên tòa này một lần nữa thể hiện sự kém cỏi của nền công lý Việt Nam,” ông Bastard nhận định.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết các bản án này cho thấy sự khinh thường của chính phủ Việt Nam đối với truyền thông tự do, đặc biệt là trước thềm Đại hội Đảng XIII.
Bà Emerlynne Gil, Phó giám đốc khu vực của AI cho Reuters biết: “Mức độ nghiêm trọng của các bản án cho thấy sự khắc nghiệt của việc kiểm duyệt ở Việt Nam.”
Trước phiên tòa, Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), gọi các cáo buộc này là “không có thật”.
“Nếu đảng cầm quyền tự đắc trong vai trò lãnh đạo của mình, thì đảng này nên thể hiện sự tự tin của mình bằng cách tôn trọng các quyền dân sự và chính trị, chấm dứt kiểm soát chặt chẽ báo chí và cho phép các nhà báo độc lập tự do phát biểu ý kiến của mình thay vì bịt miệng bằng việc bắt giữ và bỏ tù dài hạn,” ông Robertson nói.
Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAV), đồng thời là một cộng tác viên thường xuyên của VOA, bị bắt ngày 21/11/2019, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”
Báo Công an Tp. HCM hôm 5/1 viết: “Phạm Chí Dũng còn tạo lập quan hệ, ký kết hợp đồng viết bài, trả lời phỏng vấn với các trang tin điện tử, các cơ quan truyền thông nước ngoài với mục đích “đấu tranh” làm thay đổi thể chế chính trị Việt Nam.”
VOA (05.01.2021)