Seite auswählen
Ảnh minh họa: Chủ tịch tập đoàn Alibaba Mã Vân tham dự Hội Nghị Thế Giới về Thông Minh Nhân Tạo (WAIC) tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 17/09/2018.
Ảnh minh họa: Chủ tịch tập đoàn Alibaba Mã Vân tham dự Hội Nghị Thế Giới về Thông Minh Nhân Tạo (WAIC) tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 17/09/2018. REUTERS – Aly Song
Mai Vân

Vụ ông Lại Tiểu Dân, cựu lãnh đạo tập đoàn tài chính khổng lồ Trung Quốc Hoa Dung vừa bị tuyên án tử hình, trong khi tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, nguyên lãnh đạo của tập đoàn Alibaba, đã “mất tích” từ hai tháng nay đã thu hút sự chú ý của báo giới Pháp. Trong bài viết “Vinh quang và ô nhục của các đại gia quá liều lĩnh tại Trung Quốc”, báo La Croix ngày 06/01/2020 đã điểm lại một số vụ thanh trừng tiêu biểu thời Tập Cận Bình.

Vì không tôn trọng đường lối chính thức này, nhà tỷ phú lừng danh Jack Ma, từng được chế độ tung lên may xanh như biểu tượng của nền công nghệ cao của Trung Quốc, đã bị thất sủng vào tháng 11 vừa qua. Tương tự như một loạt các ông chủ khác trong những tháng gần đây, những người đã dám chỉ trích hoặc có thái độ coi thường chính quyền.

Vì vậy, khi mọi người đang thắc mắc là ông Mã Vân (Jack Ma) đã mất tích từ cách nay 2 tháng đã đi đâu, thì cựu lãnh đạo của tập đoàn tài chính khổng lồ Trung Quốc Hoa Dung (Huaron), ông Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), đã bị tuyên án tử hình vào hôm 05/01 về tội “tham nhũng và đa thê”. Sau khi thực hiện một “lời thú tội trên truyền hình” một năm trước đây – những lời thú tội thường do bị tra tấn hoặc ép buộc – ông bị kết tội nhận hối lộ một khoản tiền hơn 200 triệu euro.

Một giáo sư kinh tế Đại Học Phúc Đán (Fudan) ở Thượng Hải giải thích: “Lại Tiểu Dân là hiện thân cho số phận bi thảm của nhiều ông chủ lớn, đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), những người có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn miễn là phục vụ lợi ích của chế độ”,

 

Theo vị giáo sư xin được giấu tên này, sự khác biệt giữa các công ty tư nhân và công ty nhà nước rất nhỏ ở Trung Quốc. Họ không thể làm gì nếu không có sự đồng ý của của ĐCSTQ. “Nhưng nếu đường lối chính trị đột ngột thay đổi, hoặc nếu bạn dám đặt vấn đề về chính sách đó, thì lưỡi dao máy chém lập tức rơi xuống, ĐCSTQ muốn bạn trở thành một tấm gương để khiến người khác sợ hãi”.

Tháng 11 năm ngoái, Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), 72 tuổi, ông chủ của một tập đoàn kinh doanh nông sản hùng mạnh, đã bị bắt cùng gia đình vì công khai chỉ trích chính quyền địa phương đã giảm nhẹ mức nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi năm 2019. Tập đoàn của ông sau đó đã bị chính quyền địa phương tiếp quản.

Trong “chiến dịch chấn chỉnh” rộng lớn này nhằm giành quyền kiểm soát khu vực tư nhân, tiếp theo chiến dịch chống tham nhũng được phát động từ năm 2012, ĐCSTQ nhắm vào các lĩnh vực cụ thể và sinh lợi như ngân hàng, công nghệ cao và kinh doanh nông nghiệp, hoặc bất động sản.

Ông chủ cũ của tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Trung Quốc Anbang, Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui) – người đã mua khách sạn Waldorf Astoria danh tiếng ở New York vào năm 2014 – đã mất tích vài tháng vào năm 2017, trước khi bị kết án một năm sau đó mười tám năm tù về tội “tham ô”. Có lẽ vì ông đã đầu tư hơi quá tự do. Theo vị giáo sư của Đại Học Phúc Đán, “Có những lằn ranh đỏ không được vượt qua”.

“Tỷ phú đỏ” ngành bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), 70 tuổi, con trai của một quan chức cao cấp sáng lập ra ĐCSTQ, đã bị kết án mười tám năm tù vào tháng 9 năm 2019 vì “vi phạm kỷ luật đảng”. Tư cách là “hoàng tử đỏ” đã bảo vệ ông từ lâu, nhưng vô số lời chỉ trích mà ông đưa ra nhắm vào chế độ và lãnh đạo Tập Cận Bình, người mà ông dám gọi là “thằng hề” vào tháng 3 năm ngoái, đã khiến ông hoàn toàn bị thất sủng. Thái độ ngạo mạn của ông đã bị coi là hành vi phản bội ĐCSTQ, vốn sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng 7 tới đây./.

RFI