Trong vòng ít ngày sau vụ đám đông ủng hộ viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tràn vào và làm loạn tại quốc hội Mỹ hôm 6/1, một loạt các mạng xã hội, bao gồm cả Facebook và Twitter, hạn chế tương tác, thậm chí khóa tài khoản của ông Trump.
Điều này dẫn đến những tranh cãi nảy lửa giữa nhiều người Việt về tự do ngôn luận và quyền hạn của các mạng xã hội.
Như VOA đã đưa tin, Twitter nói hôm 8/1 rằng hai trong số các bài Tổng thống Trump đăng cùng ngày đã vi phạm chính sách chống lại việc hiển dương bạo lực.
Trước đó, trong các hôm 6 và 7/1, Facebook thông báo tạm khóa rồi khóa vô hạn định tài khoản của ông Trump, viện dẫn lý do mạng xã hội đã bị sử dụng để “kích động bạo lực nhằm vào chính quyền được bầu một cách dân chủ”.
Người ủng hộ Trump: Tự do ngôn luận bị vi phạm
Nhà báo Hoàng Hải Vân, có hơn 105.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân hôm 10/1 rằng các hãng công nghệ lớn, còn gọi là Big Tech, đã “đi tiên phong bịt miệng ông Trump”.
Dưới góc nhìn của nhà báo kỳ cựu này, các Big Tech, mà ông cho là do đảng Dân chủ Mỹ kiểm soát, đang thực sự biến thành “một thứ nhà nước bên trong nhà nước” với “quyền lực thật đáng sợ”. Từ suy nghĩ như vậy, ông Vân bình luận rằng “chốt chặn cuối cùng để bảo vệ tự do ngôn luận là Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ trong thực tế đang bị xóa bỏ”.
Vẫn nhà báo này khẳng định “Tự do cho người Mỹ và hòa bình cho thế giới là thành tựu lớn nhất mà chính quyền Trump làm được chỉ trong vòng 4 năm”.
Cuộc tấn công toà nhà Quốc hội Mỹ vừa qua, cùng các phát ngôn trước đó của ông Trump rõ ràng là những điều đe doạ cho nền dân chủ, cho các định chế dân chủ Mỹ. Không thể so sánh cuộc tấn công Điện Capitol với các cuộc biểu tình, phản đối của người dân chịu bất công ở các quốc gia độc tài, phi dân chủ.Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Viết trên trang cá nhân hôm 9/1, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải, tác giả của nhiều bài phản biện từng bị chính quyền Việt Nam đưa vào tầm ngắm, công nhận là Facebook và Twitter không vi phạm pháp luật Mỹ khi họ ra quyết định đối với tài khoản của ông Trump, nhưng họ “đã vi phạm đạo đức”.
“Có lẽ, cộng đồng mạng cần phải lên án hai hãng công nghệ khổng lồ này về khía cạnh đạo đức. Những ông chủ của Facebook và Twitter có quyền ghét ông Trump nhưng không có quyền dập tắt tiếng nói của ông ấy”, ông Hải viết.
Không đưa ra quan điểm là các mạng xã hội lớn của Mỹ có “bịt miệng” ông Trump hay không, luật sư Lê Công Định, một cựu tù nhân lương tâm, hiện có hơn 145.000 người theo dõi trên Facebook, bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân vào sáng 9/1 rằng việc Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump, và việc bà Michelle Obama kêu gọi ngăn cản ông trên mạng xã hội khiến ông Định “phải suy nghĩ lại những Giá trị Mỹ”. Luật sự Định gọi đó là “điều đáng tiếc”.
Sau đó, vào chiều 9/1, trong một bài viết riêng rẽ khác trên cùng trang cá nhân, luật sư Định đưa ra ý kiến rằng cả Twitter và Facebook cần xiển dương những giá trị Mỹ, bao gồm quyền tự do ngôn luận, ngay cả trong hoạt động kinh doanh đơn thuần của họ.
Mặc dù thừa nhận hãng Twitter có quyền phán xét trong mạng xã hội mà họ điều hành, song “tôi không thấy giá trị Mỹ nào trong cách hành xử quyền đó”, ông Định viết.
Một cựu tù nhân lương tâm khác, ông Nguyễn Hữu Vinh, cũng được nhiều người biết tiếng là blogger Anh Ba Sàm, không viết các bài dài mà chỉ bình luận ngắn gọn “Ghê tởm bọn Big Tech” khi ông chia sẻ bản dịch một bài đăng trên Fox News có nhan đề “Twitter cấm Trump, nhưng tài khoản của Ali Khamenei, Louis Farrakhan và các nhà tuyên truyền Trung Quốc vẫn được bảo đảm hoạt động bình thường”.
Luật sư Lê Luân, nổi tiếng về các bài phản biện được đông người theo dõi qua Facebook, viết một loạt bài về sự kiện Facebook và Twitter khóa tài khoản của ông Trump, gọi đó là hành động “tồi tệ”, “đàn áp tự do” và “sự cưỡng bức của công nghệ lớn”.
Không chỉ có những bài viết của các ông Hoàng Hải Vân, Lê Luân, Lê Công Định, Chu Vĩnh Hải và Nguyễn Hữu Vinh chỉ trích Facebook và Twitter, VOA quan sát thấy còn có rất nhiều bài viết tương tự của những người khác, thu hút hàng chục ngàn lượt phản ứng, bình luận và chia sẻ trên Facebook, mạng xã hội có hơn 60 triệu người sử dụng ở Việt Nam.
Tự do ngôn luận là gì?
Chuyên mục mang tên “Tự do ngôn luận nghĩa là gì?” của hệ thống tòa án Mỹ tại trang web uscourts.gov viết rằng Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ tự do ngôn luận, và trích dẫn một đoạn của Tu chính án quy định rằng “Quốc hội Mỹ không được ban hành luật … hạn chế tự do ngôn luận”.
Ở Việt Nam, nhà trường không dạy. Ở Việt Nam, đây là vấn đề rất là kiêng kỵ Mặc dù Hiến pháp có nói tới nhưng hoàn toàn không được đề cập đến trong các chương trình giáo dục đào tạo của chính quyền, báo chí cũng không nói tới.Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long
Vẫn chuyên trang của hệ thống tòa án Mỹ viết thêm rằng tự do ngôn luận bao gồm quyền: không nói (cụ thể là quyền không chào cờ); đeo băng tay đen (đối với học sinh, sinh viên) đến trường để phản đối chiến tranh; sử dụng các từ, cụm từ gây mất lòng nhất định để chuyển tải các thông điệp chính trị; đóng góp tiền (theo những điều kiện nhất định) cho các chiến dịch chính trị; quảng cáo sản phẩm thương mại và dịch vụ chuyên môn (có một số hạn chế); và thực hiện sự biểu đạt mang tính tượng trưng (ví dụ như đốt cờ)
Ngược lại, theo trang của hệ thống tòa án Mỹ, tự do ngôn luận không bao gồm quyền: kích động các hành động làm hại người khác (ví dụ, hô “cháy” trong rạp hát đông người); làm, phân phát các vật phẩm, tài liệu tục tĩu; đốt thẻ quân dịch để phản đối chiến tranh; cho học sinh, sinh viên in bài trên báo của trường bất chấp ban giám hiệu đã phản đối; học sinh, sinh viên phát biểu tục tĩu tại sự kiện do nhà trường bảo trợ; học sinh, sinh viên cổ súy việc sử dụng ma túy bất hợp pháp tại sự kiện do nhà trường bảo trợ.
Trên bình diện toàn cầu, trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1966, điều 19 quy định “Mọi người có quyền tự do biểu đạt”, nhưng có thể có một số hạn chế theo luật định và trong trường hợp cần thiết để “tôn trọng quyền và danh dự của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công cộng”.
Ý kiến trái chiều với phe ủng hộ Trump
Trong khi nhiều người ở Việt Nam tỏ ý ủng hộ quyền phát ngôn của ông Trump và lên án các mạng xã hội Mỹ, từ nước Pháp, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có quan điểm rằng Twitter và Facebook chặn tài khoản của ông Trump vì lý do ông đã sử dụng chúng “nhằm hô hào các giá trị độc tài phát xít đồng thời kích động bạo loạn”.
Theo ông Tuấn, quyết định của các mạng Facebook và Twitter là “cần thiết và đúng lúc”. Nhà nghiên cứu sinh sống ở Pháp viết thêm “Facebook và Twitter ‘bịt miệng’ Trump là để cứu vãn nền dân chủ tự do của nước Mỹ”.
Ở Việt Nam, một nhà nghiên cứu luật khác, ông Phạm Lê Vương Các, cũng là một nhà hoạt động vì dân chủ, so sánh những phát ngôn của ông Trump với điều 19 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, và chỉ ra rằng ông Trump đã đưa ra những lời kêu gọi dẫn đến hậu quả xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, theo ông Các, những bài đăng chứa thông tin sai lệch của ông Trump trong tư cách là tổng thống về dịch Covid-19 dẫn đến hậu quả làm người dân Mỹ chết vượt xa các quốc gia còn lại.
Tổng thống Donald Trump cũng bị nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các quy là đã công khai xúc phạm đến đối tác, đối thủ và nhân viên dưới quyền trên mạng xã hội.
Như vậy, ông Các xác định rằng ông Trump vi phạm tất cả các hạng mục bị hạn chế được nêu trong điều 19 của Công ước.
“Việc hai trang mạng xã hội Twitter và Facebook ‘bịt miệng Trump’ … là hoàn toàn phù hợp theo các quy định của Luật Nhân quyền Quốc tế”, ông Các viết.
VOA quan sát thấy trên mạng xã hội có nhiều người khác cũng nêu ra ý kiến tương tự hoặc đồng tình với những bài viết các ông Trương Nhân Tuấn và Phạm Lê Vương Các.
Đường tới dân chủ ở gian nan vì ‘hiện tượng Trump’
Những bài viết trái chiều nhau – một bên bênh vực quyền phát ngôn của ông Trump và lên án Facebook, Twitter cấm cản ông; một bên bào chữa cho quyết định của các mạng xã hội, đồng thời chỉ trích ông Trump – cũng dẫn đến những tranh cãi nảy lửa.
Nếu như chúng ta liên tục chia rẽ nhau vì những vấn đề quan điểm như thế này, sau cùng xã hội sẽ ngày càng tan nát, xã hội sẽ ngày càng chia rẽ hơn. Và nếu gặp phải những điều kiện dễ dẫn đến xung đột, có thể lại dẫn đến chiến tranh.Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long
Những người ủng hộ hoặc có thiện cảm với ông Trump cáo buộc những người ủng hộ quyết định của các mạng xã hội là “tiêu chuẩn kép”, “phản dân chủ”, “ủng hộ độc tài”. Họ cũng so sánh việc chặn tài khoản của ông Trump với chuyện các mạng xã hội Mỹ phải làm theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam hay một số nước khác về đóng tài khoản, xóa bài của các nhà hoạt động.
Ngược lại, nhóm người tán đồng quyết định của Facebook, Twitter cho rằng những ai ủng hộ ông Trump dường như nặng về tình hơn là về lý và có thể chưa nắm vững bản chất của tự do ngôn luận.
Ở vị trí độc lập, không tham gia cuộc tranh cãi trên mạng, tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang, hiện sinh sống ở Việt Nam và có nhiều hoạt động thúc đẩy tiến bộ xã hội, nói với VOA:
“Cuộc tấn công toà nhà Quốc hội Mỹ vừa qua, cùng các phát ngôn trước đó của ông Trump rõ ràng là những điều đe doạ cho nền dân chủ, cho các định chế dân chủ Mỹ. Không thể so sánh cuộc tấn công Điện Capitol với các cuộc biểu tình, phản đối của người dân chịu bất công ở các quốc gia độc tài, phi dân chủ. Khi so sánh như vậy, vô hình chung người ta đặt ngang nhau nền dân chủ của Mỹ với các thiết chế phi dân chủ của Belarusia, Venezuela hay Trung Quốc, Việt Nam. Đây là một sai lầm về bản chất”.
Về những lập luận bị xem là lệch lạc liên quan đến vụ ông Trump bị khóa tài khoản, nhà hoạt động Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí, hiện làm việc ở Đài Loan, nói với VOA rằng đó là do hầu hết công chúng Việt Nam không có điều kiện tìm hiểu những điều căn bản về quyền chính trị và dân sự, bao gồm tự do ngôn luận, chưa nói tới mức độ tranh cãi của giới hàn lâm. Ông lý giải thêm:
“Điều này rất dễ hiểu. Ở Việt Nam, nhà trường không dạy. Ở Việt Nam, đây là vấn đề rất là kiêng kỵ Mặc dù Hiến pháp có nói tới nhưng hoàn toàn không được đề cập đến trong các chương trình giáo dục đào tạo của chính quyền, báo chí cũng không nói tới”.
Đó là một thực trạng nhức nhối, đáng quan tâm đặt ra cho giới hoạt động xã hội, giới nhà báo độc lập và những ai muốn khai mở tri thức cho xã hội, vẫn theo lời ông Trịnh Hữu Long.
Hiện tượng sùng bái Trump của người Việt cho thấy rằng con đường đi đến dân chủ của chúng ta còn rất xa và chông gai.Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Ở khía cạnh vì sao rất đông người Việt vô cùng yêu mến ông Trump, cả tiến sĩ Đặng Hoàng Giang lẫn nhà hoạt động Trịnh Hữu Long đều nhất trí rằng do những người đó tin là ông Trump “chống Trung Quốc”, và họ sẵn sàng bỏ qua những phát ngôn hay hành động của ông Trump gây nguy hiểm cho dân chủ.
Bên cạnh đó, đáng lo ngại là có hiện tượng cuồng tín, thần thánh hóa Tổng thống Trump, kết hợp với thế giới của những thuyết âm mưu, cho rằng ông Trump là con người của chính nghĩa được Chúa cử xuống bảo vệ toàn thể nhân loại, tiến sĩ Giang nói.
Những diễn biến kể trên bùng nổ trong vòng hai năm trở lại đây, ông Giang nhận xét, và cho chúng ta thấy quần chúng dễ bị lôi cuốn bởi các nhà dân túy biết cách đánh vào cảm xúc của số đông như thế nào.
Theo ông Giang, điều đó nguy hiểm đối với ngay cả những nền dân chủ lâu đời, huống hồ đối với Việt Nam, nơi các giá trị và tư duy dân chủ còn yếu ớt, chưa bắt rễ. Ông kết luận:
“Hiện tượng sùng bái Trump của người Việt cho thấy rằng con đường đi đến dân chủ của chúng ta còn rất xa và chông gai.”
Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long bày tỏ mong muốn rằng hiện tượng Trump nên là một dịp để mọi người Việt Nam nhìn lại bản thân mình, cố tìm tiếng nói chung với người khác, thay vì chia rẽ. Ông Long nói:
“Nếu như chúng ta liên tục chia rẽ nhau vì những vấn đề quan điểm như thế này, sau cùng xã hội sẽ ngày càng tan nát, xã hội sẽ ngày càng chia rẽ hơn. Và nếu gặp phải những điều kiện dễ dẫn đến xung đột, có thể lại dẫn đến chiến tranh như đã từng có cuộc chiến 20 năm giữa miền bắc và miền nam, chúng ta sẽ có đấu tố như thời cải cách ruộng đất. Tôi tin rằng thế hệ chúng ta hiện nay có nghĩa vụ phải tránh cho đất nước thảm kịch đó. Cần phải hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau hơn, và tìm tiếng nói chung”./.