Seite auswählen

Lou Dobbs: Cuộc ‘tấn công’ TT Trump chỉ sau vụ ám sát ông Lincoln

„Đây là vụ tấn công độc ác, đê hèn nhất từng được thực hiện nhằm vào một tổng thống trong lịch sử đất nước chúng ta, chỉ đứng sau vụ ám sát Abraham Lincoln.”

Lou Dobbs

 

Người dẫn chương trình Lou Dobbs của đài Fox News nhận định, ngoại trừ vụ ám sát cựu tổng thống Abraham Lincoln, thì vụ “tấn công” ác độc nhằm vào Tổng thống Donald Trump là vụ việc tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm vào người đàn ông đang ở vị trí lãnh đạo hàng đầu đất nước hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn của Fox Business News với Mục sư Robert Jeffress hôm thứ Sáu (15/1), ông Dobbs gọi những kẻ thù và đối thủ của TT Trump là “những thế lực đồi bại trong chính phủ của chúng ta, những người đã chống lại tổng thống suốt hơn bốn năm qua”.

Lou Dobbs (@LouDobbs) January 15, 2021 

Trong đoạn video phỏng vấn đăng trên tài khoản Twitter của mình, ông Dobbs khẳng định: “Đây là vụ tấn công độc ác, đê hèn nhất từng được thực hiện nhằm vào một tổng thống trong lịch sử đất nước chúng ta, chỉ đứng sau vụ ám sát Abraham Lincoln.”

 

“Quốc gia này sẽ không thể hàn gắn, không thể xích lại gần nhau cho đến khi nào chúng ta hiểu được sự thật và thực tế những gì chúng ta đã chứng kiến ​​trong suốt 4 năm làm tổng thống của người đàn ông này.”

Mục sư Robert Jeffress của Nhà thờ First Baptist ở Dallas, Texas, là một người ủng hộ TT Trump. Ông nói với người dẫn chương trình Lou Dobbs rằng Đảng Dân chủ cũng đang tấn công những người trung thành với Trump, chứ không chỉ riêng tổng thống.

“Đó là một nỗ lực để khiến những người như tôi và anh, những người ủng hộ nhiệt thành TT Trump thấy xấu hổ và từ đó cảm thấy hối hận vì đã ủng hộ ông ấy,” Mục sư Jeffress cho hay, “Ồ, tôi chắc chắn là tôi sẽ không hối hận về bất cứ điều gì, kể cả việc ủng hộ vị tổng thống vĩ đại này.”

“Tôi đã nói với [TT Trump] trong tuần vừa qua, rằng tôi tin rằng ông ấy là tổng thống vĩ đại nhất trong đời tôi và ông ấy sẽ trở thành tổng thống tự do ủng hộ cuộc sống, ủng hộ tôn giáo nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Và không ai, không lời nói nào có thể thay đổi điều đó.”

 

Ông Lou Dobbs cũng nhận định, TT Trump đã kiến tạo nên một “di sản phi thường”, đặc biệt khi chúng ta xem xét những thách thức mà ông đã phải đối mặt kể từ chiến dịch tranh cử năm 2016.

“Ông ấy đã đạt được nhiều thành tựu hơn bất kỳ tổng thống nào trong năm đầu tiên, kế đó là ba năm đầu tiên trong nhiệm kỳ,” Dobbs nói, “Bốn năm của ông ấy quả là một thành tích đáng kể, càng đặc biệt hơn khi phải đối mặt với sự chống phá trần trụi, thối nát của phe cánh tả cấp tiến và nhà nước ngầm.”

Trithucvn (16.01.2021)

 

***

 

Tổng thống Trump được Marocco tặng Huân chương cao quý nhất

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (15/1) đã được nhận huân chương cao quý nhất của Marocco, ghi nhận công lao của ông trong việc thúc đẩy thỏa thuận bình thường hóa giữa Marocco và Israel.

Đại sứ Marocco tại Mỹ, Công chúa Lalla Joumala tặng Huân chương cao quý cho TT Trump. (Ảnh từ moroccoworldnews.com)

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ một quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho biết, Đại sứ Marocco tại Mỹ Công chúa Lalla Joumala hôm 15/1 đã thay mặt Quốc vương Marocco Mohammed VI tặng Tổng thống Donald Trump huân chương cao quý nhất trong một buổi lễ được tổ chức long trọng tài Phòng Bầu Dục.

 

Theo Reuters, truyền thông đã không được phép chứng kiến buổi lễ nêu trên. Ông Trump đã hạn chế xuất hiện trước truyền thông sau cuộc bầu cử 3/11 vừa qua.  

 

Cố vấn Tòa Bạch Ốc Jared Kushner và đặc phái viên của Mỹ tại Trung Đông Avi Berkowitz cũng đã được tặng những huân chương khác do nỗ lực làm việc thúc đẩy thỏa thuận hòa bình Marocco và Israel.

 

Vào tháng 12/2020, Marocco đã trở thành quốc gia Hồi giáo Ả Rập thứ tư trong năm 2020 chính thức tuyên bố công nhận nhà nước Do Thái Israel.

 

Tổng thống Trump khi đó viết trên Twitter: “Israel và Vương quốc Marocco đã đồng ý về các mối quan hệ ngoại giao đầy đủ – một bước đột phá lớn lao cho hòa bình tại Trung Đông!”.

 

Trong thông báo hôm 10/12/2020, Marocco cho biết sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Quyết định này cũng bao gồm các cam kết từ cả Rabat và Tel Aviv về việc sẽ tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có thương mại. 

 

Hai nước cũng có kế hoạch mở lại các văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước, và sẽ mở các đường bay trực tiếp giữa hai quốc gia trong vài tháng tới.

 

Sau đó, vào ngày 22/12/2020, Marocco, Israel và Mỹ cũng đã ký một Tuyên bố chung, chính thức hóa các mối quan hệ ngoại giao giữa Rabat và Tel Aviv.

 

Tổng thống Trump trong năm 2020 đã đạt được các bước tiến lịch sử trong việc hàn gắn mối quan hệ giữa Israel với các quốc gia Ả Rập.

 

Trước Marocco, đã có UAE, Bahrain và Sudan chính thức bình thường hóa với nhà nước Do Thái Israel. Trước năm 2020, chỉ có Ai Cập và Jordan là hai quốc gia Hồi giáo Ả Rập có quan hệ ngoại giao với Israel.

 

Chính quyền Trump tự tin rằng sẽ còn nhiều quốc gia Ả Rập khác, trong đó có Ả Rập Saudi, sẽ sớm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao hòa bình với nhà nước Do Thái.

Theo Epoch Times 

***

 

Mạng xã hội chặn TT Trump, người Việt tranh cãi nảy lửa về tự do ngôn luận

Tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump bị khóa, ảnh chụp hôm 8/1/2021

Trong vòng ít ngày sau vụ đám đông ủng hộ viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tràn vào và làm loạn tại quốc hội Mỹ hôm 6/1, một loạt các mạng xã hội, bao gồm cả Facebook và Twitter, hạn chế tương tác, thậm chí khóa tài khoản của ông Trump.

Điều này dẫn đến những tranh cãi nảy lửa giữa nhiều người Việt về tự do ngôn luận và quyền hạn của các mạng xã hội.

Như VOA đã đưa tin, Twitter nói hôm 8/1 rằng hai trong số các bài Tổng thống Trump đăng cùng ngày đã vi phạm chính sách chống lại việc hiển dương bạo lực.

Trước đó, trong các hôm 6 và 7/1, Facebook thông báo tạm khóa rồi khóa vô hạn định tài khoản của ông Trump, viện dẫn lý do mạng xã hội đã bị sử dụng để “kích động bạo lực nhằm vào chính quyền được bầu một cách dân chủ”.

 

Người ủng hộ Trump: Tự do ngôn luận bị vi phạm

Nhà báo Hoàng Hải Vân, có hơn 105.000 người theo dõi qua Facebook, viết trên trang cá nhân hôm 10/1 rằng các hãng công nghệ lớn, còn gọi là Big Tech, đã “đi tiên phong bịt miệng ông Trump”.

Dưới góc nhìn của nhà báo kỳ cựu này, các Big Tech, mà ông cho là do đảng Dân chủ Mỹ kiểm soát, đang thực sự biến thành “một thứ nhà nước bên trong nhà nước” với “quyền lực thật đáng sợ”. Từ suy nghĩ như vậy, ông Vân bình luận rằng “chốt chặn cuối cùng để bảo vệ tự do ngôn luận là Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ trong thực tế đang bị xóa bỏ”.

Vẫn nhà báo này khẳng định “Tự do cho người Mỹ và hòa bình cho thế giới là thành tựu lớn nhất mà chính quyền Trump làm được chỉ trong vòng 4 năm”.

Viết trên trang cá nhân hôm 9/1, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải, tác giả của nhiều bài phản biện từng bị chính quyền Việt Nam đưa vào tầm ngắm, công nhận là Facebook và Twitter không vi phạm pháp luật Mỹ khi họ ra quyết định đối với tài khoản của ông Trump, nhưng họ “đã vi phạm đạo đức”.

“Có lẽ, cộng đồng mạng cần phải lên án hai hãng công nghệ khổng lồ này về khía cạnh đạo đức. Những ông chủ của Facebook và Twitter có quyền ghét ông Trump nhưng không có quyền dập tắt tiếng nói của ông ấy”, ông Hải viết.

Đám đông ủng hộ ông Trump tràn vào Điện Capitol sau bài phát biểu của ông hôm 6/1

Không đưa ra quan điểm là các mạng xã hội lớn của Mỹ có “bịt miệng” ông Trump hay không, luật sư Lê Công Định, một cựu tù nhân lương tâm, hiện có hơn 145.000 người theo dõi trên Facebook, bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân vào sáng 9/1 rằng việc Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Trump, và việc bà Michelle Obama kêu gọi ngăn cản ông trên mạng xã hội khiến ông Định “phải suy nghĩ lại những Giá trị Mỹ”. Luật sự Định gọi đó là “điều đáng tiếc”.

Sau đó, vào chiều 9/1, trong một bài viết riêng rẽ khác trên cùng trang cá nhân, luật sư Định đưa ra ý kiến rằng cả Twitter và Facebook cần xiển dương những giá trị Mỹ, bao gồm quyền tự do ngôn luận, ngay cả trong hoạt động kinh doanh đơn thuần của họ.

Mặc dù thừa nhận hãng Twitter có quyền phán xét trong mạng xã hội mà họ điều hành, song “tôi không thấy giá trị Mỹ nào trong cách hành xử quyền đó”, ông Định viết.

Một cựu tù nhân lương tâm khác, ông Nguyễn Hữu Vinh, cũng được nhiều người biết tiếng là blogger Anh Ba Sàm, không viết các bài dài mà chỉ bình luận ngắn gọn “Ghê tởm bọn Big Tech” khi ông chia sẻ bản dịch một bài đăng trên Fox News có nhan đề “Twitter cấm Trump, nhưng tài khoản của Ali Khamenei, Louis Farrakhan và các nhà tuyên truyền Trung cộng vẫn được bảo đảm hoạt động bình thường”.

Luật sư Lê Luân, nổi tiếng về các bài phản biện được đông người theo dõi qua Facebook, viết một loạt bài về sự kiện Facebook và Twitter khóa tài khoản của ông Trump, gọi đó là hành động “tồi tệ”, “đàn áp tự do” và “sự cưỡng bức của công nghệ lớn”.

Không chỉ có những bài viết của các ông Hoàng Hải Vân, Lê Luân, Lê Công Định, Chu Vĩnh Hải và Nguyễn Hữu Vinh chỉ trích Facebook và Twitter, VOA quan sát thấy còn có rất nhiều bài viết tương tự của những người khác, thu hút hàng chục ngàn lượt phản ứng, bình luận và chia sẻ trên Facebook, mạng xã hội có hơn 60 triệu người sử dụng ở Việt Nam.

 

Tự do ngôn luận là gì?

Một số việc không được chấp nhận là tự do ngôn luận; nguồn: uscourts.gov

 

Chuyên mục mang tên “Tự do ngôn luận nghĩa là gì?” của hệ thống tòa án Mỹ tại trang web uscourts.gov viết rằng Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ tự do ngôn luận, và trích dẫn một đoạn của Tu chính án quy định rằng “Quốc hội Mỹ không được ban hành luật … hạn chế tự do ngôn luận”.

Vẫn chuyên trang của hệ thống tòa án Mỹ viết thêm rằng tự do ngôn luận bao gồm quyền: không nói (cụ thể là quyền không chào cờ); đeo băng tay đen (đối với học sinh, sinh viên) đến trường để phản đối chiến tranh; sử dụng các từ, cụm từ gây mất lòng nhất định để chuyển tải các thông điệp chính trị; đóng góp tiền (theo những điều kiện nhất định) cho các chiến dịch chính trị; quảng cáo sản phẩm thương mại và dịch vụ chuyên môn (có một số hạn chế); và thực hiện sự biểu đạt mang tính tượng trưng (ví dụ như đốt cờ)

Ngược lại, theo trang của hệ thống tòa án Mỹ, tự do ngôn luận không bao gồm quyền: kích động các hành động làm hại người khác (ví dụ, hô “cháy” trong rạp hát đông người); làm, phân phát các vật phẩm, tài liệu tục tĩu; đốt thẻ quân dịch để phản đối chiến tranh; cho học sinh, sinh viên in bài trên báo của trường bất chấp ban giám hiệu đã phản đối; học sinh, sinh viên phát biểu tục tĩu tại sự kiện do nhà trường bảo trợ; học sinh, sinh viên cổ súy việc sử dụng ma túy bất hợp pháp tại sự kiện do nhà trường bảo trợ.

Trên bình diện toàn cầu, trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1966, điều 19 quy định “Mọi người có quyền tự do biểu đạt”, nhưng có thể có một số hạn chế theo luật định và trong trường hợp cần thiết để “tôn trọng quyền và danh dự của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công cộng”.

Điều 19 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị; nguồn: LHQ

Ý kiến trái chiều với phe ủng hộ Trump

Trong khi nhiều người ở Việt Nam tỏ ý ủng hộ quyền phát ngôn của ông Trump và lên án các mạng xã hội Mỹ, từ nước Pháp, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có quan điểm rằng Twitter và Facebook chặn tài khoản của ông Trump vì lý do ông đã sử dụng chúng “nhằm hô hào các giá trị độc tài phát xít đồng thời kích động bạo loạn”.

Theo ông Tuấn, quyết định của các mạng Facebook và Twitter là “cần thiết và đúng lúc”. Nhà nghiên cứu sinh sống ở Pháp viết thêm “Facebook và Twitter ‘bịt miệng’ Trump là để cứu vãn nền dân chủ tự do của nước Mỹ”.

Ở Việt Nam, một nhà nghiên cứu luật khác, ông Phạm Lê Vương Các, cũng là một nhà hoạt động vì dân chủ, so sánh những phát ngôn của ông Trump với điều 19 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, và chỉ ra rằng ông Trump đã đưa ra những lời kêu gọi dẫn đến hậu quả xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng tại Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, theo ông Các, những bài đăng chứa thông tin sai lệch của ông Trump trong tư cách là tổng thống về dịch Covid-19 dẫn đến hậu quả làm người dân Mỹ chết vượt xa các quốc gia còn lại.

Tổng thống Donald Trump cũng bị nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các quy là đã công khai xúc phạm đến đối tác, đối thủ và nhân viên dưới quyền trên mạng xã hội.

Như vậy, ông Các xác định rằng ông Trump vi phạm tất cả các hạng mục bị hạn chế được nêu trong điều 19 của Công ước.

“Việc hai trang mạng xã hội Twitter và Facebook ‘bịt miệng Trump’ … là hoàn toàn phù hợp theo các quy định của Luật Nhân quyền Quốc tế”, ông Các viết.

VOA quan sát thấy trên mạng xã hội có nhiều người khác cũng nêu ra ý kiến tương tự hoặc đồng tình với những bài viết các ông Trương Nhân Tuấn và Phạm Lê Vương Các.

 

Đường tới dân chủ ở gian nan vì ‘hiện tượng Trump’

Những bài viết trái chiều nhau – một bên bênh vực quyền phát ngôn của ông Trump và lên án Facebook, Twitter cấm cản ông; một bên bào chữa cho quyết định của các mạng xã hội, đồng thời chỉ trích ông Trump – cũng dẫn đến những tranh cãi nảy lửa.

Những người ủng hộ hoặc có thiện cảm với ông Trump cáo buộc những người ủng hộ quyết định của các mạng xã hội là “tiêu chuẩn kép”, “phản dân chủ”, “ủng hộ độc tài”. Họ cũng so sánh việc chặn tài khoản của ông Trump với chuyện các mạng xã hội Mỹ phải làm theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam hay một số nước khác về đóng tài khoản, xóa bài của các nhà hoạt động.

Ngược lại, nhóm người tán đồng quyết định của Facebook, Twitter cho rằng những ai ủng hộ ông Trump dường như nặng về tình hơn là về lý và có thể chưa nắm vững bản chất của tự do ngôn luận.

Tổng thống Trump được nhiều người Việt bày tỏ ủng hộ, tôn thờ trên mạng xã hội

Ở vị trí độc lập, không tham gia cuộc tranh cãi trên mạng, tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang, hiện sinh sống ở Việt Nam và có nhiều hoạt động thúc đẩy tiến bộ xã hội, nói với VOA:

Cuộc tấn công toà nhà Quốc hội Mỹ vừa qua, cùng các phát ngôn trước đó của ông Trump rõ ràng là những điều đe doạ cho nền dân chủ, cho các định chế dân chủ Mỹ. Không thể so sánh cuộc tấn công Điện Capitol với các cuộc biểu tình, phản đối của người dân chịu bất công ở các quốc gia độc tài, phi dân chủ. Khi so sánh như vậy, vô hình chung người ta đặt ngang nhau nền dân chủ của Mỹ với các thiết chế phi dân chủ của Belarusia, Venezuela hay Trung cộng, Việt Nam. Đây là một sai lầm về bản chất”.

Về những lập luận bị xem là lệch lạc liên quan đến vụ ông Trump bị khóa tài khoản, nhà hoạt động Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí, hiện làm việc ở Đài Loan, nói với VOA rằng đó là do hầu hết công chúng Việt Nam không có điều kiện tìm hiểu những điều căn bản về quyền chính trị và dân sự, bao gồm tự do ngôn luận, chưa nói tới mức độ tranh cãi của giới hàn lâm. Ông lý giải thêm:

“Điều này rất dễ hiểu. Ở Việt Nam, nhà trường không dạy. Ở Việt Nam, đây là vấn đề rất là kiêng kỵ Mặc dù Hiến pháp có nói tới nhưng hoàn toàn không được đề cập đến trong các chương trình giáo dục đào tạo của chính quyền, báo chí cũng không nói tới”.

Đó là một thực trạng nhức nhối, đáng quan tâm đặt ra cho giới hoạt động xã hội, giới nhà báo độc lập và những ai muốn khai mở tri thức cho xã hội, vẫn theo lời ông Trịnh Hữu Long.

Ở khía cạnh vì sao rất đông người Việt vô cùng yêu mến ông Trump, cả tiến sĩ Đặng Hoàng Giang lẫn nhà hoạt động Trịnh Hữu Long đều nhất trí rằng do những người đó tin là ông Trump “chống Trung cộng”, và họ sẵn sàng bỏ qua những phát ngôn hay hành động của ông Trump gây nguy hiểm cho dân chủ.

Bên cạnh đó, đáng lo ngại là có hiện tượng cuồng tín, thần thánh hóa Tổng thống Trump, kết hợp với thế giới của những thuyết âm mưu, cho rằng ông Trump là con người của chính nghĩa được Chúa cử xuống bảo vệ toàn thể nhân loại, tiến sĩ Giang nói.

Những diễn biến kể trên bùng nổ trong vòng hai năm trở lại đây, ông Giang nhận xét, và cho chúng ta thấy quần chúng dễ bị lôi cuốn bởi các nhà dân túy biết cách đánh vào cảm xúc của số đông như thế nào.

Theo ông Giang, điều đó nguy hiểm đối với ngay cả những nền dân chủ lâu đời, huống hồ đối với Việt Nam, nơi các giá trị và tư duy dân chủ còn yếu ớt, chưa bắt rễ. Ông kết luận:

“Hiện tượng sùng bái Trump của người Việt cho thấy rằng con đường đi đến dân chủ của chúng ta còn rất xa và chông gai.”

Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long bày tỏ mong muốn rằng hiện tượng Trump nên là một dịp để mọi người Việt Nam nhìn lại bản thân mình, cố tìm tiếng nói chung với người khác, thay vì chia rẽ. Ông Long nói:

“Nếu như chúng ta liên tục chia rẽ nhau vì những vấn đề quan điểm như thế này, sau cùng xã hội sẽ ngày càng tan nát, xã hội sẽ ngày càng chia rẽ hơn. Và nếu gặp phải những điều kiện dễ dẫn đến xung đột, có thể lại dẫn đến chiến tranh như đã từng có cuộc chiến 20 năm giữa miền bắc và miền nam, chúng ta sẽ có đấu tố như thời cải cách ruộng đất. Tôi tin rằng thế hệ chúng ta hiện nay có nghĩa vụ phải tránh cho đất nước thảm kịch đó. Cần phải hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau hơn, và tìm tiếng nói chung”.

Theo VOA

 ***

 

Người Việt Nam bức xúc giùm Trump vụ bị Twitter khóa tài khoản vĩnh viễn

Tài khoản Twitter của ông Donald Trump đã bị khóa vĩnh viễn. Courtesy of Gettty

Chưa hết buồn vì thần tượng bị Quốc hội Mỹ xác nhận thua, những trí thức hâm mộ Trump lại càng thêm cay cú vì ông này từ nay không thể cất tiếng nói trên mạng xã hội hàng đầu thế giới.

Hôm 9/1/2021, giới hâm mộ Tổng thống Donald Trump dường như không tin vào mắt mình khi biết thần tượng bị Twitter khóa tài khoản vĩnh viễn. Thực tế, không nhiều người ở Việt Nam dùng Twitter, nhưng động thái của nền tảng mạng xã hội hàng đầu thế giới khiến họ giận dữ thay cho ông Trump.  

Nhiều Facebooker ở Hà Nội nói họ không chấp nhận lý do khiến Twitter đình chỉ tài khoản của Tổng thống Trump: “Sau khi xem xét kỹ lưỡng các tweet gần đây từ tài khoản @realDonaldTrump và bối cảnh, chúng tôi đã tạm ngưng tài khoản vĩnh viễn do có nguy cơ kích động thêm bạo lực”.

“Trong bối cảnh các sự kiện kinh hoàng xảy ra trong tuần này, chúng tôi đã nói rõ rằng các vi phạm bổ sung đối với Quy tắc Twitter có thể dẫn đến hành động khóa tài khoản.”

Twitter là mạng xã hội ưa thích nhất của ông Trump. Courtesy of Getty

“Suy nghĩ lại về những giá trị Mỹ”

Luật sư Lê Công Định, người thường bày tỏ lập trường ủng hộ ông Trump, viết: “Việc Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Donald Trump, và lời kêu gọi ngăn cản ông trên mạng xã hội của bà Michelle Obama, khiến tôi phải suy nghĩ lại những giá trị Mỹ (American Values) mình biết bấy lâu. Đó là điều đáng tiếc! Ai thích thú trước sự việc đó thật tình không biết nên dùng từ gì để diễn tả về họ!”

Tôi không xem những công ty tư nhân đại diện giá trị Mỹ hoặc xem họ có tư cách pháp lý như một nhà nước, để trách cứ họ vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân. Song điều đáng trách ở họ, theo tôi, là những giá trị Mỹ mà tôi hằng tin tưởng không có ở cách hành xử đó.”

“Còn bảo Trump kích động bạo lực thì xin lỗi, đã có phán quyết nào của tòa án Mỹ tuyên như thế chưa? Anh nói có, tôi nói không, ai sẽ quyết định? Twitter có quyền phán xét trong nhà họ. Đương nhiên, họ có quyền đó. Song tôi không thấy giá trị Mỹ nào trong cách hành xử quyền đó.”

“Trước đây, khi Trump và phe ông ta luôn miệng cáo buộc có gian lận bầu cử, tôi cũng không tin trừ phi tòa án Mỹ tuyên bố có gian lận. Nay cũng vậy, trừ phi có một quyết định tư pháp tuyên Trump kích động bạo lực qua các stt của mình trên Twitter, còn không thì tôi không xem ông ấy đã kích động bạo lực. Và do đó hành động của Twitter, dù họ có quyền, không xứng đáng với các giá trị Mỹ mà tôi biết.”

 

“Giống như việc Facebook phối hợp với CSVN”

Ông Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn tờ Tuổi Trẻ, viết trên trang cá nhân: “Nhiều trí thức ở Việt Nam, trong đó có cả bác sĩ và nhà báo, hả hê với việc Facebook và Twitter đóng tài khoản của tổng thống Trump và xem đó như một thành quả của nền dân chủ Mỹ. Mấy cha nội này chắc chưa bị Facebook đóng tài khoản bao giờ.”

“Việc mấy cha ghét Trump thì cứ ghét nhưng nên nhận định tỉnh táo chút đi cho xã hội nhờ. Tôi thấy việc đó giống như việc Facebook phối hợp với an ninh mạng chặn các tài khoản phản biện và bất đồng chính kiến ở Việt Nam vậy. Bịt miệng người khác ý với mình thì chả có gì là dân chủ cả. Nó chỉ kéo xã hội đi lùi mà thôi.”

Tổng thống Donald Trump đã bị Twitter tạm khóa 24 giờ trước khi khóa tài khoản vĩnh viễn vì “kích động bạo lực”. Courtesy of CNN

Ông Duẫn Đặng, nhà quan sát tình hình Biển Đông, cảm thán: “Sự ủng hộ dành cho Trump quá nguy hiểm đối với giới tinh hoa. Đứng trước nguy cơ đó, phe đối thủ và các hãng khổng lồ công nghệ không còn cách nào khác là mở một cuộc đồ sát bất chấp lý lẽ.” 

Hàng loạt tài khoản ủng hộ Trump bị đánh tụt lượng theo dõi, bị treo. Đỉnh điểm là Twitter, Facebook khóa vĩnh viễn tài khoản của Trump. Mới nghe Trump manh nha chuyển nhà sang Parler, Apple và Google ngay lập tức xóa app của mạng này. Còn hàng loạt ví dụ khác của việc thanh trừng tiếng nói nghịch nhĩ.” 

“Một cuộc đại tấn công vào quyền tự do ngôn luận đang diễn ra trên khắp nước Mỹ. Một cuộc đuổi cùng diệt tận của bên thắng cuộc. Nhưng như mọi chế độ cai trị bằng sự đàn áp, việc dập tắt tiếng nói khác biệt sẽ không bao giờ đạt được mục đích, nó chỉ khoét sâu chia rẽ và thù hận mà thôi…”

Luật sư Luân Lê cho biết: “Người ta đã tồi tệ thế nào khi công khai khóa vĩnh viễn tài khoản của một tổng thống đương nhiệm dân cử và còn đề xuất cấm vĩnh viễn để loại bỏ ông ta khỏi đời sống xã hội truyền thông, một lúc cả Apple, Google và Twitter đều liên kết để làm vậy?”

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Mai Hương, một doanh nhân, nhận định: “Các bạn phàn nàn Twitter và Facebook không “dân chủ” vi phạm quyền tự  do ngôn luận của ông Trump!! Thế kêu gọi người biểu tình tấn công tòa nhà của đại diện dân cử, vu khống cả một đất nước gian lận mà không chứng cớ , đe dọa ép quan chức bầu cử “tìm’ phiếu cho mình… thì dân chủ lắm sao?”

“Và nên nhớ cả Twitter và  Facebook đều là công ty tư nhân! Họ có quyền đề ra quy định sử dụng sản phẩm của họ. Không như ông tổng thống đương nhiệm  là quan chức dân cử mà hành xử trái pháp luật!”

Định Tường (Sài Gòn)

Theo Đất Việt