Trang chủ của Wikipedia: phiên bản Wikipedia tiếng Đức là một trong những phiên bản lớn nhất trên thế giớiẢnh: dpa
Không có từ điển nào trên thế giới được đọc nhiều như vậy: người dân ở các nước công nghiệp phát triển (OECD) xem trung bình 9 bài báo trên Wikipedia mỗi tháng, theo một nghiên cứu. Quyển Tự điển tham khảo trực tuyến hiện đang kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20.
Dịch vụ phi thương mại quan trọng nhất trong lịch sử Internet ra đời vào ngày 15 tháng 1 năm 2001 với lời chào của các lập trình viên: “Chào thế giới”. Người đồng sáng lập Wikipedia Jimmy Wales đã cho hai từ này vào phần mềm wiki mới có khả năng là một quyển tự điển bách khoa trực tuyến nhanh chóng.
Wales đến từ miền nam Hoa Kỳ và ngay sau khi tốt nghiệp đại học đã kiếm được nhiều tiền nhờ thị trường tài chính đang phát triển để có thể có một cuộc sống thoải mái. Cùng với hai đồng nghiệp, vào năm 1996 ông thành lập công ty Bomis , tương tự như Yahoo, chuyên về một danh mục trang mạng . Bomis cũng bao gồm sản phẩm “The Babe Engine”, một công cụ tìm kiếm hình ảnh những phụ nữ ăn mặc hở hang.
Ngay thời ấy, Wales cũng đang theo đuổi kế hoạch hình thành một công trình tham khảo trực tuyến. Cách tiếp cận đầu tiên cho “Nupedia” rất cổ điển. Năm 2000, Wales thuê Larry Sanger làm tổng biên tập để tiếp nhận đóng góp từ các chuyên gia và phổ biến. Nhưng tiến trình kiểm soát phức tạpấn định sẵn đã cho thấy là tốn kém và không hiệu quả. Quá ít bài báo được xuất bản, chỉ có 21 bài trong năm đầu tiên.
Đồng sáng lập Wikipedia Jimmy Wales (54 tuổi)Ảnh: AFP
Nhà kinh tế học người Áo Leonhard Dobusch, người tìm hiểu về Wikipedia, cho biết thử nghiệm với phần mềm wiki thoạt đầu chỉ nhằm mục đích gom góp những ý tưởng cho một bách khoa toàn thư trực tuyến đã được tìm thấy trên Internet vào một kho dữ liệu.
“Nhưng rõ ràng là kho chứa dữ liệu này đã nhanh chóng trở nên hấp dẫn. Bởi vì trong khi bộ bách khoa toàn thư theo kiểu thiết kế ban đầu của Wales sớm bị thất bại, Wikipedia đã phát triển nhanh chóng, thu hút một số lượng lớn tự nguyện, tình nguyện viên và đã sản xuất hàng nghìn bài báo trong vòng vài tuần. “
55 triệu bài đóng góp với 300 ngôn ngữ
Sanger rời Wikipedia vào đầu năm 2003 và nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã chán ngấy những kẻ “chơi khăm” và “những kẻ vô chính phủ”, những kẻ “chống lại ý tưởng một ai đó cần có bất kỳ loại quyền hạn nào mà những người khác thì không có”.
Nhưng sự chỉ trích này không thể ngăn cản sự phát triển: 20 năm sau khi thành lập, có hơn 55 triệu đóng góp bằng gần 300 ngôn ngữ, được viết bởi vô số tình nguyện viên.
Người dân ở các quốc gia công nghiệp phát triển trung bình đọc chín bài báo trên Wikipedia mỗi thángẢnh: AFP
Trong cuốn sách “Câu chuyện Wikipedia” của người trong cuộc lâu năm Pavel Richter, người đồng sáng lập Wikipedia, Wales đã ca ngợi vai trò của cộng đồng nói tiếng Đức: “Ngay sau khi Wikipedia tiếng Đức được khởi động, chúng tôi nhận ra ngay là người Đức dường như có mối quan hệ đặc biệt với ý tưởng liên quan đến Wikipedia . Làm thế nào có thể giải thích khác được rằng trong khi tiếng Đức chỉ đứng thứ 13 trong danh sách các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới, phiên bản Wikipedia tiếng Đức lại lớn thứ tư trong số tất cả các phiên bản? “
Nếu chỉ tính các bài báo do người viết, Wikipedia tiếng Đức thậm chí sẽ xếp trên cùng chỉ ngay sau phiên bản tiếng Anh. Các phiên bản ở vị trí thứ hai (tiếng Cebuano, một ngôn ngữ được nói ở Phi Luật Tân) và thứ ba (tiếng Thụy Điển) đã bị phồng lớn với các văn bản do robot phần mềm gây tranh cãi của Lars Sverker Johansson, Thụy Điển.
Cộng đồng nói tiếng Đức cũng đã đóng góp một phần lớn vào việc loại bỏ tất cả các ý tưởng nhằm thương mại hóa Wikipedia. Richter, thành viên hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành của công ty hỗ trợ Wikimedia của Đức từ năm 2011 đến năm 2014, nói: “Không ai trở thành tỷ phú nhờ nó, không có quảng cáo”. Lúc đầu, Wikipedia chỉ được xem như một dự án internet bởi một số ít mọt sách. Ban đầu họ chẳng quan tâm đến các loại tự điển tham khảo đã có sẵn, và sau đó Họ chống lại chúng một cách triệt để.
Tuy nhiên, Wikipedia đã bỏ xa các từ điển danh tiếng trong nhiều năm. Sau 244 năm, nhà xuất bản Encyclopaedia Britannica thông báo vào năm 2012 rằng nó sẽ chỉ xuất hiện dưới dạng kỹ thuật số. Hai năm sau, Brockhaus – kim chỉ nam của tất cả các tự điển tham khảo ở đất nước này – đã phải làm theo.
Hơn 120 triệu đô la quyên góp mỗi năm
Nếu so sánh thì ngân sách của Wikipedia tương đối nhỏ: Wikimedia Foundation, tổ chức chi phí cho cơ sở hạ tầng của tự điển trực tuyến và trả tiền cho hơn 100 lập trình viên, chỉ nhận được hơn 120 triệu đô la quyên góp hàng năm. Hiệp hội tài trợ của Wikimedia Đức có hơn 80.000 thành viên và ngân sách hàng năm khoảng 18 triệu euro.
Giống như tất cả các dự án truyền thông do người thực hiện, Wikipedia không hoàn hảo. Mãi nhiều năm sau, người ta mới phát hiện ra rằng sông Rhine không dài 1320 km mà chỉ là 1230 km. Tuy nhiên, lỗi đảo lộn số trước đây cũng đã có trong từ điển bản in.
Những sai lầm khác nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như tuyên bố rằng 200.000 người Ba Lan đã bị bơm hơi ngạt trong một trại tập trung của Đức ở Warsaw là sai. Không ai nghi ngờ rằng trại tập trung Warsaw là đã tồn tại, nhưng nó không phải là một trại tiêu diệt, như Wikipedia tiếng Anh đã phổ biến cả 15 năm trời. Richter viết: “Nó vẫn là một cái vết nhơ của lịch sử Wikipedia vì đã thất bại về trường hợp quan trọng này trong một thời gian dài như vậy”.
Rốt cuộc, bài báo về trại Warsaw cũng là bằng chứng cho thấy sớm muộn gì việc kiểm soát phẩm chất cũng sẽ hiện thực đối với các bài báo quan trọng trên Wikipedia. Nhà nghiên cứu Wikipedia Dobusch nhận thấy nguy cơ sai sót với những đóng góp nhỏ nhiều hơn so với những chủ đề lớn: “Khi tôi sử dụng Wikipedia, tôi phải nhận thức rằng một chủ đề càng phổ biến và quan trọng thì Wikipedia càng đáng tin cậy hơn. Vì điều đó có nghĩa là càng có nhiều người quan tâm sẽ càng có nhiều người đọc, xem qua hoặc xét lỗi và sửa sai những bài đóng góp này ”.
Đồng sáng lập Wales thường nhấn mạnh rằng các cộng đồng Wikipedia làm việc hiệu quả là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phẩm chất: “Các cộng đồng này là trong đó các thành viên đối xử với nhau một cách tôn trọng và thân thiện; Các cộng đồng cởi mở với mọi người từ mọi tôn giáo, giới tính, khuynh hướng chính trị và nguồn gốc xã hội. “
Tuy nhiên, với thách thức này Wikipedia đã dậm chân tại chỗ trong nhiều năm. Khoảng 90% tác giả là nam giới, phần lớn đến từ các quốc gia công nghiệp phương Tây. Và không ít người tin rằng ý thức về thảo luận trong cộng đồng Wikipedia còn phải rất cần được cải thiện.
Theo Bild.de