Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong buổi họp báo Giải đua xe công thức 1 – Formula 1 tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 07/11/2018. AP – Tran Van Minh
Ngày 11/12/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và ba bị cáo khác vì tội « chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước » trong vụ án Công ty Nhật Cường. Hội đồng xét xử Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Chung 5 năm tù.
Theo thông tin của đài VTV, đây là một hình phạt dưới khung so với cáo trạng truy tố, nhờ nhiều tình tiết giảm nhẹ, như ông Chung được các cấp khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, có tiền sử bị bệnh ung thư. Ngoài chức chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021, ông Nguyễn Đức Chung từng là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên bí thư Ban cán sự Đảng. Ngày 17/12/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.
Tại sao ông Chung lại « ngã ngựa » trong thời gian ngắn đến như vậy ? Nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi – châu Á – Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp, đưa ra một số nhận định, đồng thời giải thích tại sao ông quan tâm đến chủ đề này, trong buổi phỏng vấn ngày 07/01/2021 với RFI Tiếng Việt.
*****
RFI : Đường thăng tiến của ông Nguyễn Đức Chung hơi khác so với nhiều quan chức Việt Nam khác. Làm thế nào mà một nhân vật, không xuất thân từ chính giới, lại có thể có giữ chức chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ?
Benoît de Tréglodé : Đúng vậy, ông Nguyễn Đức Chung là một nhân vật nổi tiếng nhờ sự nghiệp công an. Ông được đào tạo tại Học viện Cảnh sát Nhân dân từ năm 1985 đến 1990. Sau khi tốt nghiệp, ông có được một chặng đường vô cùng ưu tú, cứ hai năm lại được thăng chức.
Từ những năm 2010, đúng là đường thăng tiến của ông Chung bỗng như phi mã. Ông được bầu làm đại biểu Quốc Hội vào năm 2011. Sau đó, trong nhiều năm, ông luôn giữ những vị trí quan trọng trong vòng ảnh hưởng của thủ tướng thời đó. Cần phải biết là đường thăng tiến của ông Nguyễn Đức Chung liên hệ rất chặt chẽ với nhiệm kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Giờ chẳng có gì là bí mật khi nói rằng ông Nguyễn Đức Chung, nhờ vào mạng lưới của ông trong bộ Công An, là một người có thể rất có ích cho cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đường thăng tiến của ông Chung rõ ràng là liên quan đến việc được thủ tướng thời đó bảo vệ.
RFI : Vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khoan thăm dò trong vùng biển của Việt Nam vào năm 2014 đã làm dấy lên làn sóng phản đối, biểu tình, thậm chí là bạo động ở Việt Nam. Ban đầu một số cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội có thể nói là đã được « nhắm mắt làm ngơ », nhưng sau đó đã bị giải tán và cấm triệt để. Ông Nguyễn Đức Chung làm giám đốc Công An Hà Nội (2012-2016) trong giai đoạn này, trước khi trở thành chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Vậy nên hiểu sự kiện này như nào ?
Benoît de Tréglodé : Bộ Công An là một thành phần có trọng lượng trong đời sống chính trị Việt Nam. Vài tháng trước Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XII vào tháng 01/2016, chúng ta thấy là bên trong bộ máy quyền lực Việt Nam đã có sự đối đầu giữa nhiều quan chức trong bộ Công An với quan chức bên phía bộ Quốc Phòng và những cơ quan khác của Nhà nước.
Với việc ông Nguyễn Phú Trọng giành chiến thắng tại Đại hội Đảng năm 2016, bộ Công An đã chiếm được một vị trí vượt trội trong nội bộ chính quyền Việt Nam. Chúng tôi quan sát thấy có sự tăng cường, cũng như đối thoại về hợp tác ngành giữa bộ Công An Việt Nam và phía Trung Quốc. Vì thế, để tránh đi quá xa và chỉ dựa vào việc phân tích những điểm trao đổi này, có thể là vấn đề Trung Quốc phần nào đó được xử lý theo hướng hợp tác và tăng cường hợp tác an ninh. Thông thường tại Việt Nam, bộ Công An đại diện cho phe cứng rắn, ủng hộ việc duy trì và tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
RFI : Đường thăng quan của ông Chung lên như diều gặp gió. Vậy những lý do nào có thể giải thích cho việc « ngôi sao đang lên » này lại bị thất sủng, chỉ ít tháng trước Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam XIII, diễn ra từ ngày 25/01/2021 ?
Benoît de Tréglodé : Có thể nói rằng con người, cá tính của ông Nguyễn Đức Chung được đánh giá cao vì đầu óc lãnh đạo, sự năng động, thực dụng, phần nào đó cởi mở với các đối tác. Nhưng song song đó, tính cách, có thể nói là « bộc lộ rõ », không được hoàn toàn ủng hộ trong guồng máy chính trị, cũng như trong bộ Công An. Từ điểm này, nhiều người, nhiều nhà phân tích cho rằng ông Chung có những tham vọng trực tiếp khi sắp tới Đại hội đảng Cộng Sản XIII với khả năng nhắm đến vị trí bộ trưởng bộ Công An.
Tuy nhiên, vẫn những nhà phân tích trên có lúc nhắc đến sự cạnh tranh quyết liệt với ông Phan Đình Trạc, trưởng Ban Nội chính Trung ương, người phản đối kịch liệt những tham vọng của ông Chung. Qua đó có thể thấy rất rõ sự cạnh tranh chính trị vào những vị trí chủ chốt, cũng như việc ông Chung bị thất sủng.
Một điểm khác, là tại Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, diễn ra vào giữa tháng 05/2020, ông Nguyễn Đức Chung vẫn còn là một trong những ứng cử viên sáng giá vào bộ Chính Trị và tham vọng của ông ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng bộ Công An được nghiêm túc cân nhắc. Do đó, vấn đề ở đây chính là tham vọng và sự cạnh tranh vào những vị trí chủ đạo.
RFI : Ông Nguyễn Đức Chung bị kết án 5 năm tù vì tội « Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước » liên quan đến vụ án công ty Nhật Cường. Nên hiểu thế nào về việc phiên tòa diễn ra ngày 11/12/2020, chỉ cách Đại hội Đảng chỉ một tháng rưỡi ?
Benoît de Tréglodé : Cần phải nhắc lại một lần nữa là đời sống chính trị Việt Nam cứ gần đến Đại hội Đảng là nảy sinh hàng loạt cạnh tranh và quan hệ phức tạp giữa các phe phái khác nhau.
Rõ ràng là ông Nguyễn Đức Chung, từ lâu nổi tiếng là một trong những người được cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng che chở, không chỉ có bạn bè trong chính quyền mới từ năm 2016 khi những tham vọng của cựu thủ tướng bị khựng lại vì dàn lãnh đạo hiện nay.
Sự cạnh tranh âm ỉ khi tới gần kỳ Đại hội Đảng rõ ràng là rất quan trọng. Việt Nam có câu ngạn ngữ « Điệu hổ ly sơn », đây chính là những gì diễn ra trong 6 tháng vừa qua từ lúc ông Chung là một nhân vật trọng tâm quyền lực và được đề cao với việc thăng tiến nhanh chóng cho đến khi bất thình lình ngã ngựa 6 tháng sau đó. Đây là điểm đáng quan tâm !
Tôi muốn thêm một điểm nữa, đó là đội ngũ trợ lý cho người thay ông Chung làm chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội từ tháng 10/2020 lại là những người từng rất thân cận với ông Chung. Nếu đúng là việc ông Nguyễn Đức Chung bị thất sủng thực sự có liên quan đến những vụ việc nghiêm trọng và tiêu cực cho ông ấy, thì không dễ gì đội hình thân cận của ông Chung có thể giữ những vị trí quan trọng như thế trong đội ngũ mới. Đây là yếu tố cần phải xem xét ! Theo tôi, sự thất sủng này thực sự chỉ là thời thế và có lẽ sẽ được xem xét phần nào đó trong những tháng, những năm tới.
RFI : Có nghĩa là ông Nguyễn Đức Chung trả giá do bộc lộ quá rõ tham vọng ?
Benoît de Tréglodé : Rõ ràng là ông Nguyễn Đức Chung trả giá cho những tham vọng lộ rõ của ông ấy. Thông thường ở Việt Nam, người ta làm chính trị theo cách kín đáo và tránh gây đố kị và bộc lộ rõ. Chúng ta vẫn nhớ rằng cá tính của ông Nguyễn Tấn Dũng đã gây bất ngờ trong đời sống chính trị Việt Nam vì ông Dũng là người vô cùng cởi mở. Nhiều người đã chỉ trích ông về tính cách này, cũng như cách làm chính trị mới ở Việt Nam.
Trong trường hợp của ông Nguyễn Đức Chung, người ta cảm thấy đó là một chính trị gia trẻ đầy tham vọng, được thăng chức rất nhanh và được đánh giá cao về sự năng động, về mặt cởi mở nhưng điểm này lại không được nhất trí hoàn toàn.
RFI : Ông là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp. Tại sao ông lại quan tâm đến vụ Nguyễn Đức Chung ?
Benoît de Tréglodé : Chẳng có gì là bí mật cả ! Trước tiên, với tư cách là nhà nghiên cứu về một khu vực địa lý đặc biệt, như châu Á, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ…, đồng nghiệp của tôi cũng như tôi đều quan tâm đến các kỳ bầu cử đánh dấu đời sống chính trị của đất nước mà chúng tôi nghiên cứu, như gần đây là cuộc bầu cử ở Mỹ.
Trong trường hợp của Việt Nam, kỳ bầu cử diễn ra trong Đại hội Đảng Cộng Sản, được tổ chức 5 năm một lần. Do đó, với tư cách là nhà phân tích về quốc gia này, công việc của tôi là tìm hiểu những sự xuất hiện mới hay thất sủng đối với một số chính trị gia, những người sẽ dẫn dắt đời sống chính trị của một Nhà nước, ví dụ như cho 5 năm tới trong trường hợp của Việt Nam.
Không có gì là tò mò thái quá ở đây cả, mà chỉ là quan tâm đến việc cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bị thất sủng, và cần nhắc lại là có thể chỉ là « thời thế », do những tham vọng chính trị vào thời điểm đó của ông Chung, như ông vẫn khẳng định.
Điều thú vị là hiểu được trong đời sống chính trị Việt Nam, con đường sự nghiệp được hình thành như thế nào và cũng bị tiêu tan như thế nào.
Benoît de Tréglodé là giám đốc khu vực châu Phi – châu Á – Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp.
RFI (18.01.2021)