Nhã Duy
18-1-2021
“Chúng ta phải chấp nhận sự thất vọng hữu hạn nhưng đừng đánh mất niềm hy vọng vô hạn” (Martin Luther King Jr.)
Hôm nay công sở và trường học cùng một số hãng xưởng đã được nghỉ lễ ngày Martin Luther King Jr. Day để đón mừng sinh nhật và tưởng niệm ông. MLK sinh ngày 15 tháng Một năm 1929 nhưng ngày MLK Day được chọn là ngày thứ Hai thứ ba trong tháng Một hàng năm, tức hôm nay.
Ngoại trừ sinh nhật tổng thống George Washington và Abraham Lincoln được kết hợp và đón chào như một ngày lễ liên bang qua Ngày Tổng Thống – President Day, ông là công dân Hoa Kỳ duy nhất có ngày sinh đã được Quốc Hội chuẩn thuận và tổng thống Ronald Reagan thông qua vào năm 1983, trở thành ngày lễ liên bang chính thức, nhằm tưởng niệm và vinh danh một nhân vật lịch sử vĩ đại của nước Mỹ. Người mà cái tên hầu như hiện diện khắp nước Mỹ qua những bảng tên đường, các trung tâm, tổ chức, phong trào xã hội dân sự.
Mục sư Tiến Sĩ Luther King xứng đáng nhận được vinh dự này bởi ông là người xuất chúng, đáng ngưỡng mộ qua những đóng góp ý nghĩa trong suốt cuộc đời mình.
15 tuổi vào đại học, 25 tuổi ông đã trở thành một mục sư trước khi nhận bằng tiến sĩ. Chưa đến 30 tuổi ông đã là một thủ lãnh nổi tiếng của phong trào dân quyền và nhân quyền nước Mỹ. Bài diễn thuyết bất hủ “I have a dream” của ông lúc ngoài 30 tuổi, đã mang tên tuổi cùng tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông ra khắp thế giới, đưa ông đến với danh hiệu Nhân Vật Trong Năm của Time vào năm 1963 cùng giải thưởng Nobel trao cho người trẻ nhất lúc bấy giờ.
Ông không chỉ tranh đấu và cống hiến cho phong trào nhân quyền và sự tự do con người mà còn lan truyền, để lại niềm cảm hứng vô biên đến nhiều thế hệ khắp thế giới. Thông qua khuôn mẫu, hành động cùng những tư tưởng cổ súy sự an bình và hòa ái cho nhân loại.
Những tư tưởng ông để lại hiện diện trong vô vàn góc cạnh và vấn đề chính trị xã hội khác nhau. Chúng mang những giá trị đương thời nếu đọc lại.
Nhận xét về sự lãnh đạo, ông bảo rằng: “Một nhà lãnh đạo chân chính không phải là người tìm kiếm sự đồng thuận mà là người tạo ra sự đồng thuận” (A genuine leader is not a searcher for consensus but a molder of consensus). Hay “Tôi không quan tâm đến quyền lực tham quyền mà tôi quan tâm đến quyền lực có đức độ. Đó là điều đúng và điều tốt” (I am not interested in power for power’s sake, but I’m interested in power that is moral, that is right and that is good).
Thông điệp về chân lý cho lẽ phải, ông phát biểu trong diễn từ nhận giải Nobel Hòa Bình rằng: “Tôi tin rằng sự thật trần trụi và tình yêu vô điều kiện sẽ có lời cuối trên thực tại. Đây là lý do tại sao lẽ phải có tạm thời bị đánh bại vẫn mạnh hơn sự chiến thắng của điều xấu“. (I believe that unarmed truth and unconditional love will have the final word in reality. This is why right, temporarily defeated, is stronger than evil triumphant). Có nhiều điều như vậy nếu kể ra thêm.
Qua đời ở tuổi 39 khi bị ám sát tại Memphis vào năm 1968, di sản, tư tưởng và viễn kiến của ông để lại cho nước Mỹ cùng các phong trào tranh đấu khắp thế giới quả lớn lao. Bởi vì đó là tư tưởng và giá trị về nhân quyền, về sự tự do và tình yêu thương của con người. Và cho con người.
Di sản của Martin Luther King Jr. để lại là những điều đáng suy ngẫm, học hỏi cho nhiều người, không chỉ trong ngày Martin Luther King Jr. Day này, mà cả suốt cuộc dự phần vào hành trình quốc gia trong tư cách một công dân trách nhiệm./.