Seite auswählen

Cảnh sát liên bang Đức ngày 18/1 cho biết đang tăng cường hợp tác xuyên biên giới ở châu Âu để chống nạn mua bán người Việt, trong bối cảnh Berlin thành tâm điểm của các đường dây.

Nhằm tìm kiếm việc làm ở châu Âu, người Việt Nam di cư bất hợp pháp qua các đường dây buôn người, đi qua Trung Quốc hoặc Nga, ông Carsten Moritz, người đứng đầu đơn vị chống mua bán người ở Văn phòng Cảnh sát Tội phạm Liên bang (BKA) nói với đài RBB ở Đức.

Những người đến từ Việt Nam thường làm việc trong “điều kiện bóc lột” để trả các khoản đã vay đường dây đưa người, có thể lên tới 12.000-24.000 USD mỗi người, theo AFP.

Theo BKA, “một mạng lưới khổng lồ” và “đang hoạt động trên khắp châu Âu” đứng đằng sau nạn mua bán người từ Việt Nam, đem lại “lợi nhuận khổng lồ” cho giới tội phạm.

Một chiến dịch toàn châu Âu sẽ được tiến hành trong năm nay để trấn áp các hoạt động tội phạm này, do BKA dẫn đầu và có sự hỗ trợ của cảnh sát từ Ba Lan, Anh, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech, Bỉ và cơ quan cảnh sát EU (Europol).

Cảnh sát áp giải nghi phạm sau một vụ bắt giữ ở Berlin ngày 3/3/2020, trong một đợt trấn áp tội phạm mua bán người Việt Nam. Ảnh: dpa.

Cảnh sát từng phát hiện người di cư, bao gồm trẻ em, làm việc bất hợp pháp trong các tiệm massage, tiệm làm móng, nhà hàng, các công việc dệt may và lau dọn.

Theo ông Moritz, một khu vực quan trọng là quận Lichtenberg, phía đông Berlin, nơi có chợ Đồng Xuân của người Việt.

Tháng 3/2020, cảnh sát Đức có đợt kiểm tra, bắt giữ những người nghi tham gia mua bán người Việt Nam, và đã bắt giữ 6 người liên quan tới việc đưa 155 người Việt tới Đức.

Chuyến đi châu Âu của người di cư không hợp thức từ Việt Nam thường đầy rẫy hiểm nguy, trong những điều kiện khổ ải. Năm 2019, 39 người di cư Việt Nam tử vong trên xe tải đông lạnh ở Anh, sau khi được đưa tới từ châu Âu.

Cầm đầu đường dây là Gheorghe Nica, bị bắt giữ ở Frankfurt tháng 1/2020, sau đó bị kết án ở London với 39 tội danh giết người.

Một nghi phạm cầm đầu khác có biệt danh “Duke Hói”, 29 tuổi, bị bắt giữ ở Đức hồi tháng 5/2020, theo AFP.

Có khoảng 188.000 người gốc Việt ở Đức, theo thống kê chính thức. Nhiều người Việt tới đây từ thời xuất khẩu lao động cho Đông Đức, và ở lại sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Một số người khác sang Tây Đức sau thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

Theo VietBF

 

***

 

Cảnh sát Liên bang Đức nhắm vào các đối tượng buôn người gốc Việt

 

 Adrian Bartocha và Jan Wiese, RBB

 

Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang (BKA) hiện đang tuyên chiến với nạn buôn người. Trong nhiều năm, các tổ chức người Việt đã buôn lậu đồng hương và bóc lột nạn nhân  ở châu Âu. Nạn nhân bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên. 

 

Chung * là một cậu bé gầy. Trong một thời gian, cậu phải sống ở một nơi bí mật ở Warsaw – thủ đô Ba Lan. Khi nào sợ quá, Chung bắt đầu vẽ. Chung nói điều đó giúp Chung bình tĩnh lại.

Những kẻ hành hạ Chung đã bị kết án từ lâu. Chung là trẻ mồ côi. Sau khi cha mẹ qua đời, bà Chung đã nhận nuôi Chung cho đến khi bà mất. Để kiếm sống, Chung đi mò cua bắt ốc, lượm ve chai.

Một ngày nọ, một người đồng hương tiếp cận cậu thiếu niên lúc đó 15 tuổi và đề nghị đưa cậu sang châu Âu để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn ở đó. Chung đồng ý. Nhưng trong chuyến đi đưa Chung đến Ba Lan qua ngả Nga và các nước Baltic, Chung đã nghi ngờ. Hết lần này đến lần khác Chung bị giam dưới hầm và bị bắt đi làm.

“Tôi có cảm giác rằng tôi đã bị gài bẫy. Tôi cố gắng chống trả, nhưng họ đã đánh tôi.”

 

Trên đường từ Warsaw đến Berlin, ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn của Chung đột ngột kết thúc.

 

Chiếc xe chở mười hai người Việt gặp tai nạn. Người lái xe người Ba Lan đã bỏ trốn và để mặc những người bị thương nặng nằm lại.

 

Người đứng đầu Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang (BKA) Carsten Moritz cho biết: “Chúng tôi đang giả định một số lượng rất lớn các trường hợp không được báo cáo.

 

Lĩnh vực mà nhân viên cấp cao của BKA nói đến trong cuộc phỏng vấn với RBB là buôn bán người: hầu hết thanh niên Việt Nam bị dụ đến châu Âu với hy vọng có một cuộc sống sung túc hơn. Khi đến nơi, họ phải làm việc trong những điều kiện bất lợi nhất. 

Moritz giải thích: “Trong các tiệm mát-xa, nhà hàng, tiệm làm móng, buôn lậu thuốc lá, trong ngành giết mổ”. Người Việt Nam cũng bị phát hiện làm việc trong các nhà thổ và buôn bán ma túy. 

Sau vụ tai nạn, Chung bị bắt và khai ra. Những kẻ buôn lậu đã bị bắt, có cả Andrzej *. Tên tội phạm Ba Lan cầm đầu một nhóm ba người, thay mặt cho mafia Việt Nam, đưa hàng trăm người Việt Nam từ Lithuania đến Warsaw và từ đó đến Bỉ, Hà Lan và Pháp – với giá 400 euro/ người, nhồi nhét họ trong xe tải. 

Andrzej không quan tâm đến số phận của họ: “Dù sao thì tất cả bọn họ đều là người da vàng, gầy yếu”. Andrzej nói trong một cuộc là sẽ không bao giờ đánh “những người này” vì “sợ sẽ giết chết họ”. Andrzej hiện đang bị giam giữ, bị kết tội buôn người, cũng như các nhân viên và một người Việt Nam.

 

Gái mại dâm 13 tuổi

“Có tính chuyên nghiệp cao, được cấu trúc theo thứ bậc, tương tự như một công ty quốc tế” trưởng phòng kiểm soát tội phạm của Cảnh sát Liên bang ở Halle, đã mô tả về các tổ chức tội phạm Việt Nam hoạt động cùng nhau trong các mạng lưới rộng khắp châu Âu như vậy. Theo phát hiện của ông, những kẻ buôn người tính phí lên tới 20.000 euro cho chuyến đi đến Tây Âu. Số tiền mà các gia đình hoặc những người trẻ tuổi như Chung thường thậm chí không có – và do đó, nợ mạng. 

“Tất nhiên là bạn trở nên phụ thuộc”, ông Pfau nói. “Tổ chức buôn người kiểm soát những người bị ảnh hưởng, và nếu họ không nghe lời, thì đối với họ mọi chuyện kết thúc nhanh chóng. Sau rốt, đó là chế độ nô lệ hiện đại.” 

Trẻ vị thành niên cũng bị bắt làm nô lệ. Markus Pfau cho biết: “Chúng tôi đã có những vụ phát hiện những cô gái 13 hoặc 14 tuổi bị buôn lậu vào đây để làm gái mại dâm. Và chúng tôi đã có trường hợp trẻ vị thành niên bị buộc làm việc trong các trại cần sa.” 

 

Berlin là “tâm điểm”

Ông Moritz, người đứng đầu Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang (BKA), cho biết Berlin là “tâm điểm” cho những kẻ buôn lậu người và buôn người. Hầu hết những người Việt buôn lậu được “giao hàng” trên một khu công nghiệp và thương mại ở phía đông thành phố và mang đi phân phối xa hơn trên khắp nước Đức. 

Nhưng ở Berlin, người ta không muốn công nhận vấn nạn buôn người Việt Nam. Sebastian Laudan, Trưởng điều tra viên lĩnh vực tội phạm có tổ chức tại Văn phòng Cảnh sát Hình sự Bang Berlin, giải thích: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các tiêu chí về buôn bán người trong bối cảnh buôn lậu người thường không được đáp ứng. Không chỉ không đồng thuận với đánh giá của Sĩ quan Cảnh sát Liên bang Markus Pfau, mà còn của BKA. Moritz, Trưởng phòng BKA, nói, “Những kẻ buôn lậu này luôn chỉ phục vụ một mục đích: buôn người”.

 

Thất bại hoàn toàn

Quan điểm của cảnh sát Berlin không phải là trường hợp cá biệt. Các cuộc điều tra về buôn bán người rất tẻ nhạt và cần có các cơ cấu thích hợp. Nhưng đó chính xác là những gì còn thiếu ở Đức, theo nhà phê bình Kevin Hyland. Ông là thành viên của Nhóm chuyên gia của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn bán con người. 

Đức đã cam kết theo luật quốc tế vào năm 2005 để hành động chống lại nạn buôn người, nhưng các yêu cầu chính vẫn chưa được thực hiện. Ông Hyland nói: “Vẫn không có nhân viên chống buôn người quốc gia và không có chương trình bảo vệ nạn nhân quốc gia. Nghĩa vụ chủ động điều tra không được đáp ứng”. 

Rất khác với quê hương của Hyland, Vương quốc Anh. Tại đây, ông là ủy viên chống chế độ nô lệ đầu tiên của chính phủ. Năm 2015, Anh đã thông qua đạo luật đầu tiên trên thế giới về chống lại nạn nô lệ hiện đại và nạn buôn người. 

Các cuộc điều tra “chủ động” đã cho thấy rõ rằng người Việt Nam là nhóm nạn nhân buôn người lớn nhất ngoài châu Âu – gần 900 người vào năm 2019, gần một nửa trong số đó là trẻ vị thành niên. Ngay cả trong năm Covid 2020, 500 nạn nhân đã có thể được xác định trong ba quý đầu tiên. Con đường của họ hầu như luôn đi qua nước Đức.

 Nhưng BKA chỉ xác nhận bảy nạn nhân Việt Nam trong năm 2019. BKA cũng nói rõ rằng con số này không phản ánh đúng thực tế. Đó là lý do tại sao việc buôn bán người của người Việt Nam ở Đức và Châu Âu trở thành ưu tiên từ năm 2021, cùng với 13 cơ quan điều tra khác của Châu Âu. Bởi vì, theo Moritz, đó là một câu hỏi về “một vấn đề toàn châu Âu” mà chỉ có thể được giải quyết ở cấp độ châu Âu.

 

* Tên nạn nhân đã được thay đổi

 

Nguồn: tagesschau.de