Ngày 19-01-2021
Chỉ trong hai tuần đầu năm 2021, người ta đã chứng kiến rất nhiều điều diễn ra: các án tù cho những nhà báo công dân, người bị tạm giam chết lạ lùng trong đồn công an… nhưng thầm lặng và ít người để ý đến, đó là cái chết của một quỹ từ thiện ở miền Bắc Việt Nam, vốn hoạt động chỉ để giúp cho các tù nhân lương tâm và gia đình khó khăn của họ. Đó là quỹ 50k của chị Nguyễn Thúy Hạnh, một phụ nữ không có mục đích chính trị nào, đảng phái nào…, ngoài việc chị muốn chia sẻ những khổ đau và bất công với những người mà chị nhìn thấy. Thế nhưng, công việc tầm thường đó ở Hà Nội đã gặp phải không biết bao nhiêu sự ngăn trở, đe dọa, thậm chí bị chụp mũ như là một kẻ kinh tài cho bọn khủng bố.
Cuối năm 2020, chị Nguyễn Thúy Hạnh bị công an Hà Nội triệu tập liên tục, với nhiều lý do khác nhau, căng thẳng đến mức chị suýt đột quỵ. Mục đích của nhà cầm quyền chỉ là muốn chị phải chấm dứt ngay việc nhận giúp đỡ các tù nhân lương tâm. Cuộc trò chuyện dưới đây sẽ làm rõ thêm một số điều, cũng như ghi lại lịch sử về một quỹ từ thiện và tình đồng bào đã bị bức tử như thế nào.
Được biết vào cuối năm ngoái, chị đã bị công an triệu tập rất nhiều lần về vấn đề gây quỹ từ thiện 50K? Trên Facebook của mình, chị có nói rằng quỹ 50k đang gặp khó khăn rất nhiều từ phía chính quyền?
Nhưng với chị, họ có yêu cầu chính thức việc ngừng hoạt động quỹ từ thiện này không?
À, chính thức thì không, nhưng họ làm các động tác như khủng bố tinh thần. Nghĩa là họ canh gác ở cửa nhà mình suốt. Bắt đầu từ hồi tháng 1-2020, khi xảy ra vụ Đồng Tâm cho đến tận tháng 11 vừa rồi. Họ canh gác ở nhà, có lúc không cho đi ra ngoài, có lúc ra được thì họ đi theo suốt. Tài khoản ngân hàng dùng làm từ thiện thì họ chặn tất cả các đường gửi tiền vào. Nhiều người gửi ủng hộ quỹ 50K cho biết họ được thông báo là tài khoản của quỹ được thông báo tự động là không tồn tại.
Những gia đình đó kể lại với chị như vậy?
Hầu hết là mọi người đều nói lại với mình, nội dung giống nhau là công an đã đến tận nhà đe dọa, điều tra… Chẳng hạn như gia đình tù nhân Huỳnh Trương Ca vừa bị công an đến. Còn mới nhất là gia đình của hai cha con tù nhân tôn giáo (đạo Hòa Hảo) là Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm, gọi nói là chắc không dám nhận nữa vì bị công an gọi điện hăm dọa liên tục. Chị Dung ở Đồng Nai thì nói công an gọi lên thẩm vấn như tội phạm, hỏi là vì sao được nhận, rồi nhận như thế nào… Chưa kể đến là họ tổ chức viết nhiều bài để bôi nhọ, nói rằng tôi biển thủ quỹ 50K, ăn xài xa xỉ… nhưng chuyện ấy thì kệ họ đi, không ai quan tâm. Nhưng còn đối với những gia đình không chịu lùi bước, quyết vẫn nhận liên lạc và xin giúp đỡ, thì họ bị công an địa phương hăm dọa là cứ như vậy thì đừng trách người trong tù gặp khó. Chính là vợ của anh Huỳnh Trương Ca đấy, khi quyết vẫn nhận tiền giúp thăm nuôi, thì khi đến trại, trại giam lấy cớ là do phát hiện ở với nhau không hôn thú nên từ giờ không cho chị ấy đi thăm nuôi nữa.
Những lần gần đây, công an triệu tập chị và đòi hỏi gì ở quỹ 50K?
Họ bắt tôi đến, hỏi về việc tôi trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, mở lại băng ghi âm và bắt tôi nghe lại. Rồi họ hỏi tôi đã hoạt động như thế nào, nhận tiền ở đâu. Nhưng tôi có gì nói nấy, rằng tôi chỉ nhận tiền từ thiện thôi, ai cho thì nhận, chứ không có tổ chức nào tài trợ riêng cho tôi cả.
Nhưng với một quỹ từ thiện bình thường thì phía công an có nói vì sao họ gây khó khăn cho chị như vậy không?
Họ chỉ nói là tôi nhận tiền từ nước ngoài, và chính vì vậy, là cách mà bọn phản động chuyển từ nước ngoài về để tài trợ cho những kế hoạch hành động chống phá nhà nước. Tôi có hỏi họ rằng các anh các chị thử trả lời tôi xem là các điều luật nào cấm người ta làm từ thiện? Thế nhưng họ lại không nghe. Công an lại hỏi tôi là vì sao không giúp cho những người bình thường mà chỉ giúp cho những người đã bị nhà nước bỏ tù; tôi có nói là những người này là họ bị kỳ thị, họ bị vu khống, gia đình họ bị khống chế và họ bị cản trở… thậm chí người thân của họ cũng bị cản trở việc làm ăn kinh doanh, cho nên những người đó không được ai giúp đỡ cả. Họ là những trường hợp đặc biệt, nên tôi chỉ tập trung các vấn đề tù nhân lương tâm thôi.
Trong những lần làm việc mới đây với công an, có bao giờ chị đặt vấn đề là cái tiền phúng điếu hơn 500 triệu đồng dành cho cụ Lê Đình Kình, vì sao họ giữ mà tới giờ mà vẫn không giải ngân trả lại trong tài khoản cho chị?
Họ trả lời loa qua lắm. Họ nói tiền đấy là tiền tài trợ cho khủng bố ở Đồng Tâm. Vừa rồi sau khi Tòa xử xong, không có người nào có tội danh khủng bố cả, thì tôi lại lại viết đơn yêu cầu là phải giải chấp tiền phúng điếu. Thế nhưng ngân hàng vẫn im lặng. Khi tôi hỏi công an thì họ lại vẫn cứ trả lời loanh quanh là tiền cần giữ ở đó, vì nhỡ có khi người gửi phúng điếu, nay đổi ý không thích cụ Kình nữa mà muốn lấy lại. Tôi nói cứ giải ngân, tôi chịu trách nhiệm, họ lại lờ đi.
Đầu năm 2021, với những người quan tâm đến quỹ 50K và với cả chị nữa, chị muốn nói gì?
Vâng, một năm qua, hậu quả của một năm bị khủng bố tinh thần liên tục, khiến tôi bị trầm cảm nặng quá. Thế nên tôi đành phải tạm dừng lại. Tôi có chính thức thông báo trên facebook là từ đây là quỹ từ thiện 50K là tạm ngưng, và mọi người tạm đừng gửi tiền – vì gửi họ cũng không cho nhận đâu. Tôi chuyển sang việc khác mà nghĩ là có ích trong lúc này, chẳng hạn, tôi kêu gọi cùng mua giúp cho vườn bưởi của nhà chị Cấn Thị Thêu. Rất vui là mọi người vẫn theo dõi và luôn ủng hộ, nên vừa rồi mặc dù việc buôn bán bưởi khó khăn nói chung nhưng gia đình của chị Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương cũng vượt qua được.
Nhiều khi tôi nghĩ đến những gia đình tù nhân lương tâm mà tôi vẫn giúp, nhưng lại không giúp được cho họ lúc này mà lòng đau như cắt. Thật lòng mà nói, có những gia đình mỗi tháng tựa vào vài trăm ngàn của quỹ 50K là cách sống duy nhất của họ mà thôi, Không biết lúc này họ phải xoay sở như thế nào. Tôi cũng muốn nói với những người công an, rằng lòng nhân đạo là thứ cuối cùng không thể bị tước đoạt. Việc giam giữ và chia cắt gia đình của những tù nhân lương tâm đã là một hành động sai trái, nay còn tiến đến việc cắt đứt đường sống của họ nữa, thì đó là một việc làm dã man vô nhân đạo. Chính quyền này muốn tồn tại trong lòng dân thì họ phải thay đổi. /.