Mục lục
Covid-19 : Nhóm chuyên gia độc lập tố cáo Trung cộng phản ứng quá chậm
Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ vẩy tay chào một bệnh nhân Covid-19 vừa khỏi bệnh tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung cộng, ngày 01/03/2020. REUTERS – China Daily CDIC
Chính quyền Trung cộng và Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO bị tố cáo đã không phản ứng ngay tức khắc khi dịch siêu vi corona chủng mới xuất hiện. Trong bản báo cáo thứ hai được công bố hôm nay, 19/01/2021, tại Genève, nhóm chuyên gia độc lập khẳng định như trên, dựa theo trình tự thời gian của giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh.
« Dịch lan rộng là do phần lớn bị che giấu »
Nhóm chuyên gia độc lập, do cựu thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark và cựu tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sireaf điều hợp, có nhiệm vụ thẩm định các nỗ lực toàn cầu chống đại dịch Covid-19, cho biết « lẽ ra chính quyền địa phương và chính quyền trung ương Trung cộng phải thi hành một cách quyết liệt các biện pháp y tế công cộng vào tháng 01/2020 ».
Phản ứng chậm trễ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng được nêu rõ: chậm triệu tập ủy ban tình trạng khẩn cấp, ngập ngừng không tuyên bố ngay tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế.
Trung cộng chắc chắn sẽ bất bình trước những lời phê phán này trong bối cảnh một nhóm chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đến Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc của siêu vi thủ phạm.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :
“Nếu tin vào truyền thông Trung cộng thì cho đến hôm nay mọi việc đều tốt đối với phái bộ chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Báo chí Nhà nước lấy lại và phát tán rộng rãi những hình ảnh, thông tin mà tổ chức của Liên Hiệp Quốc đưa lên trang mạng Weibo của Trung cộng trong những ngày gần đây.
Trong các thông điệp này, chuyên gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới khen ngợi cách tiếp đón tại thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, kèm theo những bức ảnh mặt trời mọc hay thực đơn « hài hòa », có trái thanh long, có cà-phê trong buổi điểm tâm tại khách sạn, nơi cách ly.
Báo chí phát hành hôm nay không hề nói đến lời cáo buộc chính quyền Trung cộng và Tổ Chức Y Tế Thế Giới phản ứng thiếu nhanh chóng lúc đại dịch bắt đầu xuất hiện. Tố cáo này chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh nổi giận. Từ khi khống chế được dịch, chính quyền Trung cộng đã thay đổi giọng điệu, không nhắc đến phản ứng chậm hay thông tin mù mờ nữa. Trái lại, họ nói đến giả thuyết siêu vi có nguồn gốc từ bên ngoài và lây lan vào Trung cộng.
Thế mà, việc Trung cộng phản ứng trễ nải đã được giáo sư Chung Nam Sơn và các chuyên gia Trung cộng ghi nhận trong cuộc điều tra tại Vũ Hán hồi mùa đông năm trước. Chính cuộc điều tra này đã gây ra phản ứng từ chính quyền trung ương, buộc họ phải ra lệnh phong tỏa Vũ Hán ngày 23/01/2020 và trừng phạt các lãnh đạo địa phương.
Thêm 3 triệu người bị phong tỏa
Từ khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm mới trong những tuần qua, 19 triệu dân miền đông – bắc Trung cộng đã bị phong tỏa. Tỉnh Cát Lâm hôm qua phong tỏa thêm hai thành phố sát biên giới Bắc Triều Tiên với 3 triệu dân. Hà Bắc giảm nhẹ biện pháp ngăn dịch, nhưng 12,5 triệu dân địa phương tiếp tục được khuyên nên ở nhà.
Bác sĩ Vũ Hán: Chúng tôi được yêu cầu che đậy thông tin về COVID-19
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tiếp Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh ngày 28/1/2020 (ảnh chụp màn hình CGTN/Youtube).
Trong một bộ phim tài liệu mới được phát sóng vào thứ Ba (19/1), các bác sĩ Trung cộng cho biết bệnh viện Trung cộng đã bị chính quyền yêu cầu che đậy thông tin về những người chết vì COVID-19 và việc lây truyền từ người sang người, ít nhất một tháng trước khi Trung cộng thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về những sự thật đó.
Bộ phim tài liệu “Bùng nổ: Virus làm rung chuyển thế giới” (Outbreak: The Virus That Shook The World) phát sóng trên Sky TV hôm thứ Ba, kể về “câu chuyện toàn cầu đầy kịch tính trong năm đầu tiên bùng nổ COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), theo dấu sự tàn phá do sự lây lan của virus trên khắp bốn châu lục”.
Bộ phim tài liệu có sự tham gia của các chuyên gia y tế ở Vũ Hán nói rằng vào đầu tháng 12/2019, họ đã phát hiện ra rằng có người đã chết vì virus, nhưng chính quyền Trung cộng đã yêu cầu các bệnh viện “không được nói sự thật”. Các bác sĩ cũng cho biết một số người dân địa phương muốn hủy bỏ các lễ hội trong mùa Tết Nguyên đán (có thể lúc đó đã lây lan virus), nhưng các sự kiện vẫn được tổ chức để “thể hiện một xã hội hài hòa và thịnh vượng”.
“Tất cả chúng tôi đều cảm thấy không nên nghi ngờ gì về sự lây truyền từ người sang người”, một bác sĩ nói. Một bác sĩ khác cho biết, “Chúng tôi biết loại virus này lây truyền từ người sang người. Nhưng khi chúng tôi tham dự một cuộc họp của bệnh viện, chúng tôi được yêu cầu không được nói ra. Lãnh đạo tỉnh bảo các bệnh viện không được nói ra sự thật”.
“Vào cuối ngày 12/1, WHO đã nói rằng không có ‘bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người’ và nói rằng họ ‘yên tâm về chất lượng’ phản ứng của Trung cộng”, Daily Mail lưu ý, thêm. “Vào ngày 21/1, khi WHO ban hành báo cáo tình hình đầu tiên về virus, căn bệnh này đã lây nhiễm cho ít nhất 278 người ở Trung cộng và lây lan sang ba quốc gia khác”.
Hôm thứ Hai (18/1), một hội đồng do Tổ chức Y tế Thế giới ủy quyền đã thừa nhận, “Điều rõ ràng với hội đồng là các biện pháp y tế công cộng có thể đã được các cơ quan y tế địa phương và quốc gia ở Trung cộng áp dụng mạnh mẽ hơn vào tháng Giêng”.
Như hãng tin AP đã đưa tin vào tháng 6 năm ngoái, WHO ban đầu ca ngợi Trung cộng: “Trong suốt tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới đã công khai ca ngợi Trung cộng vì điều mà họ gọi là phản ứng nhanh chóng với loại coronavirus mới. Họ liên tục cảm ơn chính phủ Trung cộng vì đã chia sẻ bản đồ gen của virus ‘ngay lập tức’, đồng thời cho biết công việc và cam kết minh bạch của họ là ‘rất ấn tượng, không thể nói thành lời’”.
Tiến sĩ Yi-Chun Lo, Phó tổng giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh ở Đài Loan, cho biết: “Việc quản lý ổ dịch ban đầu chỉ là một mớ hỗn độn, một thất bại. Tôi nghĩ đại dịch đã có thể tránh được ngay từ đầu nếu Trung cộng minh bạch về sự bùng phát và nhanh chóng cung cấp thông tin cần thiết cho thế giới”, theo Daily Wire.
Tiến sĩ Yin-Ching Chuang, từ Mạng lưới Phòng chống và Điều trị Bệnh Truyền nhiễm ở Đài Loan, khẳng định rằng ông và nhóm của mình đã kiên trì cố gắng đến thăm Trung cộng để xác định xem liệu có lây truyền từ người sang người hay không và cuối cùng đã được đưa ra một phần sự thật.
Ông nói: “Chúng tôi đã hỏi rất nhiều câu hỏi, cuối cùng họ cũng vô tình đưa ra và nói rằng không thể loại trừ khả năng lây truyền từ người sang người một cách hạn chế. Quy mô lây nhiễm là gì? Dịch bệnh này lớn đến mức nào? Có bao nhiêu bệnh nhân bị ảnh hưởng? Chúng tôi không biết. Chỉ họ biết điều này. Tại sao Trung cộng không thông báo cho các nước khác về vấn đề lây nhiễm giữa người với người này sớm hơn?”
Theo Đại Kỷ Nguyên (20.01.2021)
VIDEO: Thanh tra của WHO tiết lộ họ đã nghiên cứu coronavirus ở Vũ Hán trước khi đại dịch bắt đầu
Video cho thấy nhà khoa học hiện đang là thành viên đoàn thanh tra của WHO đã đề cập đến thí nghiệm coronavirus trong phòng thí nghiệm Vũ Hán vài tuần trước đại dịch.
Video được quay vào ngày 9 tháng 12 năm 2019, chỉ vài ngày trước khi bắt đầu đại dịch coronavirus. Trong đó, một thanh tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang thảo luận về việc thử nghiệm coronavirus đã được sửa đổi trên tế bào người và chuột nhân hóa (chuột mang gen, tế bào, mô và / hoặc cơ quan chức năng của con người) tại Viện Vi rút Vũ Hán (WIV).
Theo đó, nhà virus học Vincent Racaniello đã phỏng vấn nhà động vật học người Anh và chủ tịch của EcoHealth Alliance Peter Daszak về công việc của ông tại tổ chức phi lợi nhuận nhằm bảo vệ thế giới khỏi sự xuất hiện của các bệnh mới và dự đoán đại dịch. Kể từ năm 2014, tổ chức của Daszak đã nhận được hàng triệu đô la tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), tổ chức này đã hợp tác với WIV để thực hiện nghiên cứu về virus dơi.
Trong giai đoạn nghiên cứu đầu tiên, diễn ra từ năm 2014 đến 2019, Daszak phối hợp với Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), người được gọi là “người đàn bà dơi”, tại WIV để điều tra và lập danh mục các coronavirus dơi trên khắp Trung Quốc. Liên minh EcoHealth đã nhận được 3,7 triệu đô la Mỹ tài trợ từ NIH cho nghiên cứu này và 10% đã được chuyển đến WIV, NPR báo cáo.
Giai đoạn thứ hai, nguy hiểm hơn, bắt đầu vào năm 2019, liên quan đến nghiên cứu tăng chức năng (GoF) trên coronavirus và chimeras ở chuột được nhân hóa từ phòng thí nghiệm của Ralph S. Baric thuộc Đại học Bắc Carolina. Tài trợ cho chương trình đã bị NIH dưới thời chính quyền Trump rút vào ngày 27/4 trong bối cảnh đại dịch.
Giây thứ 10 của phút 28 trong podcast, Daszak nói rằng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng SARS có thể bắt nguồn từ dơi và sau đó bắt đầu tìm kiếm thêm các coronavirus liên quan đến SARS, cuối cùng tìm thấy hơn 100 loại coronavirus. Ông quan sát thấy rằng một số coronavirus có thể “xâm nhập vào tế bào người trong phòng thí nghiệm” và một số thì có thể gây ra bệnh SARS trên “mẫu chuột nhân hóa”.
Ông cảnh báo một cách đáng ngại rằng những coronavirus như vậy “không thể điều trị được bằng các liệu pháp kháng thể đơn dòng và bạn không thể tiêm vắc-xin chống lại chúng.” Trớ trêu thay, anh ta tuyên bố rằng mục tiêu của nhóm anh ta là cố gắng tìm ra “sự kiện lan truyền” tiếp theo có thể gây ra đại dịch tiếp theo, chỉ vài tuần trước khi các trường hợp COVID-19 bắt đầu được báo cáo ở Vũ Hán.
Khi Racaniello hỏi có thể làm gì để đối phó với coronavirus do không có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị cho chúng, Daszak ở phút 29:54 dường như tiết lộ rằng mục tiêu của các thí nghiệm GoF là phát triển một loại vắc-xin cho nhiều loại coronavirus khác nhau.
Dựa trên tiết lộ của anh ta, rõ ràng là ngay trước khi bắt đầu đại dịch, WIV đã điều chỉnh coronavirus trong phòng thí nghiệm: “Bạn có thể thao tác chúng trong phòng thí nghiệm khá dễ dàng.” Những gì anh ấy đề cập về protein sau đó thậm chí đã trở thành đặc điểm nổi tiếng của SARS-CoV-2: “Protein đột biến thúc đẩy rất nhiều điều xảy ra với coronavirus, nguy cơ lây nhiễm từ động vật”.
Daszak đề cập đến sự hợp tác của WIV với Baric: “và chúng tôi hợp tác với Ralph Baric tại UNC [Đại học Bắc Carolina] để thực hiện điều này.” Không bàn mà hợp với một số thuyết hiện nay cho rằng SARS-CoV-2 là một chimera (được lai tạo để mang nhiều bộ NST khác nhau từ nhiều chủng) được tạo ra trong phòng thí nghiệm, Daszak cũng nói về việc đưa protein đột biến “vào một loại virus khác” và sau đó thực hiện “một số công việc trong phòng thí nghiệm.”
Có vẻ như việc tạo ra chimeras là nhằm để điều chế vắc-xin. Daszak nói: “Bây giờ, nếu bạn định phát triển vắc-xin cho bệnh SARS thì tất nhiên là mọi người sẽ sử dụng vắc-xin [để đối phó] đại dịch SARS, nhưng chúng ta hãy thử chèn thêm các bệnh liên quan khác để được chủng ngừa tốt hơn.”
Trong một bài thuyết trình có tiêu đề “Đánh giá các mối đe dọa của Coronavirus”, được đưa ra vào năm 2015, Daszak chỉ ra rằng các thí nghiệm liên quan đến chuột nhân hóa có mức độ rủi ro cao nhất. Thể hiện mối quan hệ chặt chẽ của mình với WIV, ông cũng liệt kê phòng thí nghiệm là cộng tác viên ở cuối bài thuyết trình.
Đáng nói, Daszak là thành viên của nhóm các chuyên gia từ WHO được Bắc Kinh cho phép tới Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của sự bùng phát COVID-19, hơn một năm sau khi nó bắt đầu. Các nhà khoa học như Richard Ebright, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers ở New Jersey, đang lên án sự tham gia của Daszak do xung đột lợi ích “khiến anh ta rõ ràng không đủ tư cách tham gia cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19”, theo tờ DailyMail.
Sau chuyến đi của WHO tới Vũ Hán, một nhà nghiên cứu có bút danh Billy Bostickson và các đồng nghiệp của ông tại DRASTIC (Nhóm điều tra tự trị cấp tiến phi tập trung điều tra COVID-19) đã lập một bản kiến nghị yêu cầu nhóm điều tra quốc tế trả lời 50 câu hỏi chính về bùng phát ở Vũ Hán. Trong số các câu hỏi là yêu cầu truy cập vào cơ sở dữ liệu của cơ sở và hồ sơ phòng thí nghiệm, được cho là có từ 20 năm trước và bao gồm việc xem xét các quy trình an toàn, báo cáo đánh giá an toàn và báo cáo sự cố an toàn.
Theo taiwannews.com.tw
Tinh Hoa (19.01.2021)
Truyền thông nước ngoài lần đầu công chiếu video về Vũ Hán trước khi bị phong tỏa
Sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát rồi nhanh chóng lan rộng tại Trung cộng cũng như trên thế giới, đến nay đại dịch này đã gây ra hơn 2 triệu ca tử vong. Gần đây, đài truyền hình quốc tế Al Jazeera đã phát sóng đoạn video tin tức từ Vũ Hán trong những ngày đầu khởi phát dịch. Những tin tức bị giấu nhẹm này, giờ đây, lần đầu tiên được công bố đã vạch trần cách Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) che giấu dịch bệnh và ngăn cản các phóng viên đưa tin sự thật.
Kiểm tra thân nhiệt người dân tại thành phố Thành Đô, Trung cộng. Ảnh chụp ngày 1/1/2020. (Ảnh minh họa: Amar Shrestha / Shutterstock).
Ngày 18/1, đài truyền hình Al Jazeera đã phát sóng chương trình đặc biệt “Điều tra Al Jazeera: 3 ngày khiến thế giới dừng lại” (Al Jazeera Investigations: 3 Days That Stopped The World). Nội dung tiết lộ về thành phố Vũ Hán với dân số 11 triệu người, đã thay đổi kinh hoàng như thế nào chỉ sau một đêm, từ thờ ơ với dịch bệnh, cho đến lúc bắt đầu hoảng loạn, và chỉ trong vài giờ, các bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải.
Những hình ảnh chưa từng được công bố này được quay chụp từ ngày 19 – 22/1/2020. Hai nhà báo Trung cộng đã liều mình quay video và gửi ra ngoài Trung cộng. Để bảo vệ sự an toàn của hai nhà báo, chương trình đã giới thiệu họ dưới các bút danh Dương Tuấn (Yang Jun) và Trần Vĩ (Chen Wei).
Báo cáo cho biết, hai phóng viên Dương Tuấn và Trần Vĩ đến Vũ Hán vào thời điểm ĐCSTH chính thức công bố hàng trăm ca nhiễm và trước khi thành phố này bị phong tỏa. Vào thời điểm đó, chính quyền ĐCSTH đã che giấu tình hình thực sự của dịch bệnh. Hai phóng viên đã lui tới các bệnh viện đang ngày càng chật kín bệnh nhân và đến Chợ đầu mối Hải sản Hoa Nam Trung cộng, nơi được cho rằng có thể là nguồn gây ra dịch viêm phổi Vũ Hán. Mặc dù cả hai đều làm việc cho cơ quan truyền thông nhà nước ở Bắc Kinh và đã có được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thành phố Vũ Hán, nhưng quá trình điều tra vẫn bị lực lượng công an và an ninh địa phương cản trở hoặc theo dõi.
Phóng viên Dương Tuấn đã viết trong nhật ký của mình: “Tôi không thể tự do báo cáo. Vì sự can thiệp của chính quyền, tôi thường xuyên bị theo dõi. Thông tin về dịch bệnh bị che giấu và rất khó để lấy được… Trong thời gian ba ngày tiến hành báo cáo ở Vũ Hán, tôi thường xuyên bị công an và nhân viên bệnh viện cản trở. Vì vậy, tôi đã hiểu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như mức độ nhạy cảm và khó khăn khi báo cáo về chủ đề này. Điều này hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi.”
Phóng viên Trần Vĩ cũng viết trong nhật ký của mình: “Có một số chủ đề không thể được đưa tin ở Trung cộng, chẳng hạn như thảo luận về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, quy trình chẩn đoán và bất kỳ nội dung nào liên quan đến vấn đề mà tổ chức và chính quyền muốn che giấu. Những điều này không thể động chạm hoặc đưa tin.”
Kể từ khi dịch bùng phát cho tới nay, 9 nhà báo Trung cộng đã bị giam giữ hoặc mất tích. Nhà báo nhân dân Trương Triển (Zhang Zhan) đã bị kết án 4 năm tù với lý do “cố ý gây sự” vào cuối tháng trước.
Trung cộng: Nữ nhà báo bị kết án 4 năm tù vì đưa tin “kích động” về virus Vũ Hán
Về vấn đề này, phóng viên Trần Vĩ cho biết, “Không ai ở Trung cộng dám nói về nguồn gốc virus bắt đầu từ Vũ Hán, hoặc những sai lầm của chính quyền Vũ Hán lúc ban đầu… Điều duy nhất có thể thảo luận là chính phủ kiểm soát dịch bệnh tốt như thế nào và người dân Trung cộng nên biết ơn với chính phủ như thế nào.”
Sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, chính quyền địa phương đã nhanh chóng phong tỏa Chợ đầu mối Hải sản Hoa Nam. Tuy nhiên, cả giới chức Vũ Hán và Bắc Kinh đều không có kế hoạch tiết lộ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Do đó, người dân địa phương không hề hay biết về tình hình dịch bệnh.
Đúng lúc hàng bao nhiêu người dân Trung cộng đang chuẩn bị đón tết âm lịch và sum họp gia đình, thì chính quyền ĐCSTH bất ngờ tuyên bố phong tỏa thành phố. Chỉ trong một đêm, hàng trăm nghìn người ở Vũ Hán nhận ra rằng dịch bệnh đã vượt quá tầm kiểm soát và vội vàng đeo khẩu trang, nhưng đã quá muộn bởi vì virus đã lan ra khắp các vùng của Trung cộng và chẳng bao lâu nữa sẽ còn lan rộng ra toàn cầu.
Đến ngày 18/1/2021, hơn 2,029 triệu người đã thiệt mạng vì dịch viêm phổi Vũ Hán tại 191 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới.
Dương Tuấn đã viết trong nhật ký của mình rằng, sau khi dịch bệnh bùng phát, “việc thiếu nhân lực và trang thiết bị ở Vũ Hán khiến nhiều bệnh nhân không có nơi nào để khám chữa bệnh. Điều nực cười là bệnh viện đã che giấu sự thật”. Trần Vĩ viết trong nhật ký rằng, đến nay, ở Trung cộng Đại lục, “mọi người không muốn nói về dịch bệnh nữa, như thể thời kỳ lịch sử đó đã qua lâu rồi. Mọi người cảm thấy rất may mắn và tự hào khi sống ở Trung cộng, vì đó là quốc gia duy nhất kiểm soát được virus.” Trần Vĩ thở dài, “Điều này không đúng, nhưng hầu hết người Trung cộng đều nghĩ như vậy.”
Bộ Ngoại giao Trung cộng tuyên truyền rằng, chính quyền ĐCSTH đã cho công bố thông tin đại dịch một cách công khai, minh bạch và kịp thời, đã ngăn chặn rất tốt sự lây lan của dịch trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Southampton ở Vương quốc Anh cho rằng nếu chính quyền ĐCSTH hành động sớm hơn, số lượng ca nhiễm có thể giảm rất nhiều. Đài truyền hình Al Jazeera cũng chỉ ra “ngoại giới tin rằng do việc chính quyền Trung cộng thiếu minh bạch đối với các báo cáo trong những ngày đầu tiên (bùng phát dịch) là một trong những lý do khiến virus lây lan nhanh chóng, gây ra đại dịch thế kỷ khiến hơn 2 triệu người chết”.
Đài truyền hình Al Jazeera cũng đã gửi câu hỏi đến chính quyền Trung cộng về quyền tự do báo chí, nhưng không nhận được hồi đáp.
Theo Vision Times tiếng Hoa
Trí Thức VN (19.01.2021)