27-1-2021
Bữa trước, không ít người share bài báo dẫn một câu của Piano Đặng Thái Sơn: Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần một cây đàn.
Thật ra, trong bài phỏng vấn ấy có những chi tiết phải nói là độc, đắt, và đau.
Cha Piano Đặng Thái Sơn là Đặng Đình Hưng, một nạn nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm. Đi chăn bò mấy năm ở nông trường Chí Linh, không được in bất cứ gì trong suốt 30 năm. Và đến cái ngày con trai chơi piano trong chung kết cuộc thi thì ông nhập viện lao vì u phổi “coi như chờ chết”.
Năm 1990, khi nhà thơ Đặng Đình Hưng mất, Đặng Thái Sơn nói ông còn “không dám về” trước dư luận “Đặng Thái Sơn di tản kiểu mới”.
Năm 1993 khi Đặng Thái Sơn về lần đầu, vẫn hãi.
“Lần đó tôi diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Vừa diễn xong, đi ra cánh gà tôi đã thấy đầy nhà báo. Tôi cứ tưởng họ đợi đó để chúc mừng buổi diễn của tôi nhưng không phải, câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là: “Hiện nay ông đang mang quốc tịch gì?”.
Chủ nghĩa lý lịch vẫn là cái gì đó như một định kiến rất nặng nề. Một người như họ Đặng, tự nhận lựa chọn sống tự do nhưng “không được ảnh hưởng đến ai”, “không thích xung đột, chiến tranh” và không bao giờ phản bội đất nước… cuối cùng mưu cầu hạnh phúc nơi xứ người.
Hôm qua, vang trên hội trường là mấy chữ “nguồn nhân lực”, là trọng dụng nhân tài… như một đột phá.
Nhưng làm sao chúng ta giữ được nhân tài nếu cách đối xử khiến 40 năm sau họ vẫn không thể quên được “đến cả con mèo tam thể trong nhà cũng được nhắc đến, nhưng tuyệt nhiên không có một chữ nào về bố”.
Làm sao giữ được nếu Olympia về nước thì cũng chỉ pha trà vì đồng chí này không phải là con đồng chí nào./.
Xem thêm:
Chuyện Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin ở Varsovie