Seite auswählen

Mặc dầu vẫn còn bị ràng buộc bởi những giới hạn do tình trạng nạn dịch COVID-19 nhưng đông đảo đồng bào đã tề tựu về Đền Thờ Quốc Tổ vào ngày 23/01/2021 tham dự buổi lễ tưởng niệm Hoàng Sa, nói lên lòng tôn kính và tri ân những anh hùng tử sĩ thuộc Hải Quân QLVNCH đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến oai hùng vào ngày 19 tháng 1 năm 1974. Đặc biệt có sự hiện diện của các người con của bà quả phụ Trần Ngọc Oành, nhũ danh Trương Kim Lang (qua đời năm 2013) là người “Mẹ Đỡ Đầu” cho Hộ Tống Hạm Nhật Tảo.

Lòng tôn kính và tri ân ấy đã được ông Phạm Khuông, người hướng dẫn chương trình, trang trọng đưa vào trong lời dẫn của Phút Mặc Niệm – “… Đặc biệt ngày hôm nay phút mặc niệm để bày tỏ lòng thương tiếc, nhớ ơn và vinh danh 74 chiến sĩ Hải Quân QLVNCH đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến kiêu hùng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải và lãnh thổ cho Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.”

 

Khai mạc buổi lễ, ông Phạm Ngọc Tiền (Gia Trưởng Gia Đình Hải Quân Hàng Hải VNCH Victoria) thay mặt cho BTC ngỏ lời chào mừng các quan khách, đồng bào và khẳng khái nói rằng – “… Những người lính Hoàng Sa đã hiến thân vì Tổ Quốc là một sự hy sinh vẻ vang nhất hơn bất cứ một sự hy sinh nào. Sự hy sinh này cũng là một tấm gương cho các thế hệ sau noi theo trong công cuộc bảo vệ Tổ Quốc của Việt Nam. Trận hải chiến Hoàng Sa 1974 của Hải Quân VNCH là một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm dầu biết lực lượng quân sự không tương xứng nhưng Hải Quân Việt Nam đã hiên ngang tham chiến. Đó là một cuộc chiến đấu có chính nghĩa, dầu không giữ được hải đảo tuy nhiên quân dân cán chính VNCH đã nói lên tinh thần bất khuất trong sự nối tiếp truyền thống chống ngoại xâm của tiền nhân và minh xác chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam … Trận chiến Hoàng Sa mãi mãi là một chiến tích lịch sử của QLVNCH … đã mở thêm một trang sử vàng son nêu lên lòng yêu nước thiêng liêng và truyền thống quật cường, bất khuất của dòng giống Lạc Long trong công cuộc chống lại kẻ thù xâm lăng truyền kiếp từ phương bắc …”

 

Tiếp theo, ông Phạm Khuông sơ lược về trận hải chiến Hoàng Sa và xướng danh 74 tử sĩ đã hy sinh. Sau đó là phần các vị lãnh đạo/đại diện Cộng Đồng, các hội đoàn, đoàn thể dâng hương làm lễ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa. Trong một bầu không khí trang nghiêm, phần lễ chính thức được bắt đầu bằng ba hồi chiêng trống và một bài văn tế bi hùng đã được ông Phạm Khuông xướng đọc như là một điếu văn truy điệu cho những chiến sĩ Hải Quân đã vị quốc vong thân.

 

Ông Nguyễn Định (Chủ Tịch Hội CQN QLVNCH/VIC), trong bài phát biểu, đã có những lời thật sâu sắc – “… Trong lịch sử cận đại của Việt Nam thân yêu chúng ta đã có những con số đi vào lịch sử. Có nghĩa là khi nhìn, nghe hoặc thấy những con số đó chúng ta có thể mường tượng được những gì đã xảy ra trên đất nước thân yêu của chúng ta. Con số 54 nhắc đến giai đoạn thực dân Pháp và CSVN bắt tay để chia đôi đất nước. Con số 73 nhắc đến Hiệp Định Ba Lê năm 73 để chuẩn bị cho một giai đoạn kế tiếp đưa đến con số 75 là con số định mệnh, khắc nghiệt làm chúng ta mất hết tất cả và phải rời bỏ quê hương. Và giữa những con số đó là con số 74. Đó là năm 1974 và 74 chiến sĩ của Hải Quân/QLVNCH đã hy sinh. Đây là một sự trùng hợp. Chính thể VNCH, qua sự hy sinh của 74 chiến sĩ Hải Quân/QLVNCH, đã tiếp tục truyền thống chống kẻ đại thù từ phương Bắc và cũng là chính thể đã làm theo lời dạy của tiền nhân – giữ nước và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam … CSVN không công nhận chiến tích anh hùng, lịch sử này nhưng họ cũng không dám và không bao giờ dám phủ nhận chiến tích lịch sử này của Hải Quân/QLVNCH …”

 

TS Kiều Tiến Dũng (Nghị Sĩ Quốc Hội Victoria) chia sẻ những niềm tự hào và nỗi ưu tư – “… Đây là một truyền thống tiếp nối những sự hy sinh anh dũng của tổ tiên, của đồng bào và đặc biệt của Hải Quân Việt Nam từ thời Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương và cho tới thời VNCH. Trong khi đó chế độ CSVN … đã ra công hàm để nhường lãnh thổ và lãnh hải, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa, cho TC. Ngày hôm nay cái hệ quả đó là Biển Đông của chúng ta đã bị TC chiếm toàn bộ … và ngay trên đất liền cũng đã có những sự nhượng đất từ biên giới cho tới Bắc Phong, Vân Đồn, Phú Quốc,… Chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất nguy hiểm cho vùng Đông Nam Á … gần đây TC đã ra công hàm là sẽ trực tiếp bắn vào những người ngư phủ Việt Nam … Đất nước chúng ta đang nằm ở bờ vực của một sự bắc thuộc lâu dài …”

 

Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC và Liên Bang Úc Châu) nhấn mạnh – “Công hàm 1958 của Phạm văn Đồng đã là một bằng chứng phản quốc rất rõ ràng“. Ông Bon cho rằng việc TC đánh chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 là một sự toa rập bán nước của CSVN và “quyết định cùng hành động của những người con thân yêu của đất nước [lúc bấy giờ] là làm mọi cách để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam”. Kết quả là 74 chiến sĩ Hải Quân/QLVNCH đã hy sinh trước sự lạnh lùng, dửng dưng của quân đồng minh Hòa Kỳ. Rút tỉa từ cái kinh nghiệm đau thương ấy, ông Bon kêu gọi tinh thần tự lực, tự cường trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước. Và đối với ông, các buổi lễ tưởng niệm như thế này là “một ánh lửa để nuôi dưỡng cái ý chí kiên cường trong người Việt Nam của chúng ta, đặc biệt là các người bạn trẻ …”.

 

Sau cùng là phần dâng hương của đồng bào đã kết thúc buổi lễ tưởng niệm 47 năm trận hải chiến Hoàng Sa.

 

Melbourne (23.01.2021)

 

Hình ảnh buổi lễ (cô Phúc An) – https://photos.app.goo.gl/z95iqahpt6HBBrDy5

Video buổi lễ (Hướng Dương)

https://www.youtube.com/watch?v=JXSLNpnrsnA&feature=emb_logo