Seite auswählen

Tại sao Antony Blinken là “một chọn lựa tuyệt vời”?

 

Tại Sao Antony Blinken Là “Một Chọn Lựa Tuyệt Vời”?

Ngày 28-01-2021

MẠNH KIM

Được Thượng viện chuẩn y vị trí ngoại trưởng thứ 71 của Hoa Kỳ với tỉ lệ 78/22, Antony J. Blinken được kỳ vọng điều chỉnh lại quan hệ rạn nứt với các quốc gia đồng minh truyền thống bởi chính sách đối ngoại “America First” của Donald Trump mà còn lấy lại uy tín sụt giảm chưa từng có của Mỹ trên trường quốc tế. “Đây đúng là người cho trọng trách này” – phát biểu của thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch, nhân vật cấp cao trong Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện. Tại phiên điều trần Thượng viện ngày 19-1-2021, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, đồng minh trung thành của Donald Trump, nói với Blinken: “Ông có sự ủng hộ tuyệt đối của tôi. Ông là một chọn lựa tuyệt vời”.

Ông Antony Blinken trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngoại trưởng (ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)
 

Một tiểu sử đầy màu sắc

Cuộc đời và sự nghiệp Antony Blinken như một cuốn phim nhiều kịch tính mà thời trẻ ông có lúc từng nghĩ mình theo đuổi sự nghiệp điện ảnh. Sinh ngày 16-4-1962, Blinken là gương mặt kỳ cựu trong hoạt động ngoại giao. Ông từng là Phó cố vấn an ninh quốc gia từ 2013-2015; Thứ trưởng ngoại giao từ 2015-2017; và có sáu năm lăn lộn trong Thượng viện với các vị trí liên quan đối ngoại. Sự nghiệp chính trị bắt đầu từ thời Bill Clinton khi phục vụ Bộ Ngoại giao và sau đó có mặt trong Hội đồng an ninh quốc gia, ông xuất thân từ gia đình có truyền thống làm ngoại giao. Cha của ông, Donald M. Blinken, là cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Hungary; và chú ruột, Alan Blinken, là đại sứ Hoa Kỳ tại Bỉ. Dù vậy, thiên kiến chính trị của Antony Blinken có lẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều từ bố dượng – ông Samuel Pisar (người gốc Ba Lan).

Antony Blinken thời làm việc trong Nội các Obama (ảnh: White House)

Bị tống vào trại lao động năm 13 tuổi, Samuel Pisar sống sót qua hai trại tập trung Majdanek, Dachau và sau đó thoát được lò thiêu tập thể Auschwitz. Năm 1945, Pisar trở thành đứa bé mồ côi 16 tuổi. Không nơi nương tựa, không mái nhà che thân, Pisar lang bạt khắp nơi và sống qua ngày bằng nghề trộm cắp và móc túi ở các khu chợ trời. Có lần ông trộm cả một chiếc BMW 500. Bị quân cảnh Mỹ bắt nhốt tù và được người bà con xa bảo lãnh ra rồi đưa sang Paris và Áo, Pisar lao vào học và cuối cùng giành được học bổng lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard.

Antony Blinken lúc trẻ (ElPais)
Antony Blinken và vợ, 2017 (Getty Images)

Lý thuyết Chiến tranh lạnh về sự cùng tồn tại giữa Mỹ và Liên Xô của Pisar nhận được nhiều giải thưởng và gây chú ý với thượng nghị sĩ John F. Kennedy đến mức ông trở thành cố vấn của người sau này là tổng thống Hoa Kỳ. Sau khi Kennedy bị ám sát, Pisar hành nghề luật ở Hollywood rồi trở lại châu Âu với tư cách viên chức UNESCO. Ông tiếp tục hành nghề luật với việc mở văn phòng tại Paris, đại diện cho nhiều khách hàng tên tuổi trong đó có Catherine Deneuve, Jane Fonda, Elizabeth Taylor, Richard Burton, và Coca-Cola. Ông cũng cố vấn pháp lý cho Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing. Năm 1968, Pisar gặp Judith – mẹ của Antony Blinken.

 

Bà Judith lập gia đình với ông Donald Blinken – con của một luật sư danh giá ở Yonkers (thành phố thuộc hạt Westchester, New York). Cả ông Donald và bà Judith đều quen biết rộng với những nhân vật lừng lẫy trong giới nghệ thuật. Hai người ly dị năm 1970. Bà Judith kết hôn với ông Pisar vào năm sau và đưa con trai Antony Blinken sang Pháp. Với tư cách chủ tịch Trung tâm nghệ sĩ và sinh viên Mỹ tại Paris, bà Judith giúp con trai mở rộng tầm nhìn về nghệ thuật. Sự quảng giao của cha dượng Pisar và mẹ cũng giúp Antony Blinken tiếp cận giới chính khách từ khi còn rất nhỏ. Cậu bé Antony thường “tranh luận” về chính trị với những bằng hữu gia đình, trong đó có Jean-Jacques Servan-Schreiber, tác giả quyển The American Challenge, và những nhân vật chức cao vọng trọng như thượng nghị sĩ Cộng hòa Jacob Javits hoặc thượng nghị sĩ Dân chủ Henry “Scoop” Jackson. Tuy nhiên, Antony Blinken lúc ấy không quan tâm nhiều đến hoạt động chính trị. Hồi còn học trường song ngữ École Jeannine Manuel, Antony thích chơi khúc côn cầu và đặc biệt âm nhạc. Cậu chơi trong một nhóm jazz để quyên tiền làm quyển kỷ yếu cho trường. Có lần cậu trốn mẹ khi chuồn khỏi căn hộ ở đại lộ Foch Square để đi xem một buổi biểu diễn của Rolling Stones.

Thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken trong một lần gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh (11-2-2015) – Getty Images
Thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken gặp cựu Phó Tổng thống Đài Loan Tiêu Vạn Trường (Vincent Siew) tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila, tháng 11-2015 (focustaiwan)
Thứ trưởng ngoại giao Antony Blinken trong một chuyến kinh lý Việt Nam, tháng 4-2016 (AP)

Phần mình, sự nghiệp cá nhân của ông Donald Blinken vẫn thăng tiến. Đồng sáng hãng đầu tư toàn cầu E.M. Warburg, Pincus & Co, ông còn là chủ tịch tổ chức Rothko và là người hỗ trợ tài chính rất mạnh cho đảng Dân chủ. Những ngày hè, Antony Blinken sang Mỹ chơi và được bố gửi làm cố vấn cho Boys Harbor, nơi chuyên hoạt động giúp những đứa trẻ kém may mắn. Một năm trước khi Antony Blinken nhận bằng tú tài Pháp, ông Pisar phát hành hồi ký Of Blood and Hope. Bản thân Antony Blinken cũng mê viết. Sau khi vào Harvard năm 1980, Antony Blinken tham gia nhóm biên tập tuần san The Harvard Crimson và viết nhiều bài cho tạp chí này. Sau khi tốt nghiệp Harvard (hạng ưu – Magna cum Laude), Antony còn làm tập sự tại tạp chí The New Republic trước khi vào trường luật Columbia Law School năm 1985 (tốt nghiệp tiến sĩ năm 1988). Tuy nhiên, Antony Blinken vẫn không dứt bỏ niềm đam mê nghệ thuật. Washington Post kể, có tấm ảnh cho thấy Antony Blinken để tóc dài, chơi guitar và mê mẩn tờ giấy có chữ ký John Lennon mà mẹ của anh gửi, sau khi một lần bà gặp gỡ và đọc thơ hàng giờ với John Lennon và Yoko Ono.

Blinken từng vật lộn với chọn lựa theo đuổi nghệ thuật hay chính trị. Khi làm việc với tờ The New Republic, Antony viết chủ yếu về chính trị. Khi về Paris, Antony Blinken lại tổ chức liên hoan phim và muốn dấn thân vào nghệ thuật thứ bảy. Năm 1987, năm mà Antony Blinken làm trợ lý cho hãng luật danh tiếng Rogers & Wells, nhà xuất bản Praeger ấn hành luận án Harvard của ông: Ally vs. Ally: America, Europe and the Siberian Pipeline Crisis. Đó cũng là thời gian Antony bắt đầu dấn sâu hơn vào hoạt động chính trị, khi cùng bố ruột thực hiện chiến dịch quyên góp tài chính cho ứng cử viên tổng thống Michael Dukakis.

Năm 1993, khi Antony Blinken làm việc cho một hãng luật New York, một người bạn của bố dượng Pisar (“một nhà báo lớn” mà Pisar từ chối nêu tên) đề nghị Antony nộp đơn vào một vị trí đang tuyển dụng trong Bộ Ngoại giao. Tổng thống Bill Clinton đã bổ nhiệm chú của Antony làm đại sứ Bỉ và bố ruột làm đại sứ Hungary. Cuối cùng, Antony Blinken được đưa vào Hội đồng an ninh quốc gia, trở thành người soạn diễn văn chính về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Clinton. Đến tận lúc này, tính cách tài tử “mê văn nghệ” cũng không rời khỏi Antony. Năm 1995, ông làm trợ lý sản xuất cho bộ phim ma cà rồng The Addiction của đạo diễn Abel Ferrara (diễn viên Lili Taylor và Christopher Walken). Đó là năm mà ông chú ý đến người đẹp Evan Ryan, cô con gái của một cựu giám đốc lực lượng bảo vệ tổng thống (Secret Service) và là người chịu trách nhiệm lập thời khóa biểu cho hoạt động của Đệ nhất phu nhân Hillary. Mãi đến năm 2002, Antony Blinken mới kết hôn Evan Ryan (họ hiện có hai con)…

Chính sách can thiệp

Điều đáng chú ý nhất khi nói về một nhân vật làm chính sách đối ngoại là thiên hướng đối ngoại của ông ấy. Với Antony Blinken, ông là người theo chủ trương can thiệp. Năm 2002, ông là giám đốc nhân sự của Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện và trợ lý đặc trách ngoại giao của thượng nghị sĩ Joe Biden (lúc đó là chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện). Dù không làm việc cho Nội các Tổng thống George W. Bush nhưng Blinken ủng hộ chiến dịch tấn công Iraq năm 2003. Ông cũng ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào Libya. Năm 2014, ông được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm Thứ trưởng ngoại giao; và với vị trí này ông ủng hộ chiến dịch can thiệp của Saudi Arabia vào Yemen. Antony Blinken thậm chí đối lập với Biden và Obama trong chủ trương can thiệp vào Syria. Chủ trương can thiệp trong chính sách đối ngoại của Blinken có lẽ chịu ảnh hưởng từ ký ức diệt chủng của Đức quốc xã mà ông nhiều lần, từ hồi nhỏ, được nghe kể lại từ bố dượng mình.

Bà Tiêu Mỹ Cầm, một đại diện Đài Loan lần đầu tiên được mời dự lễ đăng quang tổng thống Mỹ (focustaiwan)

Blinken cho rằng, nước Mỹ thời Biden sẽ duy trì cam kết ủng hộ chính sách tự trị của Đài Loan. Ông nói, Đài Loan nên tham gia vào bất kỳ tổ chức quốc tế nào không đòi hỏi tư cách thành viên là quốc gia. Blinken cũng bày tỏ rằng “dân chủ đang bị chà đạp” ở Hong Kong mà đáng lý Mỹ phải hành động sớm hơn. “Tôi nghĩ chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng về vị trí của chúng ta đối với sự hiện diện của các tổ chức và công ty ở đó” – Antony Blinken nói – “Hong Kong vẫn là trung tâm tài chính? Bắc Kinh được hưởng lợi như thế nào về điều này hay Bắc Kinh lẫn Hong Kong đều có lợi? Chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng điều đó”… Truyền thông Trung Quốc những ngày qua đã bình luận rằng, “hóa ra quan điểm của Biden và Blinken cũng y hệt Trump” – như bài viết của Nhân Dân nhật báo ngày 23-1-2021. Sự xuất hiện lần đầu tiên của đặc sứ Đài Loan tại Mỹ, bà Hsiao Bi-khim (蕭美琴 – Tiêu Mỹ Cầm), trong lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden ở Capitol Hill, là một thông điệp nhiều ý nghĩa và hẳn nhiên là một hình ảnh “ngứa mắt” đối với Trung Quốc. “Trước hết là như vậy”! 

TheNewViet