Seite auswählen

Khi kẻ cuồng tín ám sát thơ

 

Nguyễn Thị Thanh Bình

29-1-2021

LGT: Ba ngày trước, họa sĩ Trịnh Cung có đăng bài thơ kỳ thị lên Facebook Bất Bại Nguyễn của ông, nhằm giễu nhại bài thơ “Ngọn đồi chúng ta leo” của thi sĩ trẻ da đen Amanda Gorman, đọc trong lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden và phó Tổng thống Kamala Harris hôm 20/1/2021.

Rất nhiều người lên tiếng phản bác bài thơ ông Trịnh Cung, họ đặt vấn đề về tư cách đạo đức của “trí thức” Việt, “sao lại xuống cấp thê thảm như vậy”. Sau đó, ông Trịnh Cung đã phải gỡ bỏ bài thơ này ra khỏi Facebook của mình. Đây là bài thơ “Khi kẻ cuồng tín ám sát thơ”, của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình, đáp lại bài thơ của ông Trịnh Cung:

Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình (trái) và họa sĩ Trịnh Cung.

 

 

Bolsa bây giờ người Việt có nhiều chuyện lạ

Có người khiến tôi cười như đầu hàng khiếp ngã

Có người khiến tôi bật khóc như những tung hô vĩ cuồng dối trá

Là thi sĩ, họa sĩ, người đàn ông kiêu hãnh nghĩ mình lắm tài ba

Tài ba như thiên tài, hay thiên tai, tai vạ(?)

 

Sáng nay khi nhìn ngọn đồi ngàn ngàn lá cờ tung nắng mới, và cả những tàn cây trụi lá

Tôi nghĩ về bài thơ đã thắp sáng niềm tin của nhà thơ trẻ Amanda Gorman

Lại nghĩ đến bài-thơ-đen thật khó hiểu nổi vì sao

Chỉ biết là nó đã làm tối sầm lại chính tác giả

Ôi, những-lỗ-đen đồng nghĩa với cách dùng ẩn dụ… tào lao

Của thuyết-âm-mưu trời ơi đất hỡi nào

Những-hố-đen của thứ tâm hồn không đáng làm thi sĩ chút nào

 

Bài thơ này tuyệt nhiên sẽ không cần nói gì

Về lẽ phải và sự thật

Vì điều cuối cùng đó hẳn nhiên phải thắng

Và ai cũng đã biết… không sai trật

Chẳng lẽ một nhà thơ nhập cư nhập tịch không biết?

Nhất là lại không nhận ra

Thân phận da vàng sao đòi ngang hàng

Da trắng thượng đẳng, mà dám mơ màng!

Sao để lại chi thứ di chúc Thơ tệ hại, bổ báng

Về lòng bội bạc không nhớ mình đã đến từ đâu

Cho con cháu mai sau chắc sẽ cười chê gầm đầu

 

Nhân danh cái đẹp muôn thuở của thi ca

Nhân danh cuộc đối chiếu kinh hoàng giữa những người ngợm và bầy thú rừng hoang dã

Nhân danh sự phân biệt đối xử màu da & giới tính

Nhân danh ‘nữ quyền cấm xen vào’, và giá ‘một US đô’  rẻ rúng rửa mắt… đàn bà múa cột

Nhân danh Tuyên Giáo bịt miệng trí thức chuyện đất nước mình

Và tha hồ mở miệng hò hét chuyện giành ghế TT Mỹ

Mà như thế, đã đến lúc giới văn nghệ sĩ không thể tiếp tục bị dắt mũi

Chúng ta không thể thi nhau lôi kéo rơi tỏm xuống những-cái-hố-đen

Của những tên hề ngoan cố vĩ đại

Và sẽ không có  chỗ nương náu  cho những con chữ

Nhân văn!

 

____

Ảnh chụp bài thơ “Ngọn đồi đen chúng em leo” của họa sĩ Trịnh Cung, đăng trên Facebook ngày 26/1/2021, gây tranh cãi. Hiện ông đã gỡ bỏ khỏi Facebook của ông:

 

Tiếng Dân

Từ một bài thơ!

 

 

29-1-2021

Ngày xưa, khi còn nhỏ, cứ sáng Chủ Nhật là tôi đạp xe lên đến khu Phù Đổng Thiên Vương, nhà ông hoạ sĩ Trịnh Cung để học vẽ. Lúc đó cũng có con các họa sĩ như Rừng, Hồ Thành Đức- Bé Ký,…

Tại đây, tôi có dịp thấy mặt nhiều giới văn nghệ sĩ miền Nam của một thời khó khăn và đầy thiếu thốn.

Ông là người thầy đã hướng tôi cầm cọ, uốn nắn và sửa chữa cho từng nét vẽ của tuổi thơ. Cũng tại lò vẽ này, tôi được tham gia “cuộc triển lãm” tranh tập thể đầu tiên, dành cho bọn nhóc chúng tôi, tại Sài Gòn.

Hơn chục năm sau, ngày tôi đi học, cha chở tôi đến chào ông. Có điều khi đó ông đã giàu lắm rồi. Sau một thời bị “trói tự do sáng tạo” và bị “cấm vận”, ông đã bán được nhiều, rất nhiều tranh. Ông triển lãm tại các khu phố sang trọng ở trung tâm Sài Gòn. Khách của ông đến từ nhiều nơi trên thế giới. Ông không còn lái chiếc xe mobylette cũ kỹ nữa.

Ông cũng chẳng nhớ cha con tôi là ai nữa. Chuyện cũng chẳng có gì lạ. Khi về, tôi có “trách” cha rằng, bác ấy có vẻ xem thường cha và con! Thế thôi.

Sau này, tình cờ tôi cũng có đọc được một số tranh luận nảy lửa xung quanh nhận xét của ông về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thú thật, tôi không còn ngạc nhiên nữa.

Và tôi càng không ngạc nhiên khi biết những nhận xét tự cao về tài năng của chính ông cũng như đánh giá của ông khi được hỏi về các họa sĩ người Mỹ gốc Việt.

Sáng nay, tôi tình cờ đọc được bài thơ ông viết về nhà thơ trẻ, Amanda Gorman, người vinh dự được mời đọc bài thơ “The Hill We Climb” trong buổi lễ nhậm chức của ông Biden.

Tôi bàng hoàng và xấu hổ khi một người có tiếng, tự luôn xem mình là “trí thức” lại có thể thốt lên những lời lẽ xấu xa, đen tối, miệt thị và kỳ thị đáng bị lên án như thế.

Nhân danh nghệ thuật, nhân danh thơ ca để có quyền chà đạp lên nỗi thống khổ của một sắc dân và của cả nhân loại chăng?

Không thể nào chấp nhận được. Những gì ông “sáng tạo” trong những vần thơ đó chính là sự bệnh hoạn mà cả nhân loại này đang cương quyết đào thải: tính kỳ thị chủng tộc.

Tự do ngôn luận? Vâng, ông được quyền viết, được quyền thốt lên những lời lẽ không hay ấy và chưa hẳn ông bị ngăn cấm nhưng tôi có trách nhiệm, với khả năng nhỏ bé của mình, lên án những gì ông viết.

Vì nó đi ngược lại mọi giá trị phổ quát mà nhân loại đang theo đuổi.

Sự ngông cuồng và ảo tưởng về chính mình đã khiến nhân loại này rơi vào những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử.

Trên phạm vi thế giới, ông chẳng là gì và tiếng nói của ông chìm trong sa mạc. Nhưng đối với người Việt, nó không đơn thuần là một bài thơ. Nó có thể tác động xấu, rất xấu đến những suy nghĩ và nhận thức bệnh hoạn của một bộ phận không nhỏ đồng bào vốn đang bị “lên đồng tập thể” trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Nó cũng ẩn chứa, ẩn dụ những “thuyết âm mưu” vô căn cứ đang khiến cho xã hội Việt Nam bị chia rẽ sâu sắc.

Là người có hiểu biết, lại được tiếp xúc với thế giới văn minh, được cầm cọ sáng tạo, tìm cảm hứng qua những cảm xúc mà người thường không có được thế nhưng ông đã không đủ minh mẫn để biết đâu là giới hạn giữa CÁI ĐẸP và CÁI XẤU. Đó là điều đáng tiếc và đáng trách!

Ông đã thật sự THẤT BẠI trong con đường đi tìm cái ĐẸP của con người.

Hội họa cao đẹp và cao thượng lắm thay từ ngày con người biết sáng tạo. Từ thưở “ăn lông, ở lỗ” xa xăm.

Một nỗi buồn khó tả, khiến tôi chợt rơi nước mắt, khi đọc được những gì ông viết sáng nay.

Dân tộc này còn lắm lạc hậu ẩn chứa trong tiềm thức để hy vọng đón chào vầng thái dương của sự tiến bộ và nhân bản./.

 

Về bài-thơ-màu-đen

Vũ Thị Phương Anh

31-1-2021

Vài dòng về bối cảnh: Có một bài thơ tiếng Anh của một nhà thơ nữ da đen trẻ tuổi, đọc trong buổi lễ nhậm chức của Joe Biden. Và sau đó là một bài-thơ tiếng Việt của một họa sĩ nam lớn tuổi gốc Việt (lâu lâu cũng làm thơ) hiện đang sống ở Mỹ, để nói về bài thơ đầu tiên.

Bài của tôi dưới đây (có hình thức của một bài thơ tự do nhưng không dám nhận là thơ) là cảm nhận và phản ứng của tôi đối với bài-thơ thứ hai. Xin mời các bạn.

***

VỀ BÀI-THƠ-MÀU-ĐEN

Ngông cuồng và tục tĩu

Là những gì người ta nói về một bài-tự-nhận-là-thơ

Một bài-thơ đen đúa

Bài-thơ có giá của một đồng tiền tip

Của những kẻ tự cho mình là loài ăn trên ngồi trốc

Của sự thượng đẳng có màu trắng

Và sự gần-như-thượng-đẳng có màu vàng

 

Họ khoa chân múa tay, chỉ trỏ phỉ nhổ màu đen

Như một thứ gì kinh tởm

Hẳn họ đã vội quên

Sợi tóc trên đầu họ vốn dĩ màu đen

Tròng mắt của họ màu đen

Lông mi và lông mày của họ màu đen

Và nếu cần thì người ta cũng có thể chỉ ra màu đen ở nơi khác nữa

Cho xứng hợp với giọng điệu của bài-thơ-một-lỗ

 

Người ta đã không làm thế

Vì chẳng ai quên

Rằng màu đen là màu của thẳm sâu

Của đêm nhiệm mầu

Khi mỗi đứa trẻ thơ hoài thai trong bụng mẹ

Âm thầm trong chín tháng cưu mang

Và của bóng tối âm u khi từng người trở về trong lòng đất

 

Màu đen, họ đã chối từ

Tự hào với màu (được cho là)-gần-như-trắng của mình

Họ lớn tiếng thét gào, văng nước miếng

Rồi đợi chờ sự quan tâm, tán thưởng

Nhưng…

Vì sao chỉ lặng im?

Giật mình, họ đảo mắt nhìn quanh:

Kìa mọi người đang lùi xa, che mũi….

(Phương Anh, ngày cuối tháng 1/2021)

 

 

Thung lũng đen

 

Phạm Thị Hoài

9-2-2021

Ngọn đồi đen” theo tôi là một phát ngôn nhảm nhí và gần như loạn trí chứ không dụng ý kì thị chủng tộc. Não trạng phân biệt chủng tộc tuy vô tình xuất lộ trong cái thái độ như thể ái ngại bề trên của một người đàn ông châu Á xem em đen múa cột, nhưng nó bật ra từ vô thức, điều có thể xảy ra ở mỗi chúng ta và thường xuyên hơn, thậm chí tai hại hơn ta tưởng.

(Câu hỏi thú vị hơn: cũng người đàn ông châu Á đó xem em trắng múa cột, phổ biến hơn nhiều so với trường hợp đen, thì thế nào?) Còn ghê tởm cái ẩn dụ lỗ đen hay tình tiết một đô tiền tip cho mỗi cái hột le tất nhiên là phản ứng có thể hiểu được nhưng ít trọng lượng; tranh cãi thanh-tục, sạch-bẩn thường dẫn vào ngõ cụt và tuyệt không khiến các đại diện một số dòng thơ nhất định chùn bước trước cảm hứng nhà thổ hộp đêm, nguồn khai thác muôn thuở của những vị mặc định mình rất đàn ông cho cái gì đó mặc định mình rất nghệ thuật. Những thứ ấy tuy cám hấp, song đồi đen thảm hại hơn thế.

Nó là một ngụm nồng độ không cao lắm vì ngôn từ của Trịnh Cung ít sức nặng, nhưng vẫn đầy độc tố của món cocktail đã chuốc say hàng trăm triệu người trên thế giới, không chừa người Việt. Tin vui – hay buồn? – cho chúng ta là người Việt không phát minh ra cái trào lưu thời đại điên rồ ấy, không phải là những đại diện giàu ảnh hưởng nhất, thậm chí những phương tiện truyền bá nó cũng đi mượn, ăn theo về mọi phương diện và thực ra chỉ thêm nếm cho vừa miệng trên nền một công thức cơ bản do người khác sáng chế.

Món cocktail toàn cầu cho những nhà cách mạng chống toàn cầu hóa này dễ đi vào gan ruột, bởi mỗi dân tộc đều có thể tùy nghi cống hiến phụ gia tâm đắc nhất của mình. Pha chế lại rất dễ, tiêu thụ thì miễn phí và ngáo tập thể là trạng thái lý tưởng.

Ở Đức, bà thủ tướng Merkel là nguyên liệu bắt buộc. Hai bàn tay thường chụm hình thoi của bà chính là ám hiệu của Illuminati hay Tam Điểm, Cabal hay gì cũng được, miễn là một tổ chức của liên minh quyền lực ngầm toàn thế giới mà chỉ Putin và Trump đủ sức vô hiệu hóa.

Những phụ gia được ưa thích khác là Đế chế Đức vĩnh cửu trong khi CHLB Đức không hề tồn tại, huyền thoại cánh tả đâm sau lưng dân tộc Đức, chiến khu Neuschwabenland của hậu duệ Nazi, mạng lưới Do Thái tung người Hồi giáo vào châu Âu thay thế dần chủng da trắng, Hội nghị Bilderberg quyết định cho khủng hoảng di cư 2015 bùng nổ…

Gần đây nhất tôi còn được biết rằng mình cùng 4 triệu dân Berlin đang đánh mất sức phản kháng hệ thống để sống ngu đến đồng xu cuối cùng bởi vài giọt thuốc lú hàng ngày rỏ ra từ vòi máy nước. Vừa bị đầu độc vừa phải trả tiền nước, không điên tiết mới lạ.

Ở Anh, khiếu hài hước cho phép dân ăng-lê cười ha hả thả bóng bay siêu phình mang hình chú nhóc Trump em chã đóng tã thay vì thả Kraken như đồng minh bên kia Đại Tây dương, nhưng ở thế kỷ hai mốt đi đốt phù thủy thì họ chọn cột phát sóng 5G: nó phát tán virus. Ai bảo phương Tây duy lý?

Ở Pháp, đấu tranh giai cấp – bất tử cũng nhờ tác phẩm nổi tiếng của Karl Marx tròn 170 năm trước – là hương vị không thể thiếu. Trong bộ phim tài liệu Hold-Up của nhà báo Pierre Barnérias, sáng tạo mới nhất của món cocktail thời đại à la française, Covid-19 không phải một đại dịch mà là một đại thế chiến giai cấp, với một con virus bí ẩn, những hành tung mờ ám của chính quyền Macron thông đồng với Big Pharma; Corona chính là Holocaust của giai cấp thống trị rắp tâm thanh lọc dân tộc Pháp và diệt chủng 3,5 tỉ dân chúng thế giới khốn cùng. Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian!

Ở Mỹ, công nhân cổ cồn xanh cũng cực khổ bần hàn ở vành đai rỉ sét, nên cũng phải làm cách mạng. Phá tan hệ thống, tát cạn đầm lầy bộ sậu Washington câu kết với đại tài phiệt Wall Street trên lưng người lao động. Do một tỉ phú sòng bạc giỏi phá sản và nghiện đánh golf lãnh đạo. Cách mạng cần lao đến từ cánh hữu và cực hữu, thợ thuyền vô sản chống cộng sản, công đoàn và cánh tả.

Chậm nhất đến đây những người đang say không còn cần và đã mất la bàn định hướng, không thể đọc vị món cocktail thời đại ấy nữa. Anything goes. Sao cũng được, khi trái đất phẳng và đứng yên. Khi cú đổ bộ lên mặt trăng là một dàn dựng điện ảnh của Stanley Kubrick và các vụ thảm sát trường học là kịch do cánh tả chống tu chính án thứ hai đạo diễn. Khi Bill Gates + George Soros + Rockerfeller đã gắn chip kiểm soát bộ não của phân nửa nhân loại và đang xúc tiến chương trình vắc-xin hủy diệt nhằm giải quyết quá tải dân số thế giới, tiến độ theo kế hoạch là xóa sổ 350.000 nhân mạng mỗi ngày.

Khi nhóm đặc quyền Do Thái bắn laser cho rừng California cháy, nên Q ra lệnh 6MWE. Khi Cabal ma quỷ với phù thủy Nancy Pelosi, ma cà rồng Oprah Winfrey, kẻ phản Ki-tô Tom Hanks, và satan – gồm hai bộ mặt, nửa đêm là Obama, giữa trưa là Lady Gaga – trác táng trong tầng hầm một quán pizza, nơi bạch cốt tinh Hillary Clinton nhốt trẻ em bị bắt cóc làm nô lệ tình dục, tra tấn đến chết, chích xuất linh dược adrenochrome cải lão hoàn đồng cho bè lũ tinh hoa quyền thế. Khi Hugo Chávez cài bùa vào máy đếm phiếu bầu cử.

Khi người Mỹ phải học tiếng Hán nếu Dân chủ lên ngôi và nhân loại rên xiết trong NWO, Trật tự Thế giới mới với chương trình Great Reset, Đại Tái thiết toàn trị toàn cầu của cánh tả.

Khi JFK chết giả ở Dallas, ẩn dật 58 năm để cùng Q lãnh đạo liên minh trái đất chống liên minh ma quỷ, và vừa từ trần ngày 30 tháng Một vừa rồi, hưởng đại thọ 103 tuổi, sau khi trao đại ấn vào tay người kế nhiệm xứng đáng của mình là Donald Trump.

Khi Q và những đồng chí sắt son WWG1WGA hé lộ kế hoạch giải cứu, chỉ cần nhân dân Mỹ đang ngủ mê thức tỉnh – sự thức tỉnh vĩ đại – và dự trữ thực phẩm cho ít nhất 10 ngày.

Ngày hiệu triệu toàn dân, lịch hiện nay là mồng 4 tháng Ba nếu không có thay đổi phút chót. Ngày ngài trở về, chiến lược gia thiên tài đánh từ thế lùi, vẻ đẹp cuối cùng của nước Mỹ, mặt trời xua tan bóng đêm tăm tối, thiên sứ và đấng cứu thế Donald Trump, Chúa trên đầu và nhân dân sau lưng, ngọn sóng thần biển cả giáng xuống lũ quái thú đầm lầy Dân chủ, dẹp tan nhà nước ngầm với những DOJ, FED, FBI, CIA, NSA thối rữa, trả lại quyền lực cho nhân dân, giành lại chiếc va-li hạt nhân, để Bạch Cung lại lung linh với những tiên nữ tóc vàng, để nước Mỹ lại là ngọn hải đăng tự do nhân quyền rực sáng.

Món cocktail rất Mỹ ấy được tiếp thị đa cấp ồ ạt cho người Việt chủ yếu qua đế chế truyền thông của Pháp Luân công, kẻ thù không đội trời chung của chính quyền cộng sản Trung Quốc và đồng minh nhiệt thành của Trump, chậm nhất từ khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung bùng nổ.

Những trang tin tiếng Việt của Pháp Luân công, phổ biến nhất là Đại Kỷ nguyênTinh HoaTrithucvnNTD Việt Nam, vượt xa các thử nghiệm sớm tàn của chính người Việt với Quan Làm báo và Chân dung Quyền lực mà một thuở cũng dậy sóng. Người Việt không khó tính.

Thật giả đúng sai tốt xấu không quan trọng, thậm chí lợi bất cập hại thế nào cũng không quan trọng, miễn là thỏa hi vọng kẻ thù của mình sẽ suy yếu. Khao khát thoát Trung của người Việt, một khao khát vô vọng từ bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh địa chính trị và điều kiện thể chế Việt Nam, tìm được chốn gửi gắm trong hệ sinh thái phù Trump khu Trung của lòng ái quốc, chí trả hận, cảm tính, thuyết âm mưu, tin giả, giáo điều, cuồng tín, mê tín, ngụy tâm linh, thần bí, mộng du, ảo vọng, hoang tưởng, hysteria truyền thông, sô diễn chính trị và sự phân cực của xã hội Mỹ.

Tôi hiểu rằng người ta không dễ lành lặn bước ra từ một hệ sinh thái như thế, trừ những kẻ trục lợi từ nó: họ sẽ chuyển màu rất nhanh. Nếu ai đó tiếp tục nguyện trọn đời dâng hiến cho vị thánh một nhiệm kì của mình, thực tình tôi muốn tặng họ một cuộc đời nữa để thêm thời gian phụng sự.

Nếu ai đó hùng hổ ngồi liếm vết thương, đó cũng là điều bình thường, tôi không thấy thảm hại. Song thảm hại là việc hàng loạt văn nhân trí thức và đặc biệt thi sĩ Việt, cả chính thống lẫn ngoài luồng, cả trong lẫn ngoài nước, lấy sự thất bại của thần tượng của mình, với vỏn vẹn 4 năm chính trường, để xổ toẹt toàn bộ nền văn minh và dân chủ Hoa Kỳ, coi nước Mỹ, thành trì tự do cuối cùng của nhân loại, đã tiêu vong khi vị tổng thống thứ 45 rời Nhà Trắng. Rằng sau Trump, đất nước mơ ước ấy của người Việt chỉ còn là một đống xà bần, nơi lịch sử bị lật đổ, truyền thống bị xóa sổ, các giá trị thiêng liêng bị chôn vùi, luân thường đạo lý bị đảo ngược.

Một nền dân chủ giả cầy, nơi hiến pháp chỉ còn là tờ giấy lộn, bầu cử gian lận, tòa không ra tòa, quốc hội không ra quốc hội, các thiết chế thiêng liêng đều tha hóa thối nát, công lý nằm trong tay lũ ấu dâm hèn nhát, cách mạng văn hóa theo lệnh Bắc Kinh hoành hành, bất đồng chính kiến bị bịt mồm, báo chí bị kiểm duyệt, tự do cá nhân bị chà đạp, con người bị nhồi sọ tẩy não, trẻ em bị nhốt vào lò cải tạo.

Một trại súc vật, nơi dân đen mạt vận thì u mê lầm lạc, kẻ cai trị thì đạo đức giả thối tha, Chúa bỏ đi, satan lên ngôi, khỉ độc nhảy múa, sự sống bị khinh rẻ, trẻ nhỏ bị xâm hại, gia đình bị đào thải, rác rưởi thắng thế, tội phạm được mùa, quốc gia vô pháp. Một địa ngục cộng sản trá hình, nơi sưu cao thuế nặng, giá cả leo thang, công nhân thất nghiệp, nhà nước can thiệp vào tận niêu cơm, xã hội cào bằng thằng ăn bám cũng như đứa nai lưng đi làm, tài sản quốc gia chảy vào túi Tập đầu lĩnh.

Một nhà thơ ở Việt Nam tuyên bố sau 15 ngày vắng Trump: “Không có Trump giống như tận thế”.

“Ngọn đồi đen” theo đúng tự sự tận thế ấy. Tác giả vừa mỉa mai vừa có phần ái ngại – cái ái ngại bề trên – cho những thân phận da đen bao đời khổ nhục, nay hân hoan tưởng mình thắng lợi và vĩ đại, nhưng đó là một thắng lợi đen, một vĩ đại đen như chính màu da đen và cái lỗ đen của họ; họ chỉ là những con rối trong trò hề chính trị, hò reo đắc chí, hí hửng lên đồi vinh quang, song đó là một “ngọn đồi đen”, một “địa cầu bóng tối”, “thiên đường âm mưu”, “niết bàn đánh tráo”, “ngọn đuốc đốt phá”, “đấu trường cướp giựt”, “vương quốc cưỡng hiếp”, “thế giới phá thai”, “đảo quốc ấu dâm”, “đế quốc ma túy”, “phù thủy rửa tiền”, “lò thiêu kinh thánh”, “lò thiêu sử sách”, “trại súc vật”, “trại tập trung tẩy não”, “pháp trường đấu tố”, “dân chủ độc tôn”, “tự do phản bội”.

Rủi – hay may? – cho chúng ta là bút lực của Trịnh Cung không đủ cho những câu viết để đời. Chẳng hạn: “Dây thép gai đâm nát trời chiều Hoa Thịnh Đốn”, hay “Ngọn đồi đen như mực và như cái tiền đồ của em”.

Tôi hiểu rằng trường phái thi ca thung lũng đen này là một phản ứng trước bài thơ “Lên đồi” (The Hill We Climb) và cơn sốt truyền thông toàn thế giới dành cho tác giả của nó, nhà thơ nữ trẻ da đen Amanda Gorman. Ở một hoàn cảnh bình thường, tôi không phí đến hai cái liếc mắt cho một sô diễn thường kì đầy những điều mỹ miều hoành tráng là lễ đăng quang của tổng thống Mỹ, đảng nào cũng vậy.

Thơ tiến vua, thơ cổ động, thơ sự kiện, màu da giới tính tuổi tác nào cũng vậy, lại càng không đáng để ý. “Lên đồi”, với tất cả các thủ pháp thuần thục về ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, tiết tấu, điển tích, trích dẫn, ẩn dụ không phải là một tác phẩm thơ đặc sắc, thậm chí khá sến súa, bỏ bom cảm xúc tới mức ù tai và dư thừa khẩu hiệu; đọc bằng mắt thì dễ buồn ngủ, đọc trong mọi bản dịch tiếng Việt thì kém xa một bài “Lên đồi” khác: bài “Thướng sơn” của Hồ Chí Minh.

Song nó thực sự là một màn trình diễn ngoạn mục cho một công chúng khổng lồ, kết hợp tài tình mọi yếu tố: diễn viên, trang phục, vở diễn, phông màn, truyền thống, thời sự, tốc độ, quy mô, dàn cảnh và bối cảnh. Một bối cảnh hoàn toàn không bình thường, khi những điều tử tế bình thường nhất bỗng trở nên quý giá sau bốn năm bất thường, khi một lời khích lệ hướng thiện có phần sáo rỗng bỗng rung như tiếng tơ lòng, khi một bài thơ thành một bài hịch.

Văn học không được lợi gì từ thành công, nhất là thành công quá lớn, của một tác phẩm ít nghệ thuật, song lịch sử văn học cũng đầy bất công như lịch sử nói chung, chỉ khác là cuối cùng, hạn sử dụng của văn chương thời vụ thường ngắn dù thắng lớn. Tác phẩm mới với màn trình diễn ngoạn mục mới cũng của ngôi sao thi sĩ diễn viên người mẫu và nhà hoạt động Amanda Gorman nhiệt thành duyên dáng ấy trong trận Super Bowl hôm Chủ nhật vừa rồi sẽ không thọ quá một kì chung kết bóng bầu dục, dù mang một thông điệp đáng quý.

Có thể chê bôi thơ lên đồi, song không thể tấn công các độ cao dàn dựng bằng tầm vóc thảm hại của thơ thung lũng./.

Tiếng Dân