Seite auswählen

Canberra đã từ chối hoàn toàn lời kêu gọi của giám đốc điều hành Facebook Inc, Mark Zuckerberg, đề nghị các nhà lập pháp Úc khoan hồng đối với kế hoạch điều chỉnh các gã khổng lồ công nghệ; đồng thời buộc họ phải trả tiền cho những tin tức có nguồn gốc từ các phương tiện truyền thông địa phương.

Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu trước giới truyền thông tại buổi công bố cơ sở hạ tầng ở Công viên Macquarie vào ngày 29 tháng 6 năm 2020 ở Sydney, Úc. (Ảnh của Mark Kolbe / Getty Images)

Châu Âu cũng kêu gọi Mỹ tham gia soạn thảo các nguyên tắc kiểm soát chung đối với các gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Twitter. 

Động thái này được tiến hành khi một cuộc tranh luận quốc tế rộng lớn hơn đang diễn ra – về cách các quốc gia điều chỉnh các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon và Facebook và buộc họ phải trả tiền theo quy định.

 

Big Tech đe dọa, Canberra giữ vững lập trường

Bộ trưởng Bộ Tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết hôm Chủ nhật (ngày 31/1), ông đã gặp Mark Zuckerberg để thảo luận về đề xuất của chính phủ, nhưng người sáng lập Facebook đã không thể thành công trong việc thay đổi quan điểm của chính phủ Úc.

Chính phủ Úc dự định ban hành một đạo luật buộc Facebook – nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới và gã khổng lồ tìm kiếm Internet Google Inc – tiến hành đàm phán thanh toán cho các công ty truyền thông – có nội dung thúc đẩy lưu lượng truy cập vào trang web của họ.

Nếu các bên không thể thống nhất về các khoản thanh toán, một trọng tài do chính phủ chỉ định sẽ bước vào theo quy định trong lĩnh vực kiểm duyệt công nghệ lớn. Như Breitbart News đã đưa tin, Google đã đe dọa sẽ xóa công cụ tìm kiếm của mình khỏi toàn bộ đất nước Úc nếu luật được đề xuất có hiệu lực.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã phản hồi lại những cảnh báo của Google, nói rõ: “Chúng tôi không đáp lại các mối đe dọa. Úc đưa ra các quy tắc của riêng chúng tôi đối với những điều các bạn có thể làm ở Úc. Điều đó được thực hiện trong Quốc hội của chúng tôi. Nó được thực hiện bởi chính phủ của chúng tôi. Và đó là cách mọi thứ hoạt động ở Úc”.

Ông Frydenberg cho biết chính phủ rất chú ý tới lời đe dọa của Google về việc hoàn toàn ngừng cung cấp công cụ tìm kiếm của họ ở Úc, nhưng ông đồng ý với Thủ tướng Morrison rằng Úc sẽ không bị các công ty công nghệ đe dọa.

“Tôi không bác bỏ các mối đe dọa, nhưng tôi cũng không bị đe dọa bởi chúng”, Frydenberg nói khi được hỏi liệu Google có phải chỉ dọa xuông hay không.

Đồng sáng lập Facebook, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện tại Tòa nhà Văn phòng Hạ viện Rayburn trên Đồi Capitol vào ngày 11 tháng 4 năm 2018 ở Washington, DC (Ảnh của Chip Somodevilla / Getty Images)

Chúng tôi nói rằng nếu tiếp tục điều này, chúng tôi sẽ phá vỡ internet”, ông Frydenberg nói khi đề cập đến việc gạt bỏ những yêu cầu của Facebook và Google. “Những gì tôi biết là các doanh nghiệp truyền thông phải được trả tiền cho nội dung của mình”.

 

EU kêu gọi Mỹ soạn thảo sách quy tắc chung để kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ

Liên minh Châu Âu (EU) đã kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hợp tác trong việc soạn thảo một cuốn sách quy tắc chung để kiềm chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn như Facebook và Twitter, và chống lại sự lan truyền của tin tức giả – vốn đang ăn mòn các nền dân chủ phương Tây.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi chính quyền Biden hợp lực chống lại “những mặt tối của thế giới kỹ thuật số”, điều mà bà nói là một phần đằng sau cơn bão “chấn động” ở Đồi Capitol vào ngày 6/1/2021.

Mô hình kinh doanh của các nền tảng trực tuyến có tác động không chỉ đến sự cạnh tranh tự do và công bằng mà còn đến nền dân chủ, bảo mật và chất lượng thông tin của chúng ta”, bà Leyen nói. “Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải ngăn chặn sức mạnh to lớn này của các công ty kỹ thuật số lớn”.

Bà kêu gọi Tòa Bạch Ốc tham gia nỗ lực của khối 27 quốc gia để “cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một quy tắc kinh tế kỹ thuật số có giá trị trên toàn thế giới”, và sẽ bao gồm việc bảo vệ dữ liệu, các quy tắc riêng tư và bảo mật của cơ sở hạ tầng quan trọng.

Bà Von der Leyen cho biết EU muốn các công ty công nghệ khổng lồ này phải chịu trách nhiệm, với “quy định rõ ràng rằng các công ty Internet phải chịu trách nhiệm về cách thức họ phổ biến, quảng bá và xóa nội dung”.

Vào tháng 12/2020, Ủy ban châu Âu đã đề xuất hai điều luật mới của EU để bảo vệ người tiêu dùng và quyền trực tuyến của họ tốt hơn, làm cho các nền tảng công nghệ có trách nhiệm hơn và cải thiện cạnh tranh kỹ thuật số, xây dựng trên các quy tắc bảo vệ dữ liệu của khối, một trong những quy tắc nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Bà Ursula von der Leyen kêu gọi Nhà Trắng tham gia nỗ lực của khối 27 quốc gia để “cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một quy tắc kinh tế kỹ thuật số có giá trị trên toàn thế giới” (Ảnh:Maja Hitij/Getty Images)

Bà Von der Leyen nói: “Chúng tôi muốn các nền tảng minh bạch về cách thức hoạt động của các thuật toán của họ. Bởi vì chúng tôi không thể chấp nhận rằng các quyết định có ảnh hưởng sâu rộng đến nền dân chủ của chúng tôi được thực hiện bởi các chương trình máy tính“.

Bà Von der Leyen cũng đề cập đến quyết định đầu tháng này của Facebook và Twitter về việc cấm tài khoản cựu Tổng thống Donald Trump khỏi nền tảng của họ – với cáo buộc tài khoản ông kích động cuộc tấn công vào Điện Capitol của Mỹ. Đây là một bước đi chưa từng có nhằm nhấn mạnh sức mạnh to lớn của những gã khổng lồ công nghệ trong việc điều tiết ngôn luận của người dùng.

Bà nói: “Dù Twitter có hấp dẫn đến mức nào khi cấm tài khoản của cựu Tổng thống Trump, thì sự can thiệp nghiêm trọng như vậy đối với quyền tự do ngôn luận cũng không nên chỉ dựa trên các quy tắc của công ty. Cần phải có một khung luật cho những quyết định có tầm ảnh hưởng sâu rộng như vậy”.

Việc tài khoản ông Trump bị Twitter và Facebook ngừng vĩnh viễn – đang khiến Hungary – một thành viên EU – thúc đẩy các biện pháp của riêng mình để điều chỉnh các công ty truyền thông xã hội.

Bộ trưởng Tư pháp Hungary cho biết hôm thứ Ba (ngày 26/1) rằng các công ty công nghệ lớn có thể phải đối mặt với quy định của chính phủ Hungary về cái mà bà gọi là kiểm duyệt “có chủ ý, ý thức hệ” trên mạng xã hội.

Trong một bài đăng trên Facebook, Bộ trưởng Tư pháp Judit Varga đã viết rằng chính phủ sẽ tiến hành các biện pháp hạn chế đối với những gã khổng lồ công nghệ mà bà cho rằng “tùy tiện bịt miệng người dùng các nền tảng trực tuyến”, bao gồm cả tài khoản của các nhà lãnh đạo nhà nước – liên quan đến quyết định đình chỉ vĩnh viễn của Twitter và Facebook đối với tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bộ trưởng Varga kêu gọi “hoạt động minh bạch và có thể kiểm soát” của các công ty công nghệ, và cho biết bà sẽ đệ trình một dự luật về vấn đề này lên quốc hội Hungary vào mùa xuân để chống lại điều mà bà gọi là “lạm dụng tự do ngôn luận có hệ thống”.

Bà Varga tuyên bố rằng các công ty công nghệ “hạn chế khả năng hiển thị các quan điểm Cơ đốc giáo, bảo thủ, cánh hữu” và “các nhóm quyền lực đằng sau những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu” có khả năng quyết định các cuộc bầu cử.

Theo NTDVN (01.02.2021)