Seite auswählen

„việc lạm dụng những từ ngoại ngữ vào giao tiếp và viết lách, trong khi tiếng Việt đã có sự thay thế hoàn hảo, thì đó là một dạng của “sính ngoại”. Quá lạm dụng nó sẽ trở nên lố bịch và thảm họa.“

Lê Việt

 

Vào thời hội nhập, việc giao thương với quốc tế khiến ngoại ngữ ngày càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống người dân. Nhất là ở các thành phố lớn hiện đại, nơi có nhịp sống tấp nập và trình độ dân trí cao – thì dĩ nhiên ngoại ngữ đã trở thành một công cụ hỗ trợ hữu ích trong đời sống. Tuy nhiên do tư duy “sính ngoại” nên đã xuất hiện hiện tượng một bộ phận các người trẻ sử dụng tiếng lóng, tiếng bồi một cách vô tội vạ, gây phản cảm, đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt. 

 

Tôi có một cô bạn, là CEO của một Trung tâm giáo dục và đào tạo khá nổi tiếng ở Hà Nội. Bạn tôi giỏi và năng động, nhưng do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với đối tác nước ngoài, thế nên hình thành cái tật hay chêm ngoại ngữ khi hội thoại. Ví dụ thế này: “V ơi, tớ nghĩ khi start cần tìm một influencer, người mà có thể inspire cho các bạn trẻ, ưu tiên mảng education nhé.”

 

Nói chuyện với người quen còn đỡ, chứ khi cô ấy nói chuyện với người lạ thì đúng là bi kịch, vì tôi để ý cứ 1 câu thì phải đến 20-30% từ tiếng Anh trong đó. Đôi lúc tôi còn phải phiên dịch lại ý cô ấy nói cho những người bạn khác đấy.

 

Nhưng trường hợp cô bạn tôi còn hiểu và thông cảm được, cái đáng ngạc nhiên là tôi biết khá nhiều bạn trẻ, chẳng do đặc thù công việc mà có thói quen “chêm từ ngoại” trong giao tiếp lẫn viết lách như một cách thể hiện sự đẳng cấp. Thậm chí, nhiều khi họ còn dùng sai ngữ pháp, sai nội dung ngữ nghĩa … do nhận thức hạn chế. Và thế lạ, đôi khi vì lạm dụng nên vốn từ vựng tiếng Việt của những người này ngày càng hạn chế.

 

Tôi nghĩ rằng việc sính dùng từ ngoại của một bộ phận thanh niên hiện nay đều do tầm nhận thức của họ. Những người giỏi và cực giỏi ngoại ngữ sẽ biết dùng đúng nơi đúng chỗ, không kiểu “khoe chữ” như thế vì họ biết “trân trọng tiếng mẹ đẻ”, biết “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.  Ngược lại, một bộ phận giới trẻ chỉ biết nửa vời, hoặc do nhận thức không đủ nên thích thể hiện trình độ ngoại ngữ không đúng lúc đúng chỗ, khiến người khác chê cười. 

 

– Úi, quán cafe của anh chưa decor lại à, nhìn nó hơi amateur anh ạ.  

– Tao mới check lại thì Partner chiều nay sẽ tới city, mày lựa book hộ tao 3 single room nhé. Xong confirm lại kẻo quên 

– Anh ý là manager của tao đấy, trước đây anh ấy là director một công ty Media khá tín, từng care mấy projects khá hoành đấy. 

– Peosonally chị thấy cơ hội cho em sáng và cái compromisse nó không costly như em seemingly visualisse đâu hehe

Nghe thảm họa thật sự!

 

Các bạn của tôi nghe này, từ mượn là một phần không thể thiếu của tiếng Việt, một khi chúng ta chưa thể nhất thời tìm được sự thay thế (hoặc sản sinh từ mới) thì có thể dùng từ mượn. Nhưng việc lạm dụng những từ ngoại ngữ vào giao tiếp và viết lách, trong khi tiếng Việt đã có sự thay thế hoàn hảo, thì đó là một dạng của “sính ngoại”. Quá lạm dụng nó sẽ trở nên lố bịch và thảm họa.

 

Tôi lấy ví dụ, có những từ tiếng Anh quá thông dụng trong cuộc sống, hiện chúng ta chưa tìm được sự thay thế xứng đáng ở tiếng Việt, dần dần nó đang biến thành từ mượn. 

 

– Ví dụ như taxi, internet, chat, inbox, hello, MC, VAT …nó đã quá phổ biến.

 

– Ví dụ như các thuật ngữ mới CEO, inbox, wibu, gay, les … để diễn giải những khái niệm này khá dài dòng và rắc rối, nên người ta thường chọn ngôn ngữ gốc.

 

– Hay do đặc thù môi trường công việc, các thuật ngữ chuyên môn mà người nghe đã quá quen thuộc, chúng ta có thể sử dụng, nhưng nhớ cần chọn lọc đối tượng 

 

Nhưng những từ ngữ mà tiếng Việt có sự thay thế hoàn hảo, như problem, director, city, wait … mà cứ thích dùng ngoại ngữ, tôi cũng đến chịu. 

 

Khi trào lưu bùng phát, việc dùng ngoại ngữ chêm vào giao tiếp đã trở thành mốt của đa số “dân chơi” như một cách thể hiện ta đây “đẳng cấp”. Vậy nên trong bất kỳ tình huống nào, trò chuyện với bất cứ ai… những người trẻ ấy đều có thể dùng những từ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tàu tiếng Hàn … để chắp vá phát ngôn của mình. Họ cứ nghĩ mình “trông thật khác biệt, cứ nghĩ đó là sành điệu, nhưng  không biết rằng nhiều người khác lại thấy đó khá là “kệch cỡm”.

 

Và trong giao tiếp chat trên internet, giới trẻ đang biến tướng tiếng Việt bằng kiểu giao tiếp rất dị. Ngoài những ngôn ngữ lạ kiểu teencode quái đản, mà tôi dám chắc thế hệ những người tôi chẳng thể tài nào dịch nổi, thì sẽ có nhiều bạn trẻ lạm dụng ngoại ngữ và biến tướng nó qua cách viết tắt.

 

Trước đây, để đỡ mất thời gian, nhiều từ tiếng Anh được gõ tắt theo những nguyên tắc nhất quán của nó, khá dễ hiểu và thú vị. Chẳng hạn, từ you được gõ thành u, about được gõ tắt thành abt, … 

Nhưng bây giờ, tiếng Anh trong thế giới của chat đã lạ đến mức chỉ người trong cuộc mới hiểu.  Lấy ví dụ, tôi phải nghĩ nát óc mới đoán được 9 2 c u là “Nice to see you” đấy.

 

Thi hào Tagor trong lần góp ý cho tập thơ viết bằng tiếng Anh của một thanh niên, đã hỏi: Mẹ đẻ của anh là người vùng nào? Chàng thanh niên thưa: Dạ là người bang Punjab (Ấn Độ). Thi hào Tagor nói ngay: Thế thì ý kiến đầu tiên của tôi là anh hãy làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ trước đã, chưa vội làm bằng tiếng Anh. Chúng ta viết ra ấn phẩm gì thì cũng phải hướng tới người vùng mình, dân tộc mình trước.

 

Lời ăn tiếng nói gắn liền với hành vi, cách sống, nó thể hiện phần nào đó “giá trị bản thân bạn”. Mình là người Việt, trước tiên các bạn học cho tốt tiếng Việt đã, đồng thời hãy sử dụng ngoại ngữ đúng đối tượng đúng hoàn cảnh, nói nôm na là đúng lúc đúng chỗ.

 

Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!

 

Lê Việt

Thesaigonpost (03.02.2021)