Nguyễn Như Phong
7-2-2021
(Nhân đọc bài “Sao họ ác đến thế” của nhà báo Vũ Hùng)
Nói chuyện về cải cách ruộng đất thì phải khẳng định đó là một trang lịch sử đẫm máu của Việt Nam… Nhưng không nên bàn luận nhiều về việc này, mặc dù người ta vẫn cố lấp liếm, cố bưng bít.
Số là ngày ấy, ông ngoại tôi – Nhà văn, Danh y Nguyễn Tử Siêu ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi bị quy là “phản động, là đảng viên Đại Việt” và thế là bị kết án tử hình.
Bố tôi – nhà văn Hoài An – khi đó là phóng viên báo Quân đội Nhân dân, ngay lập tức bị quy vào việc “lấy con nhà địa chủ” và bị bắt đưa đi cải tạo. Nhưng trước khi bị đưa đi, bố tôi bị vệ binh của báo QĐND áp giải về tận nhà mẹ tôi ở Hương Ngải, và phải nói: “Cô là con phản động. Nay tôi không thể sống với cô được nữa… Từ nay chúng ta chấm dứt tình nghĩa vợ chồng“. Mẹ tôi bình tĩnh và bảo: “Bố tôi có là phản động hay không thì tôi biết… Anh cứ đi đường anh… Tôi không gây phiền cho anh đâu“.
Khi bế tôi ra đến giếng thì có tiếng gõ cổng, mặc dù đã gần nửa đêm… Mẹ tôi đặt tôi xuống cạnh giếng, chạy ra mở cổng. Và bà sững lại khi thấy nhà báo Phú Bằng, Ngô Thông… và hai người nữa đến. Và chưa kịp hỏi han gì thì tôi oe khóc… Ông Phú Bằng ra ngay giếng và bế tôi lên.. .Ông hiểu ngay ra sự tình.
Ông Ngô Thông nói gấp gáp: “Sao cô nghĩ liều thế. Thằng Hoài An nó cũng khổ lắm. Cấp trên bắt nó phải nói đấy! Nó gửi tiền về đây và dặn cô phải cố nuôi thằng Phong. Còn việc này Đảng sai rồi...”
Nói xong, mấy ông lại biến vào trong màn đêm. Nhờ thế mà tôi sống. Còn ông Ngoại tôi, cũng may mắn được tha tội chết vì là danh y… Còn mẹ tôi, mỗi khi nhắc đến cải cách ruộng đất, bà lạnh lùng: “Tao ỉa năm bảy đống vào cái Đảng nhà chúng mày!!!”
Chuyện là thế đấy!
BBT: Các chuyện khác của ông đại tá Công an Phong cũng gây cấn lắm. Chả hạn việc ông mất chức Tổng biên tập báo Petrotimes.
Mục lục
Vụ Nguyễn Như Phong và khuynh hướng biến mất ý thức hệ giới công an
‘Nguyễn Như Phong nổi loạn’
Quyết định rất nhanh của Bộ Thông tin và Truyền thông rút thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập báo Petrotimes, sau khi cơ quan chủ quản là Hội Dầu khí Việt Nam đã cách chức ông Phong, đồng thời đình bản Petrotimes 3 tháng, cho thấy vụ Petrotimes đăng lại bài Thời Báo (Đức) phỏng vấn Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) không phải do một cấp dưới của ông Nguyễn Như Phong tự ý đăng mà ông Phong không biết, cũng không phải ông Phong bị “gài” bởi một bàn tay bí ẩn nào đó, mà chính là ông Nguyễn Như Phong quyết định đăng bài phỏng vấn này.
Hiểu một cách nào đó, vụ việc chưa từng có trên có thể ví như “Nguyễn Như Phong nổi loạn”. Trong lịch sử cầm quyền của đảng CSVN, thỉnh thoảng lại có một tờ báo bị đình bản hoặc một tổng biên tập bị cách chức vì đăng bài mang quan điểm có phần đối lập. Tuy nhiên, chỉ là “có phần” thôi chứ không toạc móng heo như vụ Petrotimes đăng bài phỏng vấn Người Buôn Gió.
Người Buôn Gió lại nằm trong số nhân vật bất đồng chính kiến bị đảng cầm quyền ghét cay ghét đắng và đánh giá là “cực kỳ phản động”. Không những thế, blogger này đang liên đới cực kỳ mật thiết với nhân vật Trịnh Xuân Thanh ra mặt chống đảng mà đảng lùng bắt mãi không được. Không ít ý kiến cho rằng việc Petrotimes đăng bài phỏng vấn Người Buôn Gió là một thách thức trực tiếp đối với quyền lực của đảng và đồng thời là một “cái tát” đối với thể diện của Tổng Bí thư Trọng – người mà có lẽ thù Trịnh Xuân Thanh và Người Buôn Gió đến tận xương tủy.
Nhưng sau tất cả màn hỉ nộ sân si ấy, có thể hiểu tâm thế của ông Nguyễn Như Phong ra sao để dẫn ông đến hành động đăng bài chưa từng có như trên?
Tâm thế Nguyễn Như Phong
Nguyễn Như Phong lại là đại tá công an, từng là phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân của Bộ Công an. Trong suốt quá trình hành nghề của mình, Nguyễn Như Phong không chỉ nổi tiếng với triết lý “làm nhà báo phải như con chó ấy”, mà là tác giả của không ít bài báo công kích, kể cả xúc phạm nhân phẩm giới đấu tranh dân chủ nhân quyền. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế – một trong những nhà đấu tranh dân chủ có bề dày ở Việt Nam – kể lại rằng vào năm 1991 khi bác sĩ còn trong tù, chính nhà báo Nguyễn Như Phong đã vào tận trại giam để chụp hình và viết bài công kích ông.
Với chiều dài quá “chuyên chính” như thế, vì sao Nguyễn Như Phong lại quyết định “kết” Người Buôn Gió – nhân vật nằm trong “đám” mà ông Phong vẫn thường chửi rủa thậm tệ? Nếu để câu lượng đọc cho báo, ở Việt Nam không thiếu gì vụ cướp – giết – hiếp mà sao Nguyễn Như Phong phải quá mạo hiểm đề cập đến “lằn ranh đỏ” – giới hạn mà là một nhà báo công an quá nhiều kinh nghiệm, ông Phong không thể không thấm đến tận não bộ?
Nhìn lại, từ khi Nguyễn Như Phong về làm tổng biên tập ở Petrotimes, tờ báo này đã bật lên và có ít nhất hai thế lực chính trị mạnh sủng ái: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Công an.
Vào thời gian trước Đại hội XII, Petrotimes là một trong số ít tờ báo có vẻ ra mặt ủng hộ Thủ tướng Dũng. Dư luận cũng thường nhắc đến mối quan hệ “thân tình” giữa Thủ tướng Dũng với ông Nguyễn Như Phong.
Theo đó, không loại trừ việc đăng lại bài phỏng vấn Người Buôn Gió là một hành động “cướp cò” của ông Nguyễn Như Phong để phản ứng trước chiến dịch một số tờ báo nhà nước “đánh Trịnh Xuân Thanh”, bởi bài trả lời phỏng vấn của Người Buôn Gió là có lợi cho Trịnh Xuân Thanh, mang hàm ý thanh minh cho Thanh ở PVC; đồng thời phản ứng với loạt bài của tác giả Huy Đức tấn công trực diện Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng, qua đó gián tiếp phản ứng với chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng mà dường như đang nhắm đến Đinh La Thăng và sau đó có thể là Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu quả Nguyễn Như Phong muốn phản ứng theo cách trên thì chỉ có thể cho rằng: để bảo vệ nhóm lợi ích của mình, trong một cơn bức xúc không kiềm chế được hoặc với một chủ đích đã tính toán, ông Phong đã gạt phắt ý thức hệ bảo vệ chế độ để một bước nhảy thẳng sang phía “thế lực thù địch” Người Buôn Gió.
Bước nhảy ghê gớm trên có thể làm sững sờ phần còn lại của giới công an, đặc biệt đối với những cán bộ công an vẫn giữ rịt quan niệm “còn đảng còn mình”, đồng thời khiến bật ra một câu hỏi chĩa thẳng vào rường cột chế độ: Phải chăng cú nhảy quyết liệt của Nguyễn Như Phong công an là một đặc trưng cho tâm trạng sẵn sàng quay ngoắt của đa phần cán bộ đảng viên nếu “tình hình có biến”?
Thông điệp nào của ông Trọng?
Bất kể Tổng Bí thư Trọng và các đồng chí của ông đang nghĩ gì, biến đổi cũng là quy luật của thời gian, chỉ là sớm hay muộn hơn một chút mà thôi.
Sau những gì thuộc về tâm thế Nguyễn Như Phong, hãy nhìn vào tâm thế của đảng, hay chính xác hơn là một bộ phận nhỏ trong đảng. Bằng động tác cách chức và rút thẻ nhà báo ông Nguyễn Như Phong, đảng muốn “nhắn nhủ” gì đến xã hội và nội bộ?
Với xã hội, đảng vẫn đương nhiên muốn ngăn chặn những tư tưởng bất đồng, đặc biệt trong giới báo chí.
Trên phương diện nội bộ, rất dễ hình dung rằng sau khi bài phỏng vấn Người Buôn Gió xuất hiện trên Petrotimes, vụ việc này đã được báo cáo trực tiếp cho Ban bí thư của ông Đinh Thế Huynh, và Ban bí thư lại báo cáo ngay cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Riêng với hai ông Huynh và Trọng, đây là một thách thức ghê gớm đối với cá nhân các ông và quyền lực của đảng cầm quyền mà hai ông đang cùng nắm giữ. Ngay sau đó, “Thường trực Bộ Chính trị” đã chỉ đạo cho ông Trương Minh Tuấn – nhân vật hiện thời là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông kiêm chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, mà về thực chất là “người của đảng” – phải ra quyết định xử lý ngay lập tức đối với Nguyễn Như Phong.
Ông Trương Minh Tuấn đã mau mắn và mẫn cán thi hành việc này. Tuy nhiên, quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Nguyễn Như Phong và đình bản 3 tháng Petrotimes lại không nêu rõ lý do. So với những trường hợp kỷ luật báo chí gần đây đều nêu nguyên do, sự trống vắng quá khó lý giải vào lần này cho thấy ít nhất hai điều:
1. Ông Nguyễn Như Phong có một khả năng thoát bị truy tố vì vụ đăng bài phỏng vấn Người Buôn Gió, vì nếu bên đảng tự tin thì đã nêu rõ lý do ông Phong bị rút thẻ nhà báo và báo Petrotimes bị đình bản 3 tháng.
2. Dường như đã có một sự không thống nhất giữa cơ quan tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Công an trong việc “xử lý Nguyễn Như Phong”. Nói cách khác, có thể Bộ Công an tìm cách “đứng ngoài cuộc” và để cho cơ quan đảng làm phần hành của bên đảng, nhưng chỉ làm việc xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật chính quyền, còn việc đưa ông Phong vào vòng tố tụng hình sự là một chuyện hoàn toàn khác.
Quyền lực của đảng cũng vì thế vẫn đang theo khuynh hướng dần bị co hẹp. Nếu trước đây quyền lực này bị áp lực bởi phản ứng của phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền, thì nay còn chông chênh hơn bởi những bất đồng đã biến thành hành động công khai ngay trong nội bộ.
Rất có thể, vụ Nguyễn Như Phong mang ý nghĩa như một phát pháo công khai đầu tiên trên mặt báo chí nhà nước, thay vì chỉ trên mạng xã hội như trước đây, của một nhóm quyền lực – tài phiệt phản ứng đối với thế lực bên đảng, tiếp theo hàng loạt vụ việc nội bộ nổ ra từ tháng Tám năm 2016 cho đến nay như cái chết bị nghi vấn của viên thiếu tướng chỉ là “phụ trách Tư lệnh quân khu 2” Lê Xuân Duy, vụ giết quan chức Yên Bái với tin đồn kinh khủng “cả ba bị bắn”, vụ Trịnh Xuân Thanh ung dung tẩu thoát ngay trước mũi công an, vụ bắt Vũ Đức Thuận sau đó, và tất nhiên phải kể đến nhân vật Đinh La Thăng có thể đang nằm trong tầm ngắm “truy diệt” của bên đảng.
Đồng thời với một vị trí “giám sát” mới của mình trong Thường vụ Đảng ủy công an trung ương, có lẽ Tổng Bí thư Trọng – thông qua vụ kỷ luật rất nhanh ông Nguyễn Như Phong – còn muốn răn đe lực lượng công an “phải trung thành hơn với đảng”, và muốn đánh bạt mọi hy vọng cứu vớt cho nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật vừa là cựu nhưng vẫn là đương kim đối thủ của ông Trọng.
Vì sao Nguyễn Như Phong lại tự đút đầu vào ‘tử địa?’
Phúc Lộc Thọ
(Nguồn: Blog Phạm Viết Đào)
Vụ Nguyễn Như Phong bị trảm (cách chức tổng biên tập) lần này là một bài học để đời cho dân viết lách đam mê đụng bút vào chuyện thế sự, một mảng đề tài đang “hot?”
Nguyễn Như Phong, nguyên phó Tổng Biên Tập báo Công An Nhân Dân, hàm đại tá được ngành dầu khí, một ngành mà tiền nhiều như nước “sông Đà, Biển Đông…” đón về để “kiến tạo” một tờ báo để vênh vanh với thiên hạ, để có thêm quyền nói sau quyền ăn vốn đã ngập tràn của những ông bà quan chức ngành này…
Thế nhưng ở đời ai đoán được chữ ngờ, đi đêm lắm có ngày ắt gặp ma. Không ai khi ngờ phẩm chất “phò chính thống” của Nguyễn Như Phong, bởi có lần chính Nguyễn Như Phong đã tự nhận nghề làm báo không khác gì thân phận con chó; nhờ sự cúc cung tận tụy với nghề “phò chính thống” mà Phong có vai vế trong làng báo…
Thế nhưng giờ đây tất cả đã lộn nhào, sau cú đột quỵ này Nguyễn Như Phong chỉ còn về hưu là nhẹ, không cẩn thận Phong còn khả năng ăn đòn lao lý…
Chuyện của Phong suy cho cùng cũng chỉ nhằm mục đích tỏ ra ta là anh chị trong làng thông tin, câu view, tỏ ra nhanh nhạy thông tin, coi trời bằng vung nên đã thò đầu vào tử địa…
Phong đưa lại bài phỏng vấn Người Buôn Gió, tác giả của loạt bài đang làm lộn tiết một số phe nhóm Việt Nam qua vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; bài phỏng vấn của một tờ báo Việt Kiều mặc dù đã cắt gọt, thêm nếm nhưng đã lộ ra sự ngông nghênh về nhận thức thời thế, tưởng mình “chân cứng rễ bền,” “ô dù” hoành tránh cóc biết sợ ai; căn bệnh chung của dân police…
Ở các nước dân chủ, người ta rất hạn chế cho dân police có báo riêng vì ông được trang bị súng, dùi cui rồi mà ông có thêm báo nữa thì trời bằng vung thật…
Phong đưa lại thông tin này khác nào gián tiếp vinh danh, xác nhận thông tin của Gió, trong khi Gió chỉ nhận mình là là “kẻ chém gió” ất ơ, trúng đâu thì trúng…
Theo người viết bài này Nguyễn Như Phong đã rơi vào các tử địa sau đây mà rất nhiều blog lề dân đã tỉnh táo không xông vào:
1.Chuyện của Người Buôn Gió tung lên mạng chưa biết thật giả đến đâu nhưng chắc chắc là những “tấn muối” gieo vào lòng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người đích đanh chỉ đạo đích danh vụ Trịnh Xuân Thanh đã bị đẩy vào bẫy việt vị của ai đó? Trịnh Xuân Thanh trốn là một sự kiện gây mất điểm ghê gớm với uy tín của Nguyễn Phú Trọng trong sự nghiệp “đả chuột, diệt ruồi…” Vụ này gây tạo dư luận nghi ngờ về sự chia rẽ, mất lòng tin giữa phe đảng và phe an ninh; một thời cái sự liên minh này đã nâng thành khẩu hiệu, phương châm xử thế: Còn đảng còn mình…
Thành ra các cây bút lề dân ở trong nước chỉ đứng xa xa mà xem cơ trời vận nước xoay vần đến đâu chứ không đụng bút vào hùa với Gió bởi đề phòng chuyện ăn đòn giận cá chém thớt…
2.Qua vụ Trịnh Xuân Thanh, blogger lề dân cũng lờ mờ nhận ra đổ bể cuộc chiến phe nhóm, thành ra mình thò bút vào không cẩn thận bị coi là ăn tiền của nhóm này để chơi nhóm kia. Một trong những lý do Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào bị “nhập kho” là do bị nghi là ăn tiền của phe nhóm Y tấn công phe nhóm X. Thế nhưng, khi người ta lần theo từng cái “giải rút” của từng cái quần lót của 2 blogger này và không phát hiện thấy một dấu vết, một đồng tiền của nhóm lợi ích nào tài trợ cho 2 blogger này…
Riêng Phạm Viết Đào không một cú điện thoại nào kể cả gọi cho em út bằng sim rác cũng bị sờ nắn tới; Ra tù hơn 2 năm rồi mà thỉnh thoảng vẫn có đuôi theo…
- Nguyễn Như Phong là người bên an ninh, là người ăn tiền dầu khí, vậy Năng Lượng Mới (PetroTimes); dù muốn hay không người ta vẫn tin cái “đạo lý” đồng tiền: ăn cây nào rào cây ấy; đưa chuyện của Trịnh Xuân Thanh, đưa Người Buôn Gió lên thành chuyện của công luận thì khác gì giỡn mặt phe nhóm đang tìm cách bắt trị Thanh, làm sôi máu những ông đang thần hồn nát thần tính, đang muốn tùng xẻo Trịnh Xuân Thanh?
4.Nguyễn Như Phong chắc chắn sẽ bị xử nặng bởi đây cũng còn là cái cớ để giết gà dọa khỉ; “Con gà” Nguyễn Như Phong rất có thể trở thành món cúng “động thổ” cho chiến dịch “tảo thanh” nội bộ, “giải phóng mặt bằng…”
Đó là 4 lý do, “tứ tử” do Nguyễn Như Phong tự thò đầu vào thế “chết không kịp ngáp,” “hối không kịp hận…” Các ô chắc cũng chẳng dại xòe ra che đỡ cho Nguyễn Như Phong trong hình thế sự đang như “nước sôi lửa bỏng…”
Sau vụ này, Nguyễn Như Phong chắc chắn rơi vào cảnh ê chề của cái thân phận “hàng thần lơ láo phận mình sao đâu”; trở về lề dân chắc là không được; phò chính thống thì người ta cạch mất đường rồi, đành phải ôm, gặm nhấm một “nỗi căm hờn trong cũi chó!”
Nỗi ê chề của Nguyễn Như Phong âu cũng là bài học cho những cây bút “phò chính thống” mỗi khi thất cơ lỡ vận, điều ít ai tránh hết trong cõi đường đời!
Phò nhân dân mới là sự nghiệp vạn đại vì không ai chiến thắng được nhân dân; một đúc kết của quan chức văn hóa Hà Nội khi hồi hưu…
BBT: Bài đăng trên một trang mạng LỀ ĐẢNG
“Nguyễn Như Phong” – Hay cơn gió độc
Gần đây trên fb cá nhân “Nguyễn Như Phong” có đăng stt với ba câu hỏi và mong “chỉ giáo”. Tôi để “Nguyễn Như Phong” trong ngoặc kép để muốn chính ông khẳng định rằng đó không phải là Ông – Nguyễn Như Phong.
Ông Nguyễn Như Phong, ảnh internet
Trước hết, nói về Nguyễn Như Phong (theo như hình đại diện) là người khá nổi tiếng.
Nguyễn Như Phong, nguyên là Đại tá, Phó Tổng biên tập Báo CAND, phụ trách Chuyên đề ANTG.
Nguyễn Như Phong được nhiều người biết đến hơn với tư cách là tác giả các bài báo về điều tra, nhất là những bài viết phóng sự điều tra án tham nhũng. Rồi khi chuyển sang làm biên kịch, Nguyễn Như Phong cũng được nhiều người biết đến hơn với sự thành công của loạt phim Cảnh sát hình sự; Cổ cồn trắng…
Sau khi nổi tiếng rồi suy nghĩ cũng khác đi, đáng lý với bề dày kinh nghiệm công tác tại Báo CAND, Nguyễn Như Phong phải tiếp tục cống hiến. Nhưng không, năm 2010, khi biết Hội dầu khí có chủ trương thành lập cơ quan báo chí của Hội, Nguyễn Như Phong sẵn sang bỏ hết, về hưu sớm (5 năm) để sang làm Tổng biên tập Tạp chí Petrotimes.
Chẳng nói ra thì ai cũng biết, ngoài lương hưu công an thì bên đó là như thế nào.
Có quyền lực trong tay, Nguyễn Như Phong cho đăng các phỏng vấn của đối tượng Bùi Thanh Hiếu (đối tượng chống đối, chuyên gây rối trật tự công cộng bị xử lý nhiều lần); cho đăng các bài nhận định sai lệch, suy diễn cho rằng Trịnh Xuân Thanh không phạm tội. Vì sao lại như vậy và bây giờ như thế nào thì mọi người ại cũng biết. Trịnh Xuân Thanh đã bị xử lý nghiêm trước pháp luật, sai phạm của Trịnh Xuân Thanh cũng đã được làm rõ. Điều buồn là người cầm bút như Nguyễn Như Phong lại chấp nhận bẻ cong ngòi bút để đảo lộn trắng đen.(link các bài viết http://vnmedia.vn/dan-sinh/201610/bao-petrotimes-da-tich-tu-nhung-sai-pham-gi-543588/; https://www.24h.com.vn/tai-chinh-bat-dong-san/di-san-trinh-xuan-thanh-tai-san-pvc-boc-hoi-hon-1229-ty-lo-gan-3500-ty-dong-c161a1004201.html)
Và cái gì đến sẽ phải đến!
Ngày 3/10/2016, Nguyễn Như Phong bị Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết đinh thu hồi thẻ nhà báo. Báo Petrotimes bị đình bản 3 tháng để làm rõ các sai phạm.
Đầu năm 2019, Nguyễn Như Phong được tiếp tục hành nghề, làm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Phương Đông thuộc Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật. Những tưởng sau một thời gian dài ngẫm nghĩ về cái sai, cái dại của mình “Nguyễn Như Phong” sẽ thay đổi để trở thành con người tốt và có ích cho xã hội. Với những suy nghĩ của mình được chia sẻ công khai, những suy nghĩ đó không khác gì những cơn gió độc gây hại, tuyên truyền chống nhà nước.
Ảnh chụp từ bài viết được đăng tải trên facebook Nguyễn Như Phong
Về ba câu hỏi của ông, tôi có ý kiến sau:
Thứ nhất, Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng, cũng như giai cấp tư sản trước đây làm cách mạng đánh đổ chế độ phong kiến, nhưng cuộc cải biến đó không phải là ngày một ngày hai mà xóa ngay đi được những tàn tích của nó. Đó là chưa kể đến chủ nghĩa tư bản cũng biết tự điều chỉnh, thoa kem lên bản chất bóc lột của mình. Thực tế là đã có lúc người công nhân tự đập phá máy móc và cho rằng máy móc mới là kẻ bóc lột. Rồi họ xóa đi ranh giới giai cấp để lừa đảo người công nhân rằng người bóc lột và kẻ bị bóc lột đều là người lao động.
Nếu ông cho rằng sự kém phát triển về kinh tế dẫn đến sụp đổ thì ông đã thực sự sai lầm. Thực tế tiềm lực kinh tế của Việt Nam, vị thế của Việt Nam, đến Mỹ chống Cộng sản rồi cũng phải nhận ra rằng Công sản không phải là trào lưu mà là hiện thực và phải bắt tay với Cộng sản.
Rồi gần đây, Mỹ phải tìm mọi cách để khống chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế, nhất là trừng phạt Huawei, đủ cho thấy kinh tế của Trung Quốc như thế nào.
Mỹ đang muốn cùng Việt Nam hướng đến đối tác chiến lược vào năm 2020, thì đủ biết chúng ta được coi trọng như thế nào.
Thứ hai, Ông nói rằng: miễn đạt mục tiêu, “hà cớ gì mà phải đi lên chủ nghĩa cộng sản bằng con đường hiện nay”. Điều đó có nghĩa là Ông muốn đất nước này theo con đường tư bản chủ nghĩa để chà đạp lên thành quả đấu tranh giải phóng. Đã hiểu được điều tất yếu “đi lên chủng nghĩa cộng sản” mà lại chấp nhận cách thức bóc lột thì ông chẳng khác gì loại người muốn đấu tranh cho tự do nhưng lại lệ thuộc vào chính cái mà mình đang đấu tranh.
Nói thêm để ông hiểu rằng, Đảng Cộng sản không phủ định kinh tế tư bản chủ nghĩa, mà thực tế là đang thiết lập nền kinh tế thị trường. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quyết không chấp nhận chế độ tư bản chủ nghĩa với cách thức bóc lột người. Điều đó có nghĩa là: kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cao đẹp của chủ nghĩa xã hội – công bằng, dân chủ, văn minh phải được xây dựng trên nền tảng kinh tế phát triển cao. Để đạt mục tiêu đó thì không thể khác ngoài định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” Bác đã nói đến nhiều căn bệnh của người cán bộ, đảng viên. Trong đó có, thiếu tu dưỡng rèn luyện, cho rằng mình là quan cách mạng rồi xa rời quần chúng, cuối cùng là sa vào chủ nghĩa cá nhân, rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” – mà ông là một ví dụ điển hình.
Loại người như ông khi leo lên cao được thì hết sức ca ngợi Đảng, khi bị kỷ luật thì trở cờ, quay giáo. Những loại người đó cần phải bị xử lý nghiêm. Và để thấy rằng không phải cứ học cao, hiểu rộng là có được lập trường tư tưởng vững vàng mà điều đó phải được rèn luyện thường xuyên.
TÂM BÌNH