Seite auswählen

“Chúng tôi sẽ gia tăng hiện diện (ở Biển Đông) bằng cách triển khai thêm lực lượng hải quân, nhưng tôi muốn nói rõ rằng sự hiện diện của hải quân chúng tôi tại đó không phải để gây chiến với Trung cộng, mà là để bảo vệ người dân của chúng tôi”, Trung tướng Cirilito Sobejana, tân chỉ huy Các lực lượng vũ trang Phi Luật Tân, tuyên bố hôm 9/2.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Phi Luật Tân phản đối luật mới của Trung cộng, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh Trung cộng được lên tàu hoặc nổ súng nhằm vào các tàu nước ngoài tại vùng biển mà Bắc Kinh xem là chủ quyền. Giới chức Phi Luật Tân cho rằng luật hải cảnh mới có thể làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm.

Tuyên bố của Trung cộng về việc cho phép hải cảnh nước này nổ súng vào những người đi vào vùng biển của họ rất đáng báo động. Đó là tuyên bố rất vô trách nhiệm vì người của chúng tôi không đến khu vực tranh chấp để gây chiến mà là để kiếm sống”, Tướng Sobejana cho biết.

Trung cộng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông, đồng thời thường xuyên triển khai lực lượng hải cảnh đi qua tuyến hàng hải quan trọng này. Hải cảnh Trung cộng cũng thường xuất hiện cùng một số lượng lớn tàu đánh cá được coi là lực lượng dân quân biển, mà một số nước cáo buộc quấy rối ngư dân của họ.

Năng lực hải quân của Phi Luật Tân vẫn hạn chế so với hạm đội hải quân và hải cảnh của Trung cộng. Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 1 nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận quốc phòng với Phi Luật Tân, cũng như việc áp dụng thỏa thuận này nếu Phi Luật Tân bị tấn công.

Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông nhằm khẳng định sự hiện diện tại vùng biển này. Hoạt động gần đây nhất của Mỹ ở Biển Đông diễn ra hôm 9/2, khi 2 nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ cùng tham gia diễn tập.

Theo Dân trí (10.09.2021)

 

 

 

Tập Cận Bình nhắc nhở Nguyễn Phú Trọng tự giải quyết các tranh chấp trên biển

Trung cộng và Việt Nam phải tự quản lý các tranh chấp trên biển và chống lại sự xúi giục từ bên ngoài, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình cho biết hôm thứ Hai.

Trong một cuộc điện thoại với người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Phú Trọng,  Tập cũng cho biết thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực “càng sớm càng tốt”, theo Bộ Ngoại giao Trung cộng.

Ông Tập nói với ông Trọng: “Hai bên nên… quản lý hợp lý các khác biệt trên biển, chống lại sự xúi giục và kích động gây phiền hà của các thế lực bên ngoài, thúc đẩy hòa bình và phát triển ổn định trong khu vực”.

Hai nước có những tranh chấp kéo dài ở Biển Đông về nhiều hòn đảo và bãi đá ngầm gây ra các cuộc đối đầu không thường xuyên trên biển, và thậm chí là hai trận chiến ngắn ngủi vào năm 1974 và 1988. Các yêu sách cũng chồng chéo lên các nước láng giềng Malaysia, Phi Luật Tân, Brunei và Đài Loan.

Năm 2014, một giàn khoan dầu của Trung cộng hoạt động trong vùng biển tranh chấp là trung tâm của một cuộc biểu tình bạo lực chống Trung cộng trên khắp Việt Nam. Gần đây nhất, hai lực lượng tuần duyên đã có một thời gian đối đầu hàng tháng gần Bãi Tư Chính vào năm 2019 và sau đó cả hai lại tham gia vào một cuộc chiến tay ba với Malaysia kéo dài đến năm 2020.

Trung cộng luôn khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết giữa các bên, lo ngại rằng bất kỳ cuộc xung đột nào cũng có thể bị “các thế lực bên ngoài” – cụ thể là Hoa Kỳ – lợi dụng để xúi giục các bên tranh chấp khác chống lại Trung cộng và phá hoại nỗ lực của Trung cộng nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và gia tăng ảnh hưởng trong vùng.

Trong cuộc điện đàm hôm thứ Hai giữa các nhà lãnh đạo Tập cho biết Trung cộng sẵn sàng đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Bắc Kinh trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, thúc đẩy các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới giữa hai nước và tìm hiểu giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, kinh tế số và văn hóa.

Nguyễn Phú Trọng, người đã được bầu lại gần đây làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, phát triển và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung cộng luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Theo SMCP (10.02.2021)

 

 

Anh – Nhật ra tuyên bố chung, gửi thông điệp đến Trung cộng ở Biển Đông

Các bộ trưởng Anh – Nhật ra tuyên bố chung, phát tín hiệu rằng họ không chấp nhận chủ nghĩa phiêu lưu của Trung cộng ở Biển Đông và sẽ tăng cường hiện diện ở khu vực.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cùng hai người đồng nhiệm Anh Dominic Raab và Ben Wallace ngày 3/2 ra tuyên bố chung bày tỏ có nhiều lo ngại về tình hình Biển Đông, phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng. Họ khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, hạn chế các hoạt động có khả năng gia tăng căng thẳng.

Tàu chiến Nhật JS Kashima và JS Shimayuki trong cuộc diễn tập chung với Mỹ tại Biển Đông tháng 6/2020. Ảnh: US Navy.

“Đây là thông điệp rõ ràng cho các đồng minh cũng như Trung cộng rằng Nhật – Anh sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong thời kỳ hậu Brexit. Cả Nhật và Anh đều là đồng minh của Mỹ”, Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales của Australia.

Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận định tuyên bố chung được xây dựng dựa trên các tín hiệu khác gần đây, bao gồm các công hàm mà Anh và Nhật đã gửi liên quan đến yêu sách Biển Đông của Trung cộng. Hai nước gần đây cũng gia tăng hiện diện ở Biển Đông.

Hồi tháng 9/2020, ba nước Anh, Pháp, Đức cũng gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc, phản bác những yêu sách phi lý của Trung cộng ở Biển Đông. Ba nước nhấn mạnh Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là “khuôn khổ pháp lý” cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn.

Hôm 19/1, Nhật Bản gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, tuyên bố việc Trung cộng đơn phương vẽ đường cơ sở cho thực thể ở Biển Đông là trái luật pháp quốc tế. Yêu sách chủ quyền của Trung cộng đối với phần lớn diện tích Biển Đông đã bị bác bỏ trong phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.

Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho biết Tokyo giữ quan điểm trung lập đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuy nhiên, Nhật Bản không chấp nhận yêu sách Trung cộng đơn phương vẽ ra cũng như các hành động quyết liệt của nước này ở Biển Đông.

Nhật Bản gần đây đã điều khu trục hạm đến Biển Đông hoặc đi qua khu vực này để tới Trung Đông trong các nhiệm vụ chống cướp biển và thu thập thông tin tình báo. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đã ghé thăm cảng một số quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Các đơn vị JMSDF đến thăm thường tiến hành các cuộc diễn tập hải quân thiện chí và hữu nghị với hải quân nước sở tại. Dù quy mô các cuộc diễn tập này khá nhỏ, tần suất tổ chức lên đến khoảng 10 lần một năm.

Ngoài ra, JMSDF đã cử một đơn vị tàu nổi (2-3 tàu khu trục) đến Biển Đông và Ấn Độ Dương để tiến hành các cuộc diễn tập quốc tế với hải quân một số nước trong khu vực, trong đó có những cuộc diễn tập chung với Mỹ. Ông Yoji cho rằng động thái này cho các quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung cộng, thấy rõ sức mạnh liên minh vững chắc của Mỹ – Nhật.

“Nhật Bản cho rằng một loạt hoạt động triển khai của JMSDF tại Biển Đông là tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng đến Trung cộng, để nói lên lập trường và quyết tâm của Tokyo là không chấp nhận chủ nghĩa phiêu lưu của Bắc Kinh ở Biển Đông“, ông Yoji nói.

Phó đô đốc Nhật cũng chỉ ra Anh đã là quốc gia “ngoài lề” châu Á kể từ khi rút quân khỏi phía đông kênh đào Suez vào năm 1971 và bàn giao Hong Kong cho Trung cộng năm 1997. Anh sau đó chỉ duy trì ảnh hưởng về chính trị và ngoại giao tại khu vực. Dù vậy, không nên đánh giá thấp sự đóng góp phi quân sự này của London, đặc biệt là một số hành động của Anh tại Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, ông Yoji cho rằng đóng góp quân sự của Anh trong nhiều cuộc khủng hoảng an ninh đã bị hạn chế kể từ khi Anh rút khỏi khu vực. Xu hướng này tăng tiến trong “thời kỳ trăng mật” kinh tế Anh – Trung dưới thời của Thủ tướng David Cameron vào khoảng năm 2015. Trong thời kỳ đó, quan hệ Anh – Trung đạt đến đỉnh cao và điều này được thể hiện rõ khi Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình được tiếp đón long trọng trong lần đầu thăm Anh năm 2015.

Tuy nhiên, những động thái quyết liệt gần đây của Trung cộng đã làm thay đổi quan điểm của London đối với Bắc Kinh. Nội các của Thủ tướng Boris Johnson đang có lập trường với Trung cộng cứng rắn và rõ ràng hơn nhiều so với trước đây.

Ông Thayer nhận định rằng hậu Brexit, chính quyền Johnson muốn Anh đóng một vai trò toàn cầu, ưu tiên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì tầm quan trọng về thương mại và các mối liên kết kinh tế khác. Do đó, Anh có lợi ích quan trọng trong việc giữ cho các tuyến hàng hải qua Biển Đông tự do và rộng mở.

Anh đã bày tỏ quan tâm đến việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như Diễn đàn Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Trong những năm gần đây, Hải quân Anh đã điều các tàu chiến lớn đi qua Biển Đông để thể hiện cam kết của London đối với tự do hàng hải. Anh đã nhiều lần gợi ý rằng họ sẽ điều hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông.

“Anh sẽ nhấn mạnh lợi ích quốc gia của mình bằng cách điều hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth, chiến hạm lớn và mạnh nhất trong biên chế, đến Ấn Độ Dương và Biển Đông. Có thể các tàu chiến của hải quân Ấn Độ, Pháp, Australia và Mỹ sẽ tham gia cùng nó trong hành trình và diễn tập với tàu này”, Thayer nhận định.

“Tôi hy vọng Anh – Nhật sẽ tiếp tục tìm cách gia tăng sức ép đối với Trung cộng, phối hợp với các quốc gia có chung chí hướng khác, điều đó sẽ bao gồm các hoạt động triển khai lực lượng vừa phải ở Biển Đông”, Polling nói.

Theo VietBF (09.02.2021)

 

 

Hai hải đội hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tập trận chung ở Biển Đông

Hai nhóm tàu hàng không mẫu hạm Theodor Roosevelt và Nimitz của Hải quân Mỹ trong đội hình chuẩn bị xuất phát tại khu vực Biển Đông hôm 9/2/2021.  U.S. Navy photo / Elliot Schaudt

Hai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các hộ tống hạm của Hoa Kỳ vừa tiến hành tập trận chung trên Biển Đông hôm 9-2-2021.

Sự việc diễn ra chỉ 4 ngày sau khi khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain áp sát các đảo nhân tạo ở Hoàng Sa do Trung cộng đang chiếm giữ để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không.

Đây là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm USS Nimitz và các hộ tống hạm vào Biển Đông dưới thời của Tổng thống Joe Biden, tiếp sau hành trình của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt.

Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết, 2 nhóm hàng không mẫu hạm tấn công bay Theodore Roosevelt và Nimitz “đã tiến hành vô số cuộc tập trận nhằm tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát”.

Thạc sĩ luật Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, nhận định về hoạt động của hai nhóm hàng không mẫu hạm vừa nêu của Hoa Kỳ tại Biển Đông:

“Nhiều người cho rằng đến thời kỳ của ông Biden thì chính sách liên quan Trung cộng của Hoa Kỳ không còn mạnh mẽ nữa. và Trung cộng cũng đang muốn thăm dò điều đó. Cho nên, chúng ta có thể thấy Trung cộng đưa ra Luật Hải cảnh như là một biện pháp thăm dò, chỉ sau khi ông Biden nắm chức tổng thống được hai ngày thôi.

Đương nhiên phía Mỹ cũng có câu đáp trả. Và hành động tập trận mới nhất của Mỹ chính là hành động đáp trả đó.

Ở đây, phía Mỹ muốn nói hai điều. Thứ nhất là muốn nói với Trung cộng rằng Mỹ không dễ dàng ‘xuống nước’ trước các hành động của Trung cộng. Thứ hai, Mỹ muốn gửi thông điệp đến các quốc gia ASEAN là Mỹ sẽ không rời khu vực này và khu vực Biển Đông.”

Lần gần nhất Mỹ tiến hành hoạt động kép trên hàng không mẫu hạm ở Biển Đông là vào tháng 7 năm 2020, khi các nhóm tấn công hàng không mẫu hạm Ronald Reagan và Nimitz hai lần hoạt động cùng nhau ở Biển Đông.

Theo hãng tin Reuters, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Uông Văn Bân cho biết các động thái thường xuyên của tàu chiến và máy bay Hoa Kỳ vào Biển Đông để “phô trương lực lượng” không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.

“Trung cộng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia và làm việc với các nước trong khu vực để bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, ông nói.

Cuộc tập trận diễn ra vài ngày sau khi Trung cộng lên án việc khu trục hạm USS John S. McCain áp sát quần đảo Hoàng Sa do Trung cộng kiểm soát, nơi mà Hoa Kỳ thực hiện hoạt động tự do hàng hải.

RFA (09.02.2021)

 

 

 

Trung cộng dịu giọng khi Hoa Kỳ đưa hai hải đội diễn tập ở Biển Đông

Sau khi hai nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ diễn tập chung tại Biển Đông, Trung cộng đã có phản ứng “tốt” khi tuyên bố sẽ hành động để “duy trì hòa bình, ổn định” ở khu vực này.

“Mỹ thường xuyên điều tàu và máy bay đến Biển Đông để phô trương lực lượng. Điều này không có lợi cho sự hòa bình và ổn định của khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo hôm nay, sau sự hiện diện của hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt và Nimitz trên Biển Đông.

Ông Uông nói thêm rằng Bắc Kinh “sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết”, đồng thời “hợp tác với các nước trong khu vực nhằm duy trì vững chắc hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ diễn tập ở Biển Đông hôm nay. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ hôm nay cho biết hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt và Nimitz “tiến hành nhiều cuộc diễn tập, nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát”. Đây là hoạt động hàng không mẫu hạm kép đầu tiên của Hải quân Mỹ tại Biển Đông kể từ tháng 7/2020.

“Các tàu và máy bay thuộc hai nhóm đã phối hợp hoạt động tại một khu vực có mật độ qua lại cao, để chứng minh khả năng hoạt động của Hải quân Mỹ trong những môi trường đầy thử thách“, thông báo của Hải quân Mỹ có đoạn.

“Những hoạt động như thế này nhằm đảm bảo rằng chúng tôi thành thục về mặt chiến thuật để giải quyết thách thức trong việc duy trì hòa bình, đồng thời có thể tiếp tục chứng minh cho các đối tác và đồng minh tại khu vực rằng chúng tôi cam kết thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở”, Chuẩn Đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm số 9, cho biết.

Giới phân tích đánh giá thái độ cứng rắn với Trung cộng vẫn sẽ được duy trì dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hôm 4/2, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại từ khi nhậm chức, Biden xác định Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất” của Washington, tuyên bố sẽ đối đầu trên nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ và kinh tế.

Theo VietBF (09.02.2021)

 

 

Các chiến hạm Hoa Kỳ và ‘FONOP’ mới trên Biển Đông

USS Theodore Roosevelt (Courtesy photo) 

 Giới thiệu: Bài viết bàn về sự có mặt của hai nhóm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz ngay sau khi USS John S. McCain thực hiện chuyến Tuần Tra Tự Do Hàng Hải (FONOP) trong đó có đi sát với quần đảo Hoàng Sa. Tuần tra Eo Biển Đài Loan liên tục là một cách để tái khẳng định chiến lược bảo vệ Đài Loan của TT Truman năm 1950. Các mục đích chính của FONOP là gì?

Tập Cận Bình cố tình khai thác các mối bất hòa trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ nhưng đã không thành công. Trong mỗi thời kỳ phương pháp có thể khác nhưng về dài hạn chiến lược bao vây và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng trên vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương sẽ không thay đổi. Và cuối cùng, Việt Nam đứng đâu trong tranh chấp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

 

***

 

Trong một thông cáo báo chí của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ công bố từ bản doanh đặt tại Nhật Bản, khu trục hạm USS John S. McCain đang tiến vào Eo Biển Đài Loan. Mục đích của chuyến hải hành lần này là để “chứng tỏ cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở.”

Ngoài ra, theo Reuters, sáng nay 9 tháng 2, 2021 hai nhóm tấn công thuộc hai Hàng Không Mẫu Hạm Hoa Kỳ gồm USS Theodore Roosevelt Carrier và USS Nimitz Carrier đang điều khiển một cuộc tập trận phối hợp trên Biển Đông. Đây là cuộc tập trận đầu tiên kể từ tháng Bảy năm 2020.

Hôm 4 tháng 2, 2021, trên đường tiến đến Eo Biển Đài Loan, USS John S. McCain cũng đã đi gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do Trung Cộng (TC) chiếm đóng và dĩ nhiên không thông báo cho phía TC biết.

Nhắc lại, khu trục hạm USS John S. McCain được vinh dự mang tên của ba người cùng dòng họ McCain. Khi hạ thủy năm 1994, tàu chiến này mang tên cố Đô Đốc John S. McCain Sr. và con trai ông là cố Đô Đốc John S. McCain Jr. Tháng Sáu, 2018, khu trục hạm còn được vinh dự mang thêm tên của Thượng Nghị Sĩ John S. McCain III, một cựu sĩ quan Hải Quân và là cháu nội của của cố Đô Đốc John S. McCain Sr.

Khủng hoảng Eo Biển Đài Loan có một lịch sử nóng lạnh kéo dài từ 1950. Vào thời điểm đó TT Truman ra lịnh Đệ Thất Hạm Đội tiến vào eo biển để bảo vệ Đài Loan từ các cuộc tấn công bằng đổ bộ của TC.

Tuy nhiên đến thời TT Eisenhower, sau khi ký Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương Hoa Kỳ- Đài Loan (Sino-American Mutual Defense Treaty) năm 1954, hải quân Hoa Kỳ rút ra khỏi Eo Biển Đài Loan. Điểm đáng lưu ý là hiệp ước này chỉ nhấn mạnh đến việc bảo vệ Đài Loan và Bành Hồ (Penghu) mà không có các đảo Quemoy hay Kinmen (Kim Môn) và Matsu (Mã Tổ).

Từ đó đến nay Eo Biển chiến lược này đã trải qua nhiều xung đột quân sự và hiện nay cùng với Biển Đông là hai điểm nóng nhất trong Thái Bình Dương. Nếu chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, nước của eo biển có chiều ngang 160 km này sẽ đổi thành màu đỏ.

Bằng giọng điệu cố hữu, Wang Wenbin, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TC phản đối: “Trung cộng sẽ tiếp tục cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với mọi đe dọa và khiêu khích bất cứ lúc nào, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình. Chúng tôi hy vọng phía Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng cho hòa bình và ổn định của khu vực, thay vì ngược lại.”

Lần đầu trong năm 2021 nhưng không phải lần đầu từ trước đến nay. Năm ngoái cũng chính USS John S. McCain đã thực hiện chuyến hải hành vào Eo Biển Đài Loan trong một hành động được gọi tắt là FONOP. Thực hiện các FONOP trong khu vực là một cách tái khẳng định quan điểm của TT Truman không chỉ bảo vệ Đài Loan mà bảo vệ cả Eo Biển Đài Loan.

FONOP là chữ viết tắt của Freedom of Navigation Operations (Tuần Tra Tự Do Hàng Hải). FONOP trên Biển Đông đã được thực hiện từ thời TT Obama nhưng nhịp độ chậm hơn thời TT Trump. Tiếp nối chính sách của TT Trump, chưa đầy một tháng từ khi nhậm chức TT Joe Biden đã tiến hành FONOP.

 

Mục đích của FONOP?

FONOP của Hoa Kỳ nhắm vào bốn mục đích.

Thứ nhất, duy trì không gian tự do hải hành trên Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông phù hợp với các điều khoản được quy định bởi UNCLOS.

Thứ hai, cô lập để dẫn tới vô hiệu hóa các “status quo” (tình trạng hiện hữu) mà Trung cộng vừa thiết lập qua hình thức các đảo nhân tạo.

Thứ ba, thách thức trực tiếp và phủ nhận chủ quyền của TC trên các quần đảo của Biển Đông không bằng những tuyên bố suông mà bằng hành động cụ thể.

Thứ tư, về mặt quân sự, Mỹ muốn cho TC thấy các căn cứ quân sự nổi mà họ xây dựng cách lục địa hàng ngàn dặm chỉ là những điểm tập tác xạ của hải quân Mỹ một khi có chiến tranh.

FONOP rất quan trọng. Như người viết đã bàn trong những bài trước đây, trong điều kiện hiện nay chưa có một biện pháp quân sự nào khác làm TC lo ngại hơn.

Các liên minh quân sự đang được thai nghén. Nhưng cho đến khi thành lập được một liên minh quân sự kiểu NATO tại Á Châu trong đó cho phép sự có mặt thường xuyên kể cả thả neo của tàu chiến Mỹ tại các đảo trên Biển Đông, FONOP là biện pháp trả đũa cứng rắn duy nhất áp dụng được. Bất cứ một hành động không kềm chế được của một bên cũng có thể dẫn đến chiến tranh, một viễn ảnh mà Tập Cận Bình không dám nghĩ tới và tìm mọi cách tránh né.

Tập Cận Bình chờ tới giờ chót của chức vụ ngoại trưởng, 20 tháng 1, 2021, để “trừng phạt” Mike Pompeo vì đã “can thiệp vào nội tình Trung cộng”. Cùng lúc, họ Tập tuyên bố sẽ hợp tác với chính phủ Joe Biden để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. TC nghĩ rằng cứng rắn với Mike Pompeo và dịu giọng với Joe Biden sẽ dẫn tới một không khí hòa hoãn trong quan hệ Mỹ-Trung. Họ Tập quên một điểm, trong truyền thống đối ngoại của Mỹ, chiến thuật có thể khác nhau nhưng chiến lược đối ngoại chính, từ Truman (Dân Chủ) tới Eisenhower (Cộng Hòa) trước đây hay từ Trump (Cộng Hòa) tới Biden (Dân Chủ), về căn bản, không khác.

Trong buổi điều trần trước Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện Hoa Kỳ, cựu Đại tướng Lục Quân và nguyên Tư lịnh Bộ Tư Lịnh Trung Tâm của quân đội Hoa Kỳ Lloyd Austin khẳng định Trung Cộng là đe dọa lớn nhất đối với an ninh và quyền lợi Mỹ. Ông cũng nhắc một cách tích cực đến Chiến Lược Quốc Phòng 2020 được soạn thảo dưới thời TT Trump: “Tôi nghĩ rằng phần lớn tài liệu này hoàn toàn phù hợp với những thách thức ngày nay.”

Trả lời câu chất vấn của Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa, Missouri) rằng giữa TC và Nga, quốc gia nào là đối thủ hàng đầu của Mỹ, cựu tướng bốn sao Lloyd Austin, người từng chịu trách nhiệm quân sự Hoa Kỳ trong một khu vực gồm 20 quốc gia, cho rằng “Trung cộng sẽ là mối đe dọa đáng kể nhất trong tương lai bởi vì Trung cộng đang gia tăng, trong khi Nga cũng là một mối đe dọa, nhưng đang suy giảm.”

Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đánh giá Nga như vậy. Trong các tranh chấp quốc tế, Putin chỉ là một kẻ cơ hội. Nga không phải là đối thủ đáng ngại của Mỹ. Nền kinh tế Nga tính theo GDP còn nhỏ hơn của Nam Hàn, Canada, Ba Tây, Ý, Pháp. Kho bom nguyên tử vẫn còn đó nhưng vào thời buổi này không mang ra dọa được ai.

Trong bài viết Tương Lai Của Chiến Lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy) cuối năm 2020, người viết tin rằng dù các tổng thống Mỹ tới là ai “Chiến lược Tự do và Mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (Free and Open Indo-Pacific Strategy) do TT Trump đưa ra tại Đà Nẵng năm 2017 sẽ không thay đổi.

Cho dù TT Joe Biden có muốn thay đổi cũng không được. Giống như các chủ thuyết Monroe chống lại sự can thiệp của Châu Âu vào Châu Mỹ và chủ thuyết Truman ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa CS, Chiến lược Tự Do và Mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xem là chiến lược của Hoa Kỳ trong thời đại này. Chiến lược đó không phải riêng của một tổng thống nào mà phản ảnh quan điểm của lưỡng đảng Hoa Kỳ.

Mục đích tối hậu của Chiến Lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là giới hạn sự bành trướng của TC. Tuy nhiên, phương pháp thực hiện sẽ khác rất xa với các phương pháp được áp dụng trong Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô. Liên Xô chỉ có 4 phần trăm GDP do mậu dịch quốc tế. Ngày nay, bảng tổng kết các quan hệ mậu dịch đa phương giữa các quốc gia đang tranh chấp về chủ quyền hay về quyền lợi trong vùng Biển Đông là một bảng phân tích vô cùng phức tạp. Những quốc gia có tranh chấp với TC lại là những nước có quan hệ mậu dịch lớn nhất với TC. Xung đột Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vì thế, sẽ là một mặt trận khó khăn và cần nhiều thời gian để giải quyết.

Việt Nam ở đâu trong tranh chấp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Ngày 13 tháng 7, 2020, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ ngoại giao, Michael R. Pompeo trong tư cách ngoại trưởng đã ra một bản tuyên bố cứng rắn bác bỏ các đòi hỏi, tuyên bố về chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông. Bản tuyên bố cũng nhấn mạnh “Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.”

Lịch sử thế giới cho thấy xung đột giữa các cường quốc bao giờ cũng là cơ hội cho các nước khôn ngoan. Trong Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, phần lớn các nước Tây Âu và Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore ở Á Châu đều trở nên giàu có trong một thời gian kỷ lục nhờ đã nắm lấy cơ hội kinh tế do Mỹ đem lại cho quốc gia họ. Năm 1968 là năm người Việt cả hai miền đổ nhiều máu nhất nhưng cũng là năm kinh tế Nhật gia tăng cao nhất trong lịch sử với 12.88 phần trăm.

Tính đến năm 1989, để bao vây Liên Xô, Mỹ có liên minh quân sự với 50 quốc gia và chi một ngân khoản khổng lồ lên đến tám ngàn tỉ dollar cho các lãnh vực quốc phòng. Liên Xô không thể tạo được một đối lực tương đương. Khối quân sự Warsaw (Warsaw Pact) trong thực tế chỉ là một nhóm các nước CS chư hầu đặt hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Liên Xô. “Thành tựu” của tổ chức này là đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary (1956) và Tiệp Khắc (1968).

Khác với các nước CS Đông Âu trước đây không có chọn lựa nào khác ngoài số phận tầm gửi trên thân cây Liên Xô đang rã mục, CSVN có chọn lựa.

So với Phi Luật Tân, Việt Nam bị TC cướp gấp nhiều lần hơn. TC không những chiếm toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa mà còn nhiều lần đe dọa, hiếp đáp các tàu đánh cá của ngư dân Việt. Nhưng cho đến nay, giới lãnh đạo đảng CSVN vẫn chọn im lặng khi hải quân Mỹ thực hiện các FONOP trong khu vực Biển Đông và cho đến nay CSVN chọn đứng ngoài “Chiến lược Tự do và Mở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trong thời TT Trump, các Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ từ Jim Mattis đến Mark Esper gần như thăm viếng Việt Nam hàng năm. Hoa Kỳ nấu nướng, dọn sẵn lên bàn chỉ còn chưa đút vô miệng CSVN mà thôi.

Nhưng tại sao CSVN im lặng? Một số quan sát viên cho lý do kinh tế thương mại ảnh hưởng quyết định im lặng của đảng CSVN.

Thật ra chưa hẳn vậy. Việt Nam không phải là nước duy nhất có quan hệ kinh tế lớn với TC. Đài Loan, một nước mà lúc nào TC cũng muốn ăn tươi nuốt sống là một trong những nước đầu tư nhiều nhất vào TC. Chỉ riêng mậu dịch giữa hai bờ eo biển, năm 2018, lên đến 150 tỉ dollar. Điều kiện mậu dịch tương tự cũng đang diễn ra giữa Ấn Độ với TC hay giữa Nhật Bản với TC.

CSVN im lặng chỉ vì giữa TC và CSVN có một mối quan hệ đặc biệt mà các quốc gia khác không có, đó là sự lệ thuộc tư tưởng chính trị của đảng CSVN vào đảng CSTQ, và ngày nào sự lệ thuộc này còn tồn tại, ngày đó CSVN sẽ còn im lặng.

 Chính luận Trần Trung Đạo (09.02.2021)

 

 

 

Tàu ngầm hạt nhân Pháp tuần tra Biển Đông, chọc giận Trung cộng

Một tàu ngầm hạt nhân của Pháp.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp là một trong số hai tàu hải quân gần đây tiến hành tuần tra qua Biển Đông trong một động thái mà theo AFP có thể khiến Bắc Kinh tức giận, hãng thông tấn Pháp dẫn thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng nước này cho biết hôm 8/2.

Trên trang Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cho biết thêm rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude đã được tháp tùng bởi tàu hỗ trợ BSAM Seine.

“Cuộc tuần tra bất thường này vừa mới hoàn thành một hành trình trên Biển Đông. Một bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai ở những khu vực xa xôi và trong thời gian dài của hải quân Pháp cùng với các đối tác chiến lược của chúng tôi như Australia, Mỹ và Nhật Bản”, bà Parly viết kèm theo hình ảnh hai con tàu trên biển.

Là thành viên NATO, Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế ở Thái Bình Dương xung quanh các lãnh thổ hải ngoại của mình và nước này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.

“Tại sao lại thực hiện một sứ mệnh như vậy? Là để làm giàu thêm kiến thức của chúng tôi về khu vực này và để khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể ở vùng biển nào chúng tôi đi qua”, bà Parly viết.

Cuộc tuần tra của Pháp diễn ra sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các đồng minh châu Á của Washington sau 4 năm hỗn loạn của chính quyền Donald Trump.

Vào tháng 4 năm 2019, đã xảy ra một sự kiện ở eo biển Đài Loan khi tàu Trung cộng yêu cầu tàu khu trục Pháp Vendemiaire rời khỏi tuyến đường thủy ngăn cách đại lục Trung cộng và Đài Loan, một khu vực nhạy cảm khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

VOA (09.02.2021)

 

 

Phi Luật Tân chống việc dùng COC để đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông

Ngoại Trưởng Teodoro Locsin cho hay hôm Thứ Hai, 8 Tháng Hai, là Phi Luật Tân chống lại việc dùng COC (Code of Conduct, Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông) để ngăn cấm các lực lượng bên ngoài hiện diện trên Biển Đông.

COC mà các nước ASEAN đang đàm phán với Trung cộng để tránh xung đột võ trang, không thấy có cuộc đàm phán nào trong năm 2020, hiện không biết bao giờ sẽ tái khởi động.

Các chiến hạm của Mỹ, Nhật và Úc phối hợp tập trận trên Biển Đông hồi Tháng Bảy, 2020. (Hình: US Navy)

“Đây là điều không thể thương lượng: Bộ COC sẽ không bao giờ được loại trừ một cường quốc Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, ra khỏi khu vực. Bởi vì họ là thành phần của an ninh quốc phòng của chúng ta, đó là Hiệp Định Phòng Thủ Chung,” Ngoại Trưởng Locsin nói với báo chí.

Mỹ và Phi Luật Tân ký Hiệp Định Phòng Thủ Chung (Mutual Defense Treaty gọi tắt là MDT) từ 70 năm trước. Theo đó, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Phi Luật Tân khi bị kẻ địch tấn công. Cuối tháng trước, tân Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken đã cam kết với Ngoại Trưởng Locsin là sẽ đứng chung hàng ngũ với đồng minh và đối tác khu vực ASEAN chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Ngày 22 Tháng Giêng, Quốc Hội Trung cộng thông qua Luật Hải Cảnh mới, cho phép tàu Hải Cảnh của nước họ bắn các loại tàu của nước khác trên các vùng biển tranh chấp chủ quyền. Chính phủ Phi Luật Tân đã gửi công hàm cho Trung cộng để phản đối, cho rằng Trung cộng sẽ thúc đẩy xung đột.

ASEAN và Trung cộng ký bản Tuyên Bố Ứng Xử (DOC) trên Biển Đông từ năm 2002 nhưng các cuộc đàm phán cho bộ COC đã giậm chân tại chỗ vì Bắc Kinh tìm đủ mọi cách cản trở, từ chối thảo luận cho tới khi họ bồi đắp và biến bảy bãi đá ngầm cướp của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa thành bảy đảo nhân tạo rồi xây dựng thành những căn cứ quân sự quy mô gồm cả cảng biển phi đạo, bố trí võ khi tối tân.

Tuy nhiên, khi ngồi đàm phán cho bộ COC mấy năm gần đây, Bắc Kinh lại ngang ngược đòi một số điều kiện để từ đó dựa thế quân sự hùng mạnh, ép các nước nhỏ phía Nam.

Thứ nhất, Trung cộng đòi COC không được dựa vào các quy định của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) để soạn Bộ Quy Tắc Ứng Xử. Rõ ràng Bắc Kinh muốn vô hiệu hóa bán án của Tòa Án Quốc Tế hồi Tháng Bảy, 2016, phủ nhận giá trị của chín vạch “Lưỡi bò.”

Thứ hai, Bắc Kinh đòi các cuộc tập trận của các nước ASEAN với các nước bên ngoài khu vực phải có sự thỏa thuận của các bên ký COC tức là gồm có Trung cộng.

Thứ ba là các nước ASEAN không được ký kết thỏa thuận khai thác dầu khí Biển Đông với các nước ngoài khu vực.

Rõ ràng, Bắc Kinh muốn gạt các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, ra khỏi khu vực Biển Đông.

Hiện người ta không hề thấy tin tức nào đề cập đến các điều kiện ngang ngược vừa nói trên của Bắc Kinh có được thảo luận gì trong năm vừa qua hay không.

Trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm Thứ Hai, ông Locsin cũng thấy phàn nàn về thái độ chậm chạp của các nước ASEAN trong việc đàm phán bộ COC. 

Theo Người Việt (09.02.2021)

 

 

Phi Luật Tân phản đối dùng COC để ngăn cản sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông

Ảnh minh họa : Lực lượng Mỹ tập trận trên Biển Đông với quân đội Phi Luật Tân, ngày 21/04/2015.  Reuters

Ngoại trưởng Phi Luật Tân khẳng định Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC), mà khối ASEAN đang đàm phán với Trung cộng, không thể được dùng làm cớ để ngăn cản sự hiện diện của các quốc gia ngoài khu vực.

Theo GMA News, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Phi Luật Tân ngày hôm nay 08/02/2021, ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. khẳng định rõ : « Có một điều không thể thương lượng, đó là Bộ Quy tắc COC sẽ không bao giờ cho phép loại một cường quốc phương Tây, như Hoa Kỳ, ra khỏi khu vực này. Bởi điều này liên quan đến nền quốc phòng của chúng tôi, đến Hiệp Ước MDT ». Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ – Phi Luật Tân MDT, được ký kết năm 1951, cho phép Quân Đội Mỹ can thiệp, nếu Phi Luật Tân bị tấn công. 

Hồi tháng trước, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh là MDT cho phép bảo vệ Manila trước mọi nguy cơ xâm lược tại Biển Đông. Về nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana, hôm nay, cho CNN Phi Luật Tân biết, luật Hải Cảnh mới của Trung cộng cho phép lực lượng Cảnh sát biển Trung cộng bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng biển tranh chấp, có thể làm « bùng phát xung đột ».

Vẫn trong cuộc trả lời báo giới nói trên, lãnh đạo ngoại giao Phi Luật Tân giải thích sự hiện diện của các cường quốc bên ngoài cho phép bảo đảm « thế cân bằng lực lượng » tại khu vực, và điều này bắt đầu trước tiên với bảo vệ việc « tự do đi lại trên biển ». Lãnh đạo ngoại giao Phi Luật Tân cũng thông báo Phi Luật Tân và Hoa Kỳ sẽ có cuộc đối thoại trong tháng này để giải quyết một số bất đồng, liên quan đến Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) giữa Manila và Washington. Theo thỏa thuận VFA, quân đội Mỹ có quyền sử dụng căn cứ không quân Clark Air Base và căn cứ Hải Quân Subic Bay Naval Station.  Tháng 10/2020, chính quyền Manila lần thứ hai ra thông báo ngừng áp dụng quyết định đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận VFA, mà tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra hồi đầu năm.

Theo giới quan sát, lập trường của Bắc Kinh là các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là vấn đề nội bộ giữa các nước trong khu vực. Trung cộng đòi hỏi chủ quyền trên gần trọn Biển Đông, và phản đối các can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ. Washington không phải là một bên tranh chấp, nhưng Hoa Kỳ có chủ trương tăng cường hiện diện ở Biển Đông, để bảo đảm « quyền tự do hàng hải và hàng không », đặc biệt với các cuộc « tuần tra bảo vệ tự do hàng hải », vốn thường xuyên bị Trung cộng phản đối. Đối với nhiều quốc gia ven biển, như Phi Luật Tân hay Việt Nam, sự hiện diện của Mỹ buộc Trung cộng phải dè chừng.

RFI (08.02.2021)

 

 

Phi Luật Tân nói ASEAN “chậm chạp” trong việc đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 tại Cung điện Hoàng gia El Pardo gần Madrid vào ngày 16 tháng 12 năm 2019.  AFP

Ngoại trưởng Phi Luật Tân nói ASEAN đã “rề rà” trong việc đàm phán với Trung cộng về Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), chứ không phải Trung cộng.

Trong một phỏng vấn với kênh truyền hình ABS-CBN hôm 8/2, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. nói: “Đó là ASEAN chứ không phải Trung cộng. Không ai làm gì cả mà cứ ‘rề rà”. Ngoại trưởng Phi Luật Tân nói ông không biết là mình có nên thúc giục ASEAN hay không nhưng chính phía ASEAN là những người chậm trễ.

Hiện Phi Luật Tân là nước giữ vai trò điều phối trong đàm phán COC giữa ASEAN và Trung cộng.

COC được nhiều nước hy vọng là văn bản có tính ràng buộc về pháp lý giữa các nước ASEAN và Trung cộng nhằm hạn chế những xung đột xảy ra giữa các nước trong khu vực Biển Đông, vùng nước còn đang tranh chấp giữa Trung cộng và một số nước ASEAN bao gồm Việt Nam.

Dịch bệnh COVID-19 từ năm ngoái đã khiến đàm phán COC bị đình trệ. Ngoại trưởng Phi Luật Tân cho biết các nước ASEAN đã viện cớ phải đàm phán trực tiếp thay vì trực tuyến.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á-ISEAS ở Singapore, có nhận định về tiến trình đàm phán COC như sau:

“Đàm phán ấy không đi đến đâu cả. Không đi đến đâu hết là vì thái độ của người Trung cộng. Họ không muốn đàm phán, bịa ra để mất thời  giờ của ASEAN. Một số nước ở ASEAN không muốn đàm phán nữa, trong đó có Việt Nam. Nhưng một số nước khác lại muốn đàm phán thì chỉ như vậy thôi và sẽ không đi đến đâu cả.”

Trung cộng hiện là nước đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển và đã bị Toà Trọng tài Quốc tế bác bỏ tính hợp lý trong một phán quyết vào năm 2016. Trung cộng không chấp nhận phán quyết này.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến tranh chấp với Trung cộng, Nhật Bản hôm 8/2 đã phản đối việc Trung cộng điều hai tàu hải cảnh vào khu vực quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát hôm 6 và 7 tháng 2 vừa qua.

Đây là quần đảo còn đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung cộng ở biển Hoa Đông.

Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Katsubonu Kato được hãng tin AFP trích lời cho biết Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ qua đường ngoại giao, yêu cầu Trung cộng phải ngừng các hành động tiếp cận các tàu cá của Nhật Bản và rời khỏi vùng nước thuộc chủ quyền của Nhật.

Trung cộng dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên điều tàu hải cảnh vào khu vực quần đảo Sankaku mà Trung cộng gọi là Điếu Ngư. Vào năm ngoái, tàu Trung cộng đã vào khu vực tiếp giáp lãnh hải của Nhật tổng cộng 333 ngày, mức cao nhất từ trước đến nay. 

RFA (08.02.2021)