Song Thao
Ông Địa là người mang lại cái Tết cho mọi người. Giữa tiếng trống tiếng chiêng nhộn nhịp, ông nhảy múa với khuôn mặt không bao giờ tắt nụ cười. Tôi chưa bao giờ thấy ông Địa không cười. Nụ cười của ông không chỉ là nụ cười cứng ngắc trên mặt nạ mà còn hiển hiện trong bộ quần áo xanh đỏ lộn xộn, cái bụng phệ cố hữu và, nhất là điệu nhảy tung tăng với chiếc quạt bên những chú lân và những tràng pháo đang nhoáng lửa nổ vang lừng.
Trong đoàn lân ngày tết, “nhân vật” nổi bật nhất dĩ nhiên là lân. Ngày xưa chỉ có một cặp lân, con đực là kỳ, con cái là lân. Ngày nay lân cũng như người, bị nạn nhân mãn nên có cả bày lân. Con xanh con đỏ, con trắng con vàng, hoa cả mắt. Bên cạnh lân là ông Địa. Ông này thờ chủ nghĩa độc thân nên xưa hay nay cũng vậy, cứ mình ên múa lung tung. Trẻ em thường khoái ông Địa. Nhạc sĩ Vũ Hoàng có bài hát “Bé Thương Ông Địa” nói lên sự yêu mến này:
Ơi ông Địa có cái bụng ngộ ghê,
Cầm cái quạt ông nhảy múa say mê.
Ơi ông Địa có gương mặt thật duyên
Ông mãi cười như không biết mỏi miệng.
Đi xem múa lân hay là xem múa rồng,
Em thích nhất ông Địa vì ông Địa rất vui.
Ông Địa không dám trèo cao như lân như rồng
Ông đứng múa dưới đường trông mặt thấy mà thương.
Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi ngoài Bắc hình như không có ông Địa. Ngoài Bắc chỉ có múa sư tử chứ không có múa lân. Mà chỉ múa vào dịp tết Trung Thu chứ không múa vào Tết Nguyên Đán. Sư tử không có sừng như lân và ít nhảy nhót như lân. Thời chúng tôi, đầu sư tử rất giản dị do một em bé đội lên múa nhì nhằng sơ sơ. Phía sau là cái đuôi bằng vải đỏ do một em khác nắm, dùng hai tay phất phất lên chứ không phải một người chui vào trong như múa lân. Cái trống cũng nhỏ xíu được một em đeo bằng cái giây tròng lên cổ, vừa đi vừa gõ, chiêng là cặp chũm chọe do một em khác đập vào nhau. Múa sư tử như một niềm vui giản dị ngày rằm tháng tám chứ không rực rỡ và nhộn nhịp như múa lân.
Coi ông Địa phe phẩy chiếc quạt giỡn với lân không phải là chuyện giỡn chơi khơi khơi mà có ngọn ngành đàng hoàng. Theo truyện cổ dân gian thì lân là một con quái thú từ dưới biển lên quấy nhiễu dân lành. Ông Địa đã chế ngự được con lân quái vật này và biến nó thành một con vật ăn chay, hiền lành, tu tâm dưỡng tính. Từ đó mỗi năm ông Địa đều dẫn lân đi chúc tết mọi người. Dân chúng khắp nơi đã chào đón và thưởng cho lân bằng cách treo rau xanh, giấy đỏ khi lân tới nhà. Từ ngày di cư vào Nam, tôi đã qua nhiều cái Tết. Ngày nhỏ, chạy theo coi múa lân một cách thích thú. Khi có con, chất hai bé lên chiếc xe vespa, chạy khắp Sài Gòn Chợ Lớn, tai nghe thấy tiếng trống ở phía nào là vội ào tới coi. Lân của ngày xưa ăn rau xanh nhưng lân sau này hình như chán ăn chay. Người ta vẫn treo cây rau theo tập tục để thưởng cho lân nhưng trong rau có tiền. Khi lân chộp được cây rau xanh đã nhảy cẫng lên vui mừng nhưng lại xé nát rau, vứt xuống đất, tiền thì ngậm vào miệng. Chẳng lẽ lân lại sa đọa? Mà nếu lân có sa đọa thì cũng phải thôi. Vì chúng bắt chước theo con người!
Ông Địa chỉ dẫn lân đi chúc tết mọi người vào dịp Tết, hết Tết ông về ngồi nơi bàn thờ. Vì ông là một vị thần. Khi đi ăn uống hay mua sắm, chúng ta thường gặp bàn thờ ông Địa nơi các cơ sở thương mại. Bàn thờ là nơi tôn nghiêm, thường được đặt trên cao nhưng bàn thờ ông Địa lại ngồi bệt dưới đất. Vì ông là thần đất. Chuyện ông ngồi trên bàn thờ không phải dễ dàng, cũng phải kiện cáo mới đặt được cái bàn tọa nơi ngồi mát ăn bát vàng này. Ngày xưa, bàn thờ này dành cho ông Tà chứ không phải ông Địa. Theo chuyện “Ông Tà Kiện Ông Địa” của tác giả Nguyễn Hữu Hiếu trong cuốn “Truyện Kể Dân Gian Nam Bộ” thì ngày xưa dân Nam Kỳ lục tỉnh thờ ông Tà chứ không phải ông Địa. Nhưng ông Tà là dân thích đi du lịch nên bỏ dân đi hoài, chẳng được việc chi. Dân gian tức khí nên chuyển bàn thờ ông Tà ra bờ mương, ruộng vườn hay mé sông lạnh giá. Họ thay thế ông Tà bằng ông Địa nơi bàn thờ trong nhà. Khi trở về, ông Tà tức tối mang vụ truất phế này ra đình làng, kiện lên Thành Hoàng. Thành Hoàng đã nắm được hồ sơ nên xử vụ này dễ ợt. Thành Hoàng phán là “hùm bắt được hùm ăn, sấu bắt được sấu ăn”, ông Địa có công theo sát dân tình nên được thờ ở trong nhà, còn ông Tà vốn thích ngao du sơn thủy nên thờ ở ngoài ruộng rẫy. Nghe phán quyết, ông Địa khoái chí tay xoa bụng, tay phe phẩy quạt, vỗ vai ông Tà nói: “Tà cũng đừng buồn. Địa với Tà cùng màu da màu máu. Dù ở trong nhà hay ngoài ruộng rãy thì cũng cùng ở trên mảnh đất này, chúng ta đều là anh em bè bạn. Tà hãy cùng tôi hòa thuận, cùng hợp nhau giúp đỡ độ hộ dân chúng làm ăn, gìn giữ đất đai”. Ông Tà nghe thấy chí lý nên đổi giận làm hòa. Từ đó mới có câu: “Ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng”.
Từ khi được ngồi trong nhà, không biết có phải sợ ông Tà dành lại bàn thờ không mà ông Địa ngồi miết, không chịu đứng dậy tập thể dục thể thao nên cái bụng bự ra. Tôi suy bụng ta ra bụng…ông Địa nói vậy nhưng thực ra cái bụng ông Địa chàng ràng ra như vậy không dính dáng chi tới thể dục thể thao cả. Trong cuốn “Văn Học Dân Gian Bạc Liêu”, tác giả Nguyễn văn Thanh cho biết cái bụng trống của ông Địa có sự tích đàng hoàng. Ngày xưa có một bà góa tính tình chua ngoa, cay nghiệt nhưng có cô con gái đẹp đẽ, hiền dịu. Mỗi khi cô gái này làm chuyện chi không vừa ý bà, bà luôn mắng: “Hà Bá đ. mày!”. Ông Địa biết chuyện, đi kiếm Hà Bá chọc: “Nè Hà Bá, anh tốt phước quá! Ở đây ngày nào cũng có người muốn hiến con gái cho anh đó. Mà lại con gái đẹp đẽ nết na chớ!”. Hà Bá nghe thấy khoái quá, bắt ông Địa đưa tới nhà cô gái. Tới nơi, trời còn sớm. cô gái ngủ chưa dậy, chỉ có bà mẹ đang quét sân. Giữa sân có con chó nằm ỳ cản trở công việc của bà. Bà đuổi thế nào nó cũng không đi. Tức khí, bà trở cán chổi, đập lia lịa con chó và luôn mồm mắng: “Hà Bá đ. mày!”. Nghe vậy, Hà Bá tức quá, nhìn qua ông Địa. Ông Địa đang ôm bụng cười. Nghĩ ông Địa chơi mình nên Hà Bá giơ chân đạp ông Địa té lăn cù xuống mương. Ông Địa không dứt được cơn cười dù té xuống nước nên vẫn há miệng uống đầy một bụng nước khiến cái bụng chè bè ra như vậy! Thiệt oan ơi ông Địa!
“Oan ơi ông Địa” là câu đầu môi chót lưỡi của dân gian miền Nam. Nhưng chuyện oan ức của ông Địa không phải là chuyện trên mà là một chuyện dân gian khác. Tại một làng kia có một bến sông. Dân làng thường tới đây gánh nước, giặt giũ. Cạnh bến sông có một ngôi miếu thờ ông Địa. Một ngày kia, có một cô gái thường ra bến sông bỗng bị to bụng. Luật lệ trong làng rất nghiêm khắc, phạt nặng cha mẹ những cô gái chưa chồng mà chửa. Cha mẹ cô gái này tra hỏi cô để tìm ra tác giả của cái bụng hầu bắt cưới cho khỏi nhục gia phong. Cô gái khai đêm đêm cô ra gánh nước bị ông Địa dụ dỗ nên có thai. Ông Địa tức quá, ai ăn ốc cho ông phải đổ vỏ. Để phòng thân nên từ đó về sau, chuyện trai gái dù giấu kín đến đâu cũng bị con mắt thần của ông soi ra và bá cáo cho cả bàn dân thiên hạ biết hầu tránh bị oan ức. Câu “oan ơi ông Địa” từ đó mà ra.
Ông Địa là người hiền lành chân chất lại rất bình dân. Lúc nào cũng cười hề hề rất sảng khoái. Ông Địa của miền Nam khác với ông Địa ở các vùng miền khác. Dân Nam có hình tượng ông Địa quấn khăn rằn, tay cầm quạt mo, tay cầm điếu thuốc coi rất bình dân. Ông lại là người dễ dãi nên muốn cúng tế gì ông cũng gật đầu tất. Chén chè, ly cà phê, điếu thuốc, cái bánh bao hay nải chuối đều được ông OK. Có điều muốn cúng ông thì phải nếm trước. Dân Nam thường bẻ ăn một trái chuối trước khi cúng. Chuyện này cũng có sự tích. Có một lần ông Địa bị ngộ độc nên sợ không dám dùng đồ dân cúng. Vậy nên phải ăn trước để chứng minh là đồ cúng không có…hóa chất. Các nhà nghiên cứu có ý kiến khác. Sở dĩ dân gian ăn đồ cúng trước để biểu thị tính dân dã của ông Địa. Đó là một cử chỉ thân mật dành cho một ông thần luôn ngồi bệt dưới đất.
Chuyện cúng kiếng này, ông Địa cũng bị gạt vì bản tính xuề xòa tin người. Có một anh lái buôn cầu ông Địa cho buôn may bán đắt sẽ cúng kiếng trả công. Lần đầu anh hứa nếu chuyến buôn chót lọt sẽ cúng ông một “con hai chân”. Ông Địa nghĩ rằng anh ta sẽ cúng con gà con vịt chi đó. Anh trúng chuyến buôn nhưng không muốn mất tiền mua đồ cúng, hẹn chuyến sau. Chuyến buôn sau nếu chót lọt anh sẽ cúng một “con bốn chân”. Ông Địa chắc mẩm sẽ được cúng con heo, con bò chi đó. Nhưng anh ta lại lật kèo một lần nữa, hẹn chuyến sau chót lọt nữa sẽ cúng một “con tám chân”. Lần này anh cúng thiệt. Đó là con cua rẻ òm! Thua trí anh lái buôn nhưng ông Địa không giận. Bản tính ông như vậy. Hể hả, tươi cười, bình dân. Vậy nên khi dân làng rượu chè, bài bạc quá lố, có ai chê trách thường mang ông Địa ra bào chữa: “Chơi mát trời ông Địa luôn!”.
Bàn thờ Thần Tài – ông Địa của một gia đình.
Hình: Duy Khôi
Một vị thần bình dân, tốt bụng như vậy, phải được dân gian quý mến. Người ta đua nhau thờ cúng ông Địa để cầu mong mọi sự hanh thông. Không chỉ những người làm ăn buôn bán lập bàn thờ ông Địa mà trong nhiều tư gia, người ta cũng thờ ông thần quá gần gũi thân mật này. Trong tâm thức dân gian, ông Địa được coi như một vị phúc thần. Ngoài việc bảo vệ đất đai, ruộng vườn ông còn là vị thần dẫn dắt ông Thần Tài mang của cải, tiền tài tới cho gia chủ. Vậy nên người ta thường thờ hai vị thần này chung một bàn thờ. Nhiều người còn coi ông Địa như một vị thần độ trì cho mọi người lương thiện, ngay thẳng. Các vị tu sĩ của các đạo giáo vốn khuyên người ta ăn ngay ở lành cũng khoái ông Địa. Hiểu như vậy thì ông Địa còn có sứ mạng tâm linh.
Nhưng tôn giáo có công nhận ông Địa không? Được các Phật tử hỏi về việc chúng sinh có được phép lập bàn thờ ông Địa hay không, thầy Thích Phước Hải dẫn giải như sau: “Rải rác trong các kinh điển Phật giáo đôi khi cũng có đề cập đến các vị Thần. Như Kinh Địa Tạng cũng có nêu ra rất nhiều vị Thần. Tuy nhiên, theo Phật giáo, Quỷ Thần cũng là một trong nhiều loài chúng sinh. Cho nên, Phật dạy người Phật tử không được quy y với các vị Quỷ Thần. Người Phật tử, sau khi quy y Tam Bảo, trong nhà chỉ nên thiết lập một bàn thờ Phật và nếu có thờ thêm, thì cũng chỉ thờ tổ tiên, ông bà, hay cha mẹ mà thôi. Ngoài ra, không nên thờ bất cứ vị Thần nào khác. Vì thờ như thế, là trái với lời Phật Tổ dạy. Đã chống trái lại, tất nhiên, là mình đã có lỗi rồi. Nếu là Phật tử, thì chúng ta nên lưu tâm về vấn đề nầy. Có thế, thì chúng ta mới xứng danh mình là người Phật tử chân chính tu học Phật vậy ».
Bên Thiên Chúa Giáo dĩ nhiên cũng bác bỏ việc thờ cúng thần linh. Linh Mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn trả lời như sau: “Chính vì mục đích tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất mà người Công Giáo không được phép tôn phục bất cứ thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa ra. Nói rõ hơn, không được phép trưng ảnh tượng bất cứ thần linh nào dù là của tôn giáo khác hay theo truyền thống dân gian như ông thần tài, ông công, ông táo, ông địa v.v…trong nhà hay nơi buôn bán, dịch vụ thương mại. Vì trưng bày như vậy có nghĩa là tin tưởng vào quyền năng của một ai ngoài Thiên Chúa là nguồn duy nhất của mọi ơn phúc và uy quyền trên mọi tạo vật và vũ trụ. Nói khác đi, trưng các ảnh tượng kia là vô tình hay cố ý xúc phạm đến Thiên Chúa là Chủ Tể của mọi loài, mọi vật mà ta phải thờ lạy theo đúng niềm tin Công Giáo.”
Ngày xưa, khi chưa có khoa học, người ta chưa giải thích được những hiện tượng thiên nhiên như sấm chớp, động đất, bão tố…, người ta phải đặt ra các vị thần để con người có chỗ dựa vào, cảm thấy an toàn hơn. Nhưng khi khoa học tiến bộ, con người vững tin hơn, các vị thần rơi rớt dần. Nhưng tín ngưỡng dân gian vẫn dung dưỡng một vài vị phúc thần mà họ tin là mang điềm lành tới cho họ. Ông Địa là vị thần ở lại với con người lâu nhất. Có lẽ vì ông gần gũi với con người nhất. Nhưng ít ai có lòng với ông Địa bằng ông Nguyễn văn Hai, người có biệt danh “Ông Hai thờ ông Địa”.
Ông Nguyễn văn Hai và dàn ông Địa tại nhà.
Tới khu vực chợ Thủ Đức, hỏi nhà “ông Hai thờ ông Địa” là dân địa phương sẽ tận tình chỉ dẫn liền. Năm nay đã 87 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn kể lại cơ duyên đưa ông tới với tượng các vị thần: “Trước đây Thủ Đức chỉ là một huyện xa thành phố nên xung quanh nhà tôi toàn cánh đồng hoang vắng Tới năm 1997, sau khi quy hoạch, nhà tôi nằm trên mặt đường vị trí đẹp. Gần đây có người trả giá lô đất hơn trăm tỷ nhưng tôi không bán mà để dành làm nơi thờ cúng các bức tượng bị bỏ”. Khoảng ba chục năm trước, ông Hai làm nghề chạy xe ba gác. Tình cờ vào một buổi chiều, khi chạy xe về nhà, ông thấy một tượng Bà Chúa Xứ bị sứt mẻ đặt ở trước cửa nhà nên ông mang vào, lấy xi-măng sửa lại để thờ. Sau đó, mỗi sáng, ông thấy trước cửa nhà đầy những tượng cũ kỹ hoặc sứt mẻ người ta mang đến, ông đều mang vào sửa sang lại, đặt lên bàn thờ. Hiện ông đã có trên một ngàn tượng, phần lớn là tượng ông Địa. Khu đất rộng hai ngàn thước vuông của ông Hai là một gia tài nhiều người mơ ước. Ông cương quyết: “Mảnh đất này người ta đã từng trả 110 tỷ đồng (4 triệu 730 ngàn đô Mỹ) nhưng tôi không bao giờ bán. Sau này nếu tôi mất, tôi sẽ để lại cho các con và chúng sẽ tiếp tục thu nhặt, thờ cúng các tượng Phật và ông Địa này”.
Ông Hai chạy xe ba gác này thật đáng nể. Coi tiền bạc như pha. Một lòng với ông Địa. Thiệt là dân chơi “mát trời ông Địa” luôn!
01/2021
Song Thao
Website: songthao.com
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh