Mục lục
Nước Mỹ nào có thể giúp dân Việt trong cuộc đấu tranh gian khổ của họ?
Trương Nhân Tuấn
15-2-2021
Vậy là cuộc tranh đấu nhằm bảo vệ các giá trị dân chủ và nền pháp trị của nước Mỹ vẫn phải tiếp tục.
Tổng thống Biden đắc cử mọi chuyện chưa phải là chấm dứt. Có thể cuộc tranh đấu chỉ mới bắt đầu. Bởi vì các giá trị nền tảng đã xây dựng lên một nước Mỹ vĩ đại và giàu đẹp, chỉ 4 năm, một số đã bị xóa bỏ đơn thuần. Số khác thì bị tổn hại sâu sắc đến mức khó có thể hoàn nguyên (xây dựng lại được như trước).
Trong khi tác nhân của sự phá hoại, người đã làm nước Mỹ suy tàn đối với mặt quốc tế, cũng là người đã làm băng hoại và phân hóa nước Mỹ từ trong nội bộ, cựu tổng thống Trump vừa thoát khỏi cuộc luận tội của quốc hội cho thấy sẽ trở lại chính trường. Dĩ nhiên với tư thế mạnh mẽ hơn, và chắc chắn ông Trump sẽ hủy hoại nước Mỹ mà lần này hứa hẹn sẽ mạnh bạo và tàn độc hơn lần trước.
Đây không chỉ là sứ mạng của những công dân Mỹ yêu nước Mỹ. Đây còn là trách nhiệm của tất cả những người yêu chuộng tự do, những người mang hoài bão xây dựng quốc gia (nhà nước) lý tưởng cho họ, cũng như cho tất cả những người mà họ yêu thương.
Quốc gia (nhà nước) lý tưởng là quốc gia hiện hữu chỉ với mục đích duy nhứt là để phụng sự cho người dân. Con người là nguyên nhân để một “quốc gia” (nhà nước) thành lập và con người là trung tâm để quốc gia phục vụ.
Chỉ có mô hình quốc gia Mỹ, quốc gia được xây dựng trên những giá trị nền tảng, dân chủ tự do và pháp trị, mới có thể hội đủ các yếu tố để trở thành một quốc gia lý tưởng.
Ông Trump 4 năm qua cho thấy ông là tổng thống của một bộ phận dân Mỹ. Hiển nhiên quốc gia Mỹ của ông Trump là quốc gia của những người ủng hộ ông Trump.
Ông Biden tuyên bố sau khi đắc cử ông sẽ là tổng thống của tất cả những người Mỹ. Chỉ mới hơn ba tuần mà Biden đã có những chương trình bảo quốc an dân vừa cụ thể vừa thực tiễn. Hiển nhiên đây là một nhà lãnh đạo lý tưởng của một quốc gia lý tưởng.
Một người muốn nước Mỹ bị phân hóa, quốc gia Mỹ là quốc gia của một giai cấp “thượng đẳng”, khẳng định do màu da, chủng tộc. Một người muốn nước Mỹ gắn kết, đa văn hóa, bình đẳng chủng tộc.
Khác nhau giữa Trump và Biden là ở chỗ đó. Người công dân Mỹ sẽ dễ dàng để biết họ tranh đấu cho cái gì, vì cái gì.
Còn người ngoại cuộc coi vậy đơn giản hơn. Người sống trong cảnh trên đe dưới búa, ngoài đường là cảnh sát, trước ngõ là an ninh. Tư tưởng, lời ăn tiếng nói bị kiểm soát và chỉ đạo. Pháp luật tùy tiện. Sưu cao thuế nặng, làm việc cả năm không đủ tiền về quê mà mỗi khi bịnh nặng xem như là phá sản. Trong khi kẻ có quyền thì ăn trên ngồi trốc, cướp đêm là quan mà cướp ngày cũng là quan.
Hiển nhiên những người này phải biết họ cần phải làm gì. Và (cũng rất hiển nhiên) họ phải biết nước Mỹ của Trump hay nước Mỹ của Biden, nước Mỹ nào có thể giúp họ được gì trong cuộc đấu tranh gian khổ của họ…
Đừng coi thường Biden. Lịch sử sẽ ghi nhận màn ra mắt ấn tượng của ông ta
Translated from USA Today Don’t take Biden for granted. History will note his impressive launch and we should, too
Từ lâu, chúng ta đã không có thói quen dành sự tin tưởng hoặc đánh giá cao cho các tổng thống, nhưng Biden xứng đáng được cả hai vì đã khôi phục ‘trật tự bình thường’ trong khi phải đối đầu với ba cuộc khủng hoảng quốc gia.
Dick Meyer, ngày 9 tháng 2, 2021
Nếu những sự kiện kinh khủng xảy ra giữa Ngày bầu cử và Ngày nhậm chức chỉ được thấy trong những truyện gỉa thuyết kinh hoàng và đáng sợ nhất về lịch sử nước Mỹ, thì những cảnh mở đầu của Chương Một trong câu chuyện về Tổng thống Joe Biden lại gây ấn tượng mạnh mẽ và ấm lòng. Có thể thông cảm cho nhiều đảng viên Đảng Dân chủ và những người chống Trump vẫn đang phải trải qua sự trầm cảm sau sự kiện. Thật là khó để bỏ qua cảnh giác để cảm thấy lạc quan sau bốn năm Donald Trump. Nhưng hãy thử xem.
Trên thực tế, Biden đã không nhận được con số ủng hộ cao ngất ngưởng mà Barack Obama đã đạt được vào những tuần đầu trăng mật năm 2009. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Obama nhậm chức khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính khổng lồ. Và với tư cách là tổng thống da đen đầu tiên, ông đã tạo nên lịch sử đáng ngưỡng mộ.
Ngay từ đầu, Biden đã gắn bó với đường lối cơ bản, được lặp đi lặp lại, rằng ông sẽ “khôi phục lại linh hồn của nước Mỹ.” Linh hồn đó là gì, tùy người quan sát. Và điều đó không sao cả. Trong cuốn hồi ký của mình, Obama phản ánh về việc, với tư cách là một ứng cử viên tổng thống, ông biết mình đã trở thành ước mơ hy vọng và thay đổi của chính mọi người.
Ứng cử viên Biden có thể chuyên chở những dự đoán, hy vọng và kỳ vọng đa dạng này một cách đáng tin cậy bởi vì chúng phần lớn phù hợp với đức tính của ông ta. Bây giờ ông ấy đang làm điều đó trên sân khấu lớn, với sự tự tin của người đã được chứng minh.
Kể từ cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1, Biden đã phớt lờ các cuộc tranh luận về việc liệu Trump có nên bị luận tội và kết tội hay không. Ông ấy không có nhiều điều để nói về những lo lắng của Marjorie Taylor Green rằng tia laser của người Do Thái từ không gian đang bắt đầu làm cháy rừng.
Ví dụ, Molly Ball of Time gần đây đã báo cáo về cách một liên minh các nhà hoạt động Dân chủ và các nhà tổ chức, đã khôn ngoan và nhanh chóng ngừng được những người đã được huy động cho các cuộc biểu tình lớn, một ngày sau cuộc bầu cử và sau đó một lần nữa vào ngày 6 tháng 1, để không xuống đường. Khi họ thấy rõ ràng rằng các cuộc đụng độ với những kẻ cực đoan cánh hữu sẽ phản tác dụng một cách nguy hiểm. Điều cẩn trọng này không cho lý do cảnh bạo lực được gây lên, để đổ tội lên các nhà hoạt động cánh tả và Dân chủ.
Vì vậy, có vẻ hợp lý khi đội ngũ giàu kinh nghiệm của Biden đã tìm ra công thức cho ít nhất là giai đoạn khủng hoảng ban đầu trong nhiệm kỳ của ông: Phục vụ linh hồn đất nước thông qua việc khôi phục truyền thống, phép lịch sự, phẩm giá, liên minh, thẳng thắn, chính trực, thực tế, được thực hiện bởi tổng thống và những người được bổ nhiệm có năng lực, chuyên gia, đa dạng; bỏ qua và vượt qua Trump và những Trumpers ồn ào nhất; không ngừng tập trung vào việc cung cấp cho những người cần chúng nhất. Họ tận dụng sức mạnh của một mạng lưới cơ sở và các nhà hoạt động, dường như đã đạt được những cấp độ mới về tầm, năng lực, sự thống nhất và kỷ luật, học hỏi được trong các cuộc biểu tình về phân biệt chủng tộc và chiến dịch tranh cử năm 2020.
Người dịch (Phỏng dịch) Lương Tạ
Đối thoại với ông Trương Nhân Tuấn về mô hình quốc gia dân chủ
Jackhammer Nguyễn
15-2-2021
Tôi vừa đọc được bài của tác giả Trương Nhân Tuấn trên trang Tiếng Dân, mang tựa đề, “Nước Mỹ nào có thể giúp dân Việt trong cuộc đấu tranh gian khổ của họ?”
Ông Tuấn là một tác giả được nhiều người biết đến trên nhiều diễn đàn khác nhau, bài của ông viết thể hiện sự suy nghĩ rất nhiều về vấn đề mà ông muốn chia sẻ cùng đồng bào ông. Và điều đáng nói hơn hết là bất cứ bài viết nào của ông cũng có một mục đích là đi tìm cái gì tốt nhất cho 90 triệu người dân Việt hiện nay.
“City on the Hill” – Thành phố trên đồi
Bài mới nhất mà tôi vừa đề cập cũng không ngoại lệ. Hai ý chính của bài này, theo tôi, thứ nhất là tổng kết ngắn gọn những đổ vỡ của nước Mỹ trong mấy năm qua, rồi từ đó nói với người Việt rằng, cái nước Mỹ đang hồi sinh với chính quyền Biden-Harris chính là nước Mỹ mà những người mong muốn tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam phải nhìn vào.
Quan điểm của tôi cũng không khác với ông Tuấn trong vấn đề này và chúng ta không bàn cãi ở đây nữa về sự huyễn hoặc của một số đông (vâng, rất đông) người Việt Nam, trong đó có nhiều khuôn mặt đang sống ở trong nước, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, dựa vào một nhân vật quái dị (nhưng bất tài) của lịch sử Hoa Kỳ là Donald Trump, trong suốt bốn năm qua và cả hiện nay.
Trong phát biểu này, theo tôi có hai phần: Thứ nhất là “những giá trị nền tảng”, thứ hai là “mô hình quốc gia”. Nếu tôi hiểu đúng, thì những giá trị nền tảng có nghĩa là những tư tưởng về pháp quyền, tư tưởng quyền con người,… theo một góc nhìn nào đó là khá trừu tượng.
Trong khi mô hình quốc gia thì cụ thể hơn, chẳng hạn như tổ chức lập pháp như thế nào, đảng phái chính trị như thế nào, hệ thống an sinh xã hội ra sao, giáo dục công cộng có được đặt ưu tiên hay không,…
Khi ông Tuấn nói, chỉ có mô hình quốc gia Mỹ thì có phải ông hàm ý đó là mô hình dân chủ nhất?
Nếu đúng như vậy, tôi hoàn toàn không đồng ý với ông ở điểm này. Hàng tỷ người trên trái đất này hiện đang sống trong những thể chế dân chủ, kể cả những quốc gia có truyền thống chuyên chế lâu đời ở châu Á như Đài Loan (tôi không cho nó thuộc Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hay ông Tuấn muốn nói rằng trong tất cả những mô hình dân chủ thì mô hình Mỹ là tốt nhất? Tôi nghĩ, những người Mỹ đang lo lắng về quốc gia của mình, trong đó có tổng thống Biden, có thể không đồng ý với điều này. Ông Biden vừa nói sau phiên tòa thượng viện: “Nền dân chủ rất mong manh”.
Tôi cũng không có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng rõ ràng là người Nhật, người Úc, người châu Âu,… vẫn hài lòng với mô hình quốc gia của mình.
Mô hình quốc gia Mỹ với nền kinh tế tân bảo thủ làm cho hệ thống bảo hiểm y tế trở nên vô cùng rối rắm và không hiệu quả, mặc dù đất nước sở hữu những thiết bị y tế hiện đại nhất thế giới.
Mô hình này cộng với sự bất tài của Donald Trump làm cho nước Mỹ thất bại thê thảm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 trong năm vừa qua.
Nước Mỹ, với thiết chế dân chủ đủ mạnh đã vượt qua được cơn khủng hoảng có tên là Trump vừa qua, nó vẫn sẽ là “City on the Hill” sáng lòa, nhưng nó rất lớn, khó lòng so sánh được với Việt Nam với những vấn đề cụ thể rất khác biệt về địa lý, tự nhiên, dân tộc, địa chính trị…
Những quốc gia nhỏ bé
Việt Nam là một quốc gia nhỏ và chật chội, nghèo tài nguyên. Mô hình dân chủ hóa đất nước đầu tiên là thể chế Việt Nam Cộng hòa, ít hay nhiều xuất phát từ mô hình Mỹ đã thất bại. Tất nhiên, khi đem Việt Nam Cộng hòa ra đây so sánh thì rõ ràng là không công bằng, vì thể chế đó vừa phải chiến đấu xây dựng nền dân chủ, vừa phải đối đầu với sức mạnh phản dân chủ kiểu toàn trị Cộng sản mà nhân loại, cho đến lúc đó chưa biết rõ ràng về nó.
Ngoài những mô hình dân chủ Á Đông mà tôi nói ở trên, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, khá gần với đất nước Việt Nam, chúng ta còn biết đến những nền dân chủ nhỏ bé khác, ở đó, dân chúng sống hạnh phúc. Người ta không nghe nói đến họ, vì họ cứ lẳng lặng mà sống hạnh phúc. Tôi có thể đề cập hai nước nhỏ bé là Costa Rica ở Nam Mỹ và Botswana ở phía Nam châu Phi.
Chúng ta biết rằng, cả một châu Mỹ Latin mênh mông cho đến nay vẫn là một bi kịch, thể hiện rõ nhất qua các cuộc đảo chánh triền miên của các đại tá, của văn hào Garcia Marquez (ông Trump có lẽ muốn bắt chước các đại tá này). Những đoàn người tỵ nạn dài dằng dặc hướng đến biên giới Hoa Kỳ, trong dòng người đó, người ta không thấy có người Costa Rica, một quốc gia dân chủ, không cần có cả quân đội.
Tại châu Phi, nơi thường gợi lên những hình ảnh khốn cùng, nước Botswana nổi lên như một quốc gia dân chủ, không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19, hứa hẹn sự phồn thịnh cho nền kinh tế.
Cuối cùng xin thưa rằng, bài viết này không có ý định tìm kiếm một mô hình quốc gia cho Việt Nam, chỉ xin làm rõ vài điều không đồng ý với tác giả Trương Nhân Tuấn. Mô hình quốc gia dân chủ sẽ do 90 triệu người Việt Nam quyết định.
Xin cảm ơn ông Trương Nhân Tuấn cho tôi cơ hội bàn chuyện với một người đồng cảm, trong những ngày đầu xuân này./.