Mục lục
Ký ức (Nguyễn Hưng Quốc)
16-2-2021
Ngày này, 42 năm trước, Trung Quốc xua quân tấn công sáu tỉnh phía Bắc Việt Nam. Cuộc chiến tranh chỉ kéo dài 29 ngày (từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3, 1979). Tuy nhiên, mức độ thiệt hại về nhân mạng khá lớn. Về tử vong, phía Trung Quốc có khoảng 25.000 người và phía Việt Nam khoảng 20.000 người. Trong số tử vong của Việt Nam, một số khá lớn là thường dân. Phương châm của Trung Quốc là giết sạch phá sạch. Họ giết bất cứ người Việt Nam nào họ gặp, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em. Họ cho nổ tung mọi ngôi nhà. Ở đâu họ tràn qua ở đó thành bình địa.
Điều đáng buồn là, ở Việt Nam, chính quyền tìm mọi cách để cuộc chiến tranh ấy chìm vào quên lãng. Họ hiếm khi nhắc và cũng không muốn cho ai nhắc đến nó. Những buổi tưởng niệm của dân chúng đều bị họ cấm đoán. Tại sao? Lý do thật chua chát: Họ sợ Trung Quốc giận!
***
Tại sao Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979?
Hôm qua, 16 tháng 2, tôi nhầm là ngày 17 nên viết bài về cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc vốn bắt đầu vào ngày 17. Hôm nay, đúng ngày, xin bàn tiếp một khía cạnh khác:
Tại sao Trung Quốc, nước từng viện trợ cho Việt Nam trên 20 tỉ đô la suốt cả cuộc chiến tranh trước 1975 lại quyết định tấn công Việt Nam?
Trung Quốc thường nêu lên bốn lý do chính: Một, đập tan giấc mộng bá quyền của Việt Nam ở Đông Nam Á; hai, trừng phạt Việt Nam về tội quấy phá ở vùng biên giới của hai nước; ba, trả thù việc Việt Nam đối xử tàn tệ đối với các Hoa kiều (trấn áp, tịch thu tài sản và xua đuổi họ ra khỏi nước); và bốn, dằn mặt việc Việt Nam ký hiệp ước liên minh với Liên Xô để mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á.
Các nhà bình luận chính trị quốc tế nêu lên ba mục tiêu chính của Trung Quốc: Một, tấn công có giới hạn một số vùng đất dọc biên giới để trừng phạt Việt Nam; hai, tạo sức ép để Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia; và ba, để Việt Nam – và từ đó, các nước khác – hiểu là không thể tin cậy vào sự liên minh với Liên Xô, từ đó, có thể cắt đứt mối liên minh ấy để quay về với Trung Quốc.
Trung Quốc thành công hoàn toàn ở mục tiêu đầu, dĩ nhiên với một giá rất đắt về nhân mạng. Nhưng hai mục tiêu sau thì họ lại thất bại: Việt Nam không những không rút quân khỏi Campuchia mà còn đóng chiếm ở đó trên 10 năm; Việt Nam không những không bất mãn Liên Xô mà còn tiếp tục giữ liên minh chặt chẽ với Liên Xô đến tận lúc Liên Xô sụp đổ vào năm 1990.
Đó là chuyện năm 1979. Còn bây giờ, Trung Quốc chưa đánh, Việt Nam đã tự đầu hàng./.
Đặng Tiểu Bình đã chuẩn bị cho chiến tranh Trung – Việt như thế nào?
17-2-2021
Sau khi Trung Quốc (TQ) đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và trước tình hình VN ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô (LX), mà bản chất là đã hình thành liên minh quân sự giữa hai nước, Đặng Tiểu Bình quyết định bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, nhằm lôi kéo đồng minh và cô lập VN bằng các chuyến du thuyết.
Đầu tiên, ông ta tới Nhật Bản, Đặng đánh giá cao các thành tựu của Nhật “Chúng tôi học hỏi và bày tỏ lòng ngưỡng mộ người dân Nhật Bản, những con người vĩ đại, siêng năng, cần cù, quả cảm và thông minh”. Ông ta ôm chầm lấy lấy đối tác Nhật và tuyên bố “Trái tim tôi ngập tràn sung sướng”. Đặng cần Nhật giúp TQ cô lập LX và VN.
TQ muốn các nước Đông Nam Á (ĐNA) đoàn kết lại để nhằm cô lập gấu Nga. Nhưng thực ra các nước ĐNA lại e ngại con rồng Trung Hoa hơn bởi vì chẳng có người Nga kiều nào ở ĐNA cầm đầu các cuộc nổi loạn ở đây dưới sự hỗ trợ của LX mà chỉ có Hoa kiều được TQ hỗ trợ gây ra mối đe dọa cho các nước Thái, Malaysia, Philippines và Indonesia.
Sau đó Đặng đến Mỹ để vận động ngoại giao. Ông ta phân tích với phía Mỹ là có ý định gây chiến với VN vì VN không dừng lại ở Campuchia và Đông Dương sẽ không chỉ gồm 3 nước. Ba quốc gia là đầu tiên, sau đó sẽ thêm Thái Lan. TQ thấy có trách nhiệm phải hành động, không thể chờ đợi, một khi chúng phát sinh thì sẽ quá muộn.
Đặng nói với TT Carter rằng mình đã cân nhắc đến khả năng xấu nhất là LX can thiệp như hiệp ước Xô Việt mới ký. Bắc Kinh đã sơ tán 300.000 dân khỏi biên giới giáp LX và đặt các lực lượng phòng thủ ở đây ở mức cảnh báo tối đa. Nhưng Đặng cho là một cuộc chiến ngắn gọn, giới hạn sẽ không cho Moscow thời gian để có phản ứng lớn và điều kiện mùa Đông sẽ khiến cho LX gặp khó khăn nếu tấn công TQ. Đặng nêu rõ là không sợ nhưng cần “hỗ trợ đạo đức” từ phía Mỹ.
Hoa Quốc Phong nói với Kissinger là “Chúng tôi đã cân nhắc khả năng phản ứng của LX. Khả năng tấn công lớn vào TQ là rất thấp. Tuy có 1 triệu quân dọc biên giới nhưng sẽ không đủ, LX phải kéo quân từ châu Âu về, sẽ cần thời gian và LX biết là cuộc chiến với TQ sẽ không thể kết thúc trong thời gian ngắn.”
Carter không ủng hộ TQ gây chiến và cảnh báo Đặng là điều đó sẽ làm mất vị thế của TQ như một quốc gia hòa bình. Các nước ĐNA, Mỹ và LHQ đang phản đối VN, LX và Cuba, nhưng nếu có chiến tranh thì có thể khiến đang từ phản đối VN (vì chiến tranh với Campuchia) sang thành ủng hộ một phần. Mỹ cảnh báo TQ là xâm lược VN sẽ gây bất ổn nghiêm trọng.
Đặng vẫn quyết tâm dạy cho VN một bài học. LX có thể sử dụng Cuba, VN và sau đó là Afghanistan để ủy quyền. TQ sẽ vẫn hành động giới hạn. Nếu VN thấy TQ mềm mại thì tình hình sẽ tồi tệ thêm. Đặng rời Mỹ ngày 4/2/1979 và dừng chân ở Nhật lần hai sau có 6 tháng để chắc chắn có sự đồng thuận của Nhật trong việc cô lập LX.
Sau khi đi thăm Myanmar, Nepal, Thái, Sing, Mã, Nhật (hai lần) và Mỹ, Đặng hoàn tất việc cô lập Hà Nội. Kể từ đó Đặng không bao giờ rời TQ nữa.
Ngày 17/2/1979, chiến tranh nổ ra. TQ cho đây là “Đòn phản công tự vệ chống VN”. Tự vệ ở đây được hiểu là chặn trước các nguy cơ bao vây từ liên minh Xô Việt, từ phía VN như Đặng đã phân tích, chứ không phải tự vệ trước sự xâm lược của VN vào TQ. Mục đích của cuộc chiến là “Dạy cho VN một bài học hạn chế thích hợp, đặt sức ép lên tham vọng của VN. Dự đoán của TQ là LX không can thiệp quân sự là chính xác. LX chỉ gửi lực lượng đặc nhiệm hải quân đến biển Đông, vận chuyển hàng không cho VN và gây sức ép ở biên giới Xô – Trung.
Cuối tháng 2/1979, bộ trưởng Ngân khố Mỹ đến Bắc Kinh và khuyên TQ nên rút quân càng sớm càng tốt. Một tháng sau khi rút quân, Đặng có nói với Kissinger là “Quân đội TQ đã tiến sâu 30km và đủ mạnh để tiến đến HN, nhưng TQ không muốn”./.
Ngày 17/2/1979, khởi đầu của chính sách đu dây
Jackhammer Nguyễn
17-2-2021
Ngày 17/2 lại đến với hàng chục triệu người Việt Nam. Một cảm xúc lẫn lộn rất khó tả trên không gian mạng, trên báo chí nhà nước và báo chí hải ngoại. Người Việt cảm thấy tự hào vì đã đuổi được kẻ xâm lược đông hơn mình, bực tức vì Hà Nội và Bắc Kinh vẫn giao hảo, vẫn ý thức hệ tương thông và không biết tương lai sẽ như thế nào.
Ngày 17/2/1979 quân đội Trung Quốc ồ ạt tấn công Việt Nam. Một tháng sau, họ bị đánh bật, nhưng cuộc chiến vẫn còn kéo dài dai dẳng cho đến hiệp ước Thành Đô, năm 1990 mới chấm dứt. Mà thật ra chỉ chấm dứt trên đất liền, căng thẳng và xung đột trên biển vẫn còn kéo dài đến ngày nay.
Ngày 17/2/1979 là ngày khởi đầu cho học thuyết đu dây của ngoại giao Việt Nam cho tới nay. Đa số các nhà quan sát trong và ngoài nước đều cho rằng, 30 năm nay học thuyết đu dây, nghĩa là cố gắng giữ thăng bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (phương Tây) được áp dụng xuyên suốt, được sự nhất trí hầu như tuyệt đối giữa các nhà lãnh đạo Hà Nội.
Trước cuộc chiến 17/2/1979, đảng CSVN rất “kiên định lập trường ta địch”, hoặc là họ đứng phe này hoặc phe kia, chứ không đu dây. Các phe phái địa chính trị này, trong con mắt đảng CSVN bị chi phối mạnh mẽ bởi ý thức hệ. Họ đứng về “phe xã hội chủ nghĩa chống tư bản” khi cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu. Họ đứng về phe “kiên trì chủ trương đường lối, chống xét lại”, tức là về phía Bắc Kinh, chống Mạc Tư Khoa, trong rạn nứt đầu tiên của khối cộng sản. Sau đó họ lại “đứng về phía Liên Xô xã hội chủ nghĩa chống bọn bành trướng Bắc Kinh”.
Diễn biến của trận chiến biên giới bắt đầu ngày 17/2/1979 kéo dài hơn 10 năm chiến tranh giằng co sau đó, dạy cho đảng CSVN sự khôn ngoan địa chính trị, mà vì lý do ý thức hệ, họ không có trước đó. Cuộc đối đầu Việt – Trung này làm cho Hà Nội nhận ra rằng hiệp ước hữu nghị Việt – Xô mà họ ký trước đó, chỉ là mảnh giấy lộn.
Trước hiệp ước Thành Đô một năm, Đông Âu sụp đổ; sau Thành Đô một năm thì Liên Xô sụp đổ, nhưng Bắc Kinh vẫn tồn tại, sống hùng sống mạnh với vết máu Thiên An Môn trên mặt.
Tất cả những điều đó thúc đẩy Hà Nội ngày càng tin chắc rằng, đu dây là đúng.
Thật ra, thế giới quan của Hà Nội trước năm 1979 bị bó buộc lại trong một khung nhị nguyên ta – địch rất hẹp, do ý thức hệ mà ra, vì chính sách địa chính trị đu dây không hề hiếm trong lịch sử nhân loại.
Ngay bên cạnh Việt Nam, Vương quốc Thái Lan nhờ đu dây giữa hai đế quốc thuộc địa Anh và Pháp mà thoát cảnh bị ngoại bang đô hộ, và hiện nay, tương tự như Việt Nam họ cũng đu dây giữa Bắc Kinh và Washington.
Một yếu tố quan trọng góp phần vào chính sách đu dây của Hà Nội cần được nói đến là, sự thất bại của Việt Nam Cộng hòa trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa, trong đó hạm đội 7 của Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ, dù Sài Gòn là đồng minh chống Cộng một thời của Mỹ.
Hà Nội hiện nay hiểu rõ Washington hơn Sài Gòn ngày xưa, và họ cũng hiểu Mạc Tư Khoa nhiều hơn sau năm 1979. Việt Nam không tin cường quốc nào.
Liệu chính sách đu dây này kéo dài tới bao giờ, và nó có thật sự bảo vệ cho Việt Nam?
Rất khó trả lời cho câu hỏi này. Một mặt, quan hệ kinh tế Việt – Trung lớn đến mức không thể phủ nhận được, đối với bất cứ người nào cầm quyền tại Hà Nội. Mặt khác, ảnh hưởng của quyền lực mềm từ Mỹ và phương Tây lên xã hội Việt Nam ngày càng mạnh, tạo nên một áp lực lớn từ dưới lên, muốn rời xa Bắc Kinh.
Cho tới nay Hà Nội khá thành công trong chính sách đu dây, trong đó có lúc cương, lúc nhu với Bắc Kinh, theo như nhận xét của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trả lời ông Nguyễn Lương Hải Khôi của Tạp chí nghiên cứu Việt – Mỹ, Đại học Oregon.
Chính sách của Hà Nội đối phó với Bắc Kinh là một chính sách hai mặt khá hiệu quả. Ngoài mặt, mối quan hệ ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản vẫn được đề cao, có thể vuốt ve được tự ái của Bắc Kinh muốn đóng vai cường quốc, nhưng bên trong là sự nghi ngờ rất sâu sắc của Hà Nội. Thể hiện rõ chính sách hai mặt này là việc Hà Nội âm thầm đóng cửa biên giới, không cấp visa cho người Trung Quốc lúc bắt đầu đại dịch Covid-19, các nhóm hacker Việt Nam được cho là có liên quan đến chính phủ xâm nhập website Sở Y tế Vũ Hán để tìm kiếm thông tin.
Câu hỏi tiếp theo là, liệu với cuộc đối đầu Mỹ – Trung có khả năng leo thang, Hà Nội có bắt buộc phải chọn phe?
Lời lẽ bài Hoa ồn ào của chính quyền Trump trong bốn năm qua được sự cổ vũ nhiệt tình của dân chúng Việt Nam, và cả các viên chức ngoại giao cấp thấp, tuy nhiên Hà Nội vẫn đủ khôn ngoan, âm thầm hưởng lợi từ sự ồn ào đó mà không làm phật lòng Bắc Kinh. Ngoài ra họ còn nhân cơ hội lơ là về nhân quyền của Trump để tiêu diệt các nhóm đối kháng trong nước.
Nay nước Mỹ trở lại với chính sách đối ngoại cố hữu là liên kết các đồng minh cùng giá trị dân chủ, duy trì sức ép về các vấn đề nhân quyền, liệu Hà Nội sẽ dạt về Bắc Kinh hơn?
Tôi nghĩ rằng họ đã quen những áp lực như vậy, và trên hết là mối nghi ngờ phương Tây muốn thay đổi chế độ của họ không còn nữa, sau chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Họ vẫn tiếp tục chơi con bài đu dây cho tới chừng nào vẫn còn đối đầu Mỹ – Trung./.
Chiến tranh (Huy Đức)
18-2-2021
Qua giờ nhìn tấm hình này cứ ngẩn ngơ nhớ câu thơ của anh Nguyễn Duy, “Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan/ Giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo/ A. Q. túm tóc Chí Phèo/ Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua...”
Kể từ tháng 2-2009, khi báo SGTT đăng bài “Biên Giới Tháng Hai” – bài viết đầu tiên về cuộc chiến 1979 trên báo chính thống tính từ “Hội nghị Thành Đô” – cuộc chiến tranh này, cũng như tội ác của quân Trung Quốc đã thường xuyên được nhắc lại. Từ đó, không ít những người chỉ hiên ngang trước bàn phím cũng đã được coi như những “anh hùng chống Tàu”.
Trung Quốc đã kề vai sát cánh bên cạnh các nhà lãnh đạo chủ chiến của Việt Nam (cả tiền mặt, của cải và nhân lực). Không phải họ giúp Việt Nam mà họ muốn những người cộng sản Việt Nam giữ biên giới chiến tranh ở sông Bến Hải. Cú bắt tay 1972 giữa Nixon và Mao đánh một dấu mốc làm thay đổi bản đồ chiến tranh cả “lạnh” và súng đạn. Cú bắt tay đó chứa đựng cả sự phản bội (Washington phản bội Sài Gòn, Bắc Kinh phản bội Hà Nội) và một nước đi chiến lược.
Cả Hà Nội và Sài Gòn đều chỉ nhìn thấy khía cạnh “phản bội” mà không nhìn thấy nước đi chiến lược. Cuộc gặp đó khiến Mỹ buông hẳn miền Nam và Trung Quốc thì cũng không còn lo giới tuyến chiến tranh gần hơn về phía Bắc.
Hà Nội đã đặt mối quan hệ của mình với Bắc Kinh (trước 1972) và Moscow trong tình anh em ý thức hệ. Cũng vì ý thức hệ được diễn đạt trong cụm từ “tinh thần quốc tế vô sản”, người Việt đã tốn không biết bao nhiêu xương máu đưa Khmer Đỏ lên cầm quyền, cũng như đã đưa Hun Sen lên cầm quyền. Cả hai, khi cần, đều bị Bắc Kinh sử dụng.
Bắc Kinh sổ toẹt vào cái gọi là ý thức hệ và tình hữu nghị, những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh muôn đời chỉ có dã tâm Đại Hán.
Hai mươi năm trước, cựu Phó Chủ tịch HĐBT Trần Phương, người được coi là một trong những “bộ óc của Lê Duẩn”, nói: “Cho đến trước khi Liên Xô sụp đổ đầu óc của bọn mình vẫn bị cầm tù trong chủ nghĩa giáo điều Marx – Lenin“.
Không nên hỏi những người sẽ vào đây “cmt” tháng 2-1979 họ ở đâu. Chiến tranh trong nhiều tình huống không chỉ để bảo vệ lãnh thổ mà còn để bảo vệ phẩm giá của một công dân cũng như của một dân tộc. Nhưng, mục tiêu của một dân tộc có phẩm giá phải là hòa bình. Nếu có một con đường đi đến hòa bình không phải qua chiến tranh thì bất cứ dân tộc nào khôn ngoan cũng nên giành lấy./.
Quân Trung Quốc đã thảm sát dân mình như thế nào?
17-2-2021
Những thước phim về giếng chôn người ở Cao Bằng được khai thác từ kho phim tư liệu của AP News:
Hôm nay nhân viết chuyện Tổng Chúp, một người bạn gửi cho mình cái clip và nói là chưa chắc chắn có phải Tổng Chúp không. Nhưng mình đã lên hiện trường, căn cứ vào hình ảnh trong phim, gần như đó chính là giếng nước bị quân Trung Quốc ném xác dân mình xuống. Tất cả 43 người đều bị chúng giết bằng dao như cách bọn đồ tể Pôn Pốt vẫn làm.
Cuộc thảm sát diễn ra vào ngày 9-3-1979.
Ngày quay thước phim này là 24-3-1979.
Hơn hai tuần sau đó. Những thi thể đã bị phân hủy.
Nhưng nỗi đau thì sau 42 năm hay lâu hơn nữa vẫn khó lòng phân hủy!
Di tích này có thể bị người ta cố tình làm cho hoang phế và lãng quên nhưng thước phim này sẽ còn mãi!
Những thước phim này hơi sốc, nhưng lịch sử cần được gìn giữ chân thật trụi trần như thế!
42 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Khắc khoải từ biên ải
17/02/2021
TTO – 42 năm từ khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Không nhớ hết bao lần chúng tôi đã đi dọc dài biên ải. Lịch sử vẫn còn đó, trên những tấm bia đá khắc tuổi tên những người đã hi sinh trong mùa xuân năm 1979.
Em thế này còn may, tàn tật nhưng vẫn giữ được mạng sống. Hai cậu ruột em là Bồn Văn Kiển và Bồn Văn Kiệt khi đi rừng đốn tre làm rui lợp nhà đã giẫm phải mìn nổ chết.
BỒN VĂN ĐẶNG
Và hậu quả cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn còn đó, trong những đời dân tật nguyền vì mìn hậu chiến như chúng tôi đã gặp ở Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Nhiều câu hỏi vẫn còn đó, như tấm bia tưởng niệm đã bị tre um tùm phủ lấp ở Tổng Chúp (Cao Bằng). Những trở trăn vẫn còn đó, như khi chúng tôi ngồi trong căn nhà người cựu binh Khằm Văn Chắn…
Biên ải tháng 2 lịch sử
Hơn 10 năm trước, trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, đại tá Nguyễn Mạnh Hà (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từng nói rất xác đáng:
“Là một người nghiên cứu lịch sử nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.
Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau”.
Chúng ta đã vui mừng khi nhìn thấy từ sự phát triển biên mậu Việt – Trung, đời sống người dân vùng biên đã khá lên rất nhiều. Ở Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, ở những đô thị giáp biên với sự phát triển là minh chứng cho hiệu quả của một đường biên hữu nghị.
Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta không lưu tâm đến những đời dân trong những bản làng vẫn đang sống dưới mức nghèo khó, chịu đựng những thương tật do đạn bom hậu chiến.
Ước mơ nhỏ cho bản nghèo Nậm Ngặt
Suốt đời làm báo của mình, chúng tôi sẽ không thể nào quên hình ảnh ba người thân trong một gia đình ở Nậm Ngặt. Ba người, một già và hai trẻ, ngồi trên chiếc băng ghế trước sân nhà trong một buổi trưa ở góc núi Vị Xuyên.
Người già là ông Bồn Văn Hòn. Năm 2000, trong một lần đi phát nương, ông giẫm phải mìn. Bà con khiêng ông chạy mấy chục cây số ra tới Bệnh viện Hà Giang. Nằm viện mấy tháng thì ông xuất viện với một chiếc chân giả. Cứ nghĩ một người giẫm phải mìn là chuyện hiếm.
Nhưng bốn năm sau, cũng chính ông Hòn, khi dắt trâu đi chăn, một quả mìn gài lại trong cuộc chiến Vị Xuyên đã cướp nốt chiếc chân còn lại của ông. Hai lần giẫm mìn, mất luôn hai chân. Hai người trẻ ngồi cùng ông Hòn trên băng ghế ấy, một người là Triệu Văn Nguyên và người kia là Bồn Văn Đặng.
Nguyên là con rể ông Hòn, cũng giẫm mìn khi đi làm nương và cụt mất một chân. Còn Đặng gọi ông Hòn là cậu ruột, cũng trở thành tàn tật năm 2007 – đúng năm anh tròn 20 tuổi. Bao mơ ước vượt qua những ngọn núi đá, tới những vùng đất mới với chàng trai 20 tuổi khép lại từ đó.
Sự tàn khốc của cuộc chiến có khi được kể bằng những câu chuyện bi hùng, những thước phim ầm ào xe pháo. Nhưng có khi nó chỉ thu gọn trong câu chuyện của một gia đình nhỏ với ba con người chỉ còn lại hai cái chân trong ngôi nhà ông Bồn Văn Hòn.
Tháng 7-2020, chúng tôi lên đây theo anh em đội tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ. Chỉ vài tháng sau, trong quá trình tìm kiếm hài cốt, một quả mìn đã làm hai chiến sĩ trong đội quy tập thương vong. Một người lính trẻ hi sinh khi mới 20 tuổi, anh là binh nhất Bàn Văn Thủy; người còn lại là binh nhất Hoàng Văn Huỳnh, bị thương phải đoạn chi.
Đi qua những nhà dân ở Nậm Ngặt, trong chúng tôi cứ dấy lên bao nỗi niềm. Bởi hơn ai hết, sống trên vùng đất từng là chiến địa biên thùy, bước chân mỗi ngày còn bị bom mìn hậu chiến rình rập nhưng họ vẫn bám bản, bám biên thì hẳn đó là những người dũng cảm.
Và lòng yêu nước của họ được thể hiện cụ thể từ chính cuộc sống hằng ngày trong góc núi biên cương, mặc dù giờ đây Nậm Ngặt không có điện lưới chiếu sáng, sóng điện thoại vẫn phập phù. Những người dân thương tật tuy có chế độ trợ cấp nhưng cũng không đủ sống, họ vẫn đi làm nương và chăn bò để sống.
Nhà bia tưởng niệm ở Tổng Chúp, bao giờ?
Hơn 40 năm, những đau thương đã lắng xuống, nhưng dù lắng xuống vẫn không được phép lãng quên. Chúng tôi đã tìm đến Tổng Chúp, cái bản nhỏ ngày xưa thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay là xã Hưng Đạo thuộc thành phố Cao Bằng) chỉ cách trung tâm thành phố chưa đến 10km.
Những lần đến đây, dù đã định vị rất rõ ràng nhưng lần nào cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới tìm ra được cái khóm tre và tấm bia bé nhỏ ấy. Lội qua một con suối, chúng tôi tiếp tục lội bùn băng qua cánh đồng để gặp một rừng tre dọc theo bờ suối và không biết tấm bia ấy đang nằm ở khóm tre nào, cứ lần tìm từng khóm một rồi cũng gặp được. Nhưng cứ thế này, e rằng chỉ mươi năm sau chỗ này sẽ không còn vết dấu.
Tháng 3-1979, quân Trung Quốc đã giết sạch 43 người là anh chị em công nhân và gia đình họ ở trại lợn Đức Chính cạnh đó rồi ném xuống cái giếng nước dưới những khóm tre mà chúng tôi đang đứng. Những người dân và bộ đội về lại đây bàng hoàng đau đớn khi phát hiện dưới lòng giếng là 43 thi thể đồng bào. Anh em bộ đội dùng thang leo xuống, buộc từng thi thể kéo lên.
Có thi thể được thân nhân nhận dạng đem về mai táng trong nghĩa trang gia đình, nhưng rất nhiều người không có thân nhân nhận dạng bởi cả gia đình họ đã cùng bị giết không còn ai. Những người dân vô tội bị giết trong chiến tranh biên giới ấy xứng đáng có được một nhà bia tưởng niệm, một con đường dẫn đến nhà bia chứ không thể để chìm trong tre gai rậm rạp và có nguy cơ biến mất.
Trở lại với nhận định của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà: “Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau”.
Lo cho đời sống những người dân biên ải trong những góc núi ngày một no đủ hơn bởi chính họ là những người đã và đang làm nhiệm vụ cột mốc sống bảo vệ biên cương bờ cõi. Dựng nhà bia tưởng niệm cho những linh hồn người dân ở Tổng Chúp cũng là lời nhắc nhở cho thế hệ sau, không phải để hận thù mà để biết yêu quý hơn cuộc sống hòa bình đang có, biết tránh được chiến tranh và tang tóc. Đó cũng là đạo nghĩa của người Việt./.
Hỏi sao không kéo đường điện vào đây cho dân, anh em bảo: Mỗi nhà dân ở mỗi quả đồi như thế làm sao đủ kinh phí mà kéo điện? Vậy thì ước gì mỗi nhà có được một vài tấm pin mặt trời đủ lấy điện cho con cái học bài, xem được tivi thôi. Nhưng điều bình thường ấy với Nậm Ngặt có vẻ như là một giấc mơ không biết bao giờ có được.
Về cuộc chiến biên giới Việt – Trung
17-2-2021
Chiều muộn, mở máy ra thấy nhiều bài viết về cuộc chiến biên giới Việt- Trung vào tháng 2/1979. Chuyện này không mới, nhưng gã cũng xin có vài lời để bà con suy ngẫm. Nghiên cứu lịch sử, thường thì chiến tranh chỉ được phát động bởi một nhà nước độc tài, với các nước dân chủ, muốn phát động chiến tranh không dễ.
Khi “phe XHCN” đã qua đám giỗ thứ ba chục, nhân loại mới nhận thấy rằng, những nhà nước thờ ông Râu và ông Hói với cốt lõi là học thuyết đấu tranh giai cấp về cơ bản đã thất bại trong lĩnh vực kinh tế. Để kéo dài tuổi thọ, khối này đã gây ra khá nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu nhưng đều bị bưng bít. Xin được điểm lại một số cuộc chiến tranh mà khối này gây ra.
Năm 1968, Liên xô đã xua 600 nghìn quân tiến vào lãnh thổ, chiếm đóng Tiệp Khắc chỉ vì nước này có ý định tiến hành cải cách dân chủ. Dubcek, tổng bí thư đảng CS, Chủ tịch Tiệp Khắc muốn chọn con đường cải cách riêng, theo như cách của ông, cần phải xây dựng “Chủ nghĩa Xã hội có bộ mặt người”, trong đó có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp… Những dự định của ông đã gây lo ngại lớn cho Moscow, vì Liên xô chủ trương kiểm soát báo chí.
Tiếp theo đó là xung đột biên giới Trung – Xô năm 1969, một loạt các vụ đụng độ vũ trang giữa Liên Xô và Trung Cộng, xảy ra vào lúc cao điểm của sự chia rẽ giữa hai người anh hùng đều muốn xưng bá, đứng đầu khối trong thập niên 1960. Dọc theo biên giới Xô – Trung, Liên xô tập trung 658.000 binh sĩ đối đầu 814.000 lính TQ.
Đụng độ giữa hai bên tiếp diễn qua mùa xuân và mùa hè năm 1969. Kết thúc cuộc xung đột, TQ tuyên bố họ đã tiêu diệt 230 lính Liên Xô, phá hủy 19 xe tăng và thiết giáp và chỉ bị thương vong 92 người. Phía Liên Xô công bố họ thương vong 152 người (58 chết, 94 bị thương) và cho rằng TQ đã chịu thương vong gần 1.000 binh sĩ. Riêng trận đánh ngày 15/3 phía TQ bị tổn thất 600 người. Nước này đông dân, lấy thịt đè người là chuyện không lạ.
Năm 1975, Polpot, lãnh tụ đảng cộng sản Campuchia nắm được chính quyền, không lâu sau đó, Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ VN, phá hủy nhiều ngôi làng và giết hại hàng ngàn thường dân Việt Nam. Từ tháng 12/1978 đến tháng 5/1979, Khmer Đỏ tổ chức cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Việt Nam với 19 sư đoàn nhưng bị phía Việt Nam bẻ gãy. Số lượng người Việt thiệt mạng độ vài chục ngàn.
Việt Nam thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình nên đã tổ chức tấn công lớn vào Campuchia, lật đổ Khmer Đỏ vào cuối năm 1978.
Rạng sáng ngày 17/2/1979, lực lượng bộ binh TQ với khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Hàng ngàn làng mạc, hàng chục thành phố của Việt Nam đã bị tàn phá. Hơn thế là hàng chục ngàn dân thường bị sát hại.
Giờ đây, khi khối các nước XHCN ở đông Âu đã tan rã, vài ba nước còn sống sót nhờ chính sách đổi mới, mở cửa, công nhận nền kinh tế thị trường nhiều thành phần nhưng hàng ngày vẫn bị nhồi sọ bởi học thuyết của hai ông Râu và Hói nên vẫn choành chọe nhau.
Trên đất liền, Trung Cộng âm thầm lấn từng mét vuông đất, ngoài biển khơi, chiếm từng hòn đảo nhỏ, rồi lấn biển, xây căn cứ quân sự. Chuyện dùng súng ống nói chuyện với nhau chỉ là thời gian.
Kiên định CNXH, kiên định đấu tranh giai cấp, họng súng đẻ ra chính quyền, đó là những triết lý căn bản của người anh cả Trung Cộng, thành trì mới của phe CNXH.
Nói về cuộc chiến biên giới mà thiếu thông tin về những cuộc chiến trong “phe XHCN” là điều thiếu sót!
Bài học 17/2/1979: Làm gì để Việt Nam tự chủ và bình đẳng hơn?
Đánh dấu, tưởng niệm 42 năm cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phát động trên biên giới phía Bắc Việt Nam nổ ra ngày 17/2/1979, một số nhà nghiên cứu và quan sát từ Việt Nam bình luận với BBC về việc nước này có thể làm gì để quan hệ với Trung Quốc được tự chủ, bình đẳng hơn.
Từ Hà Nội, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình nói với một hội luận Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm 18/02/2021:
“Theo tôi, quá trình hơn 40 năm vừa qua, ứng xử hay quan hệ cũng có cái đúng, cái sai, nhưng điều quan trọng nhất tôi thấy Việt Nam phải giữ được là sự bình đẳng và tôi chưa thấy hình ảnh độc lập, tự chủ của Việt Nam.
“Hình như là nó rất mờ nhạt, mà nó cứ lệ thuộc vào một cái gì đó, chứ còn quan hệ với Trung Quốc thì Việt Nam trước sau vẫn phải quan hệ, vì họ là nước láng giềng của Việt Nam.
“Song quan hệ thế nào cho bình đẳng thì các vị lãnh đạo ở Việt Nam cũng nên xem lại, mà nếu như ý kiến nhà nghiên cứu lịch sử nói trong 1-2 năm nay Việt Nam cũng có một sự chuyển đổi, biến đổi hay thay đổi về cuộc chiến tranh mà Trung Quốc xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, thì Việt Nam phải tiếp tục phát huy nó lên.
“Tại vì nhân dân Việt Nam rất mong chuyện ấy, trên dư luận người ta rất thắc mắc và người ta rất mong mỏi rằng bây giờ Việt Nam phải nói rõ và phải ứng xử bình đẳng. Nếu đã giao hẹn với nhau đừng nhắc lại quá khứ nữa, thì bây giờ Trung Quốc cũng phải chấm dứt cái quá khứ đó đi.
“Nhất là Trung Quốc cứ theo đuổi mãi chuyện xâm lược Biển Đông, rồi lúc nào cũng theo đuổi đường Lưỡi bò (yêu sách chủ quyền dựa trên bản đồ đường 9 đoạn), như thế là không được rồi.
“Thế thì nhà cầm quyền Việt Nam chắc phải nói với họ rằng anh phải chấm dứt chuyện ấy, mà bây giờ quốc tế rất ủng hộ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Quốc tế 1982 về Luật biển (Unclos), thế thì tại sao Việt Nam không thể nói với người ta rằng đã là hiệp định quy định với nhau thì phải bình đẳng.
“Không bình đẳng là không được. Còn bây giờ tôi nghĩ là các nước trên thế giới đang rất ủng hộ Việt Nam, mà mình lại cứ rụt rè trong quan hệ là không được.”
Độc lập, chủ quyền quốc gia và tình đồng chí?
Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề độc lập và chủ quyền quốc gia tại hội luận:
“Tôi nghĩ là cho tới hiện nay các vị lãnh đạo của Việt Nam phải giữ được sự độc lập và chủ quyền cho đất nước, nhưng trong vấn đề độc lập và chủ quyền này, tôi không tin vào cái gọi là tình đồng chí, hay là ý thức hệ.
“Mà tôi tin rằng các quốc gia đều hành động vì quyền lợi dân tộc của họ và trong hoàn cảnh Việt Nam mà hàng xóm là Trung Quốc, một đất nước mà chúng ta không thể nào tự rời đi đâu khác được, và chúng ta vẫn phải sống cạnh họ, mà họ luôn luôn ép Việt Nam về mọi thứ.
“Nào là thương mại, nào là kinh tế, Việt Nam đều bị ép cả, cho đến chuyện Biển Đông, cho đến chuyện biên giới, từ ký hiệp định biên giới ở đất liền cho đến ngoài Vịnh Bắc Bộ.
“Rồi hiện nay, như tin tức tôi vừa nhận được là từ ngày 02/2/2021, tàu thăm dò của Trung Quốc xuất phát từ cảng Tam Á đi vào sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, cách đường biên giới đất liền chỉ chừng 130-140 hải lý, họ vào sâu tới 60-70 hải lý trong thềm lục địa của Việt Nam.
“Ngược lại một chút, có thể thấy Việt Nam đã phải lùi bước liên tục vào các năm 2017, 2018 và 2019, Việt Nam ba lần phải phá vỡ các hợp đồng với các hãng thăm dò dầu khí của nước ngoài, Việt Nam phải đền bù cho các hãng đó, tôi không biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là phải đền bù sự phá vỡ hợp đồng.
“Mà Việt Nam thăm dò trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, trong vùng lãnh hải của Việt Nam, phần mà theo Công ước luật biển 1982, Việt Nam được quyền khai thác, mà Trung Quốc ép Việt Nam như vậy.
“Vậy thì tại sao Việt Nam cứ phải bị lệ thuộc vào họ? Tại sao Việt Nam phải cử những đoàn cán bộ đảng, nhà nước v.v… sang Trung Quốc để học cách họ làm thế này, thế kia, chống tham nhũng thế nọ?Tôi nghĩ Việt Nam cần phải thoát Trung thì mới có thể mạnh lên được.”
‘Cần giải mật tư liệu để nhân dân và các giới hiểu rõ’
Từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên giảng viên lịch sử và quan hệ quốc tế Đại học Mở TPHCM, nhân dịp này đưa ra một bình luận với BBC:
“Đối với tôi, nghiên cứu một cuộc chiến tranh không phải là để khơi động lại lòng hận thù, mà nghiên cứu một cuộc chiến tranh để rút ra bài học kinh nghiệm để không có một cuộc chiến tranh như thế nữa trên đất nước này
“Chính vì vậy mà tôi đề nghị là nhà nước Việt Nam nên giải mật các tài liệu của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.
“Nếu về một mục đích nào đó trong quan hệ Việt – Trung hiện nay chưa giải mật được một cách rộng rãi, thì ít nhất cũng phải giải mật cho giới nghiên cứu, cho các nhà sử học.
“Và chúng tôi tin rằng các giới nghiên cứu và các nhà sử học khi tiếp cận được các tài liệu đó, sẽ có cách truyền tải lại để cho cộng đồng, để cho nhân dân được rõ về bản chất của cuộc chiến này,” ông Đinh Kim Phúc nói với hội luận của BBC.
Còn Từ Nha Trang, sau khi theo dõi cuộc thảo luận, nhà báo Võ Văn Tạo gửi bình luận cho BBC về vấn đề quan hệ Việt – Trung trong giai đoạn mới, ông nêu quan điểm:
“Theo tôi, muốn bình đẳng, phải có thực lực và tạo thế bang giao trên trường quốc tế. Sau Tuyên bố Thượng Hải 1972 (Mỹ Trung), lãnh đạo Việt Nam đã biết Trung Quốc có tính toán riêng. Từ đó, viện trợ của Trung Quốc cho Hà Nội giảm mạnh.
“Sau 1975, bị Mỹ cấm vận, Việt Nam càng lệ thuộc Trung Quốc nặng nề. Để phá thế bí ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các cường quốc tư bản, để làm đối trọng với Bắc Kinh.
“Rất tiếc, phái thủ cựu, giáo điều trong chóp bu Việt Nam đã cản trở rất mạnh sáng kiến của ông Nguyễn Cơ Thạch, làm Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội cất cánh kinh tế (đặc biệt là trì hoãn bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, trì hoãn ký hiệp định thương mại Việt Mỹ).”
Có dám đổi mới và liên minh để bảo vệ chủ quyền?
Và nhà báo Võ Văn Tạo nói thêm:
“Bốn thập kỷ qua, kinh tế Trung Quốc tiến như vũ bão, tương quan thực lực Việt – Trung càng chênh lệch. Nguy cơ Việt Nam bị Trung Quốc lấn hiếp, gây chiến, thôn tính càng rõ.
“Muốn cải thiện tình thế, theo tôi Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ khối Mỹ, Nhật, Ấn, Hàn… tăng cường giao thương với họ, và nhất là xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện, kể cả xây dựng liên minh quân sự với các cường quốc.
“Lâu nay, Việt Nam thường tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên rằng liên minh quân sự với nước ngoài sẽ có nguy cơ lệ thuộc, mất độc lập tự chủ, mất chủ quyền quốc gia… nên Việt Nam chủ trương “3 không, 4 không”, theo tôi đó là lập luận sai lầm tệ hại.
“Hãy xem các nước Tây Âu liên minh với Mỹ trong khối NATO, rồi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Úc, Ấn Độ… đều có hợp tác quân sự ở mức cao, hoặc có hiệp ước liên minh quân sự với Mỹ, có nước nào lệ thuộc Mỹ, mất chủ quyền quốc gia đâu?
“Mới đây, Mỹ còn tuyên bố sẽ bảo vệ các đảo của Nhật Bản như bảo vệ lãnh thổ Mỹ. Do đó, tôi cho rằng lãnh đạo Việt Nam cần có những bước đi mạnh bạo, quyết đoán về vấn đề này, như ĐCSVN đã từng dám chủ trương đổi mới kinh tế hồi Đại hội 6 năm 1986.”
Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi cuộc hội luận Bàn tròn thứ Năm với nội dung liên quan chủ đề trên.
Chiến tranh biên giới 1979 nhắc nhở lãnh đạo Việt Nam điều gì?
- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Kỷ niệm 42 năm ngày nổ ra chiến tranh biên giới Việt – Trung (17/2/1979) năm nay, báo nhà nước Việt Nam được cho là có nhiều tiến bộ trong tuyên truyền khi đã có một số bài viết nêu đích danh Trung Quốc. Nhưng có ý kiến rằng điều này ‘chưa đủ’.
Nhà nghiên cứu, giảng viên lịch sử Đinh Kim Phúc có cuộc trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 17/2 quanh các bài học lịch sử rút ra từ sự kiện này.
Ông Phúc nói rằng trước đây ông thường cùng bạn bè đi thắp hương tại tượng đài Đức Thánh Trần ở Bến Bạch Đằng.
“Nhưng năm ngoái, khi lư hương tại tượng Đức Thánh Trần bị cẩu đi nơi khác, tôi thường ngồi nhà hoặc ngồi cùng anh em, những đồng đội năm xưa từng trực tiếp cầm súng, để soi rọi lại lịch sử Việt Nam, từ đó rút ra bài học chúng ta được gì, mất gì, khi đối đầu cũng như khi làm bạn với Trung Quốc,” ông Phúc nói qua điện thoại với BBC từ nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh.
“Bài học để tránh cuộc chiến tương tự”
Là một người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử nhiều năm, ông Phúc cho rằng Hội nghị Thành đô năm 1990, trong đó Việt Nam và Trung Quốc thống nhất không khơi gợi lại hận thù mà bắt đầu thời kỳ mới, không có nghĩa Việt Nam im lặng trước sự hi sinh và chiến công hiển hách của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước.
“Cái quan trọng là chúng ta nhắc lại cuộc chiến tranh không có nghĩa chúng ta phát động, tôn sùng chiến tranh mà là chúng ta rút ra được bài học lịch sử sao có cuộc chiến này và làm sao để tránh một cuộc chiến tương tự.”
“Vì lý do gì mà nhà nước không khuyến khích toàn dân trong những ngày này ôn lại những truyền thống hào hùng cách đây hơn 40 năm để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, để nêu cao tinh thần độc lập, tự do của dân tộc? Ngoài một vài tờ báo nhắc lại một vài vấn đề cụ thể trong cuộc chiến, gần như không có một loạt bài nào hệ thống lại những quan điểm, chiến lược của cuộc chiến tranh này để rút ra những bài học cho ngày hôm nay. Tôi cho rằng nhà nước nên nhìn lại cách tuyên truyền của mình.”
“Theo tôi, cần phải nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 là một cuộc chiến hết sức đẫm máu. Nó xảy ra ngắn ngày, chưa đầy một tháng, nhưng để lại hậu quả và các cuộc chiến tiếp theo kéo dài 10 năm, với những trận đánh mà bộ đội Việt Nam hi sinh 3000 – 4000 người. Điều này chưa từng xảy ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam 24 năm từ 1954-1975 . Do đó tôi nghĩ không chỉ nhắc đến các chiến thắng đơn lẻ mà cần phải có sự tổng kết về chiến lược, về quan hệ quốc tế để làm sao tránh được một cuộc chiến tranh trong tương lai.”
“Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam có thể tránh được nếu lãnh đạo Việt Nam sau năm 1975 đánh giá đúng tình hình thế giới, an ninh khu vực, ý thức được tinh thần quốc tế và ý thức hệ cộng sản mà chúng ta đang theo, cái gì là trên hết.
“Trung Quốc tự hào lịch sử 5000 năm tiến về phương Nam. Do đó Việt Nam sẽ luôn luôn là nạn nhân chính sách bành trướng của Trung Quốc ở mọi thời đại. Vấn đề sống chung, giữ hòa khí, không để xảy ra một cuộc chiến như vậy nữa phụ thuộc vào bản lĩnh các lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Mà muốn có bản lĩnh thì kinh tế, quân sự và vị trí quân sự của Việt Nam phải ngang bằng với Trung Quốc,” ông Phúc nói.
“Chưa làm cho dân tin”
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, gần đây, các bài báo của nhà nước Việt Nam khi viết về sự kiện này đều chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ tấn công xâm lược chứ không chỉ là một cuộc chiến tranh biên giới chung chung. Tuy nhiên chỉ như vậy thì “chưa đủ”.
Ông Phúc nói:
“Trong tình hình hiện nay, khi vấn đề Biển Đông ngày càng nguy hiểm, mâu thuẫn giữa hai siêu cường ngày càng sâu sắc, khi mà các dàn xếp quốc tế trên Biển Đông có vẻ không ổn, nhà nước Việt Nam có vẻ thấy được thân phận của mình trước khả năng một cuộc chiến cục bộ sẽ nổ ra ở trên Biển Đông.”
“Trung Quốc là đối tác, nhưng cũng là đối trọng, khi tàu của họ vẫn đang đi sâu vào thềm lục địa của Việt Nam sáng 17/2/2021. Khi mà Trung Quốc vẫn có tham vọng điên cuồng độc chiếm biển Đông với bản đồ đường lưỡi bò, muốn thống trị cả Đông Nam Á từ thời Mao Trạch Đông và họ sẽ không bao giờ chấm dứt tham vọng này.”
“Việt Nam cũng nên nhìn lại cách đánh giá bạn thù và để cho nhân dân tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống.”
Về mối quan hệ Việt Nam từ khi bình thường hóa quan hệ tới nay, ông Phúc cho rằng “căng thẳng hơn 10 năm trước đây” do vấn đề Biển Đông và nguồn nước sông Mekong. Tuy nhiên do sự kiềm chế của hai lãnh đạo, nên hai bên chưa đi đến ‘điểm nóng’,
“Về mặt phòng thủ, quân sự, chiến lược, tôi cho rằng Đảng Cộng sản và nhà nước VN đã làm được rất nhiều việc so với những thời kỳ trước đây. Nhưng có một điều họ chưa làm tốt: Không làm cho dân tin những điều mình đã làm được. Một nghị định gần đây của Thủ tướng chính phủ quy định rằng các vấn đề đối ngoại, an ninh, quốc phòng đều đóng dấu tuyệt mật. Người dân không được tiếp cận với các chiến lược của quốc gia trong vấn đề đối phó với Trung Quốc. Do đó họ không tin.”
“Do đó, cần củng cố lòng tin của người dân về quyết tâm bảo vệ lãnh thổ này, làm sao để nhân dân tuyệt đối tin tưởng. Với tiềm lực quân sự hiện nay, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh cục bộ, Việt Nam đủ sức đương đầu với Trung Quốc. Nhưng Việt Nam không dại gì khuấy động chiến tranh, phá vỡ sự hòa bình, phát triển của Việt Nam và khu vực. Ta đã có bài học đắt giá từ hơn 40 năm trước. Mục đích của Đảng và nhà nước là duy trì thành quả hòa bình, an ninh khu vực để phát triển. Tôi hoàn toàn thông cảm với chủ trương của nhà nước Việt Nam là không đi theo nước này để đánh nước khác và Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước.”
“Tuy nhiên Việt Nam nên quan hệ ngoại giao quân sự với các cường quốc trên thế giới, tạo ra một mạng lưới an ninh quân sự với các cường quốc trên thế giới càng nhiều càng tốt. Muốn thành công thì phải làm sao bạn để tin mình. Tôi không nói là ‘liên minh quân sự’ nhưng phải tạo ra một hệ thống an ninh quân sự tập thể, không phải để ‘đánh bại’, mà đưa Trung Quốc quay lại tuân thủ luật pháp quốc tế.”
“Nhà nước cũng cần phải có một ngày chính thức để tưởng niệm tất cả anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp bảo vệ đất nước trong thời kỳ hiện đại sau năm 1975, chứ không chỉ không chỉ ngày 27/7 thương binh liệt sỹ nói chung. Cần có ngày dành riêng cho cuộc chiến 1979, để tượng niệm những chiến sỹ đã hi sinh xương máu giữ gìn độc lập đất nước trước họa phương Bắc từ quân xâm lược Trung Quốc.
“Bênh cạnh đó, không có một công trạng nào của tướng lãnh, lãnh đạo nào có thể so với công trạng của một liệt sỹ. Do đó, trong vấn đề đặt tên đường phố, các lãnh đạo Việt Nam nên lưu ý điều này. Hiện Việt Nam thường chủ yếu đặt tên đường theo tên các lãnh đạo chết vì bệnh già,” nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc chia sẻ./.