10.7.2010
(TT&VH) – Ngày xưa đi đêm cần thắp sáng soi đường người ta hay dùng đuốc. Đuốc là cây nứa khô dập ra bó lại dài một hai mét. Tối có việc đi đâu về muộn thường phải dự phòng đem theo bó đuốc để nhìn đường đi và tránh giẫm vào rắn rết.
Tôi thường được bố mẹ dặn khi đi đêm, nếu thấy có người đốt đuốc đi trước, mình đi sau thì phải cảnh giác, kẻo gặp rắn. Nghe bảo rắn hay theo ra khi thấy có đuốc đi qua là để tìm ăn tàn, vì rắn cũng thèm muối như người. Nó mò ra liếm tàn đuốc là để kiếm chút vị mặn mòi.
Nhưng có người lại bảo khi thấy đuốc sáng thì con bọ cánh, thiêu thân hay lao vào bị trúng thương chết hoặc ngắc ngoải. Rắn mò ra để kiếm những con bọ ấy làm bữa.
Sự thực thì rắn theo đóm ăn tàn hay ra để tìm mồi thì cho đến bây giờ với mọi người vẫn là điều bí hiểm vì chưa thấy có ai nghiên cứu tìm hiểu, chỉ nghe thế và biết thế… Ngay cả khi có người vác đuốc đi qua thì rắn hay mò ra cũng không biết là có thật thế không.
Thành ngữ “theo đóm ăn tàn” hình thành là dựa trên hiện tượng nêu trên. Nhưng “theo đóm ăn tàn”, hoặc “theo voi ăn bã mía” khi trở thành thành ngữ thì lại không phải để mô phỏng cái việc cụ thể ấy, mà sang chuyện con người. Đó là ám chỉ cách sống theo đuôi nhặt nhạnh tí của thừa rơi rụng không đáng với giá trị phẩm hạnh con người. Đó là lối sống theo bản năng nhằm kiếm cái lợi nhỏ. Là thứ a dua không có tính liên kết.
Theo đóm ăn tàn của con vật là bản năng. Người mà theo đóm ăn tàn là loại người kém cỏi không tự biết mình là ai, không cần biết hệ lụy của việc đó sẽ dẫn mình đến đâu, cứ có tí lợi là tìm đến để nhặt nhạnh. Đó là câu thành ngữ nhắc người đời ngẫm ngợi để tự điều chỉnh cuộc sống của mình.