Seite auswählen

Bà Cấn Thị Thêu trong một phiên toà trước đây ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP

Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương Mại Thế giới và những tổ chức quốc tế khác ở Geneva  vào ngày 4 tháng 2 vừa qua gửi thư phản hồi cho thông cáo chung của nhóm báo cáo viên độc lập thuộc Cao Ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc về việc Hà Nội bắt giữ bốn nhà đấu tranh giữ đất gồm bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm; và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang.

Thư trả lời của Phái đoàn Việt Nam được đưa ra để phúc đáp thông cáo chung đề ngày 10 tháng 11 năm ngoái  liên quan việc bắt giữ năm người vừa nêu.

Theo Phái đoàn Việt Nam thì những cáo buộc trong thông cáo chung là không chính xác, chủ yếu dựa vào những nguồn tin không được kiểm chứng, và không phản ánh bản chất của sự việc.

Thư phúc đáp của Phái đoàn Việt Nam trình bày lại như truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin lâu nay về vụ Đồng Tâm, việc bắt giữ 4 nhà hoạt động đất đai và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang.

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các nhận định về phúc đáp của Phái đoàn Việt Nam như vừa nêu:

“Việc chính phủ Việt Nam lên tiếng phản bác lại những tiếng nói chỉ trích việc bắt giam các nhà hoạt động là việc không mới. Từ xưa đến nay, chính sách của chính phủ Việt Nam là không im lặng mà sẵn sàng lên tiếng theo ngôn ngữ của họ.

Còn các tổ chức phi chính phủ thì họ luôn bám theo chuẩn mực quốc tế về nhân quyền khi họ lên tiếng. Do đó, việc họ lên tiếng rất chính xác. Phía Việt Nam bắt giữ những người như gia đình bà Cấn Thị Thêu hay Phạm Đoan Trang, đều là những vi phạm quốc tế về nhân quyền. Nó thể hiện chính sách đàn áp từ xưa đến nay.

Khi một quốc gia hội nhập, là thành viên của LHQ thì buộc phải tuân thủ những quy định của luật quốc tế chứ không thể nói theo luật riêng của mình như vậy.”

Vào ngày 24 tháng sáu năm ngoái, Công an thành phố Hà Nội tiến hành bắt giữ nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Phương ở phường Dương Nội, quận Hà Đông với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống nhà nước”.

Bà Nguyễn Thị Tâm, một người dân oan và cũng thường xuyên lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội ở chung phường cũng bị bắt giữ. Cùng lúc, công an tỉnh Hòa Bình tiến hành bắt giữ anh Trịnh Bá Tư cũng là con trai của bà Cấn Thị Thêu.

Cả bốn người này trước khi bị bắt đã lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm hồi đầu năm 2020 và đồng thời cung cấp thông tin về vụ đụng độ cho các viên chức ngoại giao ở các tòa đại sứ nước ngoài ở Việt Nam.

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang,- một nhà hoạt động nhân quyền và một người viết sách nổi tiếng ở Việt Nam, bị Cơ quan An ninh – Bộ Công an bắt giữ vào khuya ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang diễn ra ngay sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt lần thứ 24 kết thúc trước đó vài giờ.

RFA (23.02.2021)

 

 

Việt Nam tranh cử ghế Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

NGUỒN HÌNH ẢNH,EUROPANEWSWIRE/GADO Chụp lại hình ảnh, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong một cuộc họp tại trụ sở UN ở New York năm 2020

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) quốc nhiệm kỳ 2023-25, theo truyền thông Việt Nam.

Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của UNHRC khai mạc hôm 22/2 tại Geneva, Thụy Sĩ. Mở đầu là Phiên họp trực tuyến với sự tham dự của hơn 115 đoàn cấp cao.

Phiên họp do Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền, bà Nazhat Shameem Khan (Đại sứ Fiji) chủ trì.

Ông Minh, người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự một phiên họp của UNHRC, nói hôm thứ Hai rằng đại dịch Covid-19 đang diễn ra đã giết chết hàng triệu người và ảnh hưởng đến hàng tỷ người khác, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và an sinh xã hội của các nước và ảnh hưởng đến nhân quyền.

 

Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Minh nói khi thế giới tiến tới một “bình thường mới”, đại dịch là cơ hội để các nước xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, trong đó đoàn kết và hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt để vượt qua thách thức.

Cho rằng giữ an toàn cho xã hội trong bối cảnh đại dịch là cách tốt nhất để đảm bảo quyền con người, ông Minh nhấn mạnh các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong việc chống lại đại dịch, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Ông cũng ghi nhận sự đóng góp của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu dưới hình thức cung cấp khẩu trang và thiết bị y tế cho hơn 50 quốc gia và khuyến nghị ngày 27/12 nên được coi là Ngày Quốc tế Phòng chống Dịch bệnh để nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh.

Tại Phiên thảo luận cấp cao, Phó Thủ tướng cũng đã thông báo việc Việt Nam, với tư cách ứng của viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025.

Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan liên chính phủ trong hệ thống Liên Hiệp Quốc gồm 47 Quốc gia chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên toàn cầu.

 

Các phản ứng quốc tế?

Phản ứng trước thông tin này, ông Claudio Francavilla, đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Liên minh châu Âu (EU) bình luận trên Twitter: “Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp [nhân quyền] nhất trên thế giới, với hàng trăm người chỉ trích ôn hòa bị bỏ tù, đàn áp có hệ thống những người bất đồng chính kiến, người dân không được thực hiện các quyền tự do cơ bản.Làm sao những điều này lại phù hợp để [Việt Nam] trở thành thành viên của UNHRC?”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định rằng 2020 là năm tình hình nhân quyền của VN ‘tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn’, khi chính phủ VN bắt và xét xử những nhà hoạt động dân chủ ‘cuối cùng’.

Báo cáo thường niên 2020 dài hơn 700 trang của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) về tình hình nhân quyền 100 nước trên thế giới mô tả Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020” thông qua việc bắt hàng loạt những nhà hoạt động, blogger có tiếng nói chỉ trích.

NGUỒN HÌNH ẢNH,HRW Chụp lại hình ảnh, Các tù nhân chính trị VN (từ trái qua): Phạm Chí Dũng,, Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trần Đức Thạch, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thuy Thủy, Nguyễn Tường Thụy.

Đặc biệt, HRW chỉ ra rằng Việt Nam cho bắt những nhà hoạt động hàng đầu vào những thời điểm được cho là nhạy cảm ngoại giao, chẳng hạn như bắt Phạm Đoan Trang chỉ vài giờ phiên họp về nhân quyền với Mỹ.

HRW thừa nhận Việt Nam đạt được một số thành tựu trong chống dịch Covid-1, nhưng với ‘cái giá’ là ‘vi phạm quyền riêng tư, hạn chế quyền tự do ngôn luận, và sự thiếu công bằng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của chính phủ.’

Báo cáo của HRW cũng đề cập đến với vụ đụng độ ở Đồng Tâm đầu năm 2020 khiến 4 người chết, trong đó có 3 công an. 29 dân làng sau đó bị xét xử với tội danh giết người và chống người thi hành công vụ, trong đó 2 người bị án tử hình.

Còn theo thống kê của Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), năm 2020, Việt Nam bắt nhiều nhà hoạt động hơn, 66 nhà hoạt động, blogger, so với khoảng 40 năm 2019. Trong đó nhiều blogger, Facebooker không tên tuổi cũng bị bắt và bị kết án nặng nề, như vụ Chung Hoàng Chương và Mã Phùng Ngọc Phú.

Các bản án cũng ngày càng nặng nề hơn. Cụ thể, mức án dành cho tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ dành cho nhà báo Phạm Chí Dũng là 15 năm tù hồi đầu năm 2021, so với mức kỷ lục năm 2020 của ông Nguyễn Trung Lĩnh 12 năm tù, và năm 2019 của ông Nguyễn Năng Tĩnh, 11 năm tù.

 

Việt Nam nói gì?

Trong một bài viết cuối năm 2020 trên Nhân dân điện tử, chính quyền Việt Nam cho rằng “Các thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận”.

Trong đó có đoạn: “”Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Và trên thực tế, kể từ khi thành lập nước đến nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn được quan tâm, chú trọng, lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống.”

“Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển. Những thành tựu mọi mặt về nhân quyền Việt Nam đã đạt được không chỉ cho thấy kết quả của nỗ lực này, mà còn trực tiếp khẳng định, chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội.”

Bài báo cũng nói Việt Nam “luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự”… Và rằng những thực tế này “không chỉ được nhiều nước trên thế giới, bạn bè quốc tế đánh giá cao, mà ngay cả nhiều tổ chức, thế lực từng có lúc chưa hiểu rõ hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam cũng phải thay đổi, thừa nhận.”

Nhắc đến thành tựu chống Covid-19 trong đoạn cuối bài viết, bài báo kết luận: “Không có ý nghĩa nào khác, các thành tựu đó là kết quả từ nỗ lực hành động vì nhân quyền, vì con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam, không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận”.

BBC (23.02.2021)

 

 

 

Việt Nam ứng cử vào Hội Đồng Nhân quyền LHQ: vừa ăn cướp vừa la làng

Trung cộng còn vào được Hội đồng Nhân quyền LHQ thì hà cớ gì mà Việt Nam không tự tin mà ứng cử mặc cho thành tích vi phạm nhân quyền dày cộm?

 

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 22.02.2021 phiên họp thứ 46 tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam, thành viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

 

Đại dịch Covid làm gần như cả thế giới khốn đốn trong gần một năm qua, thì Việt Nam lại nổi lên như một ngôi sao sáng về thành tích chống dịch và kinh tế với 35 người thiệt mạng vì đại dịch và đạt 2,9% tăng trưởng kinh tế.

 

Ông Phạm Bình Minh tuyên bố với Hội đồng Nhân Quyền LHQ rằng Việt Nam “tiếp tục ưu tiên thúc đẩy bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay.”

 

Nói về các thành tích đạt được trong phòng chống dịch ông Phạm Bình Minh cho rằng “kinh nghiệm và thành tựu Việt Nam đạt được đã cho thấy rõ ràng rằng các nỗ lực đảm bảo quyền con người cần tính đến các đặc thù về lịch sử, chính trị, xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia”.

 

Thế nhưng thực tế mà thế giới chứng kiến về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam lại hoàn toàn khác so với lời của ông Phó thủ tướng.

 

Trong năm 2020 đã có hàng loạt blogger và những nhà hoạt động bị bắt. Nổi trội là hàng chục người dân Đồng Tâm bị bắt đi từ tháng Giêng 2020 sau khi lực lượng vũ trang của chính phủ đột kích vào thôn Hoành lúc 3 giờ sáng khiến cho đảng viên 58 tuổi đảng Lê Đình Kình thiệt mạng. Cuộc sống của người dân Đồng Tâm sau đó bị đảo lộn khi hàng loạt người bị bắt giam, tra khảo.

 

Năm 2020 cũng chứng kiến các nhà báo của Hội nhà Báo Độc Lập bị bắt là ông Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, nhà văn Phạm Thành, nhà Thơ Trần Đức Thạch, các nhà hoạt động và nhà báo công dân Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu, Lê Thị Tâm, Đinh Thị Thu Thuỷ, và gần cuối năm là Phạm Thị Đoan Trang.

 

Những cáo buộc dành cho những blogger, nhà báo, người bảo vệ nhân quyền là vi phạm điều 117 Bộ Luât Hình Sự năm 2015. Điều 117 cùng với các điều luật khác như 118, 119, 331 đã được các tổ chức nhân quyền thế giới yêu cầu sửa đổi vì các cáo buộc mơ hồ.

 

Đầu năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam đã tuyên án 3 thànhh viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam tổng cộng 37 năm tù giam, blogger Đinh Thị Thu Thuỷ cũng lĩnh án 7 năm tù vài ngày sau đó.

 

Quốc Hội Châu Âu đã ra nghị quyết đặc biệt về 3 nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam cũng như tình trạng tự do báo chí, tự do biểu lộ và nhân quyền tại Việt Nam và ngày 21.01.2021. Các thư chất vấn của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về những tù nhân lương tâm luôn được nhà cầm quyền Việt trả lời rằng họ làm theo đúng luật định và cho rằng các cáo buộc từ các báo cáo viên hay các tổ chức nhân quyền là vô căn cứ, không phản ánh đúng thực trạng.

 

Việt Nam vẫn tự khen là “thành tích về nhân quyền Việt Nam là không thể phủ nhận“, và lên tiếng chỉ trích các tổ chức nhân quyền trên thế giới, các nghị sỹ Âu Mỹ là thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng đã tuyên bố “Chúng tôi lấy làm tiếc khi EP thông qua một Nghị quyết không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình Việt Nam”

 

Với những thành tích đó, ông Phạm Bình Minh đã tự hào tuyên bố trên Twitter: ” Tại phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tôi tự hào giới thiệu Việt Nam là ứng cử vào Thành viên cho Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) nhiệm kỳ 2023-2025. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam có thể và sẽ đóng góp nhiều vào công việc của UNHRC.

Trước ý định tự tranh cử này của Việt Nam, ông Claudio Francavilla, đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tại Liên minh châu Âu (EU) viết trên Twitter: “Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp nhất trên thế giới, với hàng trăm người chỉ trích ôn hòa bị bỏ tù, đàn áp có hệ thống những người bất đồng chính kiến, người dân không được thực hiện các quyền tự do cơ bản. Làm sao lại thích hợp trở thành thành viên của UNHRC?”

 

Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách HRW Á Châu đáp lời ông Phạm Bình Minh trên Twitter: “Thành thật mà nói, tôi không thể nghĩ về một chính phủ sẽ kém hữu ích hơn cho sự nghiệp nhân quyền hơn Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam  đã hủy hoại nhân quyền ở mọi bước. Họ sẽ là một thảm họa đối với Hội đồng Nhân quyền LHQ.”

Năm ngoái Trung cộng đã lọt được vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi tháng 10 năm 2020 mặc cho các cáo buộc nhân quyền. Khi ấy Ngoại trưởng Pompeo đã lên tiếng rằng “Đại hội đồng LHQ lần nữa lại bầu các quốc gia có hồ sơ vi phạm nhân quyền.”

Trung cộng còn vào được thì hà cớ gì mà Việt Nam không tự tin mà ứng cử  cho dù là thành tích vi phạm nhân quyền dày cộm?

Theo VNTB (23.02.2021)

 

 

CSVN ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, dù đàn áp mạnh hơn

CSVN “tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025” dù đàn áp nhân quyền ngày càng tệ hại hơn.

Truyền thông nhà nước tại Việt Nam hôm 22 Tháng Hai đưa tin, Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh đã thông báo qua cuộc họp trực tuyến cùng ngày của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Các nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thụy (trá) và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5 Tháng Giêng, 2021. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)

Tại cuộc họp vừa kể, ông Phạm Bình Minh nói rằng “tiếp tục ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay” đang bị đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến đời sống xã hội, kinh tế.

Lời tuyên bố của ông Phạm Bình Minh trái ngược hoàn toàn với các bản tường trình hàng năm tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, của các chính phủ Mỹ, Liên Âu. Thậm chỉ, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã nhiều lần lên án CSVN vi phạm trắng trợn Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị mà họ đã đặt bút ký cam kết tuân hành.

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council) gồm 47 thành viên là một tổ chức trực thuộc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này được thành lập ngày 15 Tháng Ba, 2006 theo Nghị Quyết (A/RES/60/251) sau khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền đã chấm dứt hoạt động năm 2006.

Cùng với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc còn có Ủy Ban Nhân Quyền hay Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Committee) là một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc gồm 18 chuyên gia độc lập có nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo định kỳ bốn năm một lần của 162 nước thành viên Liên Hiệp Quốc về việc thực hiện Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị, giải quyết các khiếu nại nhân quyền của các cá nhân là công dân của 112 nước tham gia vào Nghị Ðịnh thư bổ túc.

Ủy ban vừa kể họp ba lần trong một năm, mỗi lần kéo dài bốn tuần lễ (kỳ họp mùa Xuân tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, mùa Hè và mùa Thu tại Geneva, Thụy sĩ). Đây là một trong chín ủy ban thuộc hệ thống nhân quyền Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các công ước về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2018, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cho rằng tổ chức này có nhiều khuyết tật trầm trọng. Chẳng hạn, nhiều nước có chân trong hội đồng này đều là những nước đang có thành tích đàn áp nhân quyền trầm trọng như Cuba, Philippines, Trung cộng, Ethiopia, Ai Cập…

Bà Đinh Thị Thu Thủy, người tranh đấu bảo vệ môi trường bị bắt ngày 18 Tháng Tư, 2020. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tháng trước, ngày 8 Tháng Giêng, 2021, bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên án CSVN vi phạm Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị khi kết án tù nặng nề các thành viên chủ chốt của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam từ 11 năm tù đến 15 năm tù.

Bà cho rằng cáo buộc họ “tuyên truyền chống nhà nước” CSVN là một “diễn biến đáng lo ngại về sự đàn áp ngày càng tăng đối với quyền tự do phát biểu tại nước này.”

Giữa Tháng Chín, 2020, bản báo cáo thường niên năm 2020 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nêu ra ít nhất 16 trường hợp người dân tại Việt Nam bị CSVN bỏ tù, tịch thu giấy tờ tùy thân, thẩm vấn hoặc theo dõi chặt chẽ từ năm 2019 đến thời điểm vừa nêu. Các vụ công an giữ lại các người từ nước ngoài trở về tại các phi trường để hạch hỏi, đe dọa mà không có luật sư tham dự cũng được nêu ra khá chi tiết.

CSVN luôn luôn chối không có tù chính trị hay tù nhân lương tâm tại Việt Nam trong các buổi điều trần về Nhân Quyền Tại Liên Hiệp Quốc. Theo tổ chức “Bảo vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam” thì nhà cầm quyền CSVN hiện đang giam giữ ít nhất 258 tù nhân lương tâm, tính đến cuối năm 2020. 

Người Việt (22.02.2021)

Vở kịch ngày một đắt giá

Đỗ Ngà

Trò chơi quyền lực trong đảng Cộng sản có thể tóm tắt như sau: đấu đá, đàm phán, ngã giá, chốt nhân sự và diễn kịch.

Đấu đá diễn ra suốt 5 năm, có người bị loại vì bỗng dưng nhiễm căn bệnh bí ẩn rồi chết hoặc rút lui khỏi sân khấu chính trị, có người bị đánh bật ra khỏi sân khấu bằng công cụ “chống tham nhũng” v.v…

Sau khi đánh đấm biết giò biết cẳng của mỗi phe thì họ kéo nhau lên bàn đàm phán. Trên bàn đàm phán ấy họ sẽ ngã giá với nhau, cò kè bớt một thêm hai. Nếu chưa ưng ý họ đánh nhau tiếp rồi lại kéo nhau lên bàn đàm phán và ngã giá. Cứ như vậy công việc “vừa đánh vừa đàm” kéo dài khoảng 2 năm.

Ở nhiệm kỳ 13 này, ngày chốt nhân sự là ngày 18/1/2021. Đại Hội Đảng chỉ là vở kịch đầu tiên trong hàng loạt vở kịch mà ĐCS sẽ phải diễn sau khi chốt nhân sự, nó diễn ra y hệt như kịch bản đã được lan truyền trước đó.

Vở kịch đại hội đảng bị đảng giấu nhẹm chi phí, tuy nhiên người dân phải biết rằng, vở kịch hoành tráng với 6.000 binh lính, với đủ thứ khí tài thì chắc chắn nó không hề rẻ. Nó phải đắt giá hơn rất nhiều vở kịch bầu cử Quốc hội và HĐND sắp tới đây.

Cách đây 10 năm, vở kịch bầu cử Quốc hội và HĐND đã đốt hết 700 tỷ đồng tiền thuế của dân, tương đương với 33 triệu đô la thời đó. Tuy nhiên, cách đây 5 năm, khi diễn lại vở kịch này thì họ lại đốt đến 3.600 tỷ đồng tiền thuế của dân, tương đương 156,5 triệu đô la. Nghĩa là sau 5 năm, chi phí vở kịch đắt gấp gần 5 lần.

Được biết, tổng số đơn vị hành chính của Việt Nam sau 5 năm vẫn như cũ, nhưng tiền chi ra cho vở kịch tăng lên gấp 5 lần, điều đó cho thấy, quan chức CS kiếm chác rất đậm trong vở kịch bầu cử này.

Theo dự kiến thì ngày 23/5/2021 sẽ diễn ra vở kịch bầu cử Quốc hội và HĐND nhưng nay báo chí nhà nước đã bắt đầu cho chạy quảng cáo: nào là đại diện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nào là người có đức có tài bla bla bla… tuy nhiên ai cũng biết cái gọi là “đại biểu Quốc hội và HĐND” ấy chỉ là những diễn viên đã được chọn sẵn và phân vai rồi chỉ cần đợi đến ngày 23/5/2021 là họ vào vai “tân đại biểu” thôi. Và kết quả chung cuộc thì ai cũng biết là Quốc hội sẽ có khoảng 95% là đảng viên ĐCS.

Không biết vở kịch cũ sắp đem ra diễn lại ấy sẽ đốt của dân bao nhiêu tiền, có lẽ là không dưới 3.600 tỷ đồng như cách đây 5 năm. Khi Bộ tài Chính duyệt chi phí cho vở kịch, chắc chắn rằng rất nhiều kẻ trong chính quyền cộng sản đang hóng để đớp chút ít trong số tiền dựng kịch này. Đúng là “ăn của dân không chừa một thứ gì”. Bất cứ điều gì họ cũng có thể kiếm chác được, vì họ là cộng sản nên trong họ không có gì ngoài lòng tham và gian trá.

Đỗ Ngà

______

Tham khảo:

https://vnexpress.net/chi-700-ty-dong-cho-bau-cu-quoc-hoi-hdnd-2193682.html

https://thanhnien.vn/thoi-su/de-xuat-chi-3600-ti-dong-cho-bau-cu-691522.html

https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/chinh-tri-xa-hoi/tphcm-chi-230-ty-dong-cho-bau-cu-1690965.html

https://www.sggp.org.vn/lua-chon-dbqh-dai-dien-duoc-y-chi-nguyen-vong-cua-nhan-dan-714793.html

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen