Cùng với đà gia tăng dân số của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam ( Orange County ), bang California, ngày càng có nhiều dân biểu người Việt đắc cử vào các hội đồng thành phố, thậm chí được bầu làm thị trưởng, như ông Micheal Võ, thị trưởng thành phố Fountain Valley.
Tòa thị chính Westminster ngày 05/02/2021. Thị trưởng Tạ Đức Trí là người Việt đầu tiên được bầu làm thị trưởng một thành phố tại Hoa Kỳ. © RFI The Hung PHAM
Là một người sống lâu năm tại Quận Cam, ông Michael Võ rất rành về cộng đồng người Việt Quận Cam mà theo lời ông là một cộng đồng sống rất gần gũi nhau:
“Cộng đồng người Việt tại Quận Cam hôm nay có khoảng 300 ngàn người, được chia ra làm 3 thế hệ. Thế hệ thứ nhất là những người sinh ở Việt Nam, như bản thân tôi. Thế hệ thứ nhì, mà chúng tôi gọi là một rưỡi, là những người đến Mỹ khi còn rất trẻ, 5, 7 tuổi, hay 10 tuổi, thì bây giờ cũng 40, 50 tuổi rồi. Và thế hệ thứ 3 là các cháu sinh ở đây. Các cháu vẫn có thể nói được tiếng Việt, vẫn sinh hoạt với người Việt, nhưng không xem tivi Việt Nam, hay các trang mạng xã hội Việt Nam.
Thế hệ thứ nhất và thế hệ một rưỡi thì vẫn gần gũi với nhau và bao nhiêu năm ở đây thì hầu như đều quen biết nhau, cho dù dân số lên tới 300 ngàn người. Các trang mạng xã hội có thể liên kết đến vài chục ngàn người.”
Micheal Võ, thị trưởng thành phố Fountain Valley, Orange County, California, Hoa Kỳ, trả lời RFI ngày 05/02/2021. © RFI The Hung PHAM
Là người Việt đầu tiên đắc cử vào hội đồng thành phố Foutain Valley năm 2010 và nay đang giữ chức thị trưởng luân phiên lần thứ ba của thành phố này. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 06/02, Michael Võ cho biết chính lòng “tự ái dân tộc” đã thúc đẩy ông ra ứng cử vào hội đồng thành phố:
“Trong thời gian những năm 2006 – 2008, tức là trước khi tôi vào hội đồng thành phố, cộng đồng người Việt Quận Cam mỗi ngày một đông và riêng tại Fountain Valley thì dân số đã tăng từ 5% đến 10%. Thế nhưng, các cơ quan hành chính đôi lúc chưa có một cái nhìn thân thiện đối với cộng đồng người Việt, vì đây vẫn là một cộng đồng thiểu số và những sinh hoạt của mình chưa hẳn phù hợp với suy nghĩ của họ.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là lúc mà những người đi trước cần phải dấn thân, vì khi chúng ta ở vào một địa vị, có một tiếng nói lãnh đạo, thì mình có thể làm thay đổi suy nghĩ của người địa phương, để cho họ có một cái nhìn thân thiện, đồng cảm hơn. Đó là lý do chính khiến tôi tranh cử vào hội đồng thành phố Fountain Valley năm 2010″.
Nhưng dấu mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử Quận Cam, đó là năm 2012, khi ông Tạ Đức Trí trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu làm thị trưởng của một thành phố, đó là Westminster. Trước khi đắc cử thị trưởng, ông Tạ Đức Trí đã từng được bầu làm nghị viên hội đồng thành phố Westminster trong những năm 2006 và 2010, và là phó thị trưởng của thành phố này kể từ năm 2008. Hội đồng thành phố Westminster cũng là định chế có đa số dân biểu là người Việt Trả lời RFI ngày 05/02, thị trưởng Tạ Đức Trí tóm lược lịch sử phát triển của thành phố này:
“Thành phố Westminster được chính thức thành lập vào năm 1957. Vào thời điểm đó, dân số Westminster chưa đến 10 ngàn người và hiện nay đã lên tới 94 ngàn người. Sau biến cố 30/04/1975, cộng đồng của chúng ta đã có mặt tại Hoa Kỳ và cũng đã bắt đầu hình thành một cộng đồng tại thành phố Westminster kể từ năm 1977, 1978. Có một vài nhà hàng đầu tiên do người Việt làm chủ đã khai trương từ năm 1978, có nghĩa là từ hơn 40 năm qua.
Trong hơn 40 năm qua, sự hình thành và phát triển của thành phố cũng có sự đóng góp của tập thể người Việt tị nạn tại đây. Hiện nay, hơn phân nữa dân số thành phố là đồng hương gốc Việt. Trong hơn 6 thập niên hình thành, hiện nay thành phố Westminster vẫn tiếp tục phát triển. Vào những dịp như mùa hè hay dịp Tết, rất nhiều đồng hương từ các tiểu bang xa cũng tụ về để thăm thành phố Westminster.”
Thị trưởng Tạ Đức Trí tại Tòa thị chính Westminster, Orange County, California, Hoa Kỳ, ngày 04/02/2021. © RFI The Hung PHAM
Nhưng là người đứng đầu một thành phố có đa số cư dân là gốc Việt, thị trưởng Tạ Đức Trí cho biết ông đã cố gắng tạo sự hài hòa giữa các cộng đồng:
” Tâm niệm của chúng tôi là phục vụ tất cả mọi người, cho tất cả cộng đồng trong thành phố, người Việt cũng như người Mỹ bản xứ. Trong gần 15 phục vụ cư dân thành phố, với vai trò trước đây là nghị viên thành phố, cũng như là thị trưởng thành phố từ gần 9 năm qua, chúng tôi đã cố gắng tạo sự hài hòa cho tất cả cộng đồng cũng như sắc dân trong thành phố. Chúng tôi cũng đã cố gắng đến tham dự những sinh hoạt của rất nhiều hội đoàn trong cộng đồng người Việt hay người Mỹ bản xứ để hy vọng tạo sự hài hòa giữa các cộng đồng, bởi vì chính sự hài hòa đó sẽ giúp cho thành phố tiếp tục phát triển.”
Garden Grove, một thành phố khác của Quận Cam, cũng là một nơi tập trung đông người Việt ( khoảng hơn 47 ngàn người trên tổng dân số khoảng hơn 170 ngàn, tức là chiếm đến 27,7%, theo thống kê dân số năm 2010 ). Với một tỷ lệ dân số như vậy, dĩ nhiên là trong hội đồng thành phố cũng có một số nghị viên gốc Việt, như ông Bùi Phát, đắc cử vào hội đồng từ năm 2014 và hiện cũng là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California. Không chỉ làm nghị viên hay thị trưởng, một số người Việt nay cũng đã được bầu làm giám sát viên, như ông Andrew Đỗ. Ông đắc cử Giám Sát Viên Địa Hạt 1, Quận Cam vào năm 2015, và nay đang tái tranh cử cho nhiệm kỳ tới. Cựu dân biểu Cộng Hòa bang California ở Hạ Viện Trần Thái Văn trước đây cũng từng là phó thị trưởng thành phố Garden Grove.
Quận Cam được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn, nên dĩ nhiên là những thành phố như Westminster lại mang đậm những biểu tượng của người Việt tị nạn, như lời thị trưởng Tạ Đức Trí.
” Chúng ta đang sống tại Mỹ, chúng ta hòa nhập vào thể chế chính trị tự do, dân chủ của Hoa Kỳ, chúng ta cùng với các cộng đồng sắc dân khác làm cho cho thành phố ngày càng phồn thịnh hơn, làm cho quốc gia Hoa Kỳ ngày càng phồn thịnh hơn, nhưng chúng ta vẫn giữ bản sắc dân tộc của ta. Hoa Kỳ là một hợp chủng quốc và theo Hiến Pháp của Hoa Kỳ, chúng ta đều được khuyến khích gìn giữ bản sắc dân tộc của chúng ta. Trước hết chúng ta gìn giữ văn hóa , ngôn ngữ của chúng ta, cũng như căn cước tị nạn của chúng ta. Chúng ta đã đến Hoa Kỳ bằng hai chữ tự do, chúng ta sẽ tranh đấu cho hai chữ tự do đó. Hiện nay, Westminster có một số biểu tượng để thể hiện sức tranh đấu của người Việt tị nạn, như chúng ta có tên đường Sài Gòn, đại lộ Trần Hưng Đạo, tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ, tượng đài các vị tướng lãnh đã tuẫn tiết vào ngày 30/04/1975. Gần đây nhất là tượng đài tưởng niệm sự hy sinh của 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974.
Tháng 12 vừa qua, Hội đồng thành phố cũng đã chuẩn thuận thêm một dự án mà chúng tôi đưa ra, đó là một tượng đài, nói lên sức chiến đấu anh dũng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm cổ thành Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ được sự ủng hộ của mọi người để tượng đài được khánh thành đúng vào ngày 16/09 năm nay, kỷ niệm ngày 16/09/1972 các chiến sĩ Thủy quân lục chiến VNCH đã cắm lá cờ vàng trên cổ thành Quảng Trị”.
Nhưng năm nay, do đại dịch Covid-19, các hội đồng thành phố có đông người Việt ở Quận Cam đều không thể tổ chức các sinh hoạt văn hóa mừng Tết Nguyên Đán, mà nay họ đều phải tập trung đối phó với dịch bệnh, theo lời thị trưởng Fountain Valley Michael Võ:
“Trong vòng vài tuần qua, khi nước Mỹ đã có vac-xin và đã xác định những người thuộc diện ưu tiên được chích ngừa, và ở bang California, những người trên 65 tuổi được xếp vào diện ưu tiên, thành phố cũng đã có những buổi thuyết trình giúp cho các cụ có thể ghi danh. Ghi danh để được chích ngừa cũng là một khó khăn, nhất là cho cộng đồng người Việt với cộng đồng địa phương: Nhiều khi các cụ, các bác không có computer ( máy vi tính ), không có con cháu, hay là thậm chí không có phương tiện di chuyển. Khi chính quyền đưa ra một website để ghi danh chích ngừa thì họ nghĩ rằng mỗi ngày chắc có khoảng chừng 50 ngàn người ghi danh, vì Quận Cam có khoảng 25 ngàn liều vac-xin mỗi ngày. Nhưng bây giờ đến lúc phải ghi danh thì có đến 1 triệu người ghi danh một lúc, ai cũng muốn cha mẹ của họ được ưu tiên, thành ra trang mạng bị quá tải và điều này cũng đã gây ảnh hưởng không tốt.
Riêng tại Fountain Valley chúng tôi đã có nhân viên của thành phố giúp cho các cụ ghi danh. Thậm chí những người hoàn toàn không biết gì hết có thể đến trung tâm sinh hoạt của người cao niên để các nhân viên thành phố ghi danh cho các cụ. Ngoài ra, về phương tiện di chuyển công cộng ở Mỹ thì hoàn toàn khác với châu Âu. Đa số ở đây là phải có xe đưa rước. Tại Fountain Valley, chúng tôi đã trả tiền cho các cụ có thể tự đón xe bus, đón xe taxi, vòng đi và vòng về để được chích ngừa tại những trung tâm Super Site, tức là những trung tâm chích ngừa lớn. Riêng Quận Cam hiện có hai trung tâm Super Site: Disneyland và Soka University.”
Về phần thị trưởng Tạ Đức Trí, ông cho biết hội đồng thành phố Westminster cũng đang thúc đẩy việc phân phối thuốc chích ngừa Covid đến các vị cao niên.
Ngay chính các hội đồng thành phố cũng không thoát khỏi tác động của đại dịch, cụ thể là ảnh hưởng đến ngân sách của thành phố, theo lời ông Bùi Phát, nghị viên thành phố Garden Grove.
Tuy phục vụ cộng đồng trong những điều kiện khó khăn như vậy, các nghị viên gốc Việt ở Quận Cam vẫn không nản lòng, thậm chí còn có tham vọng đi xa hơn, như thị trưởng Michael Võ của Fountain Valley đang tranh cử chức Giám sát viên, tiếp nối con đường của những người tiền nhiệm, trong đó bà Janet. Nguyễn, người Mỹ gốc Việt đầu tiên làm giám sát viên một quận ở Hoa Kỳ, đó là Quận Cam.
RFI (24.02.2021)