Seite auswählen

Gió Bấc

 

 Kỳ 1: Nguồn suối yêu thương

 

Dư luận xôn xao chuyện học trò dánh cô giáo với nhiều bình luận trái chiều, tôi băn khoăn tại sao như vậy? Ôn lai ngày xưa mình đi học thế nào. Hóa mình hạnh phúc được lớn lên trong nền giáo dục miền Nam. Cái triết lý nền giáo dục “nhân bản”, “dân tộc”, và “khai phóng” là mãi đến sau này tôi mới đươc biết qua sách vỡ, điều xuyên suốt mà tôi nhận đươc trong đời đi học và thành ấn tượng đến bây giờ đó là nền giáo dục thấm đẩm yêu thương.

 

Nhiều người viết về giáo dục Miền Nam trước 75 như là sản phẩm của xã hội phồn vinh. Tôi e rằng không hoàn toàn như vậy! Tùy theo từng vùng, từng giai đoạn, thời ấy có những lúc những vùng nông thôn cũng phải chạy gạo ăn từng bửa, trường sở cũng thiếu thốn trăm bề nhưng nó đầy ắp yêu thương.

Ngày đầu tiên tôi đi học không thơ mộng như bài viết của nhà văn Thanh Tịnh. Ở Miền Nam tháng 9 là tháng mưa dầm, con đường từ nhà tới trường sình lầy hai bên, đường sống trâu chính giữa thì trơn như thoa mở. Người giành quyền dắt tay tôi đi học, không phải mẹ mà là bà nội, người suốt đời không biết mặt con chữ mà thuộc làu thơ Lục Vân Tiên.

Lớp học đầu đời là căn võ ca (gian nhà trống dùng để hát bội, tiếp khách khi cúng đình) đình làng chỉ có mái nhà mà không có vách.

Cô giáo tôi có con nhỏ nên nhiều khi đi dạy phải mang con theo. Lũ chúng tôi như một đàn gà trong khoảng sân không phên giậu muốn chạy ra chạy vô lớp học lúc nào cũng đươc. Ấy vậy mà dưới sự chắt chiu của cô, cuối năm học chúng tôi đã đọc trọn quyển vần trái táo, biết ráp vần xuôi vần ngược, và đọc thuộc bài Ông Thầy Đầu Tiên. “Trẻ còn ngu dại biết chi. Nhờ thầy răn dạy khắc ghi trong lònh. Mở mang trí hóa cho thông. Uốn tay chỉ dạy cái công dẫy đầy. Nhờ ai ta đặng thế này. Ta nên nhớ lấy ông thầy đầu tiên”

Lên lớp tư, (bây giờ là lớp 2) phòng học của tôi còn thảm hại hơn. Đó là dãy nhà tol thiếc cũ nát, nằm bên cạnh một đồn lính nghĩa quân mà một tháng có đến vài lần Việt Cộng tấn công. Mỗi lần như vậy súng đạn lớn nhỏ rải vào trường. Cả mái, vách đều lỗ chỗ viết đạn. Ngày nắng thì bóng nắng để hoa lên bàn, lên tóc.Ngày mưa thì trong lớp cũng bì bỏm nước như ngoài sân. Tập vở phải giấu trong hộc bàn để không bị ướt. Vì vậy, tiếng trống báo giờ học giờ chơi, tan học chỉ là tương đối, tất cả chỉ tùy thuộc vào ông trời và khẩu lịnh của cô. Cứ mỗi lần mưa mấy cô trò thu xếo tập vỏ tìm chô khô trốn dột. Hết mưa lại lau bàn ghế lấy tập học bài.

Cái khó đó không ngăn được chúng tôi hấp thu những kiến thức thú vị từ bài học. Tình yêu nước đươc nhen lên từ câu chuyện về các nhân vật lịch sử anh hùng. Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà lo việc nước. Trần Quốc Toản tuổi trẻ phất cờ Phá Cường Địch Báo Hoàng Ân, Trần Bình Trọng thà làm quỷ phương Nam không làm vương đất bắc…. Tình yêu quê hương và kiến thức địa lý đươc bồi đắp qua cuộc hành trình thú vị của cha con ông Lộc. Chúng tôi biết thế nào là đầm, phá, đập, sông từ đâu chảy ra….

Lên lớp ba, lớp nhì ra chơ học, nghe lóm các anh chị lớp lớn chúng tôi biết rằng thầy cô không phải ai cũng như ai, có người nỗi tiếng hét ra lửa, đánh đòn tét cả roi mây. Định mệnh khiến xui sao năm lớp nhì tôi được xếp vào tay cô giáo nổi tiếng bà chằn.

Buổi học đầu tiên cô yêu cầu mỗi tổ phải có riêng một cây roi mây mang vào lớp trong tuần trực. Cả lớp xám hồn xanh mặt nhưng đến hết năm học  nạn nhân chính của cây roi mây là cái bàn giáo viên của cô.

Phòng thủ gần nửa năm học cô vẫn là cô chứ bà chằn chưa thấy hiện ra. Rồi cũng có ngày tai họa trung trùng kéo đến. Hôm ấy vào giờ ra chơi chúng tôi chia phe bắn bì bằng mấy sợi thun căng trên hai ngón tay cái và trỏ. Rủi sao tên bay đạn lạc trúng vào người thầy giám thị. Ông lừ mắt hỏi lớp nào, lớp Nhì 4 phải không?” Cả đám xanh mặt tản ra, trở về lớp lại chia phe cờ lau tập trận. Hăng máu, chúng tôi cầm những nhành cây điệp rượt đuổi nhau nhảy qua cửa sỗ và va quệt làm rơi bức tranh tráng thủy treo trên tường. Biết tội tày trời và ngán danh hiệu bà chằn nên đám chúng tôi đâm liều bỏ trốn tra con sông gần đó tắm và nhờ mấy đứa con gái thu xếp tập vở sau giờ học. Hôm sau, chúng tôi tiếp tục trốn ra bờ sông thì bị mấy đứa con gái theo lịnh cô lôi về với lời hứa hẹn không bị đánh đòn. Quả đúng là cô không đánh, chỉ bắt sắp hàng trước bảng nghe cô giảng đạo và chép bài phạt 100 câu không đươc phá phách bỏ học. Hóa ra bà chằn của chúng tôi thật hiền và dễ thương.

Năm lớp Nhất (lớp 5 bây giờ) mới thật là ấn tượng. Thời đó từ lớp nhất (tiểu học) qua đệ thất (trung học đệ nhất cấp) có kỳ thi tuyển rất khắc khe. Cả quận chỉ có một trường trung học tuyển 5 lớp đệ thất gồm 250 học sinh trên 3000 học sinh tiểu học toàn quận. Số bị rớt ngồi lại học lớp nhứt rất đông. Số anh chị này có kinh nghiệm bảo nhau cô PA lớp Nhứt 1 của tôi dạy giỏi nên đổ xô vô lớp này khiến sĩ số của lớp lên đến 85 học sinh trong khi các lớp khác chỉ hơn 40.

 Thầy hiệu trưởng nhiều lần can thiệp, phân chia lại nhưng như bắt cóc bỏ dĩa, cuối cùng đành chấp nhận sĩ số kỷ lục này. Dù đã ken thêm bàn ghế nhưng chúng tôi vẫn phải ngồi chen như mắm. Riêng cô thì không nề hà nhiều ít, cô chia chúng tôi thành tổ và phân công các tổ tự dò bài học, bài tập của nhau trước khi vào học. Chúng tôi phải đến lớp 30 phút trước khị giờ học bắt đầu. Thời gian trong lớp để ưu tiên để giảng bài học và làm bài tập mới. Cô cho chúng tôi hùn tiền mua báo Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, Thằng Bờm chuyền tay nhau đọc.

Mãi sau này tôi mới nhận ra bí quyết “dạy hay” của cô là luôn khuyến khích và tạo cho lớp tinh thần thi đua tự học. Ngoài chiêu tự dò bài, cô còn có mục cho làm bài tập chạy. Dù là toán, khoa học thường thức hay văn sử, cô không chấm bài cả lớp mà chỉ chọn 10 bài nộp trước. Nếu có chấm cả lớp thì 10 bài nộp trước cũng đươc điểm ưu tiên. Cô cũng công bằng chia đêu cho chúng tôi luân phiên mỗi tổ trực lớp một tuần, làmv6ẹ sinh, dò bài các tổ khác và hạnh phúc, hảnh diện nhất là cuối ngày được ôm sổ điểm, hộp phấn, … theo cô về nhà.

Năm ấy lớp chúng tôi đậu khoảng 40/250 học sinh toàn quận và có 4 trong top 10 học sinh thứ hạng cao nhất.

 

Qua một kỳ thi, bước vào trung học chúng tôi đã thành người lớn với bao điều mới lạ. Ăn măc đồng phục: nam quần dài xanh áo trắng, nữ mặc áo dài, phải mang giày dép chứ không chân trần quần đùi. Trên ngực áo có phù hiệu trường trung học với họ tên, lớp học như là cấp hàm sĩ quan. Khuôn viên trường khá rộng đủ chỗ cho một sân bóng chuyền, sân cầu lông và hố nhảy. Đắc dụng nhất là sân bóng chuyền hầu như lúc nào cũng có người chơi. Giờ tan học cả các thầy cũng ra sân chơi bóng, cũng cáp độ thắng thua. Banh chơi tập thể rất mau hư, vá chằng vá đụp, học trò nghèo ở quê không có tiền mua banh mới, các thầy bỏ tiền mua, lại là loại banh nhựa, đắt tiền, chơi rất êm tay.

Mảnh sân không chuyên này đã ươm mầm cho nhiều cầu thủ, huấn luyện viên bóng chuyền cấp quốc gia sau này nhưng điều quan trọng hơn trong thời điểm ấy nó kéo gần khoảng cách Thầy Trò, không đánh mất sự kính trọng mà tăng phần thân thiết.

Thời ấy, ngoài các thầy cô chính ngạch sư phạm, còn có một số thầy cô là sinh viên Văn Khoa, Khoa Học dạy giờ (ăn lương theo ngạch công nhật), đa số còn rất trẻ. Khó có thể đánh giá về chất lượng chuyên môn nhưng ấn tượng còn đọng lại trong tôi sau hơn nửa thế kỷ rời xa nhà trường không phải là những bài học trong chương trình mà là những điều các cô dạy chúng tôi ngoài chương trình học. Đó là một chút ánh sáng văn hóa của đô thành Sài Gòn pha với sức sống, tinh thần tươi trẻ của sinh viên. Cô giáo Anh Văn lớp đệ ngủ (lớp 8) dạy bài hát Clementime trong mùa giáng sinh, Thầy Công Dân lớp đệ lục (lớp 7) dạy bài hát tập thể Về Bên Mái Nhà, Cô giáo Văn lớp 8 cho sinh hoạt ngoài trời và trò chơi tập thể. Chương trình văn đệ tứ (lớp 9) khô khan với Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Thầy dạy văn lại cho chúng tôi chép những bài thơ viết tay như Đôi Mắt Người Sơn Tây, Tây Tiến làm chớm lên ước mơ lãng mạn. Đặc biệt các bạn gái trường tôi mê cô giáo Sử nguyên là nữ sinh Trưng Vương Sài Gòn truyền lại các điệu múa truyền thống của trường này như Bạch Đằng Giang, Đêm Mê Linh, Đêm Lam Sơn làm các tiết mục chính cho chương trình văn nghệ cuối năm.

Đương nhiên trong chuổi ngày thơ mộng ấy cũng lắm lần bị phạt vạ không oan chút nào. Quên đem tập, không thuộc bài là lỗi thường tình, đi học trễ, cúp cua (trốn học), luyện chưởng (đọc truyện kiếm hiệp) trong giờ học cũng không phải hiếm. Đương nhiên quý thầy cô cao thủ cũng có đủ chiêu thức đáp trả từ phạt nghĩ học ngắn hạn, chép bài phạt, đến zero hạnh kiểm. Cũng có trường hợp oan hoặc nặng quá mức nhưng nhìn chung suốt 12 năm học chưa có trường hợp nào quan hệ thầy trò bị gảy đổ hay việc phạt vạ ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Thầy Toán lớp Đệ Tứ rất nóng tính, gạo bài đứa nào đi chậm chưa lên đến bảng đã cho về chỗ ngồi. Yên chí trong sổ điểm đã có cặp Zero tròn trinh. Bù lại thầy dạy rất hay và cuối năm mở đợt lập công cho những đứa bị điểm kém có cơ hội làm bài tập lấy điểm kéo bù.

Điều dị ứng trong môi trường Trung học là Giám Thị. Cái người không dạy, đi xét nét rình mò mà bắt phải kêu bằng Thầy. Bản năng tự do và giai doạn phát triển hình thành tính cách làm chúng tôi phản kháng. Tuổi phá phách lắm trò nghịch ngợm nên càng va chạm với giám thị nhiều hơn. Năm đệ tứ, lớp tôi toàn đực rựa, một số bạn lớn tuổi sắp dính động viên đi lính nên càng đầu trò quậy phá.

Đầu năm, cả lớp đã bị Zero hạnh kiểm vì làm gảy chân bàn giáo viên, không báo nhà trường sữa chữa mà gá lại để phá thầy cô. Giữa năm lại phạm lỗi nặng trong buổi chào cờ đầu tuần, tình cờ có ông Quận trưởng tham dự. Lớp tôi tới phiên trực hát quốc ca và kéo cờ thì hát sai lời không biết lướt qua mà dừng lại nhìn nhau cười. Xong lễ, Thầy Tổng giám thị cho cả lớp chạy 5 vòng sân trường, tiếp đó Ban Đại Diện lớp được triệu tập lên phòng Giám Thị.

Biết đã phạm trọng tội, cả năm thằng mặt xanh như đít nhái, cúi đầu chờ nghe tuyên án. Sau bài đít cua hạch tội vô ý thức làm mất kỷ lụật, danh dự hiệu đoàn bla bla chính xác không thể nào tranh cải, thầy tuyên án: “Zero hạnh kiểm có xứng đáng không?”

 Theo quy chết thai lần zero hạnh kiểm đồng nghĩa ở lại lớp bất chấp học lực. Cả năm thằng choáng váng nhưng không có lời lẻ nào bào chữa kêu oan. Nước mắt con trai chợt ứa ra. Thầy cười nụ “Năm cái roi mây chịu không?” Chúng tôi như thấy thiên đàng hiện ra trước mắt. Trưởng lớp còn chút thông mình xin thêm ân huệ “Thầy cho đóng cửa lai để…”. Năm cái roi mây đau tê tái nhưng cứu thoát cho năm học quả là quá nhân từ. Sau trận đòn ấy cách nhìn của tôi về thầy Giám Thị từ ông Ác đã thành ông Thiện.

 

 ***

 

Kỳ 2: Không gian tự do

Gió Bấc

 

Có ngưởi nói rằng “kiến thức là những gì sau khi đã quên đi người ta còn nhớ lại”. Sau nửa thế kỷ không còn là học trò, tôi nhận ra điều đọng lại của nền giáo dục Miền Nam ngày ấy là tri thức xây đắp không gian tự do trong sách giáo khoa, cách dạy và cả cung cách vận hành của guồng máy.

 

Trí nhớ con người thật kỳ lạ, khi có tuổi những chuyện thực tại như cái kính, cái chìa khóa bỏ ở đâu không nhớ. Thuốc tim mạch buổi sáng, thuốc huyết áp buổi chiều uống chưa khi nhớ khi quên. Ấy vậy mà có những bài thơ, bài văn từ thuở học trò người ta vẫn thuộc như in. Không phải quy nạp kinh nghiệm cá nhân mà qua bạn bè đồng học và ngay trên cộng đồng mạng cũng có nhiều trang diễn đàn ghi nhận, thảo luận rất xôm về những bài học cũ. Với thế hệ trước, cố nhà văn Sơn Nam từng có hẳn truyện ngắn “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” viết về sự đồng điệu đồng cảm về ký ức của những bài học cũ trong bộ sách giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ..

Những bài thơ ấy không phải là danh tác nhưng chân thành, gần gủi và nồng hậu sống mãi trong lòng người. Bài Về Quê Ngoại tôi học từ năm lớp nhì và vẫn nhớ như in cho tới bây giờ

Một buổi hoa vàng ngập lối đi

Mẹ tôi âu yếm dắt tôi về

Viếng thăm quê ngoại vì lâu lắm

Người vẫn hằng mong trở lại quê

Cau trắng bà phơi ở trước thềm

Ngỡ ngàng khi thấy bóng quen quen

Dừng tay bà lại lần ra ngõ

Sau phút hàn huyên ôm lấy tôi

Nhớ thương bà chẳng nói nên lời

Trên đôi gò má nhen nheo ấy

Giọt lệ vui mừng khe khẽ rơi…

 

Ai cũng có một bà ngoại, một quê ngoại để về thăm mỗi năm một đôi lần và bài thơ này như là câu chuyện của riêng tôi. Quê ngoại tôi không có hoa vàng nhưng có hàng cau lắc lay trong gió.

 

Ngày nay ngành giáo dục cộng sản bàn về việc tích hợp các môn học với nhau như là tiến bô khoa học nhưng đó chỉ mới là lý luận, còn thực tế chứa biết ra sao. Thế nhưng thời nhỏ chúng tôi có những bài học thuộc lòng, chủ yếu là để tập đọc tập viết tiếng Việt nhưng lại bao hàm kiến thức địa lý và lồng trong đó là tình yêu quê hương nước Việt thật ngọt ngào. Đây là bài học thuộc lòng trong năm lớp Nhứt.

 

Chuyến đi dài

Thời niên thiếu vốn giàu mơ lắm ước

Tôi đã nuôi trong trí chuyến đi dài

Biết bao giờ cho thỏa được lòng trai

Chân bé quá, không mang hài vạn dặm

Để chờ đợi cho vơi phần thăm thẳm

Bản đồ đây, tôi dự ước hành trình

Giữa phương Nam biển dội sóng thanh bình

Ta sẽ lấy Côn Sơn làm khởi điểm

Sau giây phút để tâm hồn mặc niệm

Lắng không gian nghe tiếng gọi tiền nhân

Đường thênh thang chí quyết cũng xem gần

Đây Phú Quốc mùi hương quê tỏa rộng

Hà Tiên với cảnh non chùa Thạch Động

Kiên giang còn Nhật Tảo sáng ngàn năm

Mắt cô em Cái Sắn tựa trăng rằm

Bao la quá ruộng Cà Mau xếp gọn

Thuyền độc mộc xuôi trên dòng Cái lớn

Xuyên kênh đào về trẩy hội Tây Đô

Lòng Hậu Giang bát ngát tận đôi bờ

Cùng hẹn với sông Tiền trôi chậm rãi

Sen Đồng Tháp phơi màu tươi thắm mãi

Núi Điện Bà che rợp bóng tôn nghiêm

Trăng Sài-thành e thẹn dưới đèn đêm

Hai ngả nước ai Đồng Nai, Gia Định!

Bờ Long Hải chiều êm mây nắng tịnh

Bưởi Biên Hòa ngọt giọng khách miền xa

Trà B’lao sưởi ấm nếp môi già

Đà Lạt gió quyện rừng mây, thác nước

Rừng Ban Mê suối đàn nai khẽ bước

Buồm lao xao Phan Thiết rộn niềm vui

Ngọn tháp Chàm cô quạnh tiếc ngày trôi

Tàu vạn quốc về Cam Ranh chen chúc

Thùy dương rủ Nha Trang thêm hiền thục

Đá bia còn nguyên nét Triện người xưa

Bãi Tam Quan cát mịn ấp chân dừa

Guồng xe nước sông Trà gieo bụi trắng

Ngũ Hành ngắm mặt Hàn giang phẳng lặng

Hải Vân đài cao vút tuyệt đường chim

Nửa khuya chuông Thiên Mụ vọng êm đềm

Cả Hương, Ngự la đà theo nhịp trúc

Cầu Hiền Lương sẽ nối tình Nam Bắc

Xóa nhòa đi phân cách giữa thương đau

Từ Nam Quan cho đến mũi Cà Mau

Liền một dải và chuyến đi lại tiếp

 

Ngày nay người ta kêu than học sinh chán sử nhưng thế hệ chúng tôi vẫn còn thuộc lòng các bài toát yếu sử lớp nhất như “Được tin quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ bèn lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung….”. Môn lịch sử không khô khan mà còn hòa tan trong văn học qua nhiều bài học thuộc lòng như bài Giờ Quốc Sử

 

Những buổi sáng, vừng hồng le lói chiếu 

Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê, 

Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe 

Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử.

Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ, 

Nước chúng ta là một nước vinh quang. 

Bao anh hùng thuở trước của giang san, 

Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc….

 

Với cơ chế Bộ Giáo Dục soạn thảo chương trình giáo khoa, các nhà giáo, nhà văn theo đó soạn sách tạo ra nguồn sách giáo khoa phong phú, đa dạng, mỗi thầy cô giáo tự chọn sách để dạy. Sự cạnh tranh lành mạnh ấy không có đất sống cho cách kinh doanh cửa quyền hay chộp giật, sách giáo khoa sai be bét lỗi như hiện giờ.

 Mỗi tác giả, nhóm tác giả tạo dựng uy tín thương hiệu cho mình bằng tài năng phong cách mà trước hết là năng lực và tình yêu giáo dục. Mỗi quyển sách truyền tay nhau qua nhiều thế hệ. Thời trung học, khi các bạn bè khá giả của tôi học sách của các nhóm Alpha, Trường Thi đươc biên soạn ấn hành trong cuối thập kỷ 1960 với phương pháp, phong cách hiện đại thì tôi vẫn luyện toán từ sách của tác giả Nguyễn Văn Phú, Đào Văn Dương, Nguyễn Đức Kim viết từ thập niên 1950 của thế hệ các anh tôi truyền lại. Kết quả vẫn như nhau.

Cách dạy và cách học thời ấy cũng rất đa dạng, bất ngờ thú vị theo phong cách của từng thầy, cô. Thầy dạy Anh Văn lớp đệ tứ chỉ luyện giọng đọc mà không cần văn phạm. Thầy dạy Toán lớp đệ tam đến lớp tay không, không có sổ đầu bài hay giáo án như bây giờ nhưng bài học, bài tập,bài giải trong đầu thầy tuôn tràn lớp lang mạch lạc. Sau một năm đánh vật với thầy chúng tôi như lớn bổng lên trước các bài Đạo Hàm, Toán Đố Bậc Hai, Hình Học Không Gian vốn là những món khó nhai. Thây dạy sinh ngữ 2 năm đệ tam lại truyền cho chúng tôi những bài hát tiếng Pháp Que sera sera, Le beau danube bleu đứa nào hát giỏi điểm cao hơn những đứa giỏi chia Verb.

Đặc biệt cô giáo Văn năm lớp 10 dành gần trọn lục cá nguyệt (học kỳ) chỉ giảng hai bài Tài sắc chị em Kiều và Kiều du xuân. Phần còn lại của chương trình gồm Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán NgâmHoa Tiên truyện, cô chia tổ cho tự học và thuyết trình. Ngày đầu tiên đến lớp cô cho chép một bài thơ tình bí ẩn và chỉ đọc để cảm mà không nhất thiết phải hiểu. Cô gọi tên từng đứa đứng lên để nhận diện và giờ học thứ hai cô phát cho mỗi đứa năm bảy câu nhận xét về tính cách chính xác không thua Quỷ cốc tiên sinh.

Theo bài bản ngày nay quả là cô phá giáo án nhưng ngay cú bắt mạch độc đáo đó, cô tạo ra ấn tương mạnh với cả lớp. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc lời phán của cô rồi bình luận suốt nhiều ngày. Qua những chuyện hàn huyên trong các kỳ họp lớp gần đây, bạn bè tôi vẫn còn thuộc bài thơ của cô và chừng như chúng tôi (Ban Toán, Lý) biết yêu văn từ tiết học của cô.

Thời ấy, chừng như mỗi môn học, mỗi tiết học là một không gian độc lập thiêng liêng của Thầy, Cô và học trò. Không có kiểm tra, dự giờ, không có Ban Giám Hiệu, Thanh Tra hay bất cứ chủ thể nào khác xen vào.

Hệ thống quản lý rất nhẹ nhàng, Trường tiểu học chỉ có Hiệu trưởng, hiệu phó, nhân viên thư ký kiêm thủ quỷ. Trường Trung học có thêm Giám Học, Tổng Giám Thị và Giám Thị. Hàng tháng viên Tùy Phái chạy xe Sachs tiếng nổ bành bành đinh tai nhức óc từ tỉnh xuống phát lương cho từng trường. Ngành dọc chỉ có Bộ, Nha và Ty giáo dục mà không có cấp Phòng ở quận.

Sau này chúng tôi được biết, thời ấy Sư Phạm không phải là ngành chuột chạy cùng sào như bây giờ mà phải thi tuyển với tỉ lệ chọn rất gắt gao. Muốn dự tuyển vào Đại học sư phạm, thí sinh phải đậu chứng chỉ dự bị của Đại học Khoa học hoặc Văn Khoa đó lại là những chứng chỉ khó gặm. Vì vậy, đối với nam, chỉ cần rớt một trong hai kỳ thi trên sẽ dính vào quân dịch, nên phải học giỏi, thật tự tin mới dám thi Sư Phạm.

 Bù lại, người tốt nghiệp Đại học, Cao Đẳng sư phạm sẽ được Bộ Giáo Dục bổ nhiệm bằng môt nghị định theo ngạch công chức Giáo Sư đệ nhị cấp (Đại học) hoặc đệ nhất cấp (Cao Đẳng). Thầy tôi kể rằng chỉ số lương của Giáo sư đệ nhị cấp là 470 cao hơn rất nhiều so với ngạch của Cử nhân hành chánh (thường đươc bổ nhiệm làm quận phó, Trường ty thậm chí Phó tỉnh trưởng hành chánh). Là công chức cấp Bộ quản lý, người Thầy giáo thời VNCH không lệ thuộc vào các quan chức hành chánh hàng đầu của quận của tỉnh thậm chí ngạch bậc lương cao hơn nên không thể có chuyện cô giáo bị Phòng Giáo Dục điều đi tiếp cấp trên ăn nhậu như gái bia ôm của thời cộng sản.

Hơn các ngành khác, giáo chức VNCH còn đươc hưởng trọn ba tháng hè, không phải học chính trị hay làm những việc linh tinh như bây giờ. Chính nhờ vậy, người thầy có không gian thời gian đủ rộng, để nuôi dưỡng, dung chứa tình yêu học trò và có động lực và năng lực cho nghề nghiệp.

Thầy cô thời đó cũng không bị áp lực về thành tích, thi đua, tỉ lệ học sinh lên lớp hay ở lại. Tất cả những yếu tố đó được đánh giá khách quan. Thầy cô bộ môn kiểm bài, cho điểm vào sỗ. Lớp quản lý sổ điểm và sổ điểm danh và tổng hợp các điểm số này theo Giáo sư hướng dẫn (chủ nhiệm). Mỗi học sinh có riêng bảng Thành Tích Biểu ghi điểm trung bình hàng tháng, điểm thi học kỳ và lời phê của thầy cô từng môn, lời phê tổng quát của Giáo Sư hướng dẫn. Căn cứ điểm sô này, cuối năm ai cũng tự biết mình lên lớp hay ở lại hay được nhận thưởng. Không có chạy điểm, xin điểm, dù thời đó đang chiến tranh, điểm số rất quan trọng, nếu bị ở lại lớp một năm là dính động viên quân dịch không thể thi tú tài. Những học sinh lớn tuổi vướng quân dịch chỉ có đường học nhảy (đăng ký học các lớp cao hơn ở các trường Tư Thục) và ra sức cày để vượt qua các kỳ thi.

 

 Gió Bấc’s blog

(RFA 24.02.2021)