Mục lục
Quốc hội Hà Lan cáo buộc Trung Quốc ‘diệt chủng’ ở Tân Cương
26.2.2021
Quốc hội Hà Lan trở thành cơ quan lập pháp đầu tiên ở châu Âu nhất trí cáo buộc hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là “diệt chủng”, điều Bắc Kinh phủ nhận.
“Cuộc diệt chủng nhằm vào người thiểu số Duy Ngô Nhĩ đang diễn ra ở Trung Quốc”, kiến nghị được quốc hội Hà Lan thông qua hôm nay cho biết, thẳng thắn cáo buộc Bắc Kinh phải “chịu trách nhiệm” về vấn đề ở Tân Cương.
Kiến nghị của Hà Lan khẳng định các hành động của Trung Quốc như “biện pháp ngăn ngừa sinh nở” và “các trại cải tạo” vi phạm Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng của Liên Hợp Quốc.
Đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ (VVD) bảo thủ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã bỏ phiếu chống lại kiến nghị này. Ngoại trưởng Stef Blok cho biết chính phủ chưa muốn dùng thuật ngữ “diệt chủng” vì tình hình tại Tân Cương chưa được LHQ hay tòa án quốc tế tuyên bố như vậy. Sau khi kiến nghị được quốc hội thông qua, Blok cho biết thêm Hà Lan hy vọng sẽ hợp tác với nhiều quốc gia khác về vấn đề này.
Nhà lập pháp Sjoerd Sjoerdsma của đảng D-66, người đề xuất kiến nghị tố Trung Quốc diệt chủng ở Tân Cương, đã đề xuất vận động Ủy ban Olympic Quốc tế không tổ chức Olympic Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.
“Ghi nhận các hành động tàn bạo đang diễn ra đối với người Duy Ngô nhĩ ở Trung Quốc, cụ thể là tội diệt chủng, khiến thế giới không thể ngoảnh mặt làm ngơ và buộc chúng tôi phải hành động”, Sjoerdsma cho biết thêm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay lên tiếng phản đối động thái của quốc hội Hà Lan, cáo buộc các nhà lập pháp nước này đã sử dụng Tân Cương như một cái cớ để “cố tình bôi nhọ và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
“Các dữ kiện cho thấy chưa từng xảy ra bất cứ vụ ‘diệt chủng’ nào tại Tân Cương”, ông Uông nói, thêm rằng các đại diện của EU luôn được hoan nghênh tới thăm Tân Cương.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm ông hy vọng Hà Lan sẽ “dừng ngay lập tức dừng các hành động sai trái và có những hành động cụ thể để bảo vệ quan hệ song phương”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan trước đó cũng tuyên bố trên trang web rằng dân số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã tăng lên trong những năm gần đây, trong đó tuổi thọ và mức sống của họ đều được cải thiện.
Các nghị sĩ Canada trước đó cũng bỏ phiếu nhất trí rằng hành động của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội “diệt chủng”, dù Thủ tướng Trudeau không đồng tình. Mỹ là quốc gia đầu tiên mô tả việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ là tội diệt chủng. Một cuộc bỏ phiếu tương tự ở Anh đã thất bại đầu tháng này./.
Mỹ: Trung Quốc ‘phạm tội diệt chủng người Uighurs’
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc đã có hành vi diệt chủng trong việc đàn áp người Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) và các dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi giáo khác.
Người được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn cho vị trí Ngoại trưởng, Antony Blinken, nói ông đồng tình với kết luận này.
Các nhóm nhân quyền tin rằng Trung Quốc đã giam giữ tới một triệu người Uighurs trong vài năm qua ở những nơi mà nhà nước định nghĩa là “trại cải tạo”.
Điều tra của BBC gợi ra rằng người Uighurs đang bị sử dụng làm lao động cưỡng bức.
Căng thẳng với Trung Quốc là một nét đặc trưng nổi trội trong nhiệm kỳ của ông Trump, từ các chính sách thương mại đến đại dịch virus corona.
Đây là ngày cuối cùng của ông Pompeo ở cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump. Ông nói trong một tuyên bố: “Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này đang diễn ra và chúng ta đang chứng kiến nỗ lực tiêu diệt người Uighurs một cách có hệ thống của đất nước của đảng Trung Quốc”.
Dù tuyên bố gây áp lực lên Trung Quốc, nhưng Mỹ không tự động đưa ra bất kỳ hình phạt mới nào.
Ông Blinken, khi được hỏi trong phiên điều trần phê chuẩn cho vị trí của mình vào thứ Ba rằng có đồng ý với tuyên bố của ông Pompeo, và ông trả lời: “Đó cũng là đánh giá của tôi.”
Đội ngũ của ông Biden đưa ra cáo buộc tương tự vào tháng 8 năm ngoái, nói rằng người Uighurs đã phải chịu “sự áp bức không thể tả xiết … dưới bàn tay của chính phủ độc tài Trung Quốc”./.