Tổ chức ACAT vận động kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương Việt Nam. Courtesy of ACAT
Nhân quyền là trọng tâm
Trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 24/2 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố vấn đề nhân quyền được đặt là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thông cáo ghi rõ Hoa Kỳ cam kết hướng tới một thế giới trong đó nhân quyền được bảo vệ, những người bảo vệ nhân quyền được tôn vinh và những ai vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn nhấn mạnh rằng thúc đẩy tôn trọng nhân quyền không phải là việc làm đơn phương của nước Mỹ, mà cần được thực hiện một cách tốt nhất cùng với các quốc gia đồng minh, đối tác trên toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại hợp nhất với các giá trị dân chủ và chú trọng đến bảo vệ dân chủ và nhân quyền.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam, luật sư Vũ Đức Khanh, hồi cuối tháng 1 vừa qua, trong cuộc phỏng vấn với RFA đã đưa ra nhận định rằng ông có niềm tin tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ đẩy mạnh về đối thoại nhân quyền với Việt Nam.
Liên quan thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức nói rằng nhân quyền là trọng tâm, là điểm trung tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, trình bày quan điểm của ông với RFA:
“Trong bối cảnh mối quan hệ Việt-Mỹ, tôi nghĩ rằng đã đến lúc Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đối thoại với nhau về vấn đề tự do dân chủ và nhân quyền để làm sao cả hai bên cùng hướng tới việc đảm bảo thực thi và thúc đẩy tình trạng nhân quyền ở Việt Nam .Tôi tin chắc chắn rằng trong phiên họp sắp tới, là phiên họp về “Đối thoại Nhân quyền” Mỹ-Việt thường niên có thể dự kiến sẽ diễn ra trong tháng Tư năm nay thì hai quốc gia sẽ bắt đầu nói chuyện với nhau cụ thể để có thể có một chương trình hành động chung để làm sao tình trạng nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện tốt đẹp hơn.”
Đài RFA ghi nhận tại Việt Nam, giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là thân nhân của các tù nhân lương tâm hân hoan đón nhận thông báo mới nhất về chính sách ngoại giao của Chính quyền Tổng thống Joe Biden là đặt nhân quyền làm trọng tâm.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân chính trị Trương Minh Đức, vào tối ngày 25/2, chia sẻ với RFA:
“Đương nhiên mong muốn được Chính phủ Mỹ quan tâm vấn đề nhân quyền để lên tiếng và tranh đấu cho các anh em ở trong tù. Chẳng hạn như được Chính phủ Mỹ cho đại sứ quán hoặc các nhà báo và những nhân viên làm việc ở Việt Nam có thể đến các trại giam để thăm những tù nhân lương tâm một chút, một lần thôi. Như thế thì các tù nhân lương tâm Việt Nam cũng cảm thấy được quan tâm và hạnh phúc bởi vì mình yêu quê hương đất nước, nên mới hy sinh bản thân mà bị tù đày.”
Vợ của tù nhân chính trị-ký giả Trương Minh Đức bày tỏ thêm về sự trông đợi của họ vào Chính phủ Mỹ và chính phủ các nước phương Tây, thông qua các đại sứ quán, giúp đỡ cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
“Tôi cũng mong các đại sứ quán quan tâm đến đời sống của các tù nhân lương tâm trong trại giam như việc ăn uống, vệ sinh trong môi trường sống khắc nghiệt về thời tiết, cuộc sống và cả về những người cai tù. Nếu được sự quan tâm về vấn đề nhân quyền mà các tù nhân lương tâm được như thế thì rất quý và rất mong ước. Những người vợ của tù nhân lương tâm như chúng tôi mong mỏi điều đó nhất.”
Ảnh chụp màn hình thông cáo báo chí hôm 24/2/2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. RFA
Không kỳ vọng nhiều vào chính sách ngoại giao mới của Hoa Kỳ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong thông cáo báo chí phổ biến hôm 24/2, cho biết Mỹ dự định tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong năm 2022. Đồng thời, khẳng định rằng quyết định trở lại với tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hoa Kỳ sẽ sát cánh với đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tổ chức quan trọng này hoạt động đúng mục đích, với quyết tâm lắng nghe, học hỏi và cùng nỗ lực để hướng tới một thế giới tôn trọng nhân quyền.
Trước đó trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 8/2, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Tổng thống Joe Biden vừa chỉ thị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên kết lại ngay lập tức và mạnh mẽ với Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Vào thời điểm đó, TS. Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Điều hành của tổ chức BPSOS, một tổ chức vận động động cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, ghi nhận với RFA:
“Ông Tổng thống Trump rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ là tại vì ông phản đối khi có những chế độ gọi là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ngay trong Hội đồng Nhân quyền LHQ. Điều đó rất đáng tiếc. Đáng tiếc là vì có những chế độ như vậy, chính quyền như vậy ở trong Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tuy nhiên, khi Mỹ rút ra thì không còn ảnh hưởng nữa và tha hồ cho những chế độ ấy cướp đoạt những chính sách của LHQ mà không có tiếng nói của Hoa Kỳ. Riêng đối với chúng tôi thì coi như là bị hụt hẫng, không còn biểu tượng từ Chính phủ Hoa Kỳ khi vận động với Hội đồng Nhân quyền LHQ.”
Luật sư Vũ Đức Khanh cũng đề cập đến thông tin Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, vào ngày 22/2 thông báo việc Việt Nam, trong tư cách ứng viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á-ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Do đó, luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng cả Hoa Kỳ và Việt Nam không chỉ hướng tới trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, mà ông cảm thấy lạc quan rằng Hà Nội và Washington sẽ thúc đẩy hơn nữa trong việc làm giảm xuống sự khác biệt về vấn đề nhân quyền giữa hai nước trong thời gian bốn năm của Chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, cựu tù nhân nhân quyền-nhà báo Nguyễn Ngọc Già, từ Việt Nam lại có cái nhìn khác.
“Nếu nói một cách khách quan, vấn đề nhân quyền là vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền gắn với vấn đề bang giao quốc tế. Và vấn đề này được xác lập từ rất lâu, có nghĩa là quan hệ giữa hai quốc gia luôn luôn phải là bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thứ hai nữa, chính sách của tân Tổng thống Biden, vừa rồi ông cũng nói rằng sẽ thực hiện chính sách ‘kiên nhẫn chiến lược đối với Trung cộng’, mà thực tế trong hàng chục năm qua đối với các nhà độc đảng, toàn trị như Tập Cận Bình hay rất nhiều lãnh đạo của CSVN thì vấn đề nhân quyền đối với họ không có giá trị gì. Vì vậy, tôi không trông chờ và tôi không nhìn thấy tình hình được sáng sửa hơn trong tương lai cũng như trong bốn năm trước mắt.”
Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, vào trung tuần tháng 2, đã nói với RFA rằng bản thân ông cùng một số người khác trong giới đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam có lòng tin vào Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ có các biện pháp mạnh hơn đối với Hà Nội như chế tài về kinh tế, hay áp dụng luật Magnitsky đối với quan chức Việt Nam trực tiếp đàn áp nhân quyền khi mà ĐCSVN lãnh đạo tiếp tục mạnh tay đàn áp và bắt bớ giới đấu tranh dân chủ ở trong nước. Thế nhưng,
“Tôi không hy vọng vọng nhiều lắm vào tình hình nhân quyền sẽ được cải thiện trong thời gian ông Biden làm tổng thống. Bởi vì, mục tiêu số một vẫn là tránh để cho Hà Nội không lệ thuộc vào Bắc Kinh. Nếu làm gì căng thẳng quá thì như người Việt Nam thường nói ‘giá néo thì đứt dây”. Nếu như không tế nhị thì Việt Nam quay lại ôm chặt lấy Trung cộng và mục tiêu của Hoa Kỳ ngăn chặn Trung cộng bành trướng và tranh giành ngôi vị số một thế giới sẽ bị ảnh hưởng.”
RFA (25.02.2021)