Vaccine từ hãng AstraZeneneca, Johnson & Johnson, và vaccine của Nga chống virus corona chủng mới bằng một virus khác, khiến giới khoa học quan ngại rằng các vaccine này có thể mất khả năng nếu cần phải chủng ngừa hàng năm để chống lại biến thể mới của COVID.
Các liều vaccine vector virus sử dụng virus đã được điều chỉnh vô hại làm công cụ để chuyển thông tin di truyền giúp cơ thể con người tạo ra miễn nhiễm chống lại sự lây nhiễm trong tương lai. Một số nhà phát triển vaccine của Trung Quốc cũng dùng phương pháp này.
Tuy nhiên, có một rủi ro là cơ thể con người cũng phát triển miễn nhiễm chống lại vector, nhận dạng vector như một vật thể ‘ngoại xâm’ và tìm cách hủy diệt vector.
Hầu hết các công ty sản xuất vaccine vector chọn dùng một virus adeno, một loại virus vô hại thuộc dòng gây cảm cúm thông thường.
“Kinh nghiệm với virus adeno trong nhiều năm cho thấy vector có thể bị hệ thống miễn nhiễm ngăn cản sau nhiều lần tiêm,” ông Bodo PLachter, phó giám đốc Viện Virus học tại Đại học Mainz, nói.
Khả năng này đặt vaccine vector vào tình trạng bất lợi so với vaccine mRNA của Pfizer và Moderna, hay các vaccine dùng virus corona hết hoạt động như vaccine của Sinovac hay dùng protein gai trên bề mặt của virus corona như vaccine của Novavax.
Miễn nhiễm vector không phải là một vấn đề mới nhưng được đặc biệt chú ý trong lúc các hãng dược dự đoán có thể cần phải tiêm chủng COVID thường kỳ, giống như chích ngừa cúm hàng năm, để chống lại biến thể của COVID.
Moderna cũng như Pfizer và đối tác BioNTech tuần này tuyên bố đang nghiên cứu các liều vaccine bổ túc nhắm vào những biến thể mới theo thời gian.
Thậm chí nếu như virus không tiến hoá gì đi chăng nữa thì vẫn chưa rõ liệu bộ nhớ miễn nhiễm do vaccine mang lại rốt cuộc có bị phôi phai hay không. Nếu đúng như vậy thì cũng cần phải có những liều tiêm bồi thêm./.
VOA