Seite auswählen

Người dân Miến Điện xuống đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội ở Yangon hôm 22/2/2021  Reuters

Chính trường Miến Điện (Myanmar) đảo chiều và mối liên hệ với Trung cộng

Sau chính biến ngày 1/2, quân đội Miến Điện đã nắm hoàn toàn quyền kiểm soát đất nước. Đây là một sự kiện khá bất ngờ đối với tất cả thế giới.

Thực chất, những cáo buộc “gian lận bầu cử” dường như chỉ là cái cớ để quân đội Miến Điện thực hiện cuộc chính biến. Tuy nhiên, điều quan trọng được dư luận thế giới quan tâm nhất hiện nay là động thái của Trung cộng, đặc biệt là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị đến Miến Điện trong tháng 1 vừa qua, có thể đã trở thành động lực quan trọng cho cuộc chính biến lần này.

Mặc cho phương Tây phản đối, Trung cộng vẫn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ với lý do “không can thiệp vào công việc nội bộ” của nước khác. Báo chí Trung cộng tuyên truyền rằng cuộc đảo chính chỉ là “một sự cải tổ nội các” quan trọng của Miến Điện.

Về mặt công khai, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Miến Điện đã cáo buộc rằng cuộc bầu cử ở Miến Điện tháng 11/2020 là “có gian lận”. Nhưng quân đội Miến Điện sẽ không thể tự tin thực hiện chính biến nếu không được đảm bảo rằng Trung cộng sẽ bảo vệ cho họ trước các lệnh trừng phạt và các nghị quyết lên án của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vốn đang được phương Tây đề xuất. Họ hiểu rằng Trung cộng – nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới – có thể bù đắp cho họ những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt nói trên gây ra. Chắc hẳn đã có một cuộc thảo luận nào đó khiến giới quan chức quân sự Miến Điện tin rằng Trung cộng sẵn sàng đứng về phía Miến Điện. 

Mặc dù, Chính phủ Trung cộng dường như đã có mối quan hệ khá gần gũi với lực lượng dân chủ của bà Aung San Suu Kyi – Cố vấn nhà nước Miến Điện – chứ không phải là với quân đội Miến Điện. Thực tế, quân đội Miến Điện không ủng hộ chủ trương phụ thuộc vào bên ngoài và lựa chọn con đường cô lập với quốc tế. Quân đội Miến Điện phải mất 10 năm mới thích nghi được với nền dân chủ và việc dừng các dự án lớn, được cho là do lo ngại Miến Điện sẽ phụ thuộc nặng nề vào Trung cộng. Thế nhưng, có thể hiện giờ Trung cộng đã nhận được cam kết của người đứng đầu các lực lượng vũ trang Miến Điện về việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa 2 nước nên Bắc Kinh mới “chấp thuận” để quân đội Miến Điện thực hiện cuộc chính biến lần này. Sau này, nếu dự án xây đập do Trung cộng “thầu” vẫn được tiến hành bất chấp sự phản đối của người dân, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy Miến Điện đã chuyển trọng tâm sang Trung cộng.

Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình và Cố vấn quốc gia Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw, Miến Điện, hôm 17/1/2020. Reuters

Không có bằng chứng nào cho thấy Trung cộng đã “khuyên” người đứng đầu các lực lượng vũ trang Miến Điện tiến hành chính biến. Tuy nhiên, có thể quân đội Miến Điện tin rằng họ đã “kéo” được Trung cộng về phía mình và nhận được sự giúp đỡ. Trung cộng hiếm khi bỏ lỡ cơ hội mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Á, nhất là những nơi có nền tảng ảnh hưởng nhất định của Mỹ. Vì thế, nếu Mỹ và đồng minh cố gắng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Miến Điện, Trung cộng sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt tại khu vực và can thiệp vào tình hình nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Bắc Kinh hiện đang lăng xê “hành lang kinh tế” đại quy mô trong khuôn khổ “Con đường tơ lụa”, gồm một đường ống dẫn khí và đường ống dẫn dầu nối Vân Nam với một cảng nước sâu ở Vịnh Bengal. Những công trình quan trọng này giúp đưa dầu khí đến Trung cộng mà không cần đi que eo biển Malacca – vốn là một trọng điểm trong con đường vận chuyển dầu mỏ từ nhiều nơi trên thế giới đến Trung cộng. Tuy nhiên, eo biển Malacca có thể bị Mỹ và phương Tây “khoá chốt”, vì thế, Trung cộng luôn tìm cách thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào tuyến đường qua Malacca này.

 

Làn sóng chống Trung cộng bùng lên

Cuộc đảo chính ở Miến Điện sẽ có nhiều tác động đến khu vực Đông Nam Á. Trước hết, cuộc đảo chính càng đẩy khu vực này đi theo xu hướng “suy thoái” dân chủ, vào lúc mà những quốc gia như Phi Luật Tân, Campuchia, Nam Dương và Thái Lan cũng đang đi bước lùi trên con đường dân chủ hóa. Tình hình tại Miến Điện sẽ khiến Đông Nam Á thêm bất ổn. Thứ nhất, nó sẽ tạo ra một làn sóng di dân mới sang các nước láng giềng. Thứ hai, phiến quân của các sắc tộc thiểu số sẽ lợi dụng tình hình để đẩy mạnh các chiến dịch quân sự, phá vỡ các thỏa thuận ngừng bắn.

Mặc dù quân đội nắm giữ chính quyền thông qua “họng súng”, nhưng đất nước vốn có truyền thống đấu tranh bất khuất này, không muốn trở lại thời kỳ quân phiệt trước đây. Các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính diễn ra ngày càng nhiều tại Miến Điện.

Gần đây, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự tại Miến Điện lại đang chuyển sang mang sắc thái chống Trung cộng. Nhiều đám đông đã tụ tập bên ngoài Tòa Đại sứ Trung cộng tại Yangon và kêu gọi tẩy chay hàng hóa dịch vụ của nước này. Nhiều thông tin được lan truyền, trong đó có tin đồn rằng binh lính Trung cộng đã xâm nhập Miến Điện và phần mềm Trung cộng sẽ được sử dụng để thiết lập “Bức tường lửa Vĩ đại”. Đại sứ Trung cộng tại Miến Điện đang cố gắng bác bỏ những tin đồn này nhưng không thu được nhiều kết quả.   

Hình minh hoạ. Người biểu tình cầm các tấm biểu ngữ phản đối đảo chính của quân đội ở Yagon hôm 24/2/2021. Reuters

Làn sóng chống Trung cộng đã tồn tại lâu đời tại Miến Điện, cả ở cấp độ quốc gia lẫn địa phương, do các cuộc xung đột giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số Trung cộng với các cộng đồng khác. Các dự án đầu tư Trung cộng đã từng là những điểm sáng quan trọng, đặc biệt là dự án Đập Myitsone (dự án bị đình chỉ năm 2011 sau khi tiến trình dân chủ diễn ra). Tuy nhiên, người dân địa phương liên tục lên án việc cưỡng chế di dời và các tác động môi trường liên quan đến những dự án này. Ngược lại, Bắc Kinh luôn mong muốn được tái khởi động các dự án đầu tư đang bị đình trệ.

Trên thực tế, làn sóng chống Trung cộng cũng đang tăng cao trên khắp Đông Nam Á. Rất nhiều người trẻ nhìn thấy sự tương đồng giữa cuộc biểu tình Hong Kong năm 2019 và sự phản kháng của họ đối với chính quyền độc tài của Trung cộng. Điều này đã tạo ra cái gọi là Liên minh Trà Sữa của những nhà hoạt động trực tuyến. Chính chủ nghĩa độc tài của Trung cộng và sự bất mãn của người dân các nước đối với với kẻ hiếu chiến bên ngoài đã góp phần củng cố sự đoàn kết của các phong trào chống độc tài. Tuy vậy, sự nguy hiểm thể hiện đằng sau những phong trào chống độc tài này chính là việc giới cầm quyền trong nước và giới siêu giàu sẵn sàng quy thuận Trung cộng để đổi lấy lợi ích cá nhân.

 

Câu chuyện của Việt Nam

Tất cả những vấn đề này đều tác động đến Việt Nam không ít. Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam đã tăng cường việc tập trung bắt bớ, đàn áp những người bất đồng chính kiến, thậm chí cả những người nông dân. Với sự thụt lùi của phong trào dân chủ của Đông Nam Á, chính quyền Việt Nam dường như đang được cổ vũ cho sự cai trị mang màu sắc độc tài của mình. Đã có nhiều tiếng nói kêu gọi nếu chính quyền Việt Nam muốn thoát khỏi sự lệ thuộc từ Trung cộng thì Việt Nam cần phải đi theo con đường dân chủ hoá. Dân chủ hoá để có thể hạn chế và chống lại nạn tham nhũng, đồng thời phát huy được sức mạnh từ nhân dân. Nhưng dường như chính quyền Việt Nam đã bỏ ngoài tai tất cả các lời kêu gọi như vậy.

Nhiều người dân tỏ ra bất mãn trước việc các lãnh đạo Việt Nam chỉ lo chia ghế, giành giật nhau các vị trí quan trọng để thủ lợi cá nhân, mà không lo tới vận mệnh hay an nguy của đất nước, của dân tộc. Đại hội Đảng 13 đã xong, nhưng dường như những người nắm giữ vị trí “Tứ trụ” ngoài chức Tổng bí thư ra vẫn còn là ẩn số. Điều này được giải thích là các phe phái vẫn chưa thoả hiệp được với nhau về các vị trí này.

Ngoài ra, các “đại gia” nắm giữ rất nhiều nguồn lực của đất nước, với sự chống lưng của các quan chức cao cấp. Dư luận Hà Nội râm ran cho biết tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết có sự “chống lưng” từ Trung cộng. Tập đoàn này kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có cả ngành hàng không dân dụng. Phía Nam, nhiều người không lạ khi hầu hết các “đất vàng” nằm trong khu vực trung tâm Sài Gòn đều bị công ty bất động sản Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan thâu tóm. Vấn đề là bà Trương Mỹ Lan lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để có thể mua hàng loạt bất động sản “khủng” như vậy? Chưa kể sự thâu tóm “đất vàng” của bà Trương Mỹ Lan có sự tiếp tay rất lớn của “Bố già” Lê Thanh Hải – Cựu Bí thư thành uỷ, Uỷ viên Bộ chính trị.

Những mối quan hệ ngầm đầy phức tạp giữa các “đại gia” với các “bố già” chính trị như vậy khiến cho chính trường Việt Nam dễ bị chi phối rất lớn bởi các “thế lực ngoại bang”. Và nếu giả sử có sự đối đầu với Trung cộng thì chính các “đại gia” này lẫn các “bố già” sẽ là lực lượng muốn “quy hàng” Trung cộng đầu tiên để giữ các lợi ích cá nhân của họ.

Và vì thế, sự bất ổn từ Miến Điện cũng sẽ có thể là tương lai của Việt Nam nếu chính quyền Việt Nam không đưa nền chính trị đất nước theo xu hướng dân chủ hoá.

Theo RFA (26.02.2021)