Seite auswählen

Đỗ Ngà

27-2-2021

Một chính quyền cần phải phân biệt điều đơn giản thế này, ở trong nước Việt Nam thì áp dụng luật pháp Việt Nam, khi va chạm Quốc Tế thì áp dụng luật pháp quốc tế, khi đến một quốc gia khác thì tuân thủ luật pháp nước đó.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh là một phép thử đối với ông Nguyễn Phú Trọng và bộ máy chính quyền Cộng sản về thái độ với luật pháp. Và thực tế cho thấy cả ông Nguyễn Phú Trọng và bộ máy chính quyền CS không hề biết tuân thủ luật pháp.

Ông Trịnh Xuân Thanh vi phạm luật pháp Việt Nam. Nếu ông Thanh trốn ở Việt Nam thì chính quyền CS dùng luật pháp của họ để bắt giữ, điều đó là đúng. Nhưng khi Trịnh Xuân Thanh trốn ở Đức, thì vấn đề là không thể dùng luật pháp Việt Nam để bắt giữ ông Thanh, mà phải dùng những thỏa thuận giữa Việt Nam và Đức để nhờ phía Đức bắt giữ ông Thanh.

Chính quyền CS Việt Nam không có quyền gì trên lãnh thổ Đức cả. Lãnh thổ Cộng Hòa Liên Bang Đức là nơi mà nhà nước này sử dụng luật pháp của họ để quản lý. Ông Trịnh Xuân Thanh là tội phạm nhà nước CS Việt Nam chứ không phải là tội phạm của Đức, nên Đức sẽ không bắt nếu họ không được phía CS Việt Nam nhờ họ. Ngược lại, chính quyền CS Việt Nam đã cử 12 công an sang Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thì 12 người đó là tội phạm đối với nhà nước Đức chứ không phải Trịnh Xuân Thanh. Nó rõ ràng như vậy.

Tuy nhiên hành động bắt cóc nghiêm trọng một, hành động thách đố nhà nước CHLB Đức là nghiêm trọng đến mười. Chính quyền CS sau đó lại công khai tặng huân chương cho 12 kẻ bắt cóc thì khác nào hành động thách đố?! “Tao vừa chủ mưu vừa cổ súy cho hành động phạm pháp trên đất nước mày á, làm gì tao?”. Đấy! Ông Trọng đã ngụ ý với phía Đức như thế. Một hành động không thể chấp nhận được.

Qua hành động bắt cóc này, rõ ràng nhà nước CS Việt Nam mà đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng không phân biệt được làm gì là hợp pháp, làm gì là phạm pháp. Họ chỉ quen thói muốn bắt ai thì bắt mà không cần quan tâm đến luật pháp quy định gì. Tại đất nước Việt Nam, CS Việt Nam chà đạp lên luật pháp Việt Nam thì chính quyền Đức không quan tâm làm gì, nhưng tại Đức mà chính quyền Hà Nội lại sang tận Đức để chà đạp luật pháp Đức rồi sau đó thách đố thì đấy có phải là hành động của một nhà nước không? Hay là thổ phỉ? Hay là mafia?

Trả lời hãng thông tấn Đức PDA ngày 23/2 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng – Phát ngôn viên Bộ ngoại giao CS Việt Nam đã đáp như sau “Vụ án Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật đã được đưa ra xét xử công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Trịnh Xuân Thanh đang trong quá trình thi hành án theo như bản án, phán quyết của tòa án”.

Ơ hay? Hãng thông tấn của Đức hỏi “CS bọn mầy có phạm pháp trên nước Đức của tao không?” thì bà kia lại trả lời “Trịnh Xuân Thanh vi phạm luật pháp Việt Nam của tao”. Ông hỏi gà, bà nói vịt, một kiểu trả lời trớt quớt.

Câu hỏi đặt ra là liệu rằng bà Lê Thị Thu Hằng không hiểu ý của hãng thông tấn PDA hay bà này cố tình nói ngang nói ngược với phía kia để tiếp tục thách đố? Không thể có chuyện bà Hằng không hiểu ý người ta được mà chỉ có thể là bà này đã trả lời kiểu ngang ngược theo đúng chỉ đạo của đảng mà thôi. Ngụ ý là: “Mầy hỏi một đằng thì tao trả lời một nẻo đấy, làm gì nhau?”. Đấy là một dạng vừa thách đố vừa kinh thường người ta.

Đưa người đến đất nước người ta phạm pháp rồi về nhà khen thưởng đám phạm pháp đó để thách thức. Khi người ta hỏi về việc phạm pháp thì giả điên nói xàm tỏ thái độ khinh thường người ta. Một nhà nước có tinh thần như thế thì Việt Nam có pháp quyền được không?

Câu hỏi cũng là câu trả lời. Và thực tế ai cũng thấy, đợi CS mà biết thượng tôn pháp luật thì thà đợi trời sập còn dễ hơn. Thói vô pháp là thái độ lưu manh là 2 đặc tính không thể thiếu của chế độ này. Cộng sản là thế đấy, 100 triệu dân làm gì được nó?!

______

Tham khảo: Quanh tin Việt Nam vinh danh 12 cán bộ an ninh ‘vì vụ bắt cóc ở Đức’