Seite auswählen
Tổng thống Nga Vladimir Putin chờ họp trực tuyến với thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 30/12/2020.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chờ họp trực tuyến với thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 30/12/2020. AP – Mikhail Klimentyev
Thùy Dương

Vụ nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc, bị bắt giam sau đợt trị bệnh từ Đức trở về nước, rồi bị kết án hơn 2 năm rưỡi tù giam liệu có phải là dịp để một số lãnh đạo Tây phương nâng cao nhận thức về thực trạng chế độ Vladimir Putin ?

Đối với tác giả bài viết, tuyên bố của lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell sau chuyến thăm Matxcơva, theo đó châu Âu và Nga đang đi theo những con đường khác nhau và Nga không muốn đối thoại, là một nhận định đúng đắn nhưng muộn màng, bởi thực tế đó đã kéo dài nhiều năm, nếu không muốn nói là từ hơn một thập niên nay. RFI lược dịch và giới thiệu bài viết của Nicolas Tenzer dưới dạng hỏi đáp.

Tại sao lần này vụ Navalny lại được Tây phương quan tâm đến vậy ?

Không phải vì vô vàn những lời nói dối không thể che đậy được của chế độ Nga, bởi chúng ta đã chứng kiến những điều đó sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, vụ dùng khí hóa học ở Syria, vụ Nga xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraina, hay âm mưu sát hại Sergei Skripal. Cũng không phải vì đó là một âm mưu ám sát, bởi những vụ sát hại các nhân vật nổi tiếng ở Nga trước đây chỉ gây phản ứng bằng 1/10 so với vụ Navalny.

Lý do chính là nhà đối lập Alexei Navalny biết cách hô hào hàng triệu người Nga gia nhập cuộc chiến chống tham nhũng, mà cho dù không thể hạ bệ được Vladimir Putin, nhưng cũng có thể khiến ông ta chao đảo và biến ông ta thành trò hề trước công chúng. Có thể một số nhà lãnh đạo Tây phương cuối cùng cũng ý thức được rằng Putin không phải là hiện thân của nước Nga.

 

Liệu sự thay đổi có thể diễn ra ở nước Nga ?

Không nên ảo tưởng về điều đó : Tầm mức hệ thống trấn áp của Putin và sự kiểm soát hoàn toàn quy trình bầu cử cho thấy hầu như không có chuyện Putin sụp đổ dưới áp lực của phong trào đấu tranh đường phố, mặc dù điểm tín nhiệm của ông đã giảm. Ông Putin vẫn sở hữu nhiều phương tiện an ninh để có thể tiếp tục nắm quyền không giới hạn.

Tương tự, các viễn cảnh u ám về dân số, chất xám, khó khăn kinh tế, thảm họa xã hội nhất là nạn đói nghèo gia tăng và sự suy sụp của hệ thống y tế cũng không thể ngăn cản Vladimir Putin tiếp tục nắm quyền đến năm 2036 nếu ông ta có đủ sức khỏe.

Cuối cùng, rất khó để một chế độ như vậy có thể hướng tới dân chủ và minh bạch. Có quá nhiều người, nhất là ở thượng tầng chóp bu, hưởng lợi nhờ duy trì được hệ thống đó. Họ sẽ mất hết nếu nước Nga có nền tư pháp độc lập có thể đưa ra ánh sáng các vụ đàn áp và làm giàu bất chính.

Phản ứng của các nước phương Tây đã đủ mạnh ?

Nếu muốn chế độ Nga thay đổi, phương Tây, ngoài việc hỗ trợ Ukraina và người dân Belarus, trước hết cần trừng phạt triệt để hơn nhiều các nhân vật thân cận với Putin, bởi nếu chế độ gây hại tới lợi ích của họ, thì họ có thể từ bỏ chế độ đó dễ dàng hơn.

Cuộc xâm lược một phần Donbass của Ukraina và sáp nhập Crimée là những sự kiện đáng lo ngại. Nhưng sự can thiệp của các lực lượng Nga vào Syria từ mùa thu năm 2015 khẳng định rằng một cường quốc thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc có thể phạm tội ác chiến tranh trên quy mô lớn, vì thế các nền dân chủ có thể kiện những người chịu trách nhiệm ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.

Tương tự như vậy, với 16 lần phủ quyết, thường là với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Nga đã cản trở hoạt động cứu trợ nhân đạo độc lập cho người tị nạn Syria, cũng như ngăn cản việc lên án tội ác chống lại nhân loại của chế độ Bachar al Assad, góp phần làm xói mòn khái niệm về những tội ác này trong tâm trí của các nhà lãnh đạo và công luận ​​phương Tây. Phương Tây phải cứng rắn hơn với Nga, đồng thời hiểu rõ về những sai lầm trước đây của mình, nhất là trong hồ sơ Syria.

Hiện giờ, trong vụ Navalny, các cáo buộc và biện pháp trừng phạt của phương Tây không khác gì so với các vụ Ukraina hoặc vụ ám sát Skripal. Nhưng đây là lần đầu tiên Liên Âu ra tuyên bố về biện pháp trừng phạt và điều này tạo ra một tiền lệ đáng hoan nghênh. Nhiều người cũng cho rằng với các phát biểu sau chuyến thăm Nga, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã có những bước tiến xa hơn so với các quan chức châu Âu trước đây.

Về phần mình, với những từ ngữ rõ ràng nhất, tổng thống Mỹ Joe Biden đã công nhận chế độ Putin là một mối nguy hiểm tổng thể, và cho dù các biện pháp trừng phạt đầu tiên mà tổng thống Mỹ đưa ra còn khá hạn chế, nhưng các nước khác cũng có thể làm theo.  

Tuy nhiên, kết quả vẫn phải được thể hiện bằng hành động : Đức vẫn chưa từ bỏ hệ thống đường ống dẫn khí ga Nordstream 2, dù các bên đều nhận thấy mối nguy hiểm đối với Liên Âu cũng như Ukraina và lợi thế chiến lược mà việc vận hành đường ống sẽ mang lại cho Matxcơva, đồng thời cung cấp thêm nguồn lực cho Nga để Matxcơva tài trợ cho các hành động tấn công và tuyên truyền ra bên ngoài. Với đa số áp đảo, Nghị Viện Châu Âu đã kêu gọi ngưng dự án. Tuy nhiên, phần còn lại của Liên Hiệp đã đã không hợp tác để buộc Đức làm như vậy.

Liên Âu cũng không đưa ra một cơ chế nào để phong tỏa hoặc thậm chí thu giữ tài sản của các nhà tài phiệt Nga và những nhân vật khác trong giới guồng máy của Putin. Đó là chưa kể một số nước châu Âu vẫn có sự lơi lỏng nhất định đối với người có liên hệ với điện Kremlin và không điều tra các mạng lưới tham nhũng liên quan đến điện Kremlin. Khó có thể phủ nhận là sự nhận thức không hoàn hảo về bản chất mối đe dọa từ Matxcơva và mức độ thâm nhập sâu rộng của chế độ Nga trong một bộ phận giới tinh hoa châu Âu giải thích phần nào sự miễn cưỡng hành động của phương Tây.

Những lý do khiến Tây phương phản ứng yếu ớt trước Nga ?

Thứ nhất là hành vi hối lộ trong giới thân cận với giới cầm quyền ở một số nước phương Tây không phải lúc nào cũng có thể bị luật pháp trừng phạt : Làm việc cho một doanh nghiệp Nga, nhận thù lao từ các công ty thân cận với giới quyền lực của Nga cho những hoạt động gây ảnh hưởng cũng không hẳn là phi pháp, trừ khi người có liên quan là công chức nhà nước. Ngay cả trong luật pháp của Pháp, ranh giới giữa vận động hành lang, tư vấn và buôn bán ảnh hưởng đôi khi cũng rất khó hiểu.

Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, các trung tâm nghiên cứu tư nhân hoặc các quỹ cũng có thể nhận tiền một cách hợp pháp từ một thế lực nước ngoài mà không cần phải tiết lộ thông tin. Mặc dù các nhà báo châu Âu nói chung phải tuân thủ quy tắc đạo đức là không nhận tiền mà không tiết lộ nguồn gốc, nhưng không phải lúc nào cũng dễ thực thi quy định đó. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia châu Âu dường như vẫn không muốn thắt chặt các đạo luật, yêu cầu sự minh bạch tuyệt đối hoặc mở điều tra.

Lý do thứ hai là cố vấn của các nhà lãnh đạo không hiểu rõ bản chất của chế độ Nga – chính quyền Biden là một ngoại lệ đáng chú ý. Họ dựa trên cái nhìn lãng mạn về nước Nga thông qua dữ liệu lịch sử, địa lý và văn hóa, chứ không phải dựa trên phân tích chính trị, dẫn đến những nỗ lực tái can dự đầy mạo hiểm, mà hệ quả đầu tiên là làm suy yếu, gây chia rẽ và từ đó đe dọa châu Âu.

Lý do thứ ba là phương pháp ngoại giao hiện nay khiến một số lãnh đạo tách rời các chủ đề. Ông Borrell nói rằng châu Âu có thể cứng rắn với Nga về những vụ vi phạm các quyền cơ bản và các mối đe dọa của Matxcơva đối với châu Âu, nhưng đồng thời có thể tiếp tục hợp tác chẳng hạn như về môi trường và y tế. Tuy nhiên, đối với một chế độ độc tài quen tuyên truyền, thì làm như vậy lại là trao tặng vũ khí cho họ, làm giảm cái nhìn của dư luận về mức độ, tầm mức tội ác của họ, đồng thời khiến phương Tây rơi vào tình thế lệ thuộc./.

RFI