- TS Nguyễn Phương Mai
- Gửi tới BBC từ Amsterdam, Hà Lan
Những ngày này, Myanmar (Miến Điện) trở thành tâm điểm của các bản tin thế giới. Quân đội không chấp nhận đảng phái họ chống lưng thua đậm trong cuộc bầu cử. Họ đảo chính, bắt giam bà Aung San Suu Kyi cùng hàng trăm quan chức khác. Hàng loạt các cuộc biểu tình bùng nổ, nhiều nơi dẫn đầu là các vị sư. Tại Myanmar, sự tham gia của giới sư sãi không đơn thuần chỉ là với tư cách người dân phản kháng.
Mục lục
Thông điệp thiện lành của tôn giáo
Khi mùa xuân Ả Rập vẫn còn diễn ra trên khắp Trung Đông, tôi dành gần một năm để đi đến từng đất nước, phỏng vấn và nghiên cứu về đề tài Hồi giáo chính trị (political Islam). Trong một xã hội mà “không-theo-đạo” dễ bị hiểu nhầm là “vô-đạo-đức”, tôi buộc phải tìm câu trả lời an toàn nhất cho câu hỏi “chị theo tôn giáo nào?”. Khi tôi chia sẻ rằng mình đến từ một đất nước nhiều người theo Phật giáo, điều tôi nhận được luôn là một nụ cười. Chả mấy ai biết về Phật giáo, nhưng tôn giáo này khiến họ cảm thấy an tâm, tin tưởng, không cần đề phòng. Đơn giản vì Phật giáo đồng nghĩa với phi bạo lực.
Tuy nhiên, Hồi giáo, tên dịch đúng nghĩa từ tiếng Ả Rập là Islam, thậm chí còn gắn với tâm thế “phi bạo lực” hơn bất kỳ một tôn giáo nào khác. Islam ngoài ý “phục tùng Chúa Trời” còn có nghĩa là “hoà bình”. Khi chào nhau, người nói tiếng Ả Rập sẽ chia sẻ phước lành với câu: “As-salama-alaykum”, tức là: “An yên sẽ ở bên bạn”. Trong đạo Thiên Chúa, thông điệp chính của Jesus cũng là thông điệp yêu thương, nếu bị tát má phải thì chìa má trái.
Nhưng bạo lực luôn là một phần giải pháp trong sự sinh tồn của loài người, và nó không loại trừ bất kỳ một tôn giáo nào. Những tín đồ thiện lành nhất vẫn có thể suy nghĩ và hành động ngược lại với đức tin tôn giáo của mình, kể cả trong Hồi giáo, Thiên Chúa giáo lẫn Phật giáo. Một trong những nguyên nhân lớn nhất, một trong những mảnh đất màu mỡ nhất để bạo lực phát tán, đó là khi tôn giáo hoà nhập với chính trị và trở thành một công cụ của quyền lực.
Chính trị Phật giáo tại Myanmar
Gốc rễ của chính trị Phật giáo và chủ nghĩa dân tộc Phật giáo tại Myanmar bắt nguồn từ tàn dư của chế độ thuộc địa từ cách đây 200 năm. Khi nằm dưới sự cai trị của Anh, Myanmar trở thành một tỉnh của Ấn Độ, cũng là thuộc địa Anh khi đó. Chính quyền thuộc địa phân công lại lao động, đưa hàng loạt người Ấn tới đây để phát triển kinh tế, biến Myanmar trở thành một trong những đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa là kẻ hưởng lợi lớn nhất từ phát triển kinh tế. Với người Myanmar, sự bất công cộng thêm bất an ngày càng tăng. Họ coi người Ấn Độ với hai thứ tôn giáo khác lạ (Hindu và Hồi giáo) trở thành mối đe doạ với văn hoá tín ngưỡng của dân tộc. Những nhà sư đi đầu trong phong trào chống thuộc địa có tên là Thakin – tức là Master (ông/bà chủ). Đây là cách mà người Myanmar phải gọi người của chính quyền thuộc địa. Thông điệp khi đó là: Chúng tôi muốn là chủ vận mệnh của chính mình. Khẩu hiệu của họ coi Phật giáo đồng nghĩa với dân tộc: “Là người Miến Điện tức là người Phật tử”.
Trong suốt 50 năm đất nước bị cô lập và thống trị bởi quân đội, các nhà sư Myanmar đã lãnh đạo nhiều cuộc biểu tình. Họ là yếu tố then chốt khiến đất nước thoát khỏi chế độ độc tài trong cuộc cách mạng nhung với 80.000 nhà sư biểu tình năm 2007.
Điều này đã góp phần khiến chế độ quân phiệt chuyển hoá vài năm sau đó, khi bà Aung San Suu Kyi được thả và trở thành lãnh đạo. Thời kỳ tiền dân chủ từ năm 2011 đem lại cho các nhà sư nhiều quyền lực ảnh hưởng xã hội hơn với các hội đoàn có sức tuyên truyền vô cùng mạnh mẽ. Họ trở thành những nhà chính trị trong chiếc áo cà sa.
Giờ đây, khi Myanmar đang đối mặt với việc quay trở lại thời kỳ độc tài quân phiệt, họ tiếp tục hành động. Điều đáng nói là chỉ cách đó mấy ngày, giới nhà sư vẫn xuống đường ủng hộ quân đội. Họ cầm biểu ngữ tôn vinh quân đội đã mạnh tay với người Muslim, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, khi quân đội đảo chính, họ hiểu rằng chế độ quân phiệt cũng có nghĩa là sự quay lại thời kỳ Phật giáo bị bó buộc.
Nói cách khác, chính trị Phật giáo về gốc rễ là vấn đề quyền lực. Họ ủng hộ quân đội khi muốn loại bỏ đạo Hồi, nhưng sẽ chống lại quân đội khi quyền lực của chính họ bị quân đội hạn chế.
Bạo lực trên danh nghĩa Phật giáo
Trong 10 năm thời kỳ tiền dân chủ tại Myanmar (2011-2020), giới nhà sư chính trị và quân đội sống dựa vào nhau. Quân đội đàn áp người Hồi để Phật giáo ngày càng thống trị. Trong khi đó, các nhà sư làm chính trị ban cho quân đội sự công nhận và tính chính danh mang tinh thần tôn giáo để hợp thức hoá các chính sách đàn áp người Hồi.
Cụ thể hơn, phong trào MaBaTha lãnh đạo bởi một nhóm các nhà sư bị rất nhiều cáo buộc về kích động bạo lực với người Hồi. Với nhiều tông bậc khác nhau, họ tác động lên xã hội bằng nhiều cách: Họ im lặng trước các cuộc thảm sát người Hồi; họ tham gia biểu tình phản đối người Hồi; họ lập hội đoàn ủng hộ quân đội mạnh tay với người Hồi; họ truyền giảng kích động tâm lý thù ghét người Hồi; họ kêu gọi không mua bán, làm ăn, kết bạn, kết hôn với người Hồi; và đỉnh điểm là bí mật hoặc công khai tham gia vào hành vi bạo lực với người Hồi.
Năm 2017, nhà sư Sitagu Sayadaw truyền giảng trước một tập thể sĩ quan quân đội. Dùng một đoạn kinh trong Phật giáo, ông khẳng định rằng, vì dân Rohingya không hẳn là người theo đúng nghĩa (not fully human) nên bạo lực với họ là điều có thể chấp nhận được.
Đoạn kinh này trích trong kinh Mahavamsa có tên là “Chiến thắng của Dutthagamani”. Sau chiến thắng, vị vua này trăn trở vì mình đã giết hại quá nhiều sinh linh. Tám vị la hán đã nói với ông rằng: kẻ bị giết không phải là Phật tử, chỉ đáng là một nửa con người, và vì thế, hành động bạo lực của nhà vua không hẳn là giết người.
Một nhà sư nổi tiếng khác tên là Ashin Wirathu cho rằng các thánh đường Hồi giáo là căn cứ địa của quân thù. Khi một nhà hoạt động người Hồi tên là Ko Ni bị ám sát, Wirathu đã công khai lên tiếng cảm ơn kẻ sát nhân. Với phong trào 969, nhà sư này không ngại ngần tự nhận mình chính là Bin Laden của Myanmar. Tờ Time năm 2013 đã gọi ông là “Nỗi kinh hoàng Phật giáo” (The Face of Buddhist Terror).
Theo báo cáo của Human Right Watch, các nhà sư chính trị đóng vai trò then chốt trong rất nhiều cuộc thảm sát và ép buộc di dân của hàng trăm nghìn người Rohinga. Myanmar hiện vẫn đang đối mặt với vụ kiện ra toà quốc tế về tội diệt chủng.
Như vậy, Phật giáo dù nổi tiếng là một tôn giáo hoà bình, vẫn có thể bị một số ít tín đồ cực đoan lợi dụng để giải thích và biện minh cho bạo lực. Một trong những cuốn sách về bạo lực trong Phật giáo có tên là Zen at War của tác giả Brian Victoria – cũng đồng thời là một thiền sư. Cuốn sách nghiên cứu về ảnh hưởng của Phật giáo dòng Zen trong các hành động bạo lực vũ trang của quân đội Nhật, bao gồm cả bạo lực với chính bản thân mình và hành động cảm tử khi giết kẻ thù.
Trong những ngày này, bạo lực của quân đội với các cuộc biểu tình đã dẫn tới 60 người thiệt mạng. Ba nhà sư đã bị quân đội bắt giữ. Đối mặt với bạo lực xảy ra với chính Phật tử chứ không phải người Hồi, dư luận quốc tế đang quan sát một cuộc chuyển mình khi các nhà sư chính trị đang đổi màu cho quân đội từ bạn sang thù.
Bạo lực ở Myanmar cho chúng ta thấy rằng, một mạng người không bao giờ là tuyệt đối bình đẳng. Điều này đúng cả với một tôn giáo mà cốt lõi là sự thương yêu muôn vạn chúng sinh như đạo Phật.
Bạo lực ở Myanmar cũng cho chúng ta thấy rằng, quyền lực là sức cám dỗ vô song. Với một tôn giáo mà khái niệm bản thân (self) thậm chí còn không tồn tại, nhưng khái niệm đối kháng cộng đồng ta-địch (us-them) vẫn đủ mạnh mẽ để đến thánh kinh cũng có thể bị bẻ cong, và áo cà sa cũng có thể vấy máu.
* PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.