Những gương mặt trẻ tuổi đang dẫn đầu các phong trào đấu tranh dân chủ ở khắp nơi.
Tôi biết đến Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) lần đầu tiên qua các bản tin quốc tế khi Phong trào Dù vàng (Umbrella Movement) diễn ra tại Hong Kong vào năm 2014. Lúc đó, tôi là sinh viên năm hai của một trường đại học ở trong nước.
Khi thấy dáng dấp nhỏ thó cùng đôi kính cận của Joshua giữa hàng vạn người đổ ra đường hô vang khẩu hiệu, mà trong đó không thiếu khuôn mặt của những bạn sinh viên bằng tuổi, thậm chí của những bạn học sinh cấp hai nhỏ hơn nhiều, tôi đã có nhiều suy nghĩ lẫn lộn.
Phản ứng đầu tiên của tôi là thắc mắc, tại sao họ lại đi biểu tình, sau đến tò mò, các bạn ấy biểu tình cho cái gì, và cuối cùng là tự chất vấn, vì sao mình không được phép làm điều tương tự?
Phong trào Dù vàng tại Hong Kong năm ấy đã mở cánh cửa đưa tôi đến một thế giới rộng mở. Trong thế giới lạ lẫm đó, các bạn trẻ như Joshua Wong, Agnes Chow, hay Nathan Law dường như đang sống trong một thực tại rất khác so với đất nước tôi đang sống. Tại đó, họ được tự do tham gia các hoạt động chính trị, tự do biểu tình, hay lên tiếng về không gian tự do học thuật Hong Kong đang ngày càng bị Bắc Kinh bóp nghẹt.
Tôi học được nhiều điều hơn về thế giới mới mẻ của các bạn trẻ này qua “Unfree speech”, quyển sách tiếng Anh đầu tay của Joshua Wong, xuất bản vào năm 2020.
Làm chuyện lớn, nhưng vẫn là những đứa trẻ
Cuốn sách có tên đầy đủ là “Unfree speech: The threat to global democracy and why we must act, now” (Tiếng nói không tự do: Mối đe dọa đối với nền dân chủ toàn cầu và vì sao chúng ta phải hành động, ngay bây giờ).
Tựa đề “hoành tráng” và “ghê gớm” như vậy, nhưng phần lớn quyển sách là những tự sự rất bình dị và gần gũi của một cậu thanh niên mới lớn. Vào thời điểm bị bắt đi tù lần đầu tiên, tháng 8/2017, Joshua vẫn chưa tròn 20 tuổi.
Cuốn sách được Joshua thai nghén và thực hiện từ những ngày bị giam đó. Những lá thư viết trong trại giam được đưa vào trong sách. Các ghi chép chia sẻ về bối cảnh của gia đình và bản thân cậu, đặt trong lịch sử đầy biến động của Hong Kong, giúp người đọc cảm nhận được suy nghĩ của những đứa trẻ thuộc thế hệ của Joshua. Hành trình đấu tranh, từ những hoạt động đầu tiên khi vẫn còn ngồi ghế trường cấp hai, cho đến việc bỗng nhiên trở thành gương mặt được cả thế giới quan tâm, cũng được tái hiện sinh động trong sách.
“Unfree speech” không phải là một cuốn sách rêu rao rằng nền dân chủ tốt thế nào, hay chúng ta phải đi biểu tình ra làm sao. Thay vào đó, nó chứa đựng những tâm tư của một nhà hoạt động trẻ trong suốt quá trình đấu tranh nhằm đòi quyền tự chủ cho người Hong Kong.
Khác với tưởng tượng của nhiều người về một nhà hoạt động, tôi tìm thấy hình ảnh bình dị về Joshua qua các trang sách. Trong thời gian ở trung tâm cải huấn, Joshua Wong nói rằng cậu nhớ các món ăn mẹ nấu. Cậu còn lên danh sách những quán ăn yêu thích nhất định sẽ đi cùng bạn bè một khi được trả tự do. Vào thời gian rỗi, Joshua thích đọc manga và chơi điện tử trên máy Nintendo của mình.
Là một đứa trẻ làm những chuyện “động trời” mà nhiều người lớn chung quanh cả đời không dám nghĩ tới, Joshua phải đối mặt với không ít cái nhìn méo mó thiếu thiện cảm.
Giống như nhiều người đấu tranh dân chủ khác, cậu cũng thường xuyên bị chụp cho chiếc mũ “tay sai của ngoại bang”. Một trong những câu hỏi mà Joshua nghe được nhiều nhất là “người ta trả cậu bao nhiêu tiền để đi biểu tình?”.
Đáp lại những lời kích động chụp mũ đó, Joshua chỉ cười và trả lời, “ước gì tôi được trả tiền để làm những chuyện này”.
Là những đứa trẻ, nhưng vẫn quyết tâm làm chuyện lớn
Chương “Những người lớn đâu rồi?” (Where are the adults?) có lẽ là phần gần gũi nhất với người đọc Việt Nam, nhất là vào thời điểm hiện tại.
Đây là phần nói về Phong trào Dù vàng, mà từ đó những bạn trẻ như Joshua được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
Cuộc biểu tình lớn này ban đầu được các nhà hoạt động lão làng của Hong Kong lên kế hoạch, nhằm đáp trả việc Bắc Kinh lật mặt, không giữ lời hứa cho người Hong Kong tự bầu ra lãnh đạo chính quyền đặc khu. Trong khi những người lớn vẫn còn loay hoay với việc lên kế hoạch và tập dượt, các bạn trẻ như Joshua đã tập trung lại và dẫn đầu phong trào.
Họ tuần hành ôn hòa suốt nhiều tuần lễ trên các tuyến phố chính, sau đó chiếm lấy các địa điểm này để cắm trại bày tỏ sự phản đối. Khi cảnh sát dùng vũ lực trấn áp những bạn trẻ trong tay chỉ có chiếc dù vàng chống đỡ, người Hong Kong nhất loạt đứng ra tiếp sức.
Phong trào Dù vàng không chỉ gây ra tiếng vang với thế giới. Nó còn là lần đầu tiên người Hong Kong chứng kiến một phong trào đấu tranh dân chủ với sự tham gia của tất cả mọi giới.
Già trẻ lớn bé đều ra mặt. Nhân viên công sở tranh thủ giờ nghỉ trưa xuất hiện để đóng góp tiền ủng hộ. Các phụ huynh và người lớn tuổi thay phiên nhau trông coi các điểm tập trung nhu yếu phẩm quyên góp. Những lớp học và thư viện dã chiến được dựng lên ngoài đường. Các bạn trẻ cấp hai vẫn còn mặc đồng phục và đeo ba lô làm bài tập dưới sự hướng dẫn của những giảng viên tình nguyện. Nhà vệ sinh nữ công cộng, theo lời của Agnes Chow kể lại cho Joshua, “có mỹ phẩm và đồ chăm sóc da nhiều hơn cả trong siêu thị, và lại còn miễn phí!”.
Mọi thứ bắt đầu khi những người trẻ, trong số đó không ít gương mặt vẫn còn búng ra sữa, quyết tâm làm những việc mà nhiều người lớn không chịu làm.
Khi những người trẻ thổi bùng sự thay đổi, cả xã hội như được truyền cảm hứng và gắn kết lại thành một khối.
Chúng ta có thể thấy điều này xuất hiện ở các cuộc biểu tình của Thái Lan, hay đặc biệt là Myanmar những tuần lễ vừa qua.
Sau vụ đảo chính của quân đội phế truất chính quyền dân sự, sinh viên học sinh của Myanmar là một trong những lực lượng đầu tiên đứng ra tổ chức biểu tình phản kháng.
Phong trào phản đối đến nay đã kéo dài gần ba tuần liên tục, bất kể việc quân đội ngày càng tăng cường đàn áp, cắt đứt mạng Internet, thậm chí dùng vũ lực giết hại một người biểu tình mới chỉ 20 tuổi.
Sinh viên học sinh, bác sĩ y tá, viên chức, công nhân, doanh nhân, diễn viên, ca sĩ, người mẫu, cầu thủ bóng đá, các bà nội trợ… tất cả đều đồng hành lên tiếng phản đối hành động cướp chính quyền của quân đội. Phong trào thậm chí còn gắn kết những người thuộc giới LGBT và cả người sắc tộc thiểu số Rohingya, vốn là các thành phần bị coi là ngoài rìa xã hội tại đất nước này.
Như một công thức được chứng minh trên thực tế, ở bất kỳ nơi nào có bất công áp bức, một khi những người trẻ tuổi dám đứng ra làm chuyện lớn, chống lại các bất công đó, cả xã hội đều được thức tỉnh và tiếp thêm sức mạnh.
Để làm những công dân dân chủ
Bạn đọc Việt Nam có thể sẽ tặc lưỡi chép miệng, đó là chuyện nhà người ta, và những việc như vậy sẽ không bao giờ xảy ra ở đất nước này.
Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh, và sẽ không có công thức đấu tranh chung cho mọi nơi. Nhưng tinh thần chống lại bất công, chống lại cái sai, chống lại cái ác thì có ở mọi chốn và tồn tại trong mỗi người.
Trên thực tế, mọi đứa trẻ sinh ra đều có sẵn những thứ đó, cho đến khi chúng lớn lên và “được” những người lớn dạy “khôn” – đừng lên tiếng chống lại bất công áp bức, chỉ chuốc thiệt vào người.
Những bạn trẻ Hong Kong như Joshua, những học sinh sinh viên ở Thái Lan, và những người dũng cảm ở Myanmar đã không bị “dạy khôn” như vậy.
Trong phần cuối của quyển sách, Joshua chia sẻ niềm tin rằng vận mệnh của mỗi quốc gia đều nằm trong tay của mỗi người dân, rằng mọi thay đổi thực chất đều phải do bản thân những công dân trong nước thực hiện, thay vì trông chờ vào sự giúp sức của ngoại bang.
Điều đó càng đúng hơn vào thời điểm hiện tại, khi thế giới ngày càng phân cực.
Người dân sống tại những quốc gia độc tài như Trung Quốc khó có thể hy vọng sự giúp đỡ từ bên ngoài, khi các nước dân chủ phương Tây đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cùng các nhóm chính trị cực hữu.
Những thay đổi tích cực chỉ xuất hiện khi mỗi người quan tâm đến các giá trị dân chủ, tích cực tham gia vào các hoạt động dân sự. Bằng cách đó, mỗi công dân không chỉ có thể góp phần đấu tranh cho dân chủ tại nơi mình sống mà còn chung tay bảo vệ các giá trị dân chủ trên khắp thế giới.
Nhà hoạt động trẻ tuổi Joshua Wong chia sẻ những việc cơ bản nhất mà các công dân dân chủ có thể thực hiện:
- Theo sát tin tức để nhận ra những dấu hiệu cảnh báo ở nơi bạn đang sống, chẳng hạn như tình trạng phân cực trong xã hội, việc chính quyền kiểm soát người dân, sự thao túng của các nhóm lợi ích, hay việc cảnh sát sử dụng bạo lực đối với các cuộc biểu tình ôn hòa.
- Lên tiếng về những vấn đề bằng cách chia sẻ suy nghĩ trên mạng xã hội, tham gia các tổ chức xã hội dân sự có cùng mối quan tâm đến vấn đề. Khẩu hiệu quan trọng nhất cần ghi nhớ là “thấy chuyện không hay xảy ra, hãy nói ra”.
- Học cách phát hiện thông tin sai sự thật trên mạng xã hội và trên các trang tin tức. Thường xuyên vào các trang chuyên kiểm chứng thông tin, trao đổi với bạn bè để cùng tập luyện kỹ năng phân biệt tin thật và giả.
- Tình nguyện tham gia vào một chiến dịch tranh cử để trực tiếp hiểu rõ về thể chế dân chủ tại nơi mình sống. Đối với người Việt Nam, đây là điều không khả thi vào thời điểm hiện tại. Tuy vậy, bạn vẫn có thể tìm hiểu các vấn đề thể chế của đất nước mình, đặc biệt là qua các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân.
- Tổ chức hoạt động nhỏ về vấn đề mà bạn quan tâm. Hoạt động đó có thể là một cuộc diễu hành nhỏ – chỉ cần có một người tham gia, một khẩu hiệu, một truyền đơn là đủ để bắt đầu. Nó cũng có thể là bất kỳ hoạt động nào chia sẻ trao đổi thảo luận với những cá nhân có cùng mối bận tâm như bạn.
Dĩ nhiên, những điều Joshua Wong chia sẻ không phải là một công thức chung có thể áp dụng thành công ở mọi nơi trên thế giới.
Nhưng một khi đã thấy áp bức bất công và không muốn nhắm mắt chịu đựng, cho dù sống ở đâu và có khác biệt như thế nào, mỗi người đều có thể tìm ra các con đường riêng để thay đổi.
Thay đổi không phải là việc riêng của các nhà hoạt động như Joshua Wong, mà là của tất cả những người như tôi, hay bạn. Ngọn gió thay đổi không dừng lại khi một ai đó bị cầm tù, hay mất đi. Những ngọn đuốc đã đốt lên cần phải được tiếp tục thắp sáng./.
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.