„Có lẽ chẳng mấy ai buồn để tâm mà thắc mắc hay ý kiến qua viện dẫn pháp luật, bởi một khi đã bất chấp chuyện quyền dân trong lá phiếu bầu cử, thì nay Đảng có ngang nhiên sắp xếp công khai nhân sự lãnh đạo trong tương lai và buộc Quốc hội nhiệm kỳ mới phải chấp nhận, thì đây cũng chỉ là tái khẳng định về quyền lực và Đảng cộng sản Việt Nam muốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước.“
Nguyễn Huyền
Quan chức nhiệm kỳ mới thì phải do Quốc hội ở nhiệm kỳ mới bầu. Nếu giờ Quốc hội cũ đã bầu quan chức ở nhiệm kỳ… tương lai xong rồi, thì sắp tới đây người dân đi bầu làm chi cho tốn kém ngân sách cũng chính từ tiền thuế của dân mà có?
Dàn nội các của Chính phủ nhiệm kỳ tương lai cũng sẽ được bầu xong ở tuần lễ đầu tháng 4-2021.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 2 khóa XIII, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước với số phiếu tập trung rất cao.
Như vậy nếu chỉ căn cứ vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Hiến pháp 2013, thì toàn bộ việc bầu chọn như nói trên là vi phạm, bởi theo luật, Quan chức nhiệm kỳ mới thì phải do Quốc hội ở nhiệm kỳ mới bầu.
Một khi các chức danh chủ chốt lãnh đạo Nhà nước, đại diện cho cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong nhiệm kỳ vẫn ở thì tương lai đều được kiện toàn tại kỳ họp 11 của Quốc hội khóa hiện tại, thì liệu lá phiếu cử tri mang ý nghĩa gì cho dù là tượng trưng về chuyện dân chủ?
Bởi tin chắc chắn rằng những vị trí lãnh đạo của bộ máy cầm quyền ở nhiệm kỳ tương lai đã đâu vào đó, đồng nghĩa là họ dù muốn hay không cũng phải chẳng những trúng cử, mà còn phải trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu vào nhóm cao chót vót khi được công bố.
Có ý kiến, sở dĩ mọi chuyện ở trên cần được xem là bình thường vì Điều 4 của Hiến pháp mặc định Đảng lãnh đạo toàn diện, Đảng được toàn quyền quyết định mà không cần phải hỏi đến ý kiến của nhân dân, nên chẳng gì lạ khi nhân sự từ tư pháp cho đến hành pháp, lập pháp, Đảng đều quyết định bằng cách này hay cách kia.
Thế nhưng cũng từ sự sắp xếp đó, qua việc cơ cấu cho ai làm gì, thì người dân cũng có thể đoán già – đoán non được một số đường hướng của Đảng. Ví dụ Đảng đợt này có sử dụng người kỹ trị hay không, có thực sự loại bỏ những người có vấn đề hay không… để chiêm nghiệm, để có một cái nhìn rõ hơn về không gian, về thực tại mình đang sống.
Cách nhìn nhận vấn đề như trên được phản biện như sau: Quốc hội khóa mới chưa bầu cử mà đã đề cập ngay đến các vị trí như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ, thì e rằng nhúm người quyền lực nhất của Đảng đang làm thay nhiệm vụ của Quốc hội, kể cả từ bàn kín hay là giải thích rằng giới thiệu nhân sự.
Song thật ra mà nói, với một chế độ như Đảng lãnh đạo toàn trị ở Việt Nam, thì đây là một cung cách hành cử của chuyện khá phổ biến từ trước đến nay.
Có lẽ chẳng mấy ai buồn để tâm mà thắc mắc hay ý kiến qua viện dẫn pháp luật, bởi một khi đã bất chấp chuyện quyền dân trong lá phiếu bầu cử, thì nay Đảng có ngang nhiên sắp xếp công khai nhân sự lãnh đạo trong tương lai và buộc Quốc hội nhiệm kỳ mới phải chấp nhận, thì đây cũng chỉ là tái khẳng định về quyền lực và Đảng cộng sản Việt Nam muốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước.
Nói theo cách sử dụng ngôn từ của Tuyên giáo Đảng, có lẽ giờ với tâm lý lạc quan cách mạng trong thấm nhuần Tư tưởng Hồ Chí Minh, hy vọng rằng Quốc hội trong những tuần lễ còn lại của quyền lực hình thức, sẽ giúp đưa đến một nhiệm kỳ nội các Chính phủ ở thì tương lai gọi là có nhiều tốt đẹp về dân chủ thực tế hơn.
Còn nói theo ngôn ngữ của giới xã hội dân sự về câu chuyện dân chủ từ việc quan chức nhiệm kỳ mới thì phải do Quốc hội ở nhiệm kỳ mới bầu, thì phẩm chất và nền dân chủ phải được xuất phát từ tâm thức của chính từng người dân một, không phải đến từ đặc quyền tự cho là ưu thế của bất kỳ nhóm người nào, vì đó là các quyền năng phổ quát nhất. Nó liên tục và không phụ thuộc vào bất kỳ một nhóm người hay thiết chế nào, vì nền dân chủ theo hơi hướm như thế thì sớm hay muộn cũng tự tan rã vì sự lệ thuộc và có tính chất thời vụ, manh mún.
Chính vì thế, cái người dân cần là tâm thức dân chủ đến từ bên trong, chứ không phải là đặc quyền để trở thành một vài phong trào điển hình đến từ các nhóm nhỏ chuyên biệt tự cho mình trọng trách gánh vác sứ mệnh đó.
Nguyễn Huyền
VNTB (18.03.2021)