THỜI BÁO (Đức)
18-3-21
Mục lục
Dẹp chuyện bầu cử Quốc hội, Nguyễn Văn Nên chuẩn bị “sống mái” với Lê Thanh Hải?
Mới được đưa về thành phố lớn nhất nước mới có 6 tháng mà ông Nguyễn Văn Nên đã tống được Tất Thành Cang vào tù, điều mà qua 4 năm ông Nguyễn Thiện Nhân không thể làm được.
Sáu tháng mà vừa tranh đấu cho chiếc ghế ủy viên bộ chính trị vừa phải tìm ra chiến thuật đấu với Tất Thành Cang và tóm được ông cựu phó bí thư thành ủy này thì xem ra Nguyễn Văn Nên rất là giỏi, không hổ danh là người đã từng ở trong ngành công an.
Ông Nguyễn Phú Trọng khá chuộng người có xuất thân từ ngành công an. Tô Lâm hiện nay là cánh tay đắc lực cho ông Trọng chuyên xử lý những vụ án khó. Và hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng Nguyễn Văn Nên cũng cho những vụ án khó mà nhiều năm qua ông Trọng không thể nào xử lí kịp.
Ông Nguyễn Văn Nên về thành phố lớn nhất nước, được ngồi vào ghế bí thư thành ủy trong lúc ông chỉ mới là ủy viên trung ương đảng. Điều đó có nghĩa là, ông Nguyễn Phú Trọng đã ngầm cho ông Nên biết rằng, ông đã đặt ông Nên vào ghế ủy viên Bộ Chính Trị vào đại hội 13 rồi. Và ông Nguyễn Văn Nên cũng hiểu rằng, nhiệm vụ của ông thay cho Nguyễn Thiện Nhân thì ông cần phải làm được những gì mà Nguyễn Thiện Nhân chưa làm được.
Khoảng giữa tháng 12/2020, ông Nguyễn Văn Nên cho bắt Tất Thành Cang thì điều đó cũng có nghĩa là ông Nguyễn Văn Nên đã hiểu ý. Đấy là điều mà ông Nguyễn Phú Trọng cần, và đấy cũng là cái giá phải trả cho chức bí thưu thành ủy mà ông Nguyễn Phú Trọng đã giao.
Bộ tứ Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang được ví như tứ trụ của thế lực ngầm thành phố. Ông Nguyễn Văn Nên đã bắt Tất Thành Cang xem như đã bẻ một chân trụ và bộ tứ trước đây thành bộ tam như bây giờ.
Bộ Tam liên kết
Chuyện bắt một người yếu nhất trong bộ tứ dễ hơn bắt một người mạnh nhất trong đó. Và càng khó hơn khi đặt mục tiêu cả 3 người còn lại.
Được biết, những ngày sau hội nghị trung ương 2, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho báo chí réo tên ông Lê Thanh Hải. Tuy nhiên báo chí réo như vậy nhưng ông Nguyễn Phú Trọng hay không là chuyện khác. Việc bắt Lê Thanh Hải hoàn toàn khác với bắt Tất Thành Cang. 3 người gồm Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua, đang hợp sức lại để chông lại chiến dịch dốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng.
Được biết, cuối năm 2020, trong giai đoạn chuỗi đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đơn vị địa phương, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII năm 2021. Trong lúc vừa đấu đá vừa nhóm lò, sợ lò nguội, nên ông Trọng quyết định điều chuyển công tác của lãnh đạo Nguyễn Văn Nên về Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 11 tháng 10 năm 2020, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Lúc đó bà Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính Trị (thực chất là nhận sự ủy thác của ông Nguyễn Phú Trọng) đã công bố quyết định của Bộ Chính trị, điều chuyển công tác của ông. Lúc này, ông Nguyễn Văn Nên chỉ mới là ủy viên trung ương đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được miễn nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương, được điều động về Thành phố Hồ Chí Minh, bổ nhiệm tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 – 2025 và giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XI.
Ngày 17 tháng 10 năm 2020, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bầu Nguyễn Văn Nên làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, kế nhiệm Nguyễn Thiện Nhân. Ông bắt đầu sự nghiệp trở thành lãnh đạo toàn diện cao nhất toàn bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 30 tháng 01 năm 2021, tại phiên bầu cử Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ông Nên được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII. Ngày 31, tại phiên họp đầu tiên của Trung ương Đảng khóa XIII, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Xong việc ở trung ương, ông Nên từ bỏ ứng cử viên đại biểu quốc hội tập trung vào bắt cá lớn
Bất ngờ ngày 16/3 trên các báo nhà nước đồng loạt thông báo, ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử đại biểu quốc hội. Đây là tin bất ngờ, vì từ xưa tới nay chưa có quan chức cộng sản nào từ bỏ chức đại biểu quốc hội cả. Đó là chức vụ đảng giao và người đảng viên, đặc biệt là một lãnh đạo có chân trong Bộ Chính trị như ông Nguyễn Văn Nên cần phải tuân thủ. Tuy nhiên lần này ông từ chối, lí do là tại sao?
Được biết việc Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên không có tên trong danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV không liên quan gì đến kỷ luật hay sai phạm gì cả.
Chiều ngày 16/3, Ủy ban bầu cử đại biểu TP. HCM đã bàn giao 224 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP. HCM nhiệm kỳ 2021-2026 cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM nhưng không có ông Nguyễn Văn Nên. Điều đặc biệt là ông Nguyễn Thiện Nhân, người đã bị ông Nguyễn Văn Nên loại khỏi chức bí thư thành ủy TP. HCM lại có tên trong danh sách người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Nói thẳng ra là ông Nguyễn Thiện Nhân người đã hết thời lại thay thế vị trí đại biểu quốc hội mà ông Nguyễn Văn Nên để lại.
Được một năm đại biểu quốc hội phải mất hơn hai tháng đi Hà Nội họp thì rất lãng phí. Với vai trò phải xử lí nhiều vụ án gai góc ở TP. HCM ông Nguyễn Văn Nên đã dứt khoát không bỏ mất những khoảng thời gian đó và tập trung vào nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Nên có 5 năm ngồi ở ghế bí thư thành ủy thành phố và ông cần làm gì đó để được chủ lò tín nhiệm cho ngồi lại chiếc ghế quyền lực này hay được cất nhắc lên cao hơn nữa.
Theo một số nhà phân tích, ông Nguyễn Văn Nên chọn cách bỏ đi những việc vô bổ để tập trung cao độ vào nhiệm vụ là một việc làm khôn ngoan. Trước mắt, ông Nguyễn Văn Nên cũng được tiếng thơm là “không tham quyền” để tô bóng sự nghiệp chính trị.
Ông Nguyễn Văn Nên củng cố quyền lực mạnh hơn tại TP. HCM
Giống ông Nguyễn Phú Trọng nắm đảng ủy quân ủy trung ương để củng cố sức mạnh cơ bắp cho bản thân. Thì ông Nguyễn Văn Nên cũng vậy, ông ta cũng nắm cho bằng được đảng ủy quân sự TP. HCM.
Được biết, từ cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Nên đã vào Ban Thường vụ Thành ủy chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Quân sự TP.HCM.
Tại hội nghị cuối năm 2020 do Đảng ủy Quân sự TP. HCM tổ chức sáng 11/12, Ban Tổ chức Thành ủy TP. HCM, trước áp lực của ông Nên cùng với bí thư quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng, Ban Thường vụ Thành ủy đã phải chỉ định ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. HCM, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy Quân sự TP. HCM nhiệm kỳ 2020-2025.
Như vậy là ông không những nắm thành phố lớn nhất nước mà còn nắm cả Đảng ủy Bộ Tư lệnh TP. HCM và quan đó cấu kết với Bộ Tư Lệnh Quân khu 7 để tạo ra sức mạnh cho riêng mình.
Khi làm chủ đảng ủy quân sự thành phố, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị cơ quan này quan tâm công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ và chính sách, nhất là chính sách nhà ở xã hội đối với quân nhân. Nghĩa là ông Nên muốn bên quân sự phải lên tiếng hỗ trợ ông trong nhiều quyết sách đối với thành phố.
Theo ông Nên, nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tới là rất nặng nề, khó khăn. Có lẽ ông Nên muốn ngầm gởi thông điệp đến những thuộc cấp mới rằng, những nhiệm vụ mà ông phải làm đối với một bí thư là quá sức, quá sức đến nỗi người tiền nhiệm không dám động đến.
Liệu sự chuẩn bị của Nguyển văn Nên có mang lại cho ông thành công?
Nhiệm vụ lôi Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua ra trước vành móng ngựa là nhiệm vụ sống còn cho sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Văn Nên. Ông bỏ ứng cử đại biểu quốc hội là đúng, vì ông cần phải có toàn thời gian để đối phó với thế lực ngầm khó trị của thành phố này.
Ông Nguyễn Văn Nên tăng cường vai trò lãnh đạo thật sâu trong các cơ quan ban ngành cũng là điều cần thiết. Đảng Ủy Quân đội, và Đảng Ủy Công An thành phố là nơi mà ông Nguyễn Văn Nên cần phải đứng vào trong đấy như ông Nguyễn Phú trọng đã đứng vào đảng ủy Bộ Công An vậy.
Được biết ông Thiếu tướng Lê Hồng Nam là một người thuộc phe cánh Nguyễn Văn Nên, sẽ giúp ông Nên hết mình trong vấn đề điều tra bắt giữ người theo chỉ thị của ông Nên. Tuy nhiên đây là mối quan hệ cá nhân chứ chưa phải là mối quan hệ cấp trên và thuộc cấp trong đảng ủy ngành công an thành phố.
Trong ngành công an thành phố, người của ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân, và người của ông Nguyễn Văn Đua trong đó không ít. Điều đó sẽ là rất khó khăn để ông Nguyễn Văn Nên triển khai lệnh bắt và phát lệnh truy tố đối lới những nhân vật có thế lực thành phố như bộ tam Hải Quân Đua.
Không biết sắp tới ông Nguyễn Văn Nên có vào đảng ủy công an thành phố không, nếu vào thì khả năng phá an của ông Nên là rất cao, nhưng nếu vào không được, việc phá được bộ tam kỳ cựu thành phố này là rất khó. Moij việc còn ở phía trước, cứ chờ xem ông Nên làm gì tiếp theo thì sẽ rõ./.
Hương Nhung – Thoibao.de (Tổng hợp)
Chuyện ông Nên và Quốc hội Việt Nam
Jackhammer Nguyễn
20-3-2021
Ông Nên và đại biểu Quốc hội thành Hồ
Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy thành Hồ không ra tranh cử Quốc hội tới đây, theo truyền thông trong nước đưa tin.
Sự việc gây ra một thoáng ồn ào trên báo chí chính thống lẫn truyền thông không chính thống, vì phàm là bí thư thành ủy thì phải là đại biểu Quốc hội, như “bao đời nay vẫn thế”. Báo Dân Trí trích dẫn một nguồn tin, nói rằng ông Nên muốn tập trung làm việc ở thành Hồ, nên không tham gia Quốc hội.
Tóm lại là cả “hai lề trái, phải” đều cho rằng, chuyện ông Nên không ra tranh cử Quốc hội là quyết định của cá nhân (dĩ nhiên được Đảng duyệt).
Ông Huy Đức thêm một khuyến nghị là, Bộ Chính trị nên hoan nghênh quyết định này vì ở Quốc hội chỉ tốn thì giờ vô ích. Khuyến nghị của ông Huy Đức làm cho người đọc càng cảm thấy là ông Nên “có sáng kiến” trái với thông lệ của Đảng.
Làm thế ông Nên bị kỷ luật chứ chẳng chơi. Dĩ nhiên, tôi mong cho tôi sai, vì dù sao chuyện sáng kiến đó, nếu có, cũng là một bước nhỏ nhoi của dân chủ hóa.
Quốc hội cũ bầu Chính phủ mới, Quốc hội mới duyệt Chính phủ vừa mới bầu
Tôi cũng đồng ý là, Quốc hội Việt Nam chỉ là chỗ chơi cho vui, có mấy người Việt Nam nào chú ý, thế cho nên, để cho những người như ông Nguyễn Thiện Nhân vào đó làm là phải đạo, vì ông này ở đâu, làm gì, cũng chả ảnh hưởng tới ai. Nhưng khổ nỗi là cơ cấu Quốc hội lại là nơi mà đảng CSVN quảng cáo cho nền “dân chủ đại nghị” của mình, thành ra bắt buộc phải có, làm thành một hình thức trang trí cho hoạt động đối ngoại vậy.
Nhưng không phải hình thức thì không quan trọng, nó cũng quan trọng như khi ta mặc quần áo ra đường vậy. Quốc hội Việt Nam quan trọng đối với Đảng đến mức mà Đảng bất chấp mọi phi lý, vô bổ để cố gắng duy trì nó, như là câu chuyện tỷ lệ ngoài Đảng chẳng hạn. Một cố gắng rất buồn cười của Đảng về việc duy trì đồ trang trí Quốc hội là câu chuyện bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Số là, đã lỡ mang danh nền dân chủ đại nghị, tức Quốc hội là nơi “bầu” ba vị trí cao cấp đó của nhà nước, chính phủ, vốn chỉ có một đảng nên cả ba vị đều phải là thành viên Quốc hội, vì nếu không thì lấy đâu ra mà bầu?
Thế nhưng việc bầu ba chức danh này sẽ được quốc hội cũ bầu ra, trước khi có quốc hội mới. Lần này, kết quả sẽ được công bố lần lượt vào các ngày 31/3 (Chủ tịch Quốc hội), 2/4 (Chủ tịch nước), và 5/4 (Thủ tướng).
Nhưng mãi đến ngày 23/5 các thành viên Quốc hội, tức là các nghị sĩ “dân bầu”, mới biết được mình có trúng cử hay không. Ngộ nhỡ ba vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng vừa được bầu lại không trúng cử thì sao?
Hỏi thì hỏi cho vui vậy thôi, chứ tôi và mọi người đều biết là cả ba vị ấy đều trúng cử cả.
Trở lại chuyện ông Nên không ứng cử đại biểu Quốc hội. Đồng ý là ông phải bỏ thì giờ cho chuyện quan trọng ở thành Hồ, không có thời gian làm chuyện trang trí, nhưng xin lặp lại là, chuyện trang trí vô cùng quan trọng, cho nên Đảng phải duyệt cái đã. Tôi không tin là ông Nên có sáng kiến “xé rào” như người ta nói./.
Tiếng Dân
Báo lề Đảng nói gì?
Lãnh đạo TPHCM nói lý do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên không ứng cử Quốc hội
20.3.2021
TPO – Liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM không ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM mới đây đã trả lời Tiền Phong.
Bà Tô Thị Bích Châu – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM cho biết: Trong danh sách người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mà Ủy ban Bầu cử TPHCM bàn giao MTTQ, không có tên của ông Nguyễn Văn Nên.
“Như tôi đã nói, việc ứng cử là quyền của mỗi người. Cơ quan, đơn vị nơi công tác cũng căn cứ vào vấn đề này. Cụ thể là cá nhân các tổ chức, cơ quan đơn vị muốn giới thiệu có mong muốn ứng cử hay không. Nếu họ mong muốn ứng cử, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác mới giới thiệu” – bà Châu nói.
Về trường hợp ông Nguyễn Thiện Nhân – nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM được giới thiệu tái ứng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết: Ông Nguyễn Thiện Nhân còn sinh hoạt Đảng tại Thành ủy TPHCM và “khi nhận được thông báo thì Thành ủy TPHCM có quyền giới thiệu ông Nhân”.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, về nguyên tắc, trong 51 ứng cử viên ĐBQH và 172 ứng cử viên ĐB HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 – 2026 (cả được giới thiệu và tự ứng cử) đến thời điểm này, đều có quyền xin rút lui.
“Điều kiện đầu tiên là người được giới thiệu ứng cử phải có nguyện vọng và mong muốn được ứng cử. Cơ quan đơn vị chỉ giới thiệu trên cơ sở uy tín của người đó” – bà Châu cho hay.
Ngày 19/3, bên lề hội nghị tập huấn công tác bầu cử cho báo chí, trao đổi riêng với Tiền Phong, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết lý do ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử ĐBQH khóa XV vì muốn dành toàn bộ thời gian, tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM để phát triển kinh tế xã hội.
“Anh Nguyễn Văn Nên là Ủy viên Bộ Chính trị, ứng cử hay không còn có ý kiến của Trung ương và Bộ Chính trị. Anh em ở Thành ủy TPHCM rất muốn giới thiệu anh Nên tái ứng cử ĐBQH. Nhưng anh ấy nói mới nhận nhiệm vụ, mà TPHCM lại là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, khối lượng công việc rất lớn nên cần tập trung giải quyết” – ông Khuê cho hay.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, là ĐBQH, cá nhân ông rất chia sẻ với quyết định của ông Nguyễn Văn Nên vì nhiệm vụ của ĐBQH rất nặng nề, mất nhiều thời gian, đi lại khó khăn, không thuận lợi trong giải quyết công việc hàng ngày của thành phố… bởi các kỳ họp Quốc hội diễn ra ở Hà Nội và mỗi lần họp thường kéo dài hơn một tháng.
Trước đó trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Nên xác nhận không ứng cử ĐBQH khóa mới. Ông nói: “Trách nhiệm Bí thư Thành ủy TPHCM rất nặng nề. Tôi muốn tập trung để hoàn thành nhiệm vụ này”.
Ngay sau khi được bầu làm Bí thư Thành ủy TPHCM khóa XI vào giữa tháng 10/2020, ông Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu “không được nợ lời hứa với dân” bằng cách dành nhiều thời gian đi thị sát ở cơ sở để giải quyết các vướng mắc trong công tác chống ngập, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện đời sống người dân, đồng thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại tố cáo kéo dài…
Mới đây nhất là vào ngày 19/3, ông Nên đã dẫn đầu đoàn công tác của TPHCM làm việc với lãnh đạo huyện Bình Chánh, một trong các điểm “nóng” về tình trạng tăng dân số cơ học, xây dựng trái phép và quy hoạch “treo”…
Ông Phan Nguyễn Như Khuê và bà Tô Thị Bích Châu đều là ĐBQH khóa XIV và được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Trong nhiệm kỳ này, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy TPHCM được giới thiệu ứng cử còn có Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang (tái ứng cử); Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ; Nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV Nguyễn Thiện Nhân (tái ứng cử); Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Dương Ngọc Hải (tái ứng cử)…