Seite auswählen

Quân đội Miến Điện và những « đồng tiền máu »

 

Nhân công lao động tại một khu khai thác khoáng sản ở Hpakant, bang Kachin, Miến Điện.
Nhân công lao động tại một khu khai thác khoáng sản ở Hpakant, bang Kachin, Miến Điện. © REUTERS/Soe Zeya Tun
Thụy My

The Economist tuần này trong bài « Đồng tiền máu » đã nhận định, áp lực kinh tế khó thể làm tập đoàn quân sự Miến Điện lùi bước trước phong trào phản kháng, nhưng sự bất tài của quân đội có thể khiến nền kinh tế suy sụp.

Một số dấu hiệu cho thấy tập đoàn quân sự đang thiếu tiền mặt. Vài ngày sau đảo chính, ngân hàng trung ương cố gắng chuyển 1 tỉ đô la từ Federal Reserve Bank ở New York về, nhưng bị chính phủ Mỹ chận lại. Hôm 15/02, chính quyền định bán 200 tỉ kyat (142 triệu đô la) trái phiếu kỳ hạn 5 năm, nhưng không thành công.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước lượng dự trữ ngoại hối của Miến Điện là 6,7 tỉ đô la, kể cả 1 tỉ đô đang nằm ở New York, tương đương 5 tháng nhập khẩu. Miến Điện phải nhập nhiều loại hàng thiết yếu.

Đầu tư nước ngoài đã bỏ đi không ít trong cơn lốc, các vụ đốt nhà máy Trung Quốc mới đây càng gây thêm lo ngại. Trước đảo chính, Ngân hàng Thế giới đã dự báo Miến Điện thâm hụt 8,1% GDP trong năm nay, và phong trào đình công càng làm nền kinh tế tê liệt.

Đối với mọi chính quyền bình thường, các con số báo động trên đây sẽ khiến phải thay đổi. Nhưng tập đoàn quân sự không phải là chính quyền bình thường.

Họ có thể tiếp tục với thu nhập khiêm tốn hơn từ nguồn lợi thiên nhiên. Tatmadaw (quân đội) từ lâu đã có liên can đến các vụ buôn lậu đá quý, gỗ, « bảo kê » các băng nhóm ma túy tổng hợp và có khi còn « trấn lột » cả đồng đội, như buộc quân nhân dùng một phần lương mua cổ phiếu. Tuần báo Anh nhắc lại rằng trong quá khứ, Tatmadaw đã nhiều lần làm kinh tế Miến Điện xuống dốc.

RFI

Quân đội Myanmar đang rơi vào cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’

 

Nguồn: Myanmar’s generals have not thought their coup through”, The Economist, 13/03/2021

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải

Các tướng lĩnh đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, họ không thể tiến lên nếu không dùng đến vũ lực nhưng cũng không thể lùi bước.

Sáu tuần sau cuộc đảo chính thảm họa do quân đội dưới quyền Tướng Min Aung Hlaing tiến hành, có hai thứ đang ngày càng trở nên nổi bật. Đầu tiên là quy mô của sự phẫn nộ trong dân chúng khi Myanmar quay trở lại chế độ độc tài quân sự.

Hàng trăm nghìn người Miến đã xuống đường biểu tình. Một số lượng lớn công chức, giáo viên, tài xế xe buýt, nhân viên ngân hàng và nhiều ngành nghề khác đã tổ chức đình công nhằm phản đối cuộc đảo chính. Sự tàn bạo của quân đội hàng ngày được đưa tin trên các phương tiện truyền thông xã hội. So với năm 1988, khi sinh viên dẫn đầu những cuộc biểu tình lớn chống lại sự cai trị của quân đội, sự phản kháng trong dân chúng hiện nay thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Thant Myint-U, tác giả cuốn sách “The Hidden History of Burma” (Những trang sử chưa được biết đến của Miến Điện), nói rằng các cuộc biểu tình tự phát giống như các kháng thể đang chống lại mầm bệnh xâm nhập. Lần này, sự khác biệt nằm ở chỗ giới trẻ kiên quyết phản đối việc quay trở lại chế độ độc tài và nghèo đói mà cha mẹ họ đã từng trải qua. Họ là lớp người được lớn lên trong những thập niên cải cách kinh tế dưới sự điều hành của một chính quyền bán dân chủ. Các tướng lĩnh, đại diện cho sự quay về thời kỳ đen tối trước kia, đang đối đầu với một thế hệ hoàn toàn khác.

Trong cuộc tổng đình công ngày 8 tháng 3, không có gì ngạc nhiên khi ít người xuất hiện hơn trên đường phố vì phía quân đội đã bắt đầu nổ súng. Điều thứ hai đang dần hiện rõ, đó là Tatmadaw – tức lực lượng vũ trang của Myanmar – ngày càng sẵn sàng chấp nhận đổ máu. Trong những ngày gần đây, binh lính đã bắn chết khoảng 60 dân thường ở thủ đô Naypyidaw và thành phố thương mại Yangon cùng nhiều nơi khác. Hơn một phần ba số người thiệt mạng là thanh thiếu niên. Kyal Sin, 19 tuổi, được biết đến với cái tên Angel, đã tiết lộ nhóm máu của mình trên Facebook để đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Cô mặc chiếc áo phông có in dòng chữ “Mọi thứ rồi sẽ ổn” khi xuống đường tuần hành ở Mandalay, nhưng ngay sau đó Angel đã thiệt mạng vì bị bắn vào đầu bởi một tay súng bắn tỉa. Cái chết của cô là trường hợp điển hình cho thấy sự tàn bạo của Tatmadaw. Việc chính quyền bất ngờ khai quật thi thể của Angel nhằm “chứng minh” bản thân vô tội cho thấy họ sẵn sàng thực hiện những bước đi, dù có kinh tởm đến đâu, để biện minh cho hành động của mình.

Đây có thể chỉ là sự khởi đầu. Tatmadaw không phải là lực lượng vũ trang duy nhất trong khu vực tự coi mình là hiện thân của nhà nước thay vì là một bộ phận của nhà nước. Quân đội của nước láng giềng Thái Lan cũng chia sẻ cùng quan điểm. Tuy nhiên, ở Thái Lan, chính quyền quân sự dựa vào hoàng gia để có tính chính danh và hoàng gia không muốn liên can đến những hành động đổ máu bừa bãi. Khi quân đội giết quá nhiều người, nhà vua có xu hướng rút lại sự ủng hộ của mình, khiến chính quyền quân sự sụp đổ.

Ngược lại, khi quyền lực của Tatmadaw lung lay, họ sẽ sử dụng vũ lực để củng cố sự cai trị của mình như đã từng xảy ra hồi năm 1988. Giới tướng lĩnh vừa đa nghi, vừa không muốn nhượng bộ. Đóng trong các doanh trại quân đội do người Anh để lại, một tầng lớp sĩ quan quyền lực đang dần hình thành trong một đất nước đầy thù địch. Phải thừa nhận rằng Myanmar, hay Miến Điện trước đây, chưa có một năm hòa bình nào kể từ khi người Nhật ném bom xuống Yangon (thời đó gọi là Rangoon) vào cuối năm 1941. Đất nước giành được độc lập năm 1948 nhưng đi kèm với đó là một cuộc nổi dậy do những người cộng sản tiến hành, vốn uy hiếp cả thủ đô Yangon. Xung đột ở bang Kayin (trước đây là Karen) được xem là cuộc nội chiến dài nhất thế giới. Hàng chục các cuộc xung đột sắc tộc khác đang nổ ra ở những vùng biên giới của nước này.

Đối với những người lính cấp thấp trong Tatmadaw, họ bị cấp trên ép thực hiện các hành vi đáng khinh bỉ trong những cuộc chiến sắc tộc tàn khốc. Các chiến thuật được sử dụng trên chiến trường gồm hãm hiếp phụ nữ và trẻ em gái, sử dụng dân thường làm lá chắn. Những người lính tàn bạo này hiện đang tuần tra trên khắp các tuyến phố của Myanmar.

Giống như các cuộc đảo chính trước đây, báo chí đã bị bịt miệng: có năm tổ chức truyền thông vừa bị cấm hoạt động trong tuần này. Nhưng cũng có sự khác biệt. Tướng Min Aung Hlaing ít quan tâm đến sự thuần nhất về văn hóa hay sự tự cung tự cấp về kinh tế, vốn từng là nỗi ám ảnh của một số tướng lĩnh tiền nhiệm của ông, những người đã đóng cửa đất nước Myanmar với thế giới. Thay vào đó, mối quan tâm của ông là các đặc quyền của quân đội. Chúng bao gồm cổ phần trong các doanh nghiệp chính thức, bên cạnh đó là ma túy, ngọc bích, gỗ và các hoạt động buôn bán bất hợp pháp khác đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế ngầm. Trên tất cả, như ông Thant nói, quân đội muốn “quay ngược đồng hồ và trở lại nền chính trị của nhiều thập kỷ trước”, với sự kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều.

Tuy nhiên, với việc đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình, Tatmadaw đã khiến Myanmar lại một lần nữa bị cộng động quốc tế xa lánh, và do đó kim đồng hồ đã bị quay ngược xa hơn những gì mà họ dự định, trở lại thời kỳ biệt lập trước thời kỳ mở cửa một thập niên vừa qua. Với việc đầu tư sụp đổ, nền kinh tế sẽ phải vật lộn để phục hồi sau đảo chính. Điều đó cũng sẽ tác động xấu đến quân đội. Tuy nhiên, việc nhượng bộ lại không thực sự là một lựa chọn: với hành vi của Tatmadaw trong những tuần gần đây, bất kỳ chính quyền dân sự nào cũng sẽ quét sạch hết những đặc quyền mà quân đội đang phải can thiệp để bảo vệ. Cuộc đảo chính không có kết quả tốt cho bất kỳ ai./.

Nghiên Cứu Quốc Tế