Seite auswählen

Tin từ bà Trịnh Thị Thảo, em gái ông Trịnh Bá Phương cho hay ông đã bị chuyển từ nhà tù đến Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1.

Trước đó, ngày 19/3/2021, vợ ông Phương là bà Đỗ Thị Thu đến Trại Tạm giam số 1- Công an Tp Hà Nội để tiếp tế thì được tin ông Phương không còn bị giam giữ ở đó nữa. Khi được hỏi, cán bộ Trại Tạm giam trả lời bà Thu rằng phòng PA09 đã chuyển ông Trịnh Bá Phương đi từ khoảng 2, 3 tuần trước, nhưng không nói rõ là chuyển ông đi đâu. Nhân thể, cán bộ Trại Tạm giam đã “bàn giao” tiền lưu ký của tù nhân Trịnh Bá Phương cho bà Thu, điều mà lẽ ra phải được trả cho ông Phương khi ông bị đưa đi.

Bà Thu gọi điện cho văn phòng cơ quan an ninh điều tra thì được trả lời điều tra viên Nguyễn Thế Bắc… đi công tác.

Sáng nay 22/3/2021, bà Đỗ Thị Thu tiếp tục gọi điện lên cơ quan công an điều tra để hỏi thăm tin tức của chồng thì được điều tra viên Nguyễn Thế Bắc trả lời Phương đã “được” chuyển đến Bệnh viện Tâm Thần Trung Ương 1 (ở Thường Tín) để “phục vụ công tác điều tra”. Nhắc lại, hai TNLT khác là blogger Lê Anh Hùng và nhà văn Phạm Thành cũng đã bị đưa từ nhà tù- trại tạm giam đến bệnh viện Tâm thần này và vẫn đang bị “điều trị” tại đây.

Bà Trịnh Thị Thảo, em gái ông Trịnh Bá Phương chia sẻ với tôi rằng gia đình bà không ngạc nhiên khi anh trai bà bị đưa đến Trại tâm thần. Bà Thảo kể lại sự việc sau khi ông Trịnh Bá Phương bị bắt khoảng một, hai tháng, chị dâu bà đi làm các thủ tục giấy tờ để khai sinh cho đứa con trai thứ hai mới chào đời. Điều tra viên Nguyễn Thế Bắc đã hỏi bà Thu rằng “lúc ở nhà, tâm lý anh Phương có ổn định không?” Bà Thu khẳng định chồng bà hoàn toàn khoẻ mạnh về tinh thần. Sở dĩ Nguyễn Thế Bắc hỏi bà Thu câu này vì kể từ khi bị bắt, ông Trịnh Bá Phương luôn giữ quyền im lặng, không trả lời thẩm vấn của các điều tra viên.

Khi an ninh đưa ra câu hỏi này với bà Đỗ Thị Thu, cần được hiểu như lời đe doạ và thông báo ngầm việc ông Phương sẽ bị đưa đến Trại Tâm thần để bị đoạ đày.

Xin nhắc lại, Trịnh Bá Phương bị bắt vào ngày 24/6/2020 cùng với mẹ Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư với cáo buộc “chống nhà nước CHXHCN VN”. Đây là lần tù thứ 3 của bà Cấn Thị Thêu vì các hoạt động tranh đấu cho quyền tự do, đặc biệt cho những dân oan mất đất.

Với đóng góp của gia đình họ Trịnh cho các hoạt động đòi tự do, lòng quả cảm vượt bậc của họ khi nỗ lực đưa những sự thật kinh hoàng đang diễn ra trên đất nước này ra công luận, tôi kính phục họ. Và tôi gọi Trịnh Bá Phương cũng như mẹ và em trai của Phương là các “nhà hoạt động nhân quyền”. Ai phản đối thì mặc.

***

Đỗ Thị Thu: Tôi rất lo lắng cho chồng tôi

Hôm nay ngày 22/3/2021 tôi vừa gọi điện thoại cho điều tra viên Nguyễn Thế Bắc hỏi về chồng tôi họ đã chuyển chồng tôi đi đâu. Họ nói rằng họ đã chuyển chồng tôi tới viện Bệnh giám định thần kinh Trung ương 1 ở huyện Thường Tín – Hà Nội.

Tôi có hỏi họ tại sao lại chuyển chồng tôi tới đó, họ bảo xác nhận điều tra.

Tôi nói chồng tôi không bị làm sao cả các ông tại sao chuyển tới đó. Gia đình tôi không có ai bị tâm thần, và cũng không có gen bị tâm thần thần.

Các ông nói chồng tôi không nói chuyện các ông, vì sao chồng tôi lại phải nói cho phí lời. Các ông nói chồng tôi không nhìn các ông, tại sao chồng tôi lại phải nhìn các ông cho ngứa mắt.

Trước khi bị bắt chồng tôi có làm video chồng tôi nói rằng, chồng tôi không có ý định tự tử và khi bị bắt chồng tôi sẽ không nói gì cho đến khi gặp được luật sư.

Và cũng gần 3 tháng trước có một người đã gọi điện thoại cho tôi nói rằng: gia đình tôi không phải nói gì hết, vì mình có quyền im lặng.

Một người bị gì mà biết mình có những quyền gì hả? Các ông mới là những người đến giám định tâm thần ấy.

Nay họ giam chồng tôi tới Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 ở huyện Thường Tín là có ý gì? Tôi rất lo lắng cho chồng tôi. Tôi rất mong cộng đồng mạng quan tâm lên tiếng giúp gia đình tôi.

Cảm ơn quý vị.

Phạm Thanh Nghiên

Tiếng Dân (22.03.2021)

Tù nhân lương tâm bị CSVN đẩy vào viện tâm thần

Việc nhà cầm quyền CSVN liên tiếp cưỡng ép một số tù nhân lương tâm vào bệnh viện tâm thần cho thấy Hà Nội bây giờ thẳng tay xử giới đấu tranh mà không cần đếm xỉa đến chỉ trích của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Hôm 22/3/2021, tin cho hay nhà hoạt động Trịnh Bá Phương đã bị trại giam đường đột chuyển Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở huyện Thường Tín, Hà Nội, trong lúc ông này vẫn chưa được xét xử sau gần một năm bị bắt tạm giam cùng mẹ và em trai.

Ông Phương, cùng bà Cấn Thị Thêu và em trai, Trịnh Bá Tư, được biết đến là dân oan Dương Nội. Hồi trung tuần tháng 6/2020, họ bị bắt với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”.

Tuy vậy, theo giới quan sát, nguyên nhân thật sự khiến ông Phương cùng em trai ruột bị bắt là vì họ thường cập nhật diễn biến vụ Đồng Tâm trên mạng xã hội và lên án tội ác của Đảng trong cuộc tấn công võ trang diễn ra vào hôm 9/1/2020, bắn chết ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh của dân Đồng Tâm.

Bà Thêu cùng hai con trai được cho là giữ quyền im lặng từ khi bị bắt.

Hiện tại, nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa thông báo thời điểm mẹ con bà Thêu bị đem ra xét xử.

Ông Trịnh Bá Phương đang bị cưỡng bức điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở Hà Nội. Web screen capture

“Thủ đoạn nham hiểm, tàn độc”

Bà Thu Đỗ, vợ ông Phương, cho biết trên trang cá nhân: “Họ [điều tra viên] nói rằng đã chuyển chồng tôi tới bệnh viện thần kinh ở huyện Thường Tín để ‘xác nhận điều tra’.

Gia đình tôi không có ai bị tâm thần, và cũng không có gen bị tâm thần thần. Các ông nói chồng tôi không nói chuyện với các ông, vì sao chồng tôi lại phải nói cho phí lời. Các ông nói chồng tôi không nhìn các ông, tại sao chồng tôi lại phải nhìn các ông cho ngứa mắt.

Trước khi bị bắt, chồng tôi có làm video nói rằng chồng tôi không có ý định tự tử, và khi bị bắt, chồng tôi sẽ không nói gì cho đến khi gặp được luật sư.

Ba tháng trước, có một người đã gọi điện cho tôi nói rằng gia đình tôi không phải nói gì hết, vì mình có quyền im lặng. 

Một người bị tâm thần mà biết mình có những quyền gì hả? Các ông mới là những người phải đi giám định tâm thần ấy.”

Blogger Đặng Bích Phượng, thuộc giới xã hội dân sự ở Hà Nội, bình luận: “Ở chế độ này, cứ nói thật và phản kháng đều là tâm thần hết. Việc đưa tù nhân lương tâm vào trại tâm thần là một thủ đoạn nham hiểm, tàn độc.”

Cùng thời điểm, bà Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân lương tâm, chia sẻ: “Với đóng góp của gia đình họ Trịnh cho các hoạt động đòi tự do, lòng quả cảm vượt bậc của họ khi nỗ lực đưa những sự thật kinh hoàng đang diễn ra trên đất nước này ra công luận, tôi kính phục họ. Và tôi gọi Trịnh Bá Phương cũng như mẹ và em trai của Phương là các “nhà hoạt động nhân quyền”. Ai phản đối thì mặc.”

“Biến những người đấu tranh thành tâm thần”

Trước ông Trịnh Bá Phương, từng có một số tù nhân lương tâm đưa cáo buộc ra bên ngoài rằng họ bị cưỡng bức vào viện tâm thần.

Trong số này có ông Phạm Thành, 68 tuổi, chủ trang blog “Bà Đầm Xòe”, chỉ vì viết sách chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước CSVN, mà bị bắt đi tù. 

Ông Phạm Thành, cựu phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, vì chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng và Đảng CSVN mà bị bắt đi tù và chuyển vào viện tâm thần. Courtesy of Facebook Thanh Pham

Hồi tháng 11/2020, bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ ông Thành, thông báo chồng bà đã bị đưa từ trại tạm giam Hỏa Lò đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương để “giám định và kiểm tra sức khỏe”.

Bà Nghiêm cho biết: “Là vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, tôi thấy anh hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì về tâm thần nên không hiểu họ chuyển chồng tôi xuống đó làm gì? Nay tôi đến viện đã gửi tiền lưu ký và quà nhưng không được gặp trực tiếp. Tôi vô cùng lo lắng nếu có sự cố bất ổn xảy ra.”

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bình luận: “Xem ra những người vạch ra những sai trái của ông Nguyễn Phú Trọng đều bị cưỡng chế vào trại tâm thần, trước kia là blogger Lê Anh Hùng, nay là nhà văn Phạm Thành. Mọi người hãy cùng lên tiếng phản đối thủ đoạn thâm độc, tàn ác của nhà cầm quyền CSVN biến những người đấu tranh thành tâm thần.”

Trong vụ ông Hùng bị cưỡng bức điều trị tâm thần, hồi tháng 6/2020, một nhóm lão thành cách mạng và đảng viên gửi thư kêu gọi nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho ông này nhưng không nhận được phản hồi.

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng bị nhà cầm quyền CSVN bắt đi bắt lại nhiều lần trong những năm qua. Hồi tháng 12/2009, ông bị bắt tạm giam và bị khởi tố với cáo buộc “Vu khống lãnh đạo Đảng và Nhà Nước” theo Điều 122 Bộ Luật Hình Sự. Sau đó ông bị đưa đi giám định với kết luận “bị tâm thần”, dẫn đến đình chỉ điều tra vụ án ngày 23/8/2010.

Định Tường

Đất Việt (22.03.2021)

 

 

CSVN đưa hai nhà báo độc lập ra tòa trong tuần này

Hai nhà báo độc lập, một người từng làm cho báo nhà nước và một người chỉ viết blog và facebook, sẽ bị nhà cầm quyền CSVN đưa ra tòa trong tuần này.

Nhà báo Trần Thị Tuyết Diệu ra tòa sơ thẩm ở tỉnh Phú Yên vào Thứ Hai, 22 Tháng Ba với cáo buộc “Tuyên truyền chống chế độ,” còn ông Trần Đức Thạch ra tòa phúc thẩm ở Nghệ An vào ngày 24 Tháng Ba vì bị vu cho tội “Hoạt động lật đổ chính quyền.”

Công An tỉnh Phú Yên khám nhà bà Trần Thị Tuyết Diệu ngày 23 Tháng Tám, 2020. (Hình: Công An Nhân Dân)

Tổ chức “Người Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam” cho hay bà Trần Thị Tuyết Diệu, 32 tuổi, đối diện với bản án có thể đến 12 năm tù sau khi bị bắt ngày 23 Tháng Tám năm ngoái vì những bài viết chỉ trích nhà cầm quyền CSVN mà bà phổ biến trên trang Facebook cá nhân.

Sau khi tốt nghiệp khoa báo chí và truyền thông tại đại học ở Sài Gòn, bà Diệu làm phóng viên cho báo Phú Yên, tức cơ quan tuyên truyền của nhà cầm quyền địa phương, từ năm 2011 đến 2017. Sau đó, bà bỏ việc và chuyển sang viết blog, facebook, YouTube, qua các đề tài dựa trên các diễn biến thời sự, đả kích tham nhũng, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền và bình luận quan hệ chính trị Việt Nam-Trung Quốc.

Nhà cầm quyền CSVN vu cho bà là trong khoảng thời gian gần ba năm, bà dùng nhiều tài khoản khác nhau đăng hàng trăm bài viết kèm theo hình ảnh, clip “cổ súy cho những đối tượng chống phá chế độ, phỉ báng và kích động lật đổ chế độ, và đòi đa nguyên đa đảng.”

Bà Tuyết Diệu là một trong mấy người viết Facebook từng làm báo tuyên truyền cho nhà nước CSVN sau khi phản tỉnh, phơi bày mặt trái của chế độ nên bị bắt hồi năm ngoái.

Theo dự trù, hai ngày sau phiên xử bà Trần Thị Tuyết Diệu, vào ngày 24 Tháng Ba thì nhà văn, nhà thơ và cũng là một Facebooker Trần Đức Thạch cũng bị đưa ra tòa phúc thẩm ở Nghệ An và đối mặt với bản án 12 năm tù, theo án sơ thẩm.

Ông Trần Đức Thạch bị áp đặt tội “Hoạt động nhằm lật đổ” chế độ độc tài đảng trị CSVN.

Năm 2009, ông đã từng bị tòa án thành phố Hà Nội kết án ba năm tù giam và ba năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” CSVN cùng với hai ông Vũ Văn Hùng và Phạm Văn Trội.

Ông Thạch là tác giả của hồi ký “Hố Chôn Người Ám Ảnh” kể lại sự việc lính Cộng Sản thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, tỉnh Long Khánh, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, ngay trước ngày 30 Tháng Tư, 1975. Hồi ký gây chấn động dư luận vì cái tính tàn ác bất nhân của quân đội CSVN.

Ông Trần Đức Thạch tại phiên tòa sơ thẩm ở Nghệ An ngày 15 Tháng Mười Hai, 2020. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)

Tuy suốt nhiều năm sống tại một làng quê miền núi tỉnh Nghệ An chỉ viết Facebook đả kích nhẹ nhàng, ông Thạch bị cáo buộc là một thành viên chủ chốt của tổ chức Hội Anh Em Dân Chủ tại miền Bắc Việt Nam “Tham gia họp, hội luận các thành viên,” “Tiến hành xây dựng cơ cấu, tổ chức,” “Tiến hành tuyên truyền chống Nhà nước CSVN,” “Quan hệ với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để nhận hỗ trợ về tài chính.”

Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15 Tháng Mười Hai, 2020, không một nhân chứng nào được chế độ đưa ra để đối chất, chứng minh tội trạng. Luật Sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông, nói rằng cáo trạng có nhiều mâu thuẫn và dựng đứng để áp đặt một bản án đã được chuẩn bị sẵn để bỏ tù ông.

Ông Trần Đức Thạch nói trong phiên tòa nói trên rằng: “Tôi vinh dự là người dân xứ Nghệ, người dân nước Việt Nam. Dấn thân vì dân chủ không phải là tội.”

Theo tổ chức “Người Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam,” nhà cầm quyền CSVN hiện đang giam giữ 258 tù nhân lương tâm tính đến ngày 25 Tháng Ba, 2021. 

Người Việt (21.03.2021)

 

 

 

Vi phạm quyền tự do tôn giáo qua việc cấp căn cước công dân.

Hành vị bắt buộc hay ‘lừa” người dân phải ghi vào mục tôn giáo KHÔNG là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, và niềm tin. 

Chính quyền VN đang yêu cầu người dân từ 14 tuổi trở lên thay hay làm mới thẻ căn cước công dân, tuy nhiên trong những  ngày qua, nhiều người phản ánh rằng khi đăng ký làm thẻ căn cước công dân gắn chip, mục 7 tôn giáo thường bị cán bộ phòng cảnh sát quản lý hành chính của công an bắt ghi là ‘không tôn giáo’. Hành vi này cho thấy rõ ràng chính quyền VN cho phép công an quản lý hành chính vi phạm tôn giáo thô bạo.

Trong tình trạng người tin theo Phật Giáo bị o ép, làm khó dễ không  được quyền ghi mục “Tôn  Giáo: Phật Giáo”, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo VN, vẫn thường tuân rất dễ dàng lệnh của chính phủ, phải lên tiếng:” ..có nhận được phản ánh, kiến nghị của một số ban trị sự về việc một số phật tử khi đi làm thẻ căn cước công dân đăng ký mục tôn giáo là Phật giáo nhưng không được cơ quan cấp chấp nhận.” 

Công văn số: 52/HĐTS-VP1 của GHPGVN  về việc đăng ký mục 7 Tờ khai CCCD khi làm Căn cước công dân ngày 16 tháng 3 2021 của GHPGVN “hướng dẫn Phật tử khi đi đăng ký làm CCCD phải mang theo Giấy Chứng nhận Phật tử, Giấy Chứng nhận Quy y Tam Bảo…” 

Nhà báo Chu Minh Khôi cũng viết trên trang báo Giác Ngộ(*): 

Ngày 5-1-2021, tôi đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an thành phố Hà Nội (số 6 Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) để xin cấp lại thẻ căn cước công dân. Một cán bộ mang quân hàm đại úy phụ trách tiếp nhận hồ sơ tại đây yêu cầu tôi xuất trình giấy chứng nhận xuất gia, với lý do trong bản khai của tôi, ở mục “Tôn giáo” có ghi thông tin là “Phật giáo”. Khi tôi giải thích không phải người xuất gia, mà chỉ là cư sĩ, tức là Phật tử, thì vị cán bộ nói rằng phải có giấy chứng nhận xuất gia thì mới được công nhận tôn giáo là “Phật giáo”. Vị cán bộ đưa cho tôi tờ khai khác, yêu cầu tôi viết lại, ở phần “Tôn giáo” phải ghi chữ “Không”.

Tôi tiếp tục giải thích rằng tín đồ Phật giáo bao gồm các Tăng, Ni – tức là tu sĩ ở chùa, và những người Phật tử tu tại gia – tức là không ở chùa và cho biết thêm thông tin tôi có giấy chứng nhận quy y – tu tại gia do nhà chùa cấp. Vị cán bộ vẫn khẳng định: “Nhìn anh đầu không cạo tóc, không mặc áo tu sĩ thì biết không phải người xuất gia rồi! Giấy chứng nhận quy y như anh nói không có giá trị công nhận tôn giáo là Phật giáo. Phải có giấy chứng nhận xuất gia do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp thì mới có giá trị!”, rồi nhất quyết yêu cầu tôi phải viết lại bản khai. Một lần nữa, tôi trình bày về vấn đề tôn giáo và khẳng định tôi có tôn giáo là Phật giáo.

Thấy tôi “dây dưa” tranh luận mà không chịu “sửa”, một vị mang hàm thiếu tá – dường như là lãnh đạo của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng tham gia vào việc “giải thích” cho kẻ cứng đầu là tôi. Vị này tiếp tục khẳng định: “Chỉ người xuất gia mới được khai tôn giáo Phật giáo!”. Mặc dù vậy, tôi vẫn kiên quyết không viết lại bản khai. Tưởng như các cán bộ chức trách “xuống nước” khi đại úy phụ trách tiếp nhận hồ sơ bảo: “Để tôi làm thủ tục của anh cho nhanh”. Ngay sau đó, anh mở ngăn kéo lấy bút phủ (bút xóa) bôi trắng chữ “Phật giáo” trong bản khai của tôi, rồi viết đè lên chữ “Không”. Ngay sau đó, tôi được mời vào bàn lấy dấu vân tay và chụp ảnh, rồi họ đưa cho tôi bản in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, trong đó phần tôn giáo có chữ “Không”.

Nhà báo này cho biết thêm

Tôi vẫn tiếp tục khẳng định mình có tôn giáo, bởi trong nhiều năm qua, trên các bản lý lịch đều tự mình ghi chữ “Phật giáo” trong mục này. Nhưng với những Phật tử khác thì sao? Chắc hẳn sẽ không ít người đã và sẽ nghe theo lời của cán bộ kê khai, để tự xóa chữ “Phật giáo”.

 

Việc bằng lòng khai hay không tôn giáo trong mục 7 tờ khai CCCD là quyền tự do của mỗi công dân. Việc tự nhận, hay không là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào trong bản thống kê dân số cũng không ngoại lệ.

Theo luật tín ngưỡng của VN năm 2016 Khoản 5 Điều 2 quy định: Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Hành vị bắt buộc hay ‘lừa” người dân như trường hợp nhà báo Chu Minh Khôi của báo Giác Ngộ nói trên,  phải ghi vào mục tôn giáo KHÔNG là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, và niềm tin.

Người dân không cần phải đưa ra bằng chứng mình theo tôn giáo nào khi điền mẫu căn cước, hay bản thống kê dân số.

Công văn Số: 52/HĐTS-VP1 về việc đăng ký mục 7 Tờ khai CCCD khi làm Căn cước công dân ngày 16 tháng 3 2021 của GHPGVN (**) là một văn bản chấp nhận sự sai trái của người cấp CCCD và  phụ lòng tin của hàng triệu người con Phật nhưng không xuất gia hay quy y, không có pháp danh. Giáo hội PGVN đáng lẽ phải lên tiếng phản đối sự vi phạm tự do tôn giáo của những người thi hành công vụ thì lại yêu cầu người đi làm CCCD phải mang theo giấy tờ chứng minh mình là người đi tu. Hàng triệu người tin Phật, tự nhận mình theo Phật Giáo nhưng không quy y, không có pháp danh theo công văn này bắt buộc phải để nhân viên công an ghi vào CCCD ‘niềm tin vào tôn giáo’ của họ. Hàng triệu người Việt không xuất gia, không quy y vẫn tự nhận mình là Con Phật, trong nhà vẫn có Bàn Thờ Phật

Mục số 7 trong bản khai để cấp CCCD xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Công ước về quyền con người ghi: Không ai phải bị hỏi về niềm tin tôn giáo của mình. 

Chính phủ VN quy định trẻ em từ 14 tuổi trở lên phải có CCCD. Các em vị thành niên chỉ mới vừa học hết cấp hai rất dễ nghe theo lời chỉ dẫn của người lớn, nhất là lại của nhân viên chính quyền. Những người chân chất thật thà, hay ít học, thường  sợ hãi dễ nghe theo lời nhân viên cán bộ. Hai nhóm đối tượng này dễ bị vô tình khước từ tôn giáo, niềm tin của mình khi nhân viên cảnh sát bắt ghi tôn giáo không. 

Người có tín ngưỡng xin cấp mới hay đổi căn cước để người làm căn cước cho mình ghi Tôn Giáo KHÔNG là đã vô tình hay cố ý khước từ tôn giáo mình. Người theo Phật bỏ Phật, người theo Chúa chối Chúa, Người Hòa Hảo chối Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, người Cao Đài bỏ Đấng Chí Tôn…

Việt Nam có rất nhiều người theo Đạo Mẫu, thờ Mẫu, tín ngưỡng dân gian, đã tồn tại suốt cả mấy nghìn năm. Tôi nghĩ người thờ Mẫu phái ghi vào mục tôn giáo: Thờ Mẫu hay Đạo Mẫu. Đây là một hãnh diện vinh danh Mẫu của mình.

Ngoài ra hàng triệu công dân Việt vẫn tự nhận là theo đạo Ông Bà cần ghi vào CCCD Tôn giáo: Đạo Ông Bà, để không trở thành người vô thần cộng sản. 

Trao đổi với PV Một Thế Giới (***) về vấn đề này, sư thầy trụ trì của một ngôi chùa ở Hà Nội cho rằng: Là phật tử thì hãy kê khai là Phật giáo trong thẻ căn cước công dân. Thầy nói rằng, quý phật tử khi đi làm lại thẻ căn cước công dân mới trên 63 tỉnh thành khắp cả nước, hãy mạnh dạn kê khai và kiểm tra xác nhận lại ở mục Tôn giáo là Phật giáo trước khi ký xác nhận vào tờ khai xác nhận thông tin. Đây là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi công dân được pháp luật bảo vệ và đây cũng là trách nhiệm của mỗi phật tử đối với sự phát triển Phật giáo của Việt Nam.

“Đối với những phật tử vừa mới được quy y tam bảo, hoặc những phật tử đã quy y tam bảo, hoặc gia đình ba mẹ theo đạo Phật, nhưng vì lý do nào đó mà trước đây chưa kê khai tôn giáo là Phật giáo thì nhân khi làm lại thẻ căn cước công dân mới có gắn chip hãy kê khai ở mục Tôn giáo là Phật giáo”, vị sư thầy nhấn mạnh.

Vụ xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng của những nhân viên, cán bộ trong chính quyền VN qua việc cấp phát CCCD chưa nghe các tôn giáo khác như Công Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, Tin Lành, Bà La Môn, Hồi Giáo… phản ứng hay hướng dẫn tín đồ của mình.

*****

Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị được VN công nhận viết:

 Điều 18.

  1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng.
  2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.
  3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
  4. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ, và của những người giám hộ hợp pháp nếu có, trong việc giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng họ.

Điều 19.

  1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
  2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ.
  3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
  4. a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
  5. b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

 ______________

Ghi chú:

 (*) https://giacngo.vn/khai-ton-giao-trong-can-cuoc-cong-dan-phai-co-giay-chung-nhan-xuat-gia-post54572.html

(**)https://www.phatsuonline.com/cong-van-ve-viec-dang-ky-muc-7-to-khai-cccd-la-phat-giao-doi-voi-phat-tu-khi-lam-can-cuoc-cong-dan/

(***)https://1thegioi.vn/lam-the-can-cuoc-ghi-ton-giao-la-phat-giao-phai-co-giay-chung-nhan-162630.html

https://tuoitre.vn/nhung-luu-y-ve-thu-tuc-cap-can-cuoc-cong-dan-moi-20210319075825718.htm

Quang Nguyên

VNTB (21.03.2021)

 

 

Một số nữ tù chính trị Việt Nam bị đày đọa hà khắc

Chị Đoàn Thị Hồng, thành viên của nhóm Hiến Pháp, mãn án tù ngày 9 tháng 3 lên tiếng báo động về trình trạng sức khỏe của TNLT Nguyễn Thị Ngọc Sương.

Theo lời kể của chị Đoàn thị Hồng thì TNLT Nguyễn Thị Ngọc Sương đang thụ án tại trại giam An Phước lâu nay không được điều trị đúng mức dù bệnh nặng.

Chị thuật lại với Đài Á Châu Tự Do:

“Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương ở chung đội với em. Hiện tại chị Sương bệnh rất là nặng, da chị rất là vàng. Chân chị bị sưng, lúc thì dẹp lúc thì sưng. Bệnh một năm mấy nay rồi chỉ cho chị đi khám một lần. Lúc em gần về thì em có nói với cán bộ đề xuất cho chị đi khám bệnh viện lớn, ở thành phố, thì cán bộ nói là do dịch nên không đi được và thứ hai là do gần Tết nên cán bộ không đi được.” 

Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Ngọc Sương, 53 tuổi, bị giam từ tháng 10 năm 2018. Một năm sau, bà bị tuyên án 5 năm tù về cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”.

Chị Hồng cho biết thêm:

“Ăn Tết xong thì có lẽ cán bộ biết em gần về đời rồi, cán bộ sợ em nói thông tin này ra. Ngày 9 tháng 3 em về thì mùng 8 tháng 3 họ bốc chị Sương đi khám bệnh ở tỉnh Bình Phước. Nhưng khám về rồi thì không nói chị có bệnh gì mà cứ cho uống thuốc ở bên trạm y tế. Không phải là thuốc đặc trị mà thuốc gì đó. Và hiện tại da của chị rất là vàng và hai con mắt của chị bị sưng, chân cũng sưng. Hai môi của chị bị sưng, tiếng nói không có rõ ràng nữa và cái cổ của chị bị mọc bướu”.

Chị cho biết, bà Sương vốn đã bị bệnh gan và thận.

“Nói chung là chị Sương bệnh rất nặng, mà mình nói ra thì sợ bị cho là trù ẻo người ta. Em nghĩ là chị Sương không biết có về nổi hay không.”

Cùng thời gian với chị Đoàn thị Hồng và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương có khoảng một chục nữ tù chính trị bị giam ở trại An Phước, Bình Dương. Đội này được gọi là “đội an ninh quốc gia”.

“Rất là nhiều, có chị Dung nè, chị Dung nhỏ, chị Dung lớn, chị Văn cùng phòng ngủ với em. Khoảng 10 người”… 

Những người này trước đây lao động trong trại giam, nhưng cô Hồng kể lại từ sau Tết, đội bị xuất ra ngoài hội trường lao động ngoài nắng chang chang, mùi hôi, làm việc cực nhọc khiến bà Sương ăn cơm không nổi.

Tuy có gia đình đi thăm thường xuyên nhưng các nữ TNLT cảm thấy họ không được thế giới bên ngoài quan tâm. Chị Hồng kế:

Gia đình không để cho mấy chị cô đơn, nhưng mấy chị nghĩ là bên nhân quyền với Đại Sứ quán không quan tâm đến mấy chị. Nói chung mấy chị tủi thân. Mấy chị cũng muốn có một sự quan tâm bên nhân quyền để hỏi thăm mấy chị. Tâm tư nguyện vọng mấy chi nói như vậy”.

Theo lời kể của những tù nhân sau khi được ra khỏi nơi giam giữ, tình trạng trong lao tù Việt Nam, nhất là đối với các tù chính trị, tù nhân lương tâm đặc biệt khắt khe. Họ phải chịu từ tra tấn, hăm dọa đến biện pháp trừng phạt như không cho gặp luật sư, gia đình hoặc không cho phép tù nhân được khám bệnh.

Bà Grace Bùi, thành viên vận động của tổ chức The 88 Project, cho biết, người cai tù dùng các chiến thuật đó để buộc tù nhân làm theo ý của mình, khiến có nhiều người đã không được điều trị bệnh và “được thả” chỉ để sau đó chết vì bệnh hoạn.

Theo hồ sơ của The 88 Project, ở Việt Nam hiện có 249 người hoạt động nhân quyền đang bị đe dọa bởi chính quyền, trong đó có 83 người thuộc phái nữ. Trong số đó, sau khi chị Đoàn Thị Hồng được thả thì hiện còn 27 nữ TNLT đang bị giam.

Bà Grace nói những phụ nữ đứng lên phải đối mặt với những thách thức riêng của phái nữ:

“Khi những người phụ nữ bị bắt như vậy thì dĩ nhiên những người cai tù hay những người làm việc trong tù sẽ rất coi thường họ. Dĩ nhiên khi một phụ nữ bị bắt như vậy thì họ có những cái sự khó khăn, như mỗi tháng khi họ bị period (kinh nguyệt) thì rất là khó khăn đòi hỏi những tấm băng vệ sinh. Thay quần áo thì bị người ta nhìn, rồi phải xa con cái thì cái sự đấu tranh của người phụ nữ ở bên Việt Nam rất là khó khăn”. 6.44 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương được biết cũng có con nhỏ còn đi tuổi học. Chị Đoàn Thị Hồng là một người mẹ đơn thân, khi bị bắt, con gái dưới 3 tuổi trong một năm không được thăm mẹ.

Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, The 88 Project đã dành tháng 3 để lên tiếng cho các nữ TNTL, như nhà báo Phạm Đoan Trang, hai dân oan Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm và Facebooker Huỳnh Thị Tố Nga.

Hình minh hoạ. Bà Cấn Thị Thêu trước phiên toà xét xử ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP

Bà Grace cũng cho biết, có những TNLT được nhắc đến nhiều như Phạm Đoan Trang, Cấn thị Thêu. Có những người khác thì ít ai biết đến nhưng không phải vì các tổ chức nhân quyền quên họ.

“Những người như là Huỳnh Thị Tố Nga hay là Sương mà gia đình của họ không ký giấy để chấp thuận cho các tổ chức đấu tranh làm việc với Liên Hiệp Quốc thì không có ai được làm hết. Nhưng mà những tổ chức (nhân quyền) vẫn nêu tên những người này ra (khi đi vận động)”.

Nhiều gia đình TNLT còn phải phấn đấu với nỗi sợ hãi không biết sự lên tiếng bênh vực cho người thân của mình có bị chính quyền lợi dụng quấy rối hay ngược đãi thêm với tù nhân.

Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách liên lạc với gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Sương nhưng chưa được hồi âm.

RFA (19.03.2021)

 

 

CSVN tổ chức phiên phúc thẩm của nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch vào ngày 24/3

Tin từ Hà Nội: Luật sư Hà Huy Sơn thông báo toà án cộng sản cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành phiên phúc thẩm đối với nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Ngọc Thạch vào ngày 24/3 tại trụ sở toà án cộng sản tỉnh Nghệ An ở thành phố Vinh, hơn bốn tháng sau khi ông bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội danh nguỵ tạo “hoạt động lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự.

Ông Thạch, 69 tuổi, bị bắt giữ vào ngày 23/4 năm ngoái vì hoạt động và viết bài cổ suý dân chủ và nhân quyền. Trong phiên sơ thẩm ngày 15/12 cùng năm, ông bị toà án cộng sản tỉnh Nghệ An kết tội. Trước đó, vào năm 2009, ông từng bị toà án cộng sản thành phố Hà Nội kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Nhà hoạt động Trần Đức Thạch- khôi nguyên giải Nguyễn Chí Thiện 2020 (Fb)

Ông là tác giả của hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30.4.1975. Ông cũng là một thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam một cách ôn hòa và đã có khoảng 10 thành viên bị kết án trong 5 năm qua.

Ông Thạch rất ít có cơ hội được trả tự do hay được giảm án trong phiên phúc thẩm tới khi nhiều nhân vật bảo thủ của chế độ được tái bầu trong đại hội đảng vừa qua và tiếp tục giữ các chức vụ chủ chốt của chế độ trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

VietBF (20.03.2021)

 

 

 

Việt Nam kết án một người với cáo buộc tham gia ‘Chính Phủ Việt Nam Lâm Thời’

Your content goes here. Edit or remove this text inline or in the module Content settings. You can also style every aspect of this content in the module Design settings and even apply custom CSS to this text in the module Advanced settings.

Ông Trần Nguyên Chuân tại phiên toà xét xử ở tỉnh Daklak vào ngày 19 tháng 3  TTXVN

Tòa án tỉnh Daklak vào ngày 19 tháng 3 tuyên sáu năm sáu tháng tù giam đối với ông Trần Nguyên Chuân với cáo buộc ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo khoản 2 Điều 109 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Đây là trường hợp mới nhất bị tuyên án ở Việt Nam vì tham gia vào tổ chức ‘Chính phủ Quốc gia Lâm thời’ có trụ sở chính ở Hoa Kỳ do ông Đào Minh Quân đứng đầu.

Thông tấn xã Việt Nam vào cùng ngày dẫn cáo trạng cho rằng ông Trần Nguyên Chuân, sinh năm 1967, từ năm 2015 dùng điện thoại di động truy cập vào những video YouTube có nội dung liên quan đến tổ chức ‘Chính phủ Quốc gia Lâm thời’ do ông Đào Minh Quân ở Mỹ đứng đầu. Vào tháng 3 năm 2017, ông Trần Nguyên Chân bỏ phiếu trưng cầu dân ý cho ông Quân làm tổng thống nền đệ tam Việt Nam Cộng Hòa; đồng thời ông Chân tham gia tổ chức này.

Cáo trạng cho biết tiếp từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2020, ông Chuân tham gia họp trực tuyến trên ứng dụng Free Conferencecall (FCC) với tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” điều hành. Ông Chuân bị cho là đã tuyên truyền, lôi kéo một người khác có tên Trương Văn Chúc cùng tham gia trưng cầu dân ý và bầu Đào Minh Quân làm “Tổng thống đệ III Việt Nam cộng hòa”, gửi các thông tin cá nhân của ông Trương Văn Chúc và vợ Lê Thị Minh Thu để ông Vũ Hoàng Tôn làm trưng cầu dân ý cho hai vợ chồng này.

Cũng theo cáo trạng vào ngày 8/3/2020, ông Chuân được tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” ký lệnh bổ nhiệm mang quân hàm Thiếu tá, Phụ trách phòng 3, Bộ Tổng tham mưu của tổ chức này, sau đó được thuyên chuyển sang làm Phụ tá Bộ Chỉ huy quân cảnh tư pháp của tổ chức. Ngoài ra, ông Chuân còn lên mạng đăng tải, chia sẻ các bài viết, đường dẫn, chia sẻ video phát trực tuyến và video phát trên YouTube với nội dung kêu gọi mọi người trên không gian mạng tham gia trung cầu dân ý và tham gia vào tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”; chia sẻ nội dung từng phần và toàn bộ Hiến pháp đệ III Việt Nam cộng hòa thông qua các bài viết trên trang Facebook cá nhân và chia sẻ các đường link ở phía dưới các bài viết đã đăng tải; xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ, vu khống, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ; tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quảng bá đề cao hình ảnh của Đào Minh Quân và các hoạt động chống phá của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”.

Đến ngày 1/9/2020, ông Trần Nguyên Chuân bị Cơ quan An ninh điều tra – Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố, bắt giữ.

Vào ngày 11 tháng 3 vừa qua, Tòa án tỉnh Bình Phương tuyên án bốn người gồm bà Vũ Thị Kim Phượng mức án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế; ông Lê Văn Lạc chồng bà Phượng mức án 7 năm tù, 2 năm quản chế; bà Nguyễn Thị Kim Duyên mức án 6 năm tù, 2 năm quản chế; ông Lê Văn Sang chồng bà Duyên mức án 5 năm tù, 2 năm quản chế, cùng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Khoản 1, Điều 109, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cả bốn người này cũng là thành viên của tổ chức ‘Chính phủ Quốc gia Lâm thời’.

Tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm này trong năm, cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ thêm ít nhất hai người bị cho là đã tham gia tổ chức này. Đó là ông Trần Hữu Đức sinh năm 1964 tại Nghệ An và anh Ngô Công Trứ sinh năm 1988 tại Phú Yên.

Đài Á Châu Tự Do đã nhiều lần liên hệ với Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời để hỏi về phản ứng của tổ chức này trước cáo buộc của Chính phủ Việt Nam đối với những người tham gia tổ chức nhưng không nhận được phản hồi. Vào năm 2017, bà Lisa Phạm, một Việt kiều Mỹ bị phía Việt Nam cáo buộc tham gia tổ chức đã lên tiếng với RFA, bác bỏ những cáo buộc tham gia vận động người trong nước tham gia vào các hoạt động khủng bố, chống chế độ.

RFA (19.03.2021)

 

 

Nhân vụ Đồng Tâm: Tùy tiện giết, tha và nhân tâm, dân ý?

Tang lễ ông Lê Đình Kình ngày 13 tháng Giêng, 2020.

Tuy hệ thống tư pháp Việt Nam đã hoàn tất thủ tục phúc thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (trước nay vẫn được gọi tắt là “vụ án Đồng Tâm”) từ đầu tuần trước nhưng đến tuần này, công chúng vẫn còn thảo luận về bản án phúc thẩm (giữ nguyên hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên: Tử hình ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức. Phạt tù chung thân ông Lê Đình Doanh. Phạt ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù, bà Bùi Thị Nổi 6 năm tù) và pháp chế XHCN…

Đã có rất nhiều người đề cập đến “vụ án Đồng Tâm”, trong đó có một số người đã dụng rất nhiều công để phân tích cả về vụ án lẫn chứng minh Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án sơ thẩm không những phi lý mà còn vô đạo – hệ thống tư pháp không ngần ngại ngụy tạo, ngụy biện để giết cho bằng được, giam cho bằng được các lương dân. Trong số các nhà phân tích này có ông Hoàng Xuân Phú (Giáo sư – Tiến sĩ Toán, Viện sĩ một số Viện Hàn lâm Khoa học của Đức và thế giới, từng là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Các nước đang phát triển của Liên đoàn Toán học Thế giới,…).

Ông Phú không chỉ đọc – phân tích các dữ kiện, tài liệu mà còn đến tận hiện trường, thử thực nghiệm và công bố hàng loạt bản ảnh nhằm chứng minh: Bản án sơ thẩm bất chấp cả sự thật lẫn pháp luật. Tòa án đã nhân danh công lý để chà đạp công lý. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã sử dụng hệ thống tư pháp để biến vụ án Đồng Tâm thành một thông điệp: Nếu dám làm trái ý đấng cầm quyền, cho dù hành động hợp pháp và chính đáng đến đâu đi nữa thì cũng bị trừng trị thẳng tay. Và khi ra tay, thế lực cầm quyền bất chấp tất cả. Bất chấp đạo lý. Bất chấp lẽ phải. Bất chấp sự thật. Bất chấp cả Hiến pháp và pháp luật của chính nhà nước này (1)…

***

Phiên xử phúc thẩm của một vụ án liên quan tới tính mạng của hai con người và cuộc đời của bốn người khác, thậm chí sẽ tác động vào tương lai của nhiều gia đình, gia tộc đã diễn ra hết sức chóng vánh – chưa đầy hai ngày! Thành ra có rất nhiều facebooker, blogger như Lập Quyền Dân gọi cách xử lý hình sự vụ tranh chấp đất giữa nông dân với chính quyền ở Đồng Tâm là “vụ lừa thế kỷ”. Ở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng mớm, dụ các bị cáo nhận tội. Ở đó, hệ thống tư pháp XHCN chứng tỏ giới cầm quyền bạo ngược, tàn ác hơn cả thực dân, phong kiến. Những kẻ thiết kế “vụ án Đồng Tâm” còn thâm hiểm hơn cả Tào Tháo (2)…

Về tính chất, phán quyết phúc thẩm là chung thẩm nhưng bản án phúc thẩm “vụ án Đồng Tâm” vẫn không thể đóng lại vụ án. Ông Ngô Anh Tuấn – một trong những luật sư bào chữa cho sáu người kháng cáo bản án sơ thẩm vừa kể thêm về những… động thái lạ sau khi Hội đồng Xét xử phúc thẩm tuyên án: Tòa tuyên án ngày 9/3/2021 và sáng 17/3/2021, các luật sư bào chữa đã nhận được bản án vụ án – tốc độ nhanh khác thường. Có tin hai bị cáo bị phạt tử hình đã được chuyển từ Trại giam số 2 lên Trại giam số 1 (Hoả Lò) – động thái đáng lưu tâm vì có thể hai bị cáo đã không viết đơn xin tha tội chết. Theo thông tin từ gia đình cụ Kình, sau phiên xử phúc thẩm, hai công an xã đã đến nhà ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức thuyết phục gia đình viết đơn xin tha tội chết nhưng cụ bà Dư Thị Thành giận dữ quát “Chết trẻ khỏe ma, gia đình tao không viết”.

Ông Tuấn kể thêm: Các luật sư từng bào chữa cho các bị án đã bàn với nhau cử người vào trại giam, tư vấn cho họ viết đơn xin ân giảm vì mong muốn thân chủ của họ có cơ hội được sống và tiếp tục hành trình kêu oan nhưng đó là điều không thể thực hiện được vì vai trò của luật sư gần như bằng “0”. Nếu không có sự chấp thuận của cơ quan thi hành án thì không thể thăm – gặp thân chủ… Trong vụ này, chúng tôi rất lo lắng cho cả hai phía, cả người dân lẫn chính quyền. Chết đi là hết, nếu sau này bản án được lật lại và xem là oan, cơ hội sửa sai không còn… Đó sẽ là nỗi day dứt khôn nguôi của những người tuyên án dù lỗi không chỉ thuộc về riêng họ. Cùng với đó là ba sinh mạng, ba cha con trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Dù nguyên nhân phát xuất từ tranh chấp nguồn gốc đất đai hay bất kỳ nguyên nhân nào khác, nó vẫn là nỗi đau tột cùng với người ở lại.

Theo cảm nhận của Ngô Anh Tuấn thì sự phẫn uất đang ngấm vào máu thịt của nhiều người, hận thù không chấm dứt mà ngấm ngầm sinh sôi. Điều khó tránh khỏi đó cũng chính là “tử huyệt” mà không một chính quyền nào mong muốn nó tồn tại cả. Cũng vì vậy, Tuấn hy vọng: Những người lãnh đạo cao nhất của đất nước sẽ nhìn thẳng vào sự thật và có cách ứng xử phù hợp. Đừng dồn dân tới bước đường cùng để rồi sau đó có lúc rơi nước mắt, thốt ra những lời “giá như” muộn màng, giống như đã từng diễn ra trong quá khứ (3)…

***

Nếu đọc những bài ông Hoàng Xuân Phú viết về “vụ án Đồng Tâm” trên website của ông, ai cũng có thể thấy ông Phú đã dành nhiều tháng để xem xét dữ liệu, tài liệu, khảo sát hiện trường, đối chiếu – phân tích kỹ lưỡng trước khi đưa ra nhận định trong từng bài viết (4).

Đáng lưu ý là càng dụng tâm và dụng công, niềm tin, hy vọng của ông vào hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam càng hao mòn.

Ở bài gần nhất (Giải mã vụ Đồng Tâm), cả niềm tin lẫn hy vọng của ông Phú – một trong những trí thức hàng đầu tại Việt Nam – đã cạn sạch. Ông tâm sự: Tôi vẫn viết thêm bài này. Không phải để tranh luận với thế lực bất chấp tất cả. Mà viết cho đồng bào tôi đọc, cho đồng bào tôi hiểu. Bởi cái mà đồng bào tôi đang rất cần và rất đói là sự thật. Đặc biệt, những người có lương tri trong đảng cầm quyền càng cần hiểu đúng cái sự thật phũ phàng của tội ác Đồng Tâm, và giúp các đồng chí của họ cùng hiểu ra sự thật. Chỉ khi đã hiểu đúng sự thật, thì mỗi người mới có thể tự mình trả lời câu hỏi: Ta phải làm gì?

Những facebooker, blogger khác cũng vậy. Cũng vì vậy, nhiều người chia sẻ, tán thành nhận định của blogger Lập Quyền Dân: Thắng dân chỉ là ảo tưởng… Ác mấy cũng không thể thắng được dân… Lịch sử sẽ bàn tiếp câu chuyện đau thương mang tên Đồng Tâm theo cách của nó, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những lời cáo trạng “bỏ túi” dùng để khép tội 29 nông dân dám chống lại một nhà nước độc tài và toàn trị như chính quyền Nguyễn Phú Trọng.

Chú thích

(1) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=GiaiMaVuDongTam-20210307

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/dong-tam-cruelty-cant-kill-people-03102021104658.html

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10218564754221304&id=1569759542

(4) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings

Trân Văn

VOA  (19.03.2021)