Nạn nhân người Việt bị một người da trắng đánh trên đường phố ở San Francisco nói việc kỳ thị nhắm vào một người đã ‘hoàn thành bổn phận với nước Mỹ là bất công’ và kêu gọi đồng hương người Việt ‘đề cao cảnh giác khi ra đường ở Mỹ’.
Ông Ngọc Phạm, 83 tuổi, là một trong hai nạn nhân bị hành hung cùng một lúc hôm 17/3 tại một con đường tấp nập ở thành phố San Francisco. Nạn nhân còn lại là bà cụ gốc Hoa 75 tuổi Tạ Tiêu Trân (Xiao Zhen Xie). Hình ảnh camera quay lại cho thấy bà Tạ đã phản đòn khiến kẻ tấn công bị thương.
Hung thủ tên là Steven Jenkins, một người đàn ông da trắng 39 tuổi, ngay sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi có hành vi tấn công vô cớ với tình tiết tăng nặng, cảnh sát San Francisco cho biết.
Trung tâm Giới trẻ Cộng đồng San Francisco (CYCSF) đã tổ chức gây quỹ trên trang GoFundMe để hỗ trợ chi phí điều trị cho ông Ngọc Phạm. Hiện giờ số tiền quyên góp được đã lên tới trên 200.000 đô la trong khi mục tiêu ban đầu chỉ là 25.000 đô la.
‘Bị đánh bất ngờ’
Ông Ngọc hiện đã được xuất viện và cho về nhà. Trao đổi với VOA qua điện thoại từ San Francisco, cho biết ông ‘đã ăn ngủ được’ và ‘chỉ còn đau nhức chút đỉnh’.
Về thương tích, ông nói ông bị ‘gãy sống mũi, trật cần cổ và vết bầm trên đầu’. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, bác sĩ nói rằng đầu ông ‘không bị chấn thương sọ não’ trong khi ‘vết thương ở cổ chỉ có một đốt cổ bị rạn nứt chứ không bị lệch làm ảnh hưởng đến dây thần kinh’.
Ông mô tả vụ việc xảy ra với ông vào hôm đó ‘rất là bất ngờ’ nên ông ‘không có sự đề phòng gì’. Khi đó, ông đang đi mua đồ ở chợ Farmers’ Market, nơi nông dân đem hàng hóa tươi đến bán nên rất được dân châu Á ưa chuộng.
“Tôi cũng cảnh giác lắm (sau một loạt các vụ kỳ thị người châu Á xảy ra ở San Francisco),” ông cho biết. “Bình thường tôi đi ra chợ mua đồ gì là mua rẹt rẹt rồi về. Nhưng bữa đó gặp người bạn cũng từng làm cảnh sát, cũng ở tù cải tạo với nhau, cũng qua Mỹ theo diện HO nên mới đứng lại nói chuyện thì tai nạn xảy ra.”
Ông Ngọc từng làm cảnh sát đặc biệt dưới thời Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Ông từng bị nhà cầm quyền cộng sản đưa vào trại cải tạo suốt 17 năm, sau qua Mỹ theo diện HO vào năm 1993.
“Tôi rất là bất ngờ. Đang đứng nói chuyện với người bạn thì nó quýnh một cú như trời giáng. Mặt tôi máu me tùm lum rồi té xuống đập đầu xuống đất nên đâu có chống cự lại nó được. Thành ra phản ứng không kịp,” ông giải thích tại sao mình không chống lại như bà cụ Tạ.
Theo lời ông nói thì sau khi đánh ông té ngã, tên hung thủ ‘tiếp tục tới đánh bà xẩm’. Ông nói sau khi bị thoi thì bà cụ ‘chỉ bị té ngồi xuống đất chứ không đập đầu như tôi’. Tuy nhiên, ông ‘rất ngưỡng mộ’ hành động của bà cụ gốc Hoa mà ông gọi là ‘rất anh hùng’.
Sau khi bị đánh, ông kêu cứu nên mọi người chạy lại giúp đỡ. Nhân viên an ninh ở chợ đã gọi cảnh sát và chỉ mấy phút sau cảnh sát đến bắt hung thủ và kêu ba xe cứu thương riêng biệt chở ba người đi. Ông mô tả hung thủ là ‘Mỹ trắng, không phải gốc Latin, tương đối to con’.
Ông Ngọc nói ông không hề quen biết hung thủ: “Trước khi đánh tôi, ở đầu chợ nó đã đánh lộn với người nào đó rồi. Nó bất mãn nó đi nó gặp mình nó táng đại thôi. Không biết nó kỳ thị sao mà nó chỉ gặp người già nó mới đập thôi.”
‘Tôi không phải gánh nặng’
Gần 30 năm ở Mỹ, ông Ngọc cho biết đây là lần đầu tiên ông bị kỳ thị như vậy. Trước giờ ông cũng nghe tin tức về kỳ thị người châu Á này nọ nhưng ‘không nghĩ rằng có ngày tôi trở thành nạn nhân’.
“Chúng tôi là những nạn nhân của cộng sản. Tôi qua đây được, tôi nghĩ rằng xứ này tự do dân chủ. Tôi làm việc 12 năm đến năm 68 tuổi mới nghỉ hưu thì tôi đã làm tròn bổn phận người công dân đối với xứ sở này. Tôi phải được hưởng sự thanh bình chứ. Sự kỳ thị đối với tôi là bất công,” ông giãi bày với VOA và nhấn mạnh ông không phải ‘gánh nặng’ của xã hội Mỹ.
“Ở San Francisco giờ ghê quá. Nó kỳ thị người châu Á. Nó gặp người già là nó đục thôi chứ đụng người trẻ nó đâu dám,” ông than thở và cho biết hiện giờ nếu có việc gì ra đường ông ‘nhờ con cháu đi’.
Ông nói rằng ông đã từng ‘ở tù cộng sản và không gục ngã’ thì ‘sẽ không gục ngã trước kỳ thị’. Nhưng ông kêu gọi chính quyền trừng trị hung thủ và ‘có biện pháp bảo vệ người châu Á, người Việt Nam và nhất là người già hay bị hiếp đáp’.
“Phải cô lập nó (hung thủ) với xã hội, nếu cho nó ra mai mốt nó đập người khác nữa.”
Ông kêu gọi đồng hương người Việt ‘đề cao cảnh giác khi ra đường’ và lên án hành động kỳ thị để ‘cho thế giới biết nhằm chặn đứng sự kỳ thị đối với người gốc Á và người Việt nói riêng’.
“Cộng đồng xuống đường biểu tình là rất tốt. Nếu tôi mạnh khỏe tôi đã xuống đường ủng hộ,” ông nói về các cuộc xuống đường chống nạn kỳ thị người châu Á ở Mỹ vào cuối tuần qua và cho rằng từ vụ việc này, ông ‘thông cảm cho những người đòi bình đẳng trong phong trào Black Lives Matter’.
Ông Ngọc gửi lời cám ơn những người đã ủng hộ ông về vật chất lẫn tinh thần mà ông nói nhờ đó ‘tinh thần tôi được vững vàng’.
Khi được hỏi về sự phát ngôn và hành động của Tổng thống Joe Biden chống lại sự kỳ thị người châu Á, ông Ngọc nói ông ‘không có ý kiến’. Tuy nhiên, ông cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump gọi virus corona là ‘China virus’ là ‘có quá đáng một chút’.
Hiện giờ, cảnh sát đã tăng cường tuần tra một số khu vực có đông dân gốc Á ở San Francisco. Theo phúc trình của tổ chức Stop AAPI Hate, vốn ghi lại những hành động kỳ thị người gốc Á, trong suốt đại dịch, người gốc Á ở Mỹ đã báo cáo ít nhất 3.795 hành động thù ghét nhắm vào họ.
Hôm 12/3, cụ ông Pak Ho, 75 tuổi, đã qua đời sau khi bị tấn công và bị cướp. Hôm 28/1, cụ ông gốc Thái Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, bị một kẻ tấn công xô xuống đường đến chết. Nhiều người Mỹ gốc Á khác ở Vùng Vịnh bang California cũng bị đánh và bị cướp trong những tuần gần đây.
Dân cử gốc Việt ở Little Saigon phản đối chuyện người gốc Á bị tấn công
Đằng-Giao/Người Việt
LITTLE SAIGON, California (NV) – Trước tình trạng căng thẳng giữa các chủng tộc trong thời gian gần đây, các dân cử gốc Việt trong khu Little Saigon đồng lòng lên tiếng phản đối việc người gốc Á Châu và Đảo Thái Bình Dương (AAPI) trở thành nạn nhân mà vụ thảm sát tám người, trong đó có sáu phụ nữ gốc AAPI hôm 16 Tháng Ba là bi thảm nhất.
Cần tiếp tục báo cáo tội ác thù hận
Bà Kim Bernice Nguyễn, nghị viên Địa Hạt 6, là phó thị trưởng của Garden Grove, nhận định: “Từ lâu, cộng đồng gốc Á đã quen cúi đầu chấp nhận và làm việc chăm chỉ rồi trở thành nạn nhân của huyền thoại ‘thiểu số kiểu mẫu.’ Đã quá lâu, phụ nữ gốc Á bị coi là thứ đồ chơi và phân biệt chủng tộc.”
“Mặc dù bị đối xử như những người vô hình nhưng chúng ta vẫn là mục tiêu của tội ác thù hận, chủ nghĩa bài ngoại hoặc bạo lực trên cơ sở giới tính, dẫn đến vụ sát hại sáu phụ nữ gốc Á ở Atlanta, Georgia. Chúng ta cần tiếp tục báo cáo tội ác thù hận và yêu cầu chấm dứt bạo lực chống người gốc Á,” bà nhấn mạnh.
Bà Diedre Thu-Hà Nguyễn, nghị viên Địa Hạt 3 Garden Grove, nói: “Vụ thảm sát ở Atlanta đã cướp đi sinh mạng của tám người trong đó có sáu phụ nữ gốc Á và sau đó một vị cao niên gốc Việt tên Ngọc Phạm, 83 tuổi, sinh sống tại San Francisco đã bị tấn công trong tuần qua. Đây là những sự việc không thể chấp nhận được trong xã hội ngày nay.”
“Là thành viên của cộng đồng, và là một dân cử, chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa để xác định, bắt giữ và truy tố những kẻ hèn nhát, buộc họ phải chịu trách nhiệm về những tội ác thù hận này. Đồng thời, chúng ta cũng có trách nhiệm lên án và lên tiếng về các hành động và mối đe dọa của sự thù hận, kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử và bạo lực, ngay cả với những cá nhân có thể không cùng quan điểm chung về chính trị, đảng phái, kinh tế, các vấn đề xã hội hoặc tôn giáo. Đã đến lúc chúng ta không thể im lặng,” bà tuyên bố.
Bà kêu gọi: “Chúng ta có trách nhiệm phải lên tiếng chống lại bạo lực thù hận. Không thể im lặng. Hãy cùng đoàn kết và cùng nhau lên tiếng. Hãy bảo vệ cộng đồng và những người cao niên của chúng ta.”
Nên tránh đi một mình ở những nơi bất an
Ông Phát Bùi, nghị viên Địa Hạt 4 Garden Grove, nhận xét: “Kỳ thị và bạo động thù hận luôn xảy ra và tiếp tục xảy ra (ở Mỹ) và gần đây đối tượng là người Mỹ gốc Á. Cá nhân tôi cũng như nhiều vị dân cử đã lên án những hành động này và Hoa Kỳ đã có luật trừng phạt rất nặng cho những ai vi phạm, nhất là đối với tội thù hận.”
“Qua đại dịch COVID-19, một thiểu số quá khích, đã có những lời khủng bố tinh thần hay thậm chí hành hung những người Mỹ gốc Á. Các dân cử cũng như nhiều hội đoàn và truyền thông báo chí Mỹ cũng như Việt đã và đang tiếp tục phổ biến thông tin và lên án những hành vi tệ hại của thiểu số này. Cơ quan cảnh sát và tư pháp tại các địa phương đang gia tăng nỗ lực để giữ an ninh và bảo vệ cho chúng ta. Điều cần thiết cho chúng ta là nên tránh đi một mình ở những nơi bất an và để ý chung quanh đề cao cảnh giác những người có hành vi quá khích hay bất bình thường,” ông tiếp.
“Chúng ta đòi hỏi Bộ Tư Pháp phải trừng phạt những người phạm tội tối đa theo luật liên bang và tiểu bang,” ông nhấn mạnh.
Ông khuyên: “Với những người buông lời miệt thị có tính cách kỳ thị với chúng ta tại các chợ hay nhà hàng hay nơi làm việc, chúng ta đừng tranh cãi, mà hãy báo cho nhân viên tiệm hay quản lý của nơi xảy ra, hoặc gọi 911 nếu thực sự cảm thấy bị đe doạ. Mong việc thận trọng này sẽ giúp mọi người không trở thành nạn nhân của một số thành phần cực đoan hay bị tâm thần.”
Đừng để lịch sử tái diễn
Luật Sư Thái Việt Phan, nghị viên Địa Hạt 1 Santa Ana, nhận xét rằng tội ác thù ghét người AAPI sau khi có đại dịch là vì những câu nói của cựu Tổng Thống Donald Trump. “Ai cũng biết vi trùng Corona bắt nguồn từ Trung Quốc. Nhưng là một lãnh đạo quốc gia, ông Trump cứ lặp đi lặp lại những từ ngữ miệt thị như ‘cúm Tàu’ hay ‘Kung Flu’ chỉ khơi thêm sự kỳ thị trong lòng người dân mà thôi,” bà nói.
Bà Thái nhắc rằng chuyện người Mỹ trắng kỳ thị người gốc Á đã có từ lâu: “’Page Act’ năm 1875 là luật nhập cư đầu tiên của liên bang nhằm cấm phụ nữ Trung Quốc vào Mỹ, đánh dấu sự kết thúc của việc mở rộng biên giới. Bảy năm sau, đạo luật ‘Chinese Exclusion Act’ (loại trừ Trung Quốc) năm 1882 cũng cấm đàn ông Trung Quốc nhập cư. Hồi Đệ Nhị Thế Chiến, bao nhiêu người Mỹ gốc Nhật bị bắt vào trại tập trung, phải mất nhà, mất cửa và tài sản. Gần hơn nữa là chuyện những người Việt Nam phạm pháp bị trả về nước.”
“Tôi biết nhiều người Việt không thích người Trung Quốc vì cho rằng họ xâm lăng lãnh thổ Việt Nam nhưng đó là hành động của nhà cầm quyền chứ không phải của người dân,” bà nói.
Và điều quan trọng nhất vẫn là người thuộc các sắc dân khác không phân biệt Nhật, Trung Quốc, Đại Hàn hay Việt Nam mà họ chỉ thấy người gốc Á. “Do đó, nếu chúng ta không kịp thời lên tiếng chống đối những hành động sai trái xảy ra cho sắc dân thiểu số khác thì chẳng bao lâu nữa, chuyện ấy sẽ xảy ra cho chính chúng ta,” bà Thái kêu gọi. “Chúng ta phải đoàn kết ngay từ bây giờ.”
Ở Westminster, Thị Trưởng Trí Tạ, nói: “Tôi lên án tất cả những hành động kỳ thị và bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á. Nếu quý đồng hương gặp những trường hợp bị kỳ thị, xin báo cho nhân viên công lực tại nơi mình cư ngụ. Hiến Pháp Hoa Kỳ ghi rất rõ là tất cả mọi người đều bình đẳng, bất kể màu da hay chủng tộc.”
Ông Charlie Chí Nguyễn, phó thị trưởng Westminster, nói: “Chúng tôi cực lực lên án các hành động kỳ thị người dân gốc Á chỉ vì Châu Á là nơi bắt nguồn đại dịch COVID-19. Các hành vi phỉ báng, nhục mạ hoặc đánh đập những người gốc Á là hoàn toàn sai trái và phải bị trừng phạt tối đa theo luật pháp ấn định.”
Thành phố Westminster lên án các hành động này và đã thông qua nghị quyết chống kỳ thị đối với người Á Châu hoặc người Mỹ gốc Á vào đầu Tháng Ba, ông cho biết.
Ông Tài Đỗ, nghị viên Westminster, cho biết: “Mỗi công dân Hoa Kỳ đều được luật pháp bảo vệ công bằng. Tội kỳ thị căm thù chủng tộc với bất kỳ sắc dân nào trong xã hội dân chủ đều không thể chấp nhận được.”
“Tôi lên án tất cả những hành động kỳ thị chống lại người Mỹ gốc Á và các sắc tộc khác. Thành phố Westminster và Sở Cảnh Sát Westminster quyết tâm làm tròn bổn phận bảo vệ sự an toàn cho các cư dân cộng đồng. Sở Cảnh Sát Westminster đã và đang tăng cường tuần tra trong khu vực Little Saigon và thực hiện những điều cần thiết trong việc lập hồ sơ truy tố và điều tra những tội ác thù hận kỳ thị đã xảy ra,” ông dứt khoát.
Ông kêu gọi: “Tôi thiết tha kêu gọi mọi người không nên ngần ngại liên lạc và tố cáo những tội ác kỳ thị này với cơ quan công lực để trừng trị những tội phạm này một cách thích đáng.”
Ở Stanton, bà Hồng Alyce Văn, nghị viên Địa Hạt 2, nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, đã có sự gia tăng đáng kể các tội ác thù hận nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc AAPI. Có gần 3,800 vụ tấn công nhắm vào người AAPI trong 12 tháng qua. Là một cộng đồng, chúng ta đến với nhau và đoàn kết chống lại sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức. Tôi dứt khoát lên án mọi hành động thù hận và bạo lực đối với cộng đồng AAPI, vì tôi tin rằng mọi người đều được sống trong an toàn.”
Bà cũng khuyên: “Tôi khuyến khích bất kỳ ai là nạn nhân hoặc chứng kiến hành động thù hận đối với cộng đồng AAPI, hãy báo cáo ngay. Chúng ta phải lên tiếng để thể hiện sức mạnh và tinh thần chống chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt chủng tộc.”
Ở cấp tiểu bang, Dân Biểu Janet Nguyễn (Cộng Hòa-Địa Hạt 72) cũng lên tiếng: “Tấn công nhắm vào người AAPI tăng mạnh trong cộng đồng chúng ta, trong tiểu bang chúng ta, và khắp Hoa Kỳ. Chúng ta thấy hiện tượng này trên mạng, trong trường học, tại chợ, và tại các doanh nghiệp. Gần 3,000 vụ tấn công người AAPI được ghi nhận tại California trong năm 2020, từ sách nhiễu cho đến đụng chạm, cho đến tấn công bạo động, và trong một số trường hợp, gây ra tử vong.”
“Chúng ta phải có nhiệm vụ bảo vệ những cá nhân này không bị tội phạm thù ghét tấn công. Tôi ủng hộ việc chi ra $1.4 triệu cung cấp cho trang web Chấm Dứt Thù Ghét Người AAPI và nghiên cứu cũng như phân tích liên quan đến việc chấm dứt tội ác thù ghét. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để trừng phạt những tội phạm này và bảo vệ những con người làm việc bình thường trong cộng đồng chúng ta…,” bà Janet cho biết tiếp.
Nhật báo Người Việt đã liên lạc với ông Michael Võ, thị trưởng Fountain Valley, và bà Kimberly Hồ, nghị viên Địa Hạt 3 Westminster, để xin lời phát biểu nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Tình trạng thù ghét người gốc AAPI ngày càng tăng
Theo nhật báo The Los Angeles Times hôm Thứ Ba, 16 Tháng Ba, từ khi đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ mọi hoạt động vào Tháng Ba năm ngoái, hàng ngàn người gốc AAPI phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc qua các cuộc tấn công bằng lời nói và thể xác, hoặc bị người khác xa lánh.
Báo cáo của tổ chức Stop AAPI Hate cho thấy trong khoảng thời gian từ Tháng Ba, 2020, đến Tháng Hai, 2021, có tới 3,795 vụ tấn công có chủ ý phân biệt chủng tộc nhắm vào người AAPI.
Tuy nhiên, con số này có thể chỉ là một phần nhỏ của các cuộc tấn công đã xảy ra, vì có rất nhiều vụ không được báo cáo, vẫn theo LAT. [qd]
—–
Bản Lên Tiếng của Tổng Hội CSQG-VNCH về việc 1 Cựu Sĩ Quan CSQG bị hành hung vì kỳ thị người gốc Á
Các nhà lập pháp Mỹ gốc Việt vừa đồng loạt lên án vụ tấn công nhắm vào người gốc Á ở Atlanta và kêu gọi chính quyền Mỹ có các biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng kỳ thị người gốc Á vốn đã tồn tại nhiều năm qua.
“Chúng ta cần quy trách nhiệm cho tất cả người Mỹ về những tội ác có động cơ thù hận”, Dân biểu Hạ viện Trâm Nguyễn của bang Massachusetts nói. Theo bà, những vụ án có động cơ thù hận liên quan đến người gốc Á ít được truyền thông chú ý hơn trong những năm qua, và có một ngưỡng giới hạn trong việc tạo ra cảm xúc buộc những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm.
“Đó là lý do vì sao tôi đệ trình dự luật về tội ác mang tính thù hận với Tổng chưởng lý Healey và Thượng nghị sĩ Hinds nhằm cung cấp cho các luật sư, cơ quan công luật và các thành viên cơ quan tư pháp nhiều công cụ hơn để áp dụng luật một cách công bằng và chính xác nhằm buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm”, bà Trâm Nguyễn cho biết trên trang Facebook.
Tại Atlanta, nơi xảy ra các vụ xả súng khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người gốc Á hôm 16/3, Dân biểu gốc Việt Bee Nguyễn lên án vụ tấn công. Bà nói: “Người gốc Á thường được dạy tránh gây chú ý vì cha mẹ chúng tôi tin rằng làm như vậy sẽ giữ cho chúng tôi an toàn hơn”. Tuy nhiên, việc cố gắng trở nên “vô hình”, không lên tiếng nói, đã không giúp ích gì mà đến hôm nay đã xảy ra bi kịch này.
Bà Bee Nguyễn kêu gọi Quốc hội bang Atlanta hãy hành động để hỗ trợ và bảo đảm an toàn hơn cho người gốc Á cũng như các sắc dân khác giữa bối cảnh sợ hãi đang ngày càng tăng cao trong các cộng đồng này.
Trong khi đó, Dân biểu Janet Nguyễn của bang California, nói rằng gia đình bà và tất cả các gia đình người Mỹ gốc Á hay bất kỳ gia đình nào đều “không đáng phải sống trong sợ hãi”.
“Không ai đáng phải sống trong sợ hãi. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ mọi cá nhân khỏi những tội ác thù hận”, bà Janet Nguyễn nói, đồng thời cho biết bà ủng hộ việc phân bổ 1,4 triệu đô la để hỗ trợ cho trang web Stop Asian American Pacific Islander Hate (Ngăn chặn thù ghét đối với người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương) và để phân tích, nghiên cứu giải quyết gốc rễ các vụ việc mang tính thù hận đang xảy ra đối với người Mỹ gốc Á.
Dân biểu bang California cho biết các cuộc tấn công chống lại người Mỹ gốc Á đã tăng đột biến ở bang này trong năm qua, với 1.691 vụ tấn công được ghi nhận.
Truyền thông Mỹ cho hay cuộc tấn công vào các tiệm spa ở Atlanta hôm 16/3 đã làm rúng động và tạo ra nỗi sợ hãi trong các cộng đồng gốc Á trên khắp nước Mỹ, giữa bối cảnh suốt hơn một năm qua xảy ra đại dịch, họ đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công và kỳ thị sau khi Trung Quốc bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra đại dịch.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào mùa hè năm ngoái cho thấy khoảng 3 trong số 10 người Mỹ gốc Á trên toàn quốc (31%) cho biết họ bị mỉa mai về chủng tộc hoặc trải qua những trò đùa phân biệt chủng tộc kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Một báo cáo trong tuần này của trung tâm “Stop Asian American Pacific Islander Hate” tại Đại học bang San Francisco cũng cho thấy gần 3.800 vụ tấn công nhắm vào người gốc Á xảy ra kể từ tháng 3 năm 2020. Hầu hết là quấy rối bằng lời nói hoặc tâm lý, nhưng có khoảng 11% các vụ tấn công là hành hung thể lý./.
Bài phát biểu của dân biểu Bee Nguyễn, Hạ viện tiểu bang Georgia, tại cuộc biểu tình
Tác giả: Bee Nguyễn
Bắc Phạm, chuyển ngữ
21-3-2021
Hiểm họa da vàng. Sốt vàng. Sốt rừng. Phương đông. Virus ‘Kung flu’.
Đó là những từ đã được quy định cho những người châu Á sống trên đất nước này. Chúng ta đã sống trong bóng tối: Vô hình, bị coi thường, bị rập khuôn và bị coi là bệnh tật, người nước ngoài, đối tượng tình dục và công dân hạng hai.
Và bây giờ, sau vụ xả súng hàng loạt đầy bạo lực và tàn bạo này, nước Mỹ da trắng vẫn đang cố gắng phủ nhận nhân tính và phẩm giá của chúng ta. Một người đàn ông da trắng 21 tuổi đã nhắm mục tiêu vào 3 doanh nghiệp châu Á, lái xe 40 phút giữa các spa, vượt qua các cơ sở kinh doanh giải trí dành cho người lớn khác, và bắn chết 8 người. Ba trong số những người phụ nữ bị bắn ở cự ly gần, vào đầu.
Cho dù bạn quay nó như thế nào, sự thật vẫn như cũ: 6 phụ nữ châu Á đã chết. Đây là một cuộc tấn công có chủ ý và có chủ đích vào cộng đồng của chúng ta.
Chúng ta đã từng thấy điều này trước đây: Phương tiện truyền thông và cơ quan thực thi pháp luật tập trung thủ phạm để bào chữa và phủ nhận chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và chủ nghĩa lệch lạc có hệ thống ở đất nước chúng ta.
Khi nói đến cuộc sống của người châu Á, người da đen, người Latin, người chuyển giới, người Hồi giáo hoặc người nhập cư, các nạn nhân đã bị tước mất nhân phẩm, bị biến thành quỷ ám và bị đổ lỗi cho những hành động tàn bạo đã gây ra đối với họ. Và bây giờ, trong bối cảnh của một cuộc tàn sát bằng bạo lực, nước Mỹ da trắng đang xuống cấp và làm nhục những phụ nữ bị giết.
Họ là những người mẹ. Họ bỏ lại những đứa con và những người thân trong gia đình của họ đau đớn.
Việc cơ quan thực thi pháp luật mất vài ngày để xác định danh tính một số nạn nhân nói lên tính dễ bị tổn thương, sự cô lập và sự vô hình của một số phụ nữ. Bốn người phụ nữ bị bắn vào đầu, trong độ tuổi từ 50 đến 70, và chúng ta thậm chí không biết họ là ai. Không có ai ở đây, trong cộng đồng này để theo dõi và bảo vệ họ theo cách mà nhiều người trong chúng ta ở đây được bảo vệ.
Và bây giờ, chúng ta chỉ còn lại cơn thịnh nộ, giận dữ, đau buồn và một nỗi buồn sâu sắc. Sức nặng và nỗi đau đặt trên vai chúng ta và trách nhiệm của chúng ta là phải nói ra mọi lúc, mọi nơi.
Đối với những nạn nhân này, đối với gia đình của họ, đối với cộng đồng AAPI (Người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương) của chúng ta, và đối với bất kỳ cộng đồng nào phải chịu những bất công như chúng ta, đặc biệt là đối với những anh chị em Da đen của chúng ta, những người biết quá rõ nỗi đau mà chúng ta đã phải trải qua trong tuần này. Và không cần hỏi bất kỳ câu hỏi nào, họ đã xuất hiện cho chúng ta. Và chúng ta cũng cần làm như vậy đối với họ.
Đối với cộng đồng AAPI của tôi, chúng ta hãy tiếp tục khẳng định sự tồn tại và tính nhân văn của chúng ta. Hãy cùng nhau làm sáng tỏ huyền thoại về những người thiểu số kiểu mẫu. Hãy tiếp tục chia sẻ lịch sử, câu chuyện và sự thật của chúng ta. Hãy chung tay với các cộng đồng là đồng minh của chúng ta và đòi hỏi công lý không chỉ cho những nạn nhân này, mà còn cho tất cả các nạn nhân của lòng thù hận và [nạn nhân của] những người da trắng thượng đẳng.
Đối với các chị em APPI của tôi, chúng tôi biết rằng điều này chỉ là bề nổi của sự bạo lực và tầm thường hóa tình dục (Hypersexualization) ở phụ nữ châu Á. Cảm ơn bạn đã vượt qua nỗi đau của mình, đã lên tiếng cho những người phụ nữ châu Á và nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là vấn đề phân biệt chủng tộc, mà còn là định kiến sâu sắc đối với người phụ nữ.
Đối với nhiều người trong chúng ta, chúng ta thậm chí không có thời gian để nguôi ngoai nỗi đau và nỗi buồn của chính mình. Nhưng tình chị em của chúng ta sẽ tiếp tục cho chúng ta sức mạnh và quyền lực mà chúng ta đã bị phủ nhận bấy lâu nay.
KALYNH NGÔ
SAN ANTONIO, Texas (SGN) – “Vì một sự cố đã xảy ra. Chúng tôi sẽ chi tiết sau.” Sáng Chủ nhật, 14-3-2021, nhà hàng Noodle Tree, UTSA Boulevard, San Antonio – Texas, gửi thông báo (trên Instagram Noodle Tree) cho khách hàng biết nhà hàng phải mở cửa trễ hơn giờ bình thường (là 1:00PM.)
‘Quyết định của Thống đốc bang Texas Abbott là ích kỷ’
Sáng hôm ấy, ông Mike Nguyễn – chủ nhà hàng Noodle Tree, toạ lạc ở UTSA Boulevard, San Antonio, Texas, nhận được tin nhắn cho hay Noodle Tree bị xịt sơn đỏ vào dãy cửa kính trước tiệm với hàng chữ “No Mask”; “Kung Flu”; “Ramen Noode Flu,” “Hope U Die” và “Go Back 2 China.”
Trả lời SaigonNho qua điện thoại vào sáng thứ Hai, 15-3-2021, ông Mike cho biết: “Khó hình dung tôi đã bị ‘sốc’ như thế nào khi nhìn thấy những dòng chữ kỳ thị đó vẽ đầy trên cửa kính nhà hàng của mình. Những dòng chữ màu đỏ nổi bật, bất kỳ ai đi ngang cũng có thể thấy. Tôi biết họ sẽ rất sợ khi thấy cảnh tượng đó. Tôi nhanh chóng biết ngay lý do vì sao. Tôi vô cùng tức giận khi nhìn thấy dòng chữ ‘Go back 2 China.’”
Trước đó, ông đã nhận rất nhiều những tin nhắn quấy rối, những lời đe doạ nguy hiểm, những “review…một sao” trong phần ý kiến của khách hàng về Noodle Tree trên trang web và các trang social media.
“Chúng tôi đã lau dọn sạch sẽ, sau đó nhà hàng mở cửa lại. Tôi cũng đã gọi cảnh sát đến để chụp ảnh và làm biên bản. Khi biết chuyện gì đã xảy ra, bạn có hình dung không, Noodle Tree nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người. Chúng tôi bán sạch thức ăn trong chiều hôm qua,” ông Mike bày tỏ qua điện thoại.
Vào ngày 10-3-2021, ông có cuộc phỏng vấn với đài CNN, bày tỏ bất bình về quyết định gỡ bỏ lệnh bắt buộc mang khẩu trang của Thống đốc Texas Abbott. Trong buổi phỏng vấn, ông Mike nói: “Quyết định của Thống đốc bang Texas, ông Abbott, là ‘ích kỷ’”
“Bỏ nhiệm vụ mang khẩu trang sẽ không giúp gì cho nền kinh tế, không giúp chúng ta mở cửa, và rất nhiều người trong chúng tôi cảm thấy ông ấy (Thống đốc Abbott) đang đặt… chúng tôi vào nguy hiểm,” ông Mike chia sẻ ý kiến trong cuộc phỏng vấn với CNN.
Ông Mike Nguyễn, 33 tuổi – người đang chiến đấu chống lại bệnh ung thư hạch, một loại ung thư bắt đầu từ các tế bào chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch, hoàn toàn hiểu “100% chuyện đó (hình vẽ theo hình thức graffiti bẩn lên cửa kính nhà hàng) xảy ra vì cuộc phỏng vấn.” Mike cho biết ông hiểu mình sẽ đối diện với điều gì sau khi lên tiếng lệnh gỡ bỏ khẩu trang của Thống đốc Abbott.
Vì dũng cảm lên tiếng ủng hộ sự an toàn của cộng đồng và kêu gọi ý thức chung của mọi người khi đại dịch chưa kết thúc, Mike Nguyễn đang trở thành mục tiêu của tội ác mang tên “Thù Hận.”
“Nhưng những gì tôi nói, là những điều cần phải nói” – theo lời ông Mike bày tỏ.
Ủng hộ của cộng đồng
Sau khi sự việc xảy ra, Thị trưởng San Antonio, ông Ron Nirenberg gửi ra nội dung trên Twitter vào sáng Chủ nhật, nói rằng: “Cảm ơn tất cả những người hàng xóm đã xuất hiện để giúp đỡ và chứng minh rằng chúng ta tốt đẹp hơn so với hành động xấu xa này. Chúng ta phải làm việc cùng nhau để xóa bỏ phân biệt chủng tộc khỏi thành phố San Anotnio.”
Qua tài khoản Twitter của Thị trưởng Nirenberg cho thấy, ông Nirenberg ủng hộ và kêu gọi người dân San Antonio hãy cùng nhau chống lại đại dịch Covid-19 bằng cách “Mang khẩu trang.”
Nhà hàng Noodle Tree của ông Mike Nguyễn đã phải đóng cửa suốt sáu tháng vừa qua vì đại dịch Covid-19. Là một chủ doanh nghiệp, bản thân ông lại là người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư, nên hơn ai hết, ông rất mong cơ sở kinh doanh của mình được mở cửa và hoạt động bình thường trở lại. Nhưng, quan trọng hơn, ông cũng đặt vấn đề sức khoẻ lên hàng đầu.
“Tôi vẫn giữ qui định phải mang khẩu trang khi vào Noodle Tree. Cá nhân tôi là một người có bệnh nền, tôi phải đi chữa trị ba ngày/tuần. Đó là lý do Noodle Tree chỉ mở cửa thứ Năm đến Chủ nhật. Tôi sẽ dễ dàng bị tử vong nếu nhiễm Covid-19. Và chắc chắn, tôi không phải là trường hợp cá biệt,” ông Mike chia sẻ qua điện thoại.
Theo ông, đã có nhiều người nhiễm coronavirus và họ may mắn qua khỏi. Nhưng cơ hội sống sót của ông và những người có bệnh nền khác, là rất thấp. “Thật kinh hãi khi nghĩ về những gì mà Covid-19 có thể gây ra cho tôi và những người như tôi” – ông nói.
Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện để đi vào buổi chữa trị định kỳ mỗi tuần, Mike nhắn gửi: “Tôi là người Việt, một người gốc Á, tôi biết người gốc Á đang gặp phải một tệ nạn hate-crimes giữa một đại dịch chưa kết thúc. Tôi mong muốn tất cả chúng ta phải dũng cảm lên tiếng, đừng để cho nạn kỳ thị chủng tộc nắm bắt cơ hội này để tấn công chúng ta.”
Tổ chức Stop AAPI Hate, một trung tâm dành cho Người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương tại California, cho biết đã có hơn 3,000 vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á kể từ giữa tháng 3-2020. Những cụm từ mà người gốc Á bị tấn công thường là “Go back to your country” hoặc “China virus” hoặc ‘Kung-flu”. Đó là những cách nói rất quen thuộc của cựu Tổng Thống Donald Trump vào năm 2020. Ông Trump từng dùng những từ ngữ như “China virus” hay “Kung-flu” để nói về dịch coronavirus, thay vì gọi tên khoa học là Covid-19.
Xả súng ở Mỹ: Sáu trong tám nạn nhân là phụ nữ châu Á
Tám người, trong đó có ít nhất sáu phụ nữ châu Á, thiệt mạng trong vụ xả súng tại ba tiệm massage khác nhau ở tiểu bang Georgia, Mỹ.
Cảnh sát nói bốn người bị thiệt mạng tại một tiệm massage ở Acworth, ngoại ô phía bắc Atlanta, và bốn người nữa tại hai tiệm massage khác trong thành phố.
Hàn Quốc sau đó xác nhận 4 nạn nhân là người gốc Triều Tiên.
Nhà chức trách nói một thanh niên 21 tuổi đã bị bắt và được cho là nghi phạm trong cả ba vụ tấn công.
Động cơ dẫn đến vụ xả súng hôm thứ Ba vẫn chưa được xác định.
Tuy nhiên, nạn thù hằn kỳ thị nhắm vào người Mỹ gốc Á tăng đột biến trong những tháng gần đây, được thúc đẩy bởi những luận điệu đổ lỗi cho người châu Á về sự lây lan của Covid-19.
Trong một bài phát biểu tuần trước, Tổng thống Joe Biden lên án “nạn thù hằn kỳ thị người Mỹ gốc Á, khiến nhiều người đã bị tấn công, quấy rối và đổ lỗi.”
Vụ nổ súng đầu tiên xảy ra khoảng 17:00 giờ địa phương tại Youngs Asian Massage Parlour ở Acworth, quận Cherokee.
Phát ngôn viên văn phòng cảnh sát Jay Baker nói hai người chết tại hiện trường và ba người được đưa đến bệnh viện, nơi hai người khác nữa qua đời. Sau đó, ông xác nhận rằng nạn nhân gồm hai phụ nữ châu Á, một phụ nữ da trắng và một đàn ông da trắng, và một người đàn ông gốc Mỹ Latin đã bị thương.
Chưa đầy một giờ sau, cảnh sát được gọi đến một “vụ cướp đang diễn ra” ở tiệm Gold Spa ở phía đông bắc Atlanta.
“Khi đến nơi, cảnh sát xác định ba phụ nữ đã chết bên trong tiệm vì vết thương rõ ràng là do bị bắn,” cảnh sát cho biết trong một tuyên bố.
Khi có mặt tại hiện trường, cảnh sát được gọi đến một tiệm massage bên kia đường, có tên là Aromatherapy Spa, nơi họ thấy một phụ nữ khác đã bị bắn chết.
Tờ Atlanta Journal-Constitution trích lời cảnh sát cho biết cả bốn nạn nhân ở Atlanta đều là phụ nữ châu Á.
Sau khi nghiên cứu đoạn phim CCTV, các nhà điều tra công bố hình ảnh người bị tình nghi gần một tiệm massage bị tấn công. Cảnh sát cho biết sau một cuộc truy lùng, Robert Aaron Long, ở Woodstock, Georgia, đã bị bắt ở cách Atlanta khoảng 240 km về phía nam.
Đại úy cảnh sát nói các nhà điều tra “tin tưởng cao độ” rằng nghi phạm là tay súng trong cả ba vụ xả súng.
Nhà chức trách nói rằng cuộc điều tra vẫn còn ở giai đoạn bắt đầu, nên chưa thể biết liệu các nạn nhân có bị nhắm vào vì chủng tộc hay sắc tộc của họ hay không.
Tuy nhiên, nhóm vận động Stop AAPI Hate [Người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương] gọi đó là “một thảm kịch không lời nào tả xiết”.
“Hiện giờ trong cộng đồng người Mỹ gốc Á có rất nhiều nỗi sợ hãi và nỗi đau cần phải được giải quyết,” tổ chức Stop AAPI Hate viết trong một tweet.
Ben Crump, một luật sư hàng đầu về quyền dân sự, cũng bày tỏ trên Twitter: “Những vụ giết người thương tâm hôm nay ở #Atlanta tái khẳng định việc chúng ta cần tiến bước để bảo vệ TẤT CẢ các nhóm thiểu số ở Mỹ khỏi nạn phân biệt chủng tộc.”
Bà Linda Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, dân cư Garden Grove, California, từng là mục tiêu của nạn thù hằn người châu Á ở Mỹ, nói với BBC News Tiếng Việt hôm 11/3 là việc phải chạm trán với thái độ thù hằn này, dù cách đây đã gần một năm, hiện vẫn để lại cho bà ‘cảm giác không an toàn sâu sắc’ mỗi khi phải ra khỏi nhà.
Bà Nguyễn nói, cho đến giờ bà vẫn ‘ngại ra đường’, và nếu phải ra ngoài, thì sẽ lầm lũi đi, ”không dám nhìn vào mắt ai”, để không thu hút sự chú ý.
Các vụ kỳ thì mang tính thù hằn nhắm chống người châu Á tăng gần 150% vào năm 2020, hầu hết ở New York và Los Angeles, một báo cáo mới cho biết.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về Nạn thù hằn và hành vi cực đoan tại Đại học California State University, San Bernardino (CSUSB) được công bố giữa lúc nhiều cuộc tấn công nhằm vào người lớn tuổi người Mỹ gốc Á đầu được truyền thông đưa tin trong những tuần gần đây.
Linda Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, dân cư Garden Grove, California, từng là mục tiêu của nạn thù hằn người châu Á ở Mỹ, nói đến giờ bà vẫn ‘ngại ra đường’, và nếu phải ra ngoài, thì sẽ lầm lũi đi, ”không dám nhìn vào mắt ai”, để không thu hút sự chú ý.
Đó là hậu quả của việc bà bị chạm trán, dù rất nhẹ, với xu hướng ghét người châu Á tại Mỹ, hiện tượng mà bà cho là vì cách gọi virus cororna là ‘China virus’, khiến nhiều người xung quanh không ngần ngại bày tỏ ác cảm với người Á đông.
Nói chuyện với BBC News Tiếng Việt hôm 11/3, bà Linda Nguyễn cho biết sự kiện xảy ra cho bà, dù cách đây đã gần một năm, hiện vẫn để lại cho mình ‘cảm giác không an toàn sâu sắc’ mỗi khi phải ra khỏi nhà.
”Cuối tháng Ba năm ngoái, tôi đứng xếp hàng trả tiền tại tiệm Target, thì một có một cặp đứng gần. Hai người bỗng ho lên, rồi người đàn ông nói ”đừng đến gần ả ta, ổ virus corona đó”. Tôi nhìn phía sau thì không thấy ai, rồi quay lại thì mới nhận ra mình chính là người họ đang nói đến.”
“Họ nhìn thẳng vào mặt tôi với ánh mắt ghét bỏ. Lúc ấy tôi bị sốc nặng, không thể tin là việc này đang xảy ra.”
”Tôi sinh ra ở Mỹ, và sống ở Mỹ đã 40 năm, sống ở Santa Ana, Costa Mesa, Fountain Valley, những cộng đồng có nhiều người di dân, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai phải đối diện thẳng với nạn kỳ thị chủng tộc. Nếu điều đó xảy ra, thì cũng chỉ là những thì thào sau lưng. Tôi chưa bao giờ là mục tiêu bị trực tiếp nhắm vào,” bà kể lại.
‘Tự phong tỏa tối đa’
Linda Nguyễn kể thêm:
”Một lần cách đó không lâu, ngay tại sở làm, khi có tin quận Cam bị phong tỏa, một đồng nghiệp của tôi nói ‘chuyện này xảy ra là vì China virus’. Ông nhìn thẳng vào mặt tôi, cười cười với mấy người xung quanh, rồi nói ‘tại bà mà tụi tôi khổ.’ Tôi cố gượng cười, xem như là ông ấy nói đùa. Nhưng thật ra rất ngượng ngùng. Hôm ấy về nhà tôi thấy rất bất an, và chán nản, có cảm giác như mọi người ai cũng ghét mình. Ngay cả những người mình làm việc chung hàng ngày, họ biết mình là người Việt, nhưng vẫn trách cứ, vì người Việt cũng là người Á đông.”
Bà tâm sự:
”Tôi làm việc ở một dưỡng đường, có hợp đồng với chính phủ để cung cấp dịch vụ xét nghiệm virus corona, nên đối diện với tình hình virus corona hàng ngày. Khi đại dịch trở nên tệ hơn, tôi càng sợ, vì không biết lúc nào thì mình có thể bị đánh hay trở thành nạn nhân của những sự căm ghét người châu Á ngoài kia. Cảm giác chán nản lo sợ khiến tôi không dám ra khỏi nhà, và còn cảm thấy mừng khi bị phong tỏa, vì khỏi phải ra đường.”
Được hỏi bà có nghĩ tình hình sẽ khá hơn khi sự lây lan virus corona đang giảm đi, Linda Nguyễn trả lời:
”Sự lạc quan sẽ khiến tôi trả lời là có, nhưng không biết là khi nào. Thú thật tôi vẫn chưa vượt qua được cảm giác bất an, sợ, và chán nản, rất chán nản, nhất là mỗi khi đọc tin về những người châu Á bị hành hung hay xô đẩy, hiện vẫn còn đang xảy ra.”
Hiện giờ khi ra đường, bà vẫn cắm cúi đi một mạch, tránh nhìn vào bất cứ ai, và tự phong tỏa một cách tối đa, Linda Nguyễn cho biết.
Linda Nguyễn không phải là nạn nhân hiếm hoi của nạn ghét bỏ người châu Á hiện đang gia tăng tại Mỹ.
Tin về nạn nhân của tội ác chống người châu Á trong vài tháng vừa qua thường xuyên được truyền thông Hoa Kỳ đăng tải.
Hôm 16/2/2021, một phụ nữ Á châu 71 tuổi bị đấm vào mặt khi đứng chờ tàu ở một hệ thống điện ngầm ở New York. Nạn nhân kể rằng kẻ tấn công chẳng nói chẳng rằng, đến gần và đánh vào mặt bà.
Cùng ngày, một phụ nữ Mỹ gốc Á 52 tuổi bị tấn công ở Queens. Con trai nạn nhân đã đăng đoạn camera an ninh ghi lại cảnh mẹ bị đánh, người bị tung lên vỉa hè, gây nên vết thương trên trán, phải khâu nhiều mũi.
Trước đó, hôm 28/1, một người đàn ông Thái Lan, 84 tuổi, bị xô đẩy khi đang đi dạo trong khu phố ở San Francisco và thiệt mạng sau đó vài ngày.
Gần một tuần sau, ngày 3/2, Noel Quintana, 61 tuổi, bị chém khắp mặt từ tai này sang tai bên kia trên đường đi làm trên tàu điện ngầm, cũng ở New York.
Hôm thứ Hai, phóng viên của Guardian tại Hoa Kỳ, Vivian Ho, cũng có bài viết về sự gia tăng của tội ác chống đối người châu Á ở Mỹ.
Vivian Ho nhắc đến đoạn video quay cảnh một người đàn ông xô đẩy một người đàn ông châu Á 91 tuổi lên vỉa hè ở khu phố Tàu của Oakland đã lan truyền nhanh chóng vào cuối tháng 1 năm 2021.
Adrian De Leon, phó giáo sư nghiên cứu về sắc tộc và dân tộc tại Đại học University of Southern California, được trích lời nói rằng lịch sử phân biệt chủng tộc đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á đã có khuynh hướng giảm đi trong một thập niên qua.
Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu đại dịch, người Mỹ gốc Á ngày càng trở thành mục tiêu bị nhắm đến, và nhiều hành vi bạo lực công khai chống họ ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.
Những con số không khả quan
Báo cáo vừa được công bố của CSUSB cho thấy từ năm 2019 đến năm 2020, tỷ lệ tội ác căm thù nói chung đã giảm. Tuy nhiên, trong cùng thời gian, tội ác căm thù nhắm vào người châu Á tăng từ 3 lên 28 ở New York và 7 lên 15 ở Los Angeles, tăng 833%.
Los Angeles và Boston cũng có mức tăng đáng chú ý, lần lượt từ bảy lên 15 và sáu lên 14.
Mặc dù New York chiếm một phần đáng kể trong sự gia tăng, Ramakrishnan nói sự gia tăng ở các thành phố khác cũng không kém.
Một phân tích khác dựa trên thống kê của sở cảnh sát cũng cho thấy Hoa Kỳ, trong năm qua, tội ác hận thù chống người châu Á gia tăng đáng chú ý trên khắp các thành phố lớn.
Báo cáo của California State University, San Bernardino, được công bố trong tháng này là kết quả nghiên cứu tội ác thù hận ở 16 thành phố lớn nhất của Mỹ. Nghiên cứu tiết lộ rằng trong khi tội ác hận thù nói chung năm 2020 giảm tổng thể 7%, tội ác nhắm vào người châu Á tăng gần 150%.
Câu chuyện từ Pháp: Dịch cúm do virus corona và ‘nạn kỳ thị’
Phân tích hiện tượng này, Karthick Ramakrishnan, sáng lập viên và giám đốc dữ liệu nhân khẩu học, và nghiên cứu chính sách của tổ chức phi lợi nhuận AAPI Data, nhận định với đài NBC rằng sự gia tăng ‘không hoàn toàn đến từ những tuyên bố bị cho là có tính phân biệt chủng tộc của chính quyền Trump về virus corona’.
Tuy nhiên, Ramakrishnam nói ông tin rằng việc cựu Tổng thống Donald Trump lặp đi lặp lại rằng virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc và, gọi Covid-19 là ”China virus” đã góp phần thúc đẩy sự căm ghét với người gốc Á.
Về những con số do Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa Thù hận và Cực đoan đưa ra, ông Ramakrishnam nhận định:
“Chúng tôi biết người nhập cư thế hệ thứ nhất có xu hướng ít báo cáo các hành vi phân biệt chủng tộc và tội ác căm thù hơn người thuộc thế hệ sau. Nhưng việc chúng ta đang nói về dữ liệu cho thấy có thể tội ác thực sự đã gia tăng nhiều hơn mức được báo cáo”.
Phân tích cho thấy, có khả năng là tội ác thù hận nói chung đã giảm đi do đại dịch nên thiếu tương tác ở nơi công cộng và các địa điểm tụ tập khác, như phương tiện giao thông công cộng, trường học và những nơi thờ phượng.
Đợt tăng đột biến đầu tiên về tội ác chống người châu Á xảy ra vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, cùng với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19, phân tích lưu ý.
Một nghiên cứu riêng biệt khác cũng cho thấy việc dùng “China virus” để nói về virus corona đã dẫn đến sự thay đổi nhận thức của một số người Mỹ về người Mỹ gốc Á.
Rucker Johnson, giáo sư chính sách công tại Đại học California, Berkeley, và đồng tác giả của báo cáo trên, nói: “Nghiên cứu cho thấy khi mọi người nhìn người Mỹ gốc Á như người ‘ngoại quốc’, họ thường có khuynh hướng bày tỏ thái độ thù địch và có các hành vi bạo đông và phân biệt đối xử hơn.”
Ramakrishnan kết luận: “Có rất nhiều yếu tố phức tạp, nhưng thực tế rõ ràng là số người Mỹ gốc Á cảm thấy không an toàn đang ngày càng gia tăng.”