Seite auswählen

Jackhammer Nguyễn

23-3-2021

 Từ trái sang, bà Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Ảnh cắt từ video clip và MXH

Hôm qua, bà Phạm Thanh Nghiên, một người hoạt động trong nước, cho biết, ông Trịnh Bá Phương bị đưa đến một bệnh viện tâm thần.

Tôi không hề bất ngờ trước quyết định này của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Đó chỉ là một trong nhiều tiểu xảo mà họ sử dụng để cai trị dân chúng.

Ông Phương là một trong ba người trong gia đình bị bắt vào ngày 24/6/2020, với tội danh bị nhà nước CSVN gán cho là: “Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống nhà nước Việt Nam”. Hai người kia là mẹ ông Phương, bà Cấn Thị Thêu và em trai ông, là Trịnh Bá Tư.

Ông Phương cũng như các thành viên trong gia đình ông, nhất là bà Cấn Thị Thêu, thuộc tầng lớp có nhận thức hiếm hoi trong số nông dân Việt Nam hiện nay. Xuất phát từ việc bị cướp đất, giống như hàng ngàn nông dân Việt Nam khác, họ hiểu được nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong thảm trạng xã hội Việt Nam hiện nay, chính là sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như cái gọi là “ý thức hệ” của đảng này.

Chính vì sự thấu hiểu đó, mà sau những lần vào tù ra khám, ông Phương, bà Thêu và cả gia đình ông chuyển từ việc đấu tranh đòi quyền lợi trực tiếp, sang một cuộc đấu tranh bao quát hơn, có quy củ hơn, có lý tưởng hơn. Mặt khác, họ vẫn là những người gần gũi với những nông dân Việt Nam, vì thế họ dễ trở thành những thủ lĩnh của giới nông dân, là điều mà đảng CSVN rất lo sợ. Việc bắt giam cả gia đình ông Phương là điều không làm cho giới quan sát ngạc nhiên.

Điều mà nhà cầm quyền bất ngờ trước những nông dân có ý thức như gia đình ông Phương, là họ trưởng thành trong phong trào dân sự Việt Nam (dù hiện nay phong trào có bị yếu đi rất nhiều), nên họ đối diện với nhà cầm quyền một cách tự tin, như việc ông Phương giữ quyền im lặng của mình, dẫn đến việc ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần.

***

Đây không phải là lần đầu tiên người cộng sản áp dụng tiểu xảo này, và là một trong những tiểu xảo mà họ áp dụng với các tù nhân lương tâm.

Tiểu xảo thường thấy là họ bắt người vì một lý do này rồi sau đó kết án, giam giữ vì một lý do khác. Trường hợp ông Phương bị bắt vì lý do “phản động” như “tuyên truyền chống nhà nước”, nhưng nay họ giam ông vì “bệnh tâm thần”, một lý do rất dễ biện hộ khi đối diện với những áp lực từ bên ngoài, hơn là lý do tuyên truyền chống chế độ rất mù mờ mà họ đưa ra ban đầu. Những gì ông Phương đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông rất “hiền lành” so với hàng ngàn trang khác, nhưng họ bắt ông vì ông gần với giới nông dân như tôi trình bày ở trên.

Trường hợp hai ông Cù Huy Hà Vũ và Trần Quỳnh Duy Thức thì lại bị bắt vì lý do mang tính tội phạm hình sự (trường hợp ông Vũ, ông ở trong phòng với một người phụ nữ, với “hai bao su đã qua sử dụng” và gian lận thương mại trong trường hợp ông Thức), nhưng khi đưa họ ra tòa xử sau đó, chính quyền cộng sản buộc họ vào những tội “chính trị phản động” không liên quan gì đến tội danh đã được dựng lên để bắt họ ban đầu. Cả hai người này đều là người có quan hệ rộng, cư trú ở thành thị, bắt họ với những lý do “chính trị” ban đầu sẽ khó thành công hơn.

Khi trục xuất tù chính trị, nhà cầm quyền cộng sản lại thực hiện bằng một tiểu xảo khác, nói rằng người bị trục xuất cần được chăm sóc sức khỏe, cần đoàn tụ gia đình,… vì thế họ “cho phép” những người này ra đi “vì lý do nhân đạo”. Khi thực hiện tiểu xảo này, họ sẽ tiếp tục biện hộ với thế giới bên ngoài là họ không có tù nhân chính trị, không có tù nhân vì lý do tôn giáo…

Một tiểu xảo khác dùng để kềm chế các cuộc biểu tình của người dân chống Trung Quốc xâm lược, hay kỷ niệm các sự kiện có liên quan tới yếu tố Trung Quốc… là họ cho các nhóm công an mặc thường phục, giả dạng làm “quần chúng tự phát”. Tiểu xảo “quần chúng tự phát” được họ sử dụng từ những ngày mới lên cầm quyền, từng thực hiện trong cải cách ruộng đất, cho đến nay.

Tiểu xảo “quần chúng tự phát” cũng được áp dụng trong “hiệp thương, xác nhận tư cách ứng cử viên Quốc hội”, dùng để loại những người tự ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội, chứ không được “Đảng cử”. Quần chúng trong tiểu xảo này là tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các tổ dân phố,… đem người bị nhắm đến ra đấu tố để loại trừ.

Nhưng đỉnh cao của loại tiểu xảo này chính là việc dựng lên các tổ chức bình phong của Đảng, như thời kỳ chiến tranh Việt Nam, họ dựng lên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Trong lĩnh vực tuyên truyền ở thời đại mạng xã hội, họ dùng một tiểu xảo mới là, cho phép người dân theo dõi một cách thoải mái các kênh tin vịt ở hải ngoại, hay trong nước, vì tin vịt đánh hạ uy tín của nền dân chủ Mỹ (chuyện các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử Mỹ), để đánh gục uy tín của những người chống Cộng. Họ khá thành công trong việc này, như tôi đã trình bày trong bài viết: “Tuyên giáo Việt Nam và các Youtuber hải ngoại: Hai đồng minh bất ngờ”.

Trong các nền dân chủ phương Tây, không phải các chính trị gia không có những tiểu xảo chính trị với các đối thủ của họ, nhưng tam quyền phân lập, cùng với tự do báo chí, đã làm cho họ khó thực hiện được.

Ở Việt Nam hiện nay, cũng như ở Trung Quốc và các nước độc tài (chính quyền quân phiệt Miến Điện buộc tội bà Aung San Suu Kyi, đối thủ chính trị của họ, là … buôn lậu máy bộ đàm), các tiểu xảo này luôn được sử dụng, dưới vỏ bọc “giữ vững an ninh chính trị” và các tiểu xảo trở thành thuộc tính của những xã hội này. Mà khi tiểu xảo bị biến thành dòng chủ lưu của xã hội, thì nhà cầm quyền đang tự hủy hoại xã hội mà họ đang sống./.

Tiếng Dân

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen