Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước. Theo đó, trong năm năm qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng tướng đối với 400 sĩ quan Quân đội nhân dân và 174 sĩ quan Công an nhân dân.
Cụ thể, phía quân đội có 319 trường hợp từ đại tá thăng lên thiếu tướng, chuẩn đô đốc (một trường hợp truy thăng); 71 trường hợp từ thiếu tướng, chuẩn đô đốc lên trung tướng, phó đô đốc; chín trường hợp từ trung tướng, phó đô đốc lên thượng tướng, đô đốc; một trường hợp từ thượng tướng lên đại tướng.
Đối với ngành công an, 174 sĩ quan được thăng bậc hàm cấp tướng, gồm: 147 sĩ quan từ đại tá lên thiếu tướng; 26 sĩ quan từ thiếu tướng lên trung tướng; một sĩ quan từ thượng tướng lên đại tướng.
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 23 tháng 10 năm 2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, do Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần tháng trước đó.
Chỉ trong năm năm mà có đến mấy trăm sĩ quan quân đội và công an được phong tướng thì quá là nhiều. Có lẽ là kỷ lục trên thế giới! – Trung tá Vũ Minh Trí
Trung tá Vũ Minh Trí – cựu cán bộ Tổng cục Tình báo Quốc phòng (Tổng cục II) nhận định rằng, con số 574 sĩ quan được thăng cấp tướng là quá nhiều và không cần thiết. Có những vị trí chỉ cần sĩ quan là có thể đảm nhận chứ không cần tới cấp tướng. Ông nói:
“Chỉ trong năm năm mà có đến mấy trăm sĩ quan quân đội và công an được phong tướng thì quá là nhiều. Có lẽ là kỷ lục trên thế giới!
Đợt phong quân hàm đầu tiên của QĐND Việt Nam vào năm 1958, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và quân số còn tương đối lớn, số tướng được phong chỉ bằng 1/20 số tướng được phong trong năm năm qua. Và nếu tôi nhớ không lầm thì khi kết thúc chiến tranh giai đoạn 1954-1975, số lượng tướng của QĐND Việt Nam chưa đến 40 người.
Bây giờ quá nhiều. Một doanh nghiệp quân đội cũng có đến vài ba tướng, chẳng hạn như Viettel. Hoặc một đơn vị làm kinh tế bình thường như Tổng công ty trực thăng với quân số chỉ khoảng vào trăm người mà tổng giám đốc cũng là tướng. Hay giám đốc một cảng quân đội như cảng Ba Son thì giám đốc cũng là tướng. Đó là điều hết sức vô lý.”
Tính đến ngày 16 tháng Năm năm 2018, Quân đội nhân dân Việt Nam có 415 sĩ quan cấp tướng. Trong đó có ba đại tướng, 18 thượng tướng, 81 trung tướng, 313 thiếu tướng.
Anh Võ Minh Đức, từng là trưởng ban dân vận của một sư đoàn thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam cuối những năm 90 kể rằng, ông sếp của anh thời đó chỉ mới mang quân hàm trung tá, làm Trưởng phòng chính trị (trong quân đội có bốn cơ quan chính là tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật), bây giờ ông này đã lên tướng. Trong một lần trà dư tửu hậu, vị tướng này nói rằng, để nhận quân hàm cấp tướng thì ông đã mất mấy công đất chứ không ít. Vị tướng này hiện vẫn đang tại vị.
Nói về việc hàng trăm sĩ quan được phong tướng trong lực lượng vũ trang chỉ trong năm năm, anh Đức cho hay:
“Ngày xưa tôi không biết Việt Nam Cộng hoà (VNCH) như thế nào nhưng ở phía Bắc Việt thì số tướng rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người được phong hàm tướng là những người thực sự tài giỏi. Họ có tài có đức. Đến khoảng 20 năm trở lại đây thì số tướng nhiều lắm mà chất lượng thì rất kém. Tài năng, đức độ rất hạn chế.
Tôi có cảm nhận rằng từ khi kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống cao hơn thì việc phong tướng nó như việc các ổng cho nhau bổng lộc. Vì tướng thì chắc chắn là lương cao, mà theo quy định ngày tôi còn ở quân đội thì khi tướng về hưu mức lương hưu vẫn giữ nguyên 100%, không như hàm đại tá, lương hưu kịch trần cũng chỉ khoảng 75% so với lúc còn tại ngũ.”
Từ năm 2014, Quốc hội đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam do việc phong tướng quá nhiều. Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân mới chỉ cho quân đội có 415 tướng. Luật Công an nhân dân mới, cấm công an có hơn 205 tướng.
Trước những ý kiến về mức trần với các trường kỹ thuật quân sự, hậu cầu, quân y, sĩ quan lục quân, Học viện Chính trị chỉ nên là thiếu tướng, ông Phùng Quanh Thanh – Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ xin phép giữ trần hiện hành đã thực hiện mấy chục năm là cấp trung tướng đối với chức vụ giám đốc, chính uỷ. Ông lý giải rằng, điều này đã được thực hiện từ lâu rồi, giờ hạ xuống, anh em rất tâm tư.
Ông Thanh bày tỏ: “Sáu binh chủng hợp thành quân chủng, có mỗi Chủ nhiệm khoa trước đây là Thiếu tướng bây giờ cắt đi rất khó, tâm tư lắm các đồng chí ạ!”
Mức lương hiện nay của ngành công an, quân đội được cho là có sự chênh lệch khá lớn so với các ngành khác hưởng lương từ ngân sách; trong khi tuổi nghỉ hưu ở hai ngành này sớm hơn các ngành khác đến năm năm. Ngoài lương, các tướng lĩnh còn được các chế độ đãi ngộ, chính sách khi còn công tác lẫn khi về hưu.
Tôi nghĩ đây là hám danh đi kèm hám lợi. Có lẽ không có chế độ nào mà lạm phát danh hiệu do hám danh, hám lợi và thích thể hiện như dưới chế độ cộng sản.- Trung tá Vũ Minh Trí
Trung tá Vũ Minh Trí nêu vấn đề này:
“Khi phong quân hàm thì có nhiều chính sách đi kèm, ví du như xe cộ hoặc phụ cấp…mà những người đóng thuế như chúng tôi phải bỏ tiền ra nuôi. Với tư cách là một người đóng thuế thì tôi không chấp nhận nuôi những thành phần không có tác dụng gì như vậy. Trong số đó có một thành phần không nhỏ mà các cụ gọi nôm na là ‘ăn hại đái nát’.
Tôi nghĩ đây là hám danh đi kèm hám lợi. Có lẽ không có chế độ nào mà lạm phát danh hiệu do hám danh, hám lợi và thích thể hiện như dưới chế độ cộng sản. Lợi ích thì có thể không nhiều vì cái bánh chia cho càng nhiều người thì phần càng nhỏ, nhưng cái danh hão khiến rất nhiều người mê mải mà chạy theo. Đó chính là cách để dẫn dụ để mua chuộc, trói buộc, khống chế con người để con người lại cúc cung phục vụ.”
Trong thời gian gần đây nhiều tướng trong Quân đội và Công an Việt Nam bị kỷ luật vì tham nhũng, lợi dụng chức vụ- quyền hạn để làm những chuyện sai trái…
Năm 2018, cựu trung tướng công an, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, bị tuyên chín năm tù, và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao bị phạt 10 năm tù vì những liên can đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ trên mạng.
Năm 2019, ông Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công An, bị tuyên tổng cộng 12 năm tù và ông Phan Hữu Bách, cựu Phó Cục Trưởng B61, Tổng Cục Tình báo, Bộ Công an cũng bị tuyên tổng cộng 11 năm tù. Cả hai đều bị kết tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’./.