Mục lục
Chiến hạm Canada tiến vào Biển Đông
Bộ Quốc phòng Canada vừa cho hay chiến hạm nước này HMCS Calgary đã đi qua Biển Đông trong lúc di chuyển từ Brunei đến Việt Nam cuối tháng 3, sau khi Canada lên tiếng “phản đối những hành động gần đây của Trung cộng”.
Hãng tin The Canadian Press hôm 1.4 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Canada Daniel Le Bouthillier xác nhận chiến hạm HMCS Calgary đã di chuyển gần quần đảo Trường Sa, nơi Trung cộng đã chiếm đóng và bồi đắp một số thực thể thành đảo nhân tạo phi pháp, nhưng không cung cấp chi tiết.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng Canada tiết lộ tàu HMCS Calgary đã bị Trung cộng bí mật theo dõi trong lúc tàu đi qua Biển Đông, theo The Canadian Press.
Chiến hạm HMCS Calgary đi qua Biển Đông trong bối cảnh Trung cộng gia tăng hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông.
Trước đó, Đại sứ Canada tại Phi Luật Tân Peter MacArthur lên tiếng “phản đối những hành động gần đây của Trung cộng” sau khi có thông tin khoảng 220 tàu “dân binh Trung cộng” hiện diện gần đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 7.3.
“Canada phản đối những hành động gần đây của Trung cộng ở Biển Đông… làm leo thang căng thẳng và làm suy yếu ổn định khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật”, Đại sứ MacArthur viết trên Twitter vào ngày 25.3.
Khi thấy tàu hộ vệ Calgary của Canada đi qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung cộng liền điều tàu bám đuôi.
Trang CBC dẫn lời một quan chức quốc phòng Canada giấu tên cho biết phía Trung cộng đã điều một chiến hạm bám đuôi tàu hộ vệ Calgary.
Trung cộng đòi yêu sách phi lý với phần lớn Biển Đông và đang mở rộng đáng kể sự hiện diện quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, các yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh bị các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế bác bỏ.
Việc tàu chiến Calgary đi qua khu vực Biển Đông diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế gia tăng lo ngại về sự hiện diện của hơn 200 tàu cá Trung cộng neo đậu tại đá Ba Đầu từ hôm 7/3.
Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Việc Canada điều tàu chiến đi qua Biển Đông cũng được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng giữa nước này và Trung cộng, vốn xấu đi kể từ khi Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại sân bay Vancouver vào tháng 12/2018
RFA (01.04.2021)
Nhật Bản có quyết định khôn ngoan trước Trung cộng
Việc ký thỏa thuận chuyển giao vũ khí cho Nam Dương là một bước đi giúp Nhật tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để đối phó Trung cộng, đồng thời mở rộng ngành công nghiệp vũ khí.
Kết thúc hội đàm “2+2” diễn ra ngày 30.3 ở Nhật Bản giữa Ngoại trưởng Retno Marsudi và Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto của Nam Dương với 2 bộ trưởng đồng cấp chủ nhà là ông Toshimitsu Motegi và Kishi Nobuo, hai bên đã đạt được thỏa thuận cho phép Tokyo chuyển giao khí tài, công nghệ quân sự cho Jakarta. Bên cạnh đó, hai bên cũng bày tỏ quan ngại về các hành vi của Trung cộng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Mở rộng khách hàng
Trả lời Thanh Niên ngày 31.3, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) phân tích: “Nam Dương là quốc gia đầu tiên được Nhật Bản chuyển giao tàu chiến đã qua sử dụng từ cách đây 15 năm, tức vào năm 2006. Nhờ vào việc nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản giờ đây có thể xuất khẩu khí tài quân sự và Nam Dương là một khách hàng tiềm năng để mua tàu chiến, máy bay trinh sát biển cả cũ lẫn mới do Tokyo cung cấp”.
“Thời gian qua, Nhật Bản đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để giúp Nam Dương phát triển năng lực an ninh hàng hải. Liệu thỏa thuận trên có giúp doanh số xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản tăng nhanh hay không thì chưa thể chắc chắn. Tuy nhiên, Nhật Bản chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ Nam Dương nâng cao năng lực hàng hải”, GS Sato đánh giá.
Hồi cuối năm 2020, truyền thông Nhật Bản đưa tin nước này sắp xuất khẩu một số tàu chiến cho Nam Dương. Một số nguồn tin quân sự khẳng định Tokyo đạt thỏa thuận cung cấp 8 tàu hộ tống lớp Mogami cho Jakarta. Trong đó, Nhật Bản sẽ xuất khẩu 4 chiếc và chuyển giao công nghệ để Nam Dương tự đóng 4 chiếc còn lại. Đây là lớp chiến hạm tối tân mà Nhật Bản cũng chỉ mới đóng xong 4 chiếc và chưa biên chế chiếc nào.
Đạt nhiều mục tiêu
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Nhiều năm trước, Nhật Bản bắt đầu viện trợ tàu tuần tra cho Nam Dương để đảm bảo an ninh tại eo biển Malacca. Khi đó, chống cướp biển là chủ điểm quan tâm của Tokyo khi hỗ trợ an ninh hàng hải cho Jakarta. Tuy nhiên, tình hình giờ đây đã đổi khác. Kể từ cuối thập niên 2000, Trung cộng liên tục có nhiều hành vi gây quan ngại ở các vùng biển trong khu vực và không ngừng chạy đua vũ trang, đóng mới nhiều chiến hạm, tăng cường ngân sách quân sự. Trong bối cảnh như vậy, các nước ở khu vực phải tăng cường sức mạnh quân sự để phối hợp tạo thế cân bằng với Trung cộng”.
“Trong khi đó, ngành sản xuất khí tài quân sự của Nhật Bản lại không được mở rộng vì những hạn chế xuất khẩu vũ khí kéo dài trong nhiều năm. Chính vì thế, Nhật Bản đã chọn cách mở rộng xuất khẩu và tài trợ vũ khí sang các nước Đông Nam Á. Cách thức này giúp ngành quốc phòng Nhật có thể phát triển, đồng thời giúp hình thành mạng lưới cân bằng quân sự với Trung cộng”, TS Nagao phân tích.
Bên cạnh đó, cũng theo TS Nagao, tuyên bố chung được đưa ra sau hội đàm “2+2” Nhật – Nam Dương cũng đề cập “mối quan tâm chung về tình trạng leo thang nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” ở các vùng biển trong khu vực, hướng đến đảm bảo an ninh hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, cùng nhau phát triển các hạ tầng trên Biển Đông. Điều đó cho thấy Nhật và Nam Dương muốn phối hợp đối phó các hành vi của Trung cộng ở Biển Đông.
Thực tế, Nam Dương cũng đã nhiều lần phản ứng các hành vi của Trung cộng tại khu vực quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông. Đầu tháng 10.2020, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và hải quân Nam Dương cũng đã tổ chức cuộc tập trận chung ở phía nam Biển Đông. Dự kiến sắp tới, hai nước sẽ sớm tập trận chung ở Biển Đông, thậm chí có thể có sự hiện diện của hải quân nước khác. Cũng liên quan tình hình Biển Đông, hôm qua 31.3, Nhật Bản công bố hình ảnh tập trận chung cùng hải quân Úc ở Biển Đông.
VietBF (01.04.2021)
Biển Đông : Mỹ- Phi Luật Tân thảo luận về tàu Trung cộng ở Đá Ba Đầu
Ảnh do Lực lượng đặc nhiệm Phi Luật Tân cung cấp cho thấy đội tàu Trung cộng tập trung tại bãi Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) trong vùng Biển Đông. AP
Các quan chức an ninh Hoa Kỳ và Phi Luật Tân đã điện đàm hôm 31/03/2021 bày tỏ mối quan ngại chung về các hoạt động đáng ngại của Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là sự kiện hàng trăm tàu Trung cộng tập trung tại Đá Ba Đầu. Cũng trong hôm qua Canada thông báo một chiến hạm của nước này đã đi qua vùng biển Trường Sa.
Manila cho rằng trên 200 tàu tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) do lực lượng dân quân biển của Trung cộng điều khiển. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và đồng nhiệm Phi Luật Tân, Hermogenes Esperon cùng nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đối phó với các hành động của Bắc Kinh.
Reuters dẫn lời ông Sullivan nhấn mạnh rằng « Hoa Kỳ sát cánh với đồng minh Phi Luật Tân trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp », và tái khẳng định thực hiện Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Phi Luật Tân.
Ảnh vệ tinh cho thấy số lượng lớn tàu Trung cộng neo đậu tại Đá Ba Đầu. Ảnh: Maxar.
Quân đội Phi Luật Tân hôm qua cho biết, một phi cơ quân sự của nước này khi bay gần Đá Ba Đầu, nơi trên 200 chiếc tàu Trung cộng đang neo đậu, đã bị liên tục cảnh báo vô tuyến là phải « lập tức tránh xa ». Một giọng nói bằng tiếng quan thoại lặp đi lặp lại là họ đang ở gần « Xích Qua tiêu » (Chigua Jiao) của Trung cộng, ra lệnh phải rời đi ngay. « Xích Qua tiêu » là tên mà Trung cộng đặt cho Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) sau khi cưỡng chiếm và sát hại dã man 64 người lính Việt Nam tại đây trong trận Hải chiến Trường Sa năm 1988.
Thiếu tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội Phi Luật Tân khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra trên không và trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân. Một nhà báo của ABS-CBS có mặt trên chuyến bay nói rằng thật đáng sợ khi tận mắt chứng kiến những công trình mà Trung cộng xây dựng trên hòn đảo tranh chấp.
South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, lưu ý rằng Đá Gạc Ma nay là một trong bảy tiền đồn của Trung cộng, là nơi đặt một trong hai căn cứ quân sự tại cụm Sinh Tồn – Đá Ba Đầu là rạn san hô lớn nhất của cụm này.
Cùng với Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản và một số nước khác bày tỏ lo lắng trước ý đồ của Trung cộng trên Biển Đông. Hôm qua bộ Quốc Phòng Canada thông báo chiến hạm HMCS Calgary đã đến Trường Sa, đi từ Brunei đến Việt Nam vào thứ Hai và thứ Ba vừa qua. Một quan chức quốc phòng giấu tên cho biết chiến hạm Canada đã bị một tàu chiến của Trung cộng bám sát trong lúc di chuyển trong khu vực.
RFI (01.04.2021)
Trung cộng thông báo tập trận một tháng tại Vịnh Bắc Bộ
Tàu Trung cộng ở đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa hôm 23/3/2021 Maxar/AP
Cục Hải sự Trung cộng hôm 31/3 đăng tải thông báo cho biết, quân đội nước này sẽ tập trận một tháng trời tại Vịnh Bắc Bộ, bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 30/4.
Thông báo cho biết, đây là cuộc tập trận thứ năm của quân đội Trung cộng thực hiện tại Vịnh Bắc Bộ trong năm nay.
Hôm 26/3, Trung cộng cũng thông báo một cuộc tập trận khác trong các ngày 29 và 30/3 tại gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, và yêu cầu các tàu thuyền không được đi vào khu vực này.
Những tuyên bố tập trận liên tục của Trung cộng thời gian qua xảy ra vào khi có những căng thẳng giữa Trung cộng với Việt Nam và Phi Luật Tân.
Chính phủ Phi Luật Tân cho biết từ ngày 7/3, Trung cộng đã điều hơn 200 tàu dân quân biển ra đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa và ở lại đá này từ đó đến nay. Đá Ba Đầu là thực thể mà cả Bắc Kinh, Hà Nội và Manila đều đòi chủ quyền nhưng hiện không có nước nào chiếm đóng.
Cả Manila và Hà Nội đều đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh điều tàu đến đá Ba Đầu. Quân đội Phi Luật Tân thậm chí còn gửi tàu chiến và máy bay đến tuần tra khu vực này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định sự có mặt của hàng trăm tàu cá Trung cộng ở đá Ba Đầu là bình thường vì các tàu này chỉ vào đá Ba Đầu tránh thời tiết xấu.
Hôm 31-3, tài khoản Twitter của tổ chức Sáng Kiến Theo Dõi Chiến Lược Nam Hải (Biển Đông) SCSPI tại Đại học Bắc Kinh đăng tải ảnh vệ tinh cho thấy, một con tàu xuất hiện gần đảo Sinh Tồn Đông do Việt Nam kiểm soát cách không xa Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo SCSPI, đây có khả năng là con tàu cảnh sát biển 8001 của Việt Nam.
RFA (31.03.2021)
Phi Luật Tân: Bầy đàn ‘tàu dân quân’ Trung cộng đã tản ra ở vùng biển tranh chấp
Ảnh vệ tinh của Maxar Technologies chụp hôm 23/3/2021 co thấy các tàu Trung cộng neo đậu ở đá Ba Đầu.
Hôm thứ Tư 31/3, Phi Luật Tân cho biết hàng trăm tàu Trung cộng nghi là do lực lượng dân quân biển điều khiển ở Biển Đông đã tản ra một khu vực rộng lớn hơn, bất chấp lời yêu cầu rằng phải rút hải đội đó ngay lập tức.
Phi Luật Tân đã mô tả sự hiện diện của các tàu thuyền đó ở đá Ba Đầu (Whitsun), bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, là một sự tràn ngập và có tính đe dọa; trong khi đó, Canada, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản và những nước khác lên tiếng lo ngại về ý đồ của Trung cộng, khiến Bắc Kinh phản bác.
Các nhà ngoại giao Trung cộng nói rằng các tàu thuyền chỉ đang trú ẩn khi biển động và không có lực lượng dân quân nào trên các con tàu cả.
Trong một tuyên bố, lực lượng của Phi Luật Tân chuyên trách về Biển Đông bày tỏ “quan ngại sâu sắc về sự hiện diện bất hợp pháp kéo dài của lực lượng dân quân biển Trung cộng, lực lượng này đã không rút đi”.
“Cả Phi Luật Tân lẫn cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ chấp nhận việc Trung cộng khẳng định cái gọi là‘ chủ quyền gắn liền, không thể tranh cãi’ của họ đối với gần như toàn bộ Biển Đông”, lực lượng chuyên trách nói, đồng thời thúc giục phải rút các tàu ngay lập tức.
Lập trường của Phi Luật Tân đối với các tàu thuyền của Trung cộng là một trong những quan điểm mạnh mẽ nhất được đưa ra kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm 2016.
Ông này từng tìm cách kết thân với Bắc Kinh, điều đã khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc thất vọng, họ cho rằng ông ta mềm mỏng với Trung cộng, làm tổn hại quan hệ với Hoa Kỳ và đánh bạc với chủ quyền quốc gia.
Dẫn thông tin tình báo thu thập được qua các cuộc tuần tra của chính họ, lực lượng chuyên trách cho biết 44 tàu vẫn đang đậu ở đá Ba Đầu và khoảng 200 chiếc khác đang rải rác xung quanh các khu vực khác của quần đảo Trường Sa, kể cả các đảo nhân tạo đã được quân sự hóa của Trung cộng, ở đó, họ cũng thấy có 4 tàu hải quân của Trung cộng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 29/3 cho biết Washington đứng về phía đồng minh của mình là Phi Luật Tân trước cảnh lực lượng dân quân biển của Trung cộng tập trung đông đúc ở đá Ba Đầu.
Reuters ,VOA (31.03.2021)
Biển Đông: Trung cộng sẽ diễn lại kịch bản “Vành Khăn” tại Đá Ba Đầu?
Ảnh chụp vệ tinh Đá Ba Đầu -Whitsun Reef – và đội tàu cá Trung cộng, ngày 23/03/2021. via REUTERS – Maxar Technologies
Tình hình Biển Đông trong tháng Ba 2021 lại bị Bắc Kinh khuấy động với sự kiện tàu Trung cộng đến neo đậu dày đặc tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), ở vùng quần đảo Trường Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, nhưng đang là đối tượng tranh chấp giữa Phi Luật Tân, Trung cộng, Việt Nam và Đài Loan. Nhiều chuyên gia phân tích đang lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh tái diễn kịch bản chiếm đóng Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) cũng ở Biển Đông vào năm 1995.
Sự kiện tàu Trung cộng hiện diện trong khu vực Đá Ba Đầu được cho là đã bắt đầu từ cuối năm 2020, nhưng phải chờ đến trung tuần tháng Ba 2021 thì Phi Luật Tân mới lên tiếng tố cáo khi một cơ quan chính phủ phụ trách giám sát Biển Đông ngày 20/03 báo động việc phát hiện đến 220 tàu Trung cộng neo đậu san sát bên nhau tại vùng Đá Ba Đầu vào ngày 07/03.
Đá Ba Đầu là một rạn san hô nửa chìm nửa nổi có hình dạng chữ V nằm ngang, rộng khoảng 10 km2, nằm ở cực đông bắc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa. Đối với Manila, thực thể địa lý này thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân vì chỉ cách đảo Palawan của nước này 175 hải lý, tức là sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ.
Sau lời báo động của cơ quan giám sát biển, từ bộ Quốc Phòng, bộ Ngoại Giao, cho đến chính tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đều lần lượt chính thức phản đối hành vi bị coi là xâm lấn của Trung cộng, trong lúc Quân Đội Phi Luật Tân vừa cho phi cơ đến giám sát đội tàu Trung cộng tại Đá Ba Đầu, vừa cho Hải Quân tăng cường tuần tra.
Sau Phi Luật Tân, đến lượt Việt Nam ngày 25/03 lên tiếng khẳng định rằng hoạt động của đội tàu Trung cộng tại khu vực Đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Không chỉ bị Manila và Hà Nội lên án, việc Trung cộng cho tàu tràn ngập vùng Đá Ba Đầu cũng đã bị một loạt cường quốc phản đối, từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, cho đến Anh, Úc và Canada.
Trung cộng bị tố cáo ngụy biện
Trước những lời phản đối đồng loạt từ khắp nơi, Trung cộng đã lập lại những quan điểm cố hữu để biện minh cho hành động của mình, tái khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng Trường Sa, bao trùm cả khu vực Đá Ba Đầu, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Phi Luật Tân theo đó số lượng hàng trăm tàu Trung cộng bị phát hiện là tàu dân quân biển. Đối với Bắc Kinh, đó chỉ là các tàu đánh cá, và chuyện các con tàu này tập hợp lại chính là để tránh bão.
Lập luận của Trung cộng về “tàu đánh cá ghé Đá Ba Đầu để tránh bão” đã bị phía Phi Luật Tân cũng như giới chuyên gia phân tích phản bác dựa trên các hình ảnh mà vệ tinh Mỹ của hãng Maxar Technologies đã chụp được và công bố.
Trước hết, nếu tránh bão thì chỉ trong một thời gian nhất định. Thế nhưng, trả lời đài phát thanh quốc gia Mỹ NPR ngày 26/03 vừa qua chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải và Luật Biển thuộc Đại Học Phi Luật Tân nhận định là về cơ bản, con số hai trăm tàu Trung cộng đã hiện diện liên tục ở khu vực từ nhiều tuần lễ nay.
Hơn nữa, theo hãng Maxar Technologies, hình ảnh vệ tinh trong thời gian gần đây, cho thấy là các con tàu này, với số lượng trồi sụt đôi chút, đã có mặt ở vùng Đá Ba Đầu từ Tháng 12 năm ngoái, 2020.
Lập luận của Trung cộng theo đó đội tàu của họ là tàu đánh cá cũng không đứng vững. Theo chuyên gia Phi Luật Tân Batongbacal, “các bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy boong của những con tàu này rất rất sạch”, có nghĩa là những chiếc tàu này không hề có hoạt động đánh bắt cá. Ngoài ra, trong khoảng thời gian mà tàu Trung cộng hiện diện tại Đá Ba Đầu, hoàn toàn không có vấn đề “thời tiết xấu” như Bắc Kinh đưa ra.
Chuyên gia Mỹ Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington cũng tỏ vẻ rất hoài nghi về những lập luận của Trung cộng.
Theo ông, những chiếc tàu như đã được ràng chặt vào nhau “với độ chính xác quân sự”, do đó không thể có hoạt động đánh cá được. Trả lời đài NPR, chuyên gia Mỹ đã ví von: “Khi ngồi yên thì không thể kéo lưới. Vì vậy, nếu quả thực đó là các ngư dân hoạt động ‘thương mại, thì tất cả bọn họ sẽ bị phá sản”.
Mưu toan chiếm đóng của Trung cộng
Tóm lại, hàng trăm chiếc tàu Trung cộng tại vùng Đá Ba Đầu không hề có hoạt động đánh cá. Chính yếu tố này đã khiến giới chuyên gia nghĩ đến khả năng Trung cộng đang triển khai kế hoạch chiếm đóng Đá Ba Đầu như họ đã từng làm trước đây với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1995.
Đây chính là ý kiến của chuyên gia Phi Luật Tân Batongbacal. Trên đài NPR, nhà nghiên cứu này cho rằng Bắc Kinh có thể là đang chuẩn bị chiếm bãi đá ngầm này để xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác. Đối với ông, kịch bản có nhiều dấu ấn của chiến dịch chiếm Đá Vành Khăn của Phi Luật Tân vào thập niên 1990.
Khi ấy, Trung cộng cũng nói rằng họ chỉ sử dụng rạn san hô Vành Khăn để làm nơi trú ẩn cho ngư dân, và vào năm 1995, đã cho xây dựng “lán trại” trên bãi đá gọi là để cho ngư dân trú ẩn.
Thế rồi kể từ năm 2014, chiến dịch xây dựng tăng tốc, và ngày nay, theo ông Batonbacal, Đá Vành Khăn đã trở thành một trong những đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, “hiện là nơi đặt một căn cứ quân sự toàn diện”, được “các ụ tên lửa bảo vệ”, và là tiền đồn lớn nhất của Trung cộng ở Biển Đông.
Theo chuyên gia Mỹ Poling, Đá Ba Đầu có một vị trí chiến lược quan trọng đối với hệ thống bố phòng của Trung cộng tại Trường Sa. Rạn san hô này nằm trong bán kính 1,6 km từ hai căn cứ hiện có của Trung cộng và bốn tiền đồn nhỏ của Việt Nam. Do đó, Trung cộng có vẻ như họ đang sử dụng Đá Ba Đầu làm một địa bàn an toàn để khống chế toàn khu vực Cụm Sinh Tồn.
Tuy vậy, ông Greg Poling không cho rằng Trung cộng sẽ bồi đắp Đá Ba Đầu thành một đảo nhân tạo thứ 8 của Trung cộng tại vùng Trường Sa. Do việc “mục tiêu của Trung cộng là kiểm soát vùng biển, vùng đáy biển, vùng không phận bên trên Trường Sa, vì vậy họ không thực sự cần tiền đồn thứ tám để làm điều đó”.
RFI (31.03.2021)
Hành động của Trung cộng ở Đá Ba Đầu đang gây áp lực cho Việt Nam
Một số trong tổng số hơn 200 tàu Trung cộng neo đậu ở khu vực gần đảo Đá Ba Đầu ngày 7/3/2021 Ảnh: Cảnh sát biển Phi Luật Tân/Reuters
Những động thái gần đây của Trung cộng tại khu vực Đá Ba Đầu tương tự điều họ đã làm với các đảo san hô ở phía tây đảo Thị Tứ do Phi Luật Tân kiểm soát. Việc này sẽ gây áp lực ngày càng lớn lên Việt Nam trong việc kiểm soát các tiền đồn của mình tại cụm đảo Sinh Tồn– Đây là nhận định của ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải đồng thời là một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), trong cuộc trao đổi với RFA hôm nay.
RFA: Trung cộng đã đưa hơn 200 tàu cá được cho là điểu khiển bởi lực lượng dân quân biển đến Đá Ba Đầu nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. Theo ông đâu là tham vọng của Trung cộng và tại sao Trung cộng làm điều này vào thời điểm này?
Ông Greg Poling: Trung cộng dường như đang sử dụng Đá Ba Đầu như một căn cứ cho các lực lượng dân quân và bảo vệ bờ biển hoạt động quanh khu vực cụm đảo Sinh Tồn (Union Banks) — một cấu trúc san hô rộng lớn hơn, nơi có 2 tiền đồn của Trung cộng và 4 tiền đồn của Việt Nam. Đây cũng tương tự như cách mà dân quân Trung cộng đã và đang sử dụng các đảo san hô nằm ở phía tây đảo Thị Tứ (do Phi Luật Tân kiểm soát) trong suốt 2,5 năm qua để kiểm soát các vùng biển và không phận xung quanh hòn đảo này. Việc này sẽ gây áp lực ngày càng lớn lên Việt Nam trong việc kiểm soát các tiền đồn của họ ở đây, bao gồm các đảo Sinh Tồn, đảo đá Colin, đảo Sinh Tồn Đông (Grierson Reef), và đảo Len đao (Lansdowne Reef), vì nước này chỉ có thể tiếp tế và hoạt động xung quanh các đảo này khi dân quân Trung cộng cho phép.
Tàu cá của Trung cộng tại đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa hôm 23/3/2021. Ảnh Maxar/AP
RFA: Trung cộng đã có hành động tương tự để chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012 nhưng Chính quyền Obama khi đó chỉ bày tỏ quan ngại mà không có hành động quyết liệt. Theo ông, trong bối cảnh hai nước vốn có Hiệp định Tương trợ Quốc phòng và đang có những thảo luận lại về Hiệp định Thăm viếng (VFA), liệu chính quyền Biden có thể có phản ứng như thế nào đối với vụ việc diễn ra gần đây tại Đá Ba Đầu để đảo này không rơi vào tay Trung cộng?
Ông Greg Poling: Hai sự kiện đó khác nhau nhiều hơn là giống nhau, bởi vì cả tầm quan trọng lịch sử của bãi Scarborough và sự khác nhau trong việc nhìn nhận của Manila và Washinton đối với ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong cả hai trường hợp, việc can thiệp quân sự của Washington đều không đúng đắn. Nhưng phản ứng ngoại giao của Hoa Kỳ lần này thì mạnh mẽ hơn nhiều, thể hiện việc Hoa Kỳ rất coi trong quan hệ đồng minh với Phi Luật Tân và nhu cầu lên án và chỉ trích công khai hành động phi pháp của dân quân Trung cộng.
RFA: Nếu Trung cộng chiếm đóng Đá Ba Đầu thì nguy cơ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ như thế nào thưa ông?
Ông Greg Poling: Tôi xin phép không nhắc những gì đã đề cập đến trong phần trả lời câu hỏi đầu tiên. Tôi cũng muốn bổ sung rằng đây là chiến lược bao trùm của Bắc Kinh, đó là sử dụng lợi thế áp đảo về số lượng trong các lực lượng dân quân và bảo vệ bờ biển để làm cho các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Đông Nam Á không thể hoạt động tự do trong các vùng biển ở Biển Đông. Và chiến lược này đang tiến gần tới thành công một cách nguy hiểm.
RFA: Đại sứ các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Anh tại Phi Luật Tân đều đã lên tiếng về vụ này. Theo ông, phản ứng nhanh chóng và đồng loạt này có ý nghĩa thế nào?
Ông Greg Poling: Điều này cho thấy một liên minh đang lớn dần giữa các chủ thể quốc tế coi Biển Đông là một chiến trận ngoại giao quan trọng. Họ coi việc Trung cộng tuyên bố chủ quyền và sử dụng việc cưỡng bức bằng dân quân là phi pháp và tạo ra những tiền lệ nguy hiểm. Họ cam kết buộc Trung cộng phải trả giá đắt về ngoại giao cho hành vi này, ngõ hầu thuyết phục Bắc Kinh xuống thang và tôn trọng hơn đối với luật lệ quốc tế.
RFA: Gần đây, các nước Anh, Pháp, Đức đều có cam kết về việc điều tàu chiến đến Biển Đông. Theo ông, điều này có ảnh hưởng thế nào đối với các hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông và có ý nghĩa thế nào đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này, trong đó có Việt Nam?
Ông Greg Poling: Việc quốc tế hoá gia tăng ở Biển Đông đang chọc giận Trung cộng, khiến Bắc Kinh cư xử càng hung hăng hơn, đặc biệt với những lời cáo buộc ngoại giao giận dữ. Điều này lại làm gia tăng sự lo ngại của các chủ thể quốc tế khác, khiến họ hành động mạnh hơn. Vì vậy, chính Bắc Kinh đang thúc đẩy việc quốc tế hoá vấn đề này, điều mà họ lo ngại nhất. Câu hỏi đặt ra là liệu liên minh quốc tế chớm nở này có đứng vững lần này không, có khác năm 2016 khi nó đã nhanh chóng tan rã, và có áp đặt được sự trả giá đủ về ngoại giao và kinh tế không, để khiến Bắc Kinh phải tìm kiếm một sự xuống thang ngoại giao và thoả hiệp với láng giềng.
RFA: Xin cảm ơn ông!
RFA (30.03.2021)