Seite auswählen

Trả lời về vụ bắt giữ tùy tiện nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam nổi tiếng Nguyễn Thúy Hạnh do công an Hà Nội tiến hành vào sáng hôm qua, Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Khu vực Chiến dịch của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết:

“Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là hành động trắng trợn và có động cơ chính trị nhằm bịt miệng một trong những nhà đấu tranh nhân quyền được tôn trọng nhất trong nước.”

“ Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nhà hoạt động đầy cảm hứng, làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ những người bị giam giữ oan ở Việt Nam. Bất chấp bị công an đánh đập và quấy rối trong nhiều năm, bà vẫn kiên định giúp đỡ và hỗ trợ những người đang gặp khó khăn.”

“Các nhà tù ở Việt Nam nổi tiếng là quá đông và không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu. Việc bà Nguyễn Thúy Hạnh bị nhắm tới vì việc làm nhân đạo ủng hộ những người tù oan là điều oái ăm. Bà Hạnh nên được tôn vinh và hỗ trợ vì công việc này – chứ phải không bị trừng phạt.”

“Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh và chấm dứt các cuộc tấn công không ngừng vào những người bảo vệ nhân quyền và những người phản biện ôn hòa. Các nhà chức trách phải tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hào và lập hội ”.

Bối cảnh

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nhà bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội. Bà đã thành lập Quỹ 50K vào năm 2017, qua đó bà gây quỹ hỗ trợ cho các gia đình những người bị giam giữ oan ức trên khắp Việt Nam.

Bà bị bắt vào ngày 7 tháng 4 năm 2021 và bị buộc tội theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự về tội “làm, tàng trữ hoặc truyền bá thông tin, tài liệu hoặc vật phẩm nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, có khả năng bị phạt tù từ năm đến 20 năm.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng là người có tiếng nói bênh vực nhân quyền với tài khoản Facebook nổi tiếng, nơi bà thường xuyên thảo luận về các vấn đề nhân quyền. Bà đã phải đối mặt với nhiều trường hợp bị quấy rối để trả đũa cho hoạt động nhân quyền ôn hòa của mình.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh đã ra ứng cử độc lập trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2016 tại thành phố Hà Nội. Kể từ đó, bà đã bị quấy rối và đe dọa nhiều lần. Tổ chức Ân xá Quốc tế gần đây lên tiếng kêu gọi  nhà chức trách Việt Nam chấm dứt hoạt động đàn áp ngày càng gia tăng đối với các ứng cử viên độc lập và những tiếng nói phản biện khác trước cuộc bầu cử Quốc hội năm 2021.

Vào tháng 1 năm 2020, khi công an tấn công vào làng Đồng Tâm, Hà Nội, dẫn đến một cuộc xung đột chết người, bà Nguyễn Thúy Hạnh đã gây quỹ cho gia đình của người đứng đầu thôn đã bị lực lượng an ninh giết chết. Để trả đũa, tài khoản ngân hàng của bà đã bị đóng băng, ngân hàng báo cho bà Nguyễn Thúy Hạnh biết rằng công an đã buộc họ phải làm như vậy.

Vào tháng 6 năm 2018, khi đang tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu kinh tế, bà Nguyễn Thúy Hạnh đã bị công an bắt tạm giam. Sau đó, bà cho biết bà đã bị đánh đập nhiều trong cuộc thẩm vấn khiến bà có vết thương trên mặt. Công an cũng đã nhiều lần thẩm vấn bà Nguyễn Thúy Hạnh về việc liên quan đến Quỹ 50k.

Các tù nhân lương tâm và những người khác bị giam giữ vì lý do chính trị thường bị ngược đãi nghiêm trọng trong các nhà tù ở Việt Nam. Họ thường xuyên bị giam giữ tại các nhà tù xa nhà, khiến người thân khó đến thăm nuôi do hạn chế về tài chính. Bà Nguyễn Thúy Hạnh, thông qua Quỹ 50K, đã giúp đỡ nhiều gia đình tù nhân thăm nuôi và qua đó đánh giá tình trạng của người thân họ trong tù.

Báo cáo năm 2016 của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Nhà tù bên trong nhà tù, ghi lại cảnh tra tấn phổ biến và các hình thức đối xử tệ bạc khác mà các tù nhân lương tâm phải chịu ở Việt Nam.

Nguồn: Amnesty International   (VNTB, 10.04.2021)

 

 

Luật do Quốc hội khóa XIV ban hành có thực sự phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26/1/2021  AFP

Luật do Quốc hội khóa XIV ban hành có thực sự phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân?

Quốc hội Việt Nam Khóa XIV tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 11 vào chiều ngày 8/4 báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII cho biết có 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết được ban hành trong nhiệm kỳ.

Báo cáo khẳng định nhiều luật trong số vừa nêu đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm trong ngành luật, Luật sư Hà Huy Sơn đang sống tại Hà Nội nhận định:

“Theo tôi thì chuyện người ta báo cáo thì báo cáo chứ không có đối trọng, không có giám sát về mặt chính trị thì không ai có thể khẳng định báo cáo đấy đúng hay sai.

Theo ý nghĩ của tôi thì không có đối trọng, đa đảng đa nguyên thì chuyện dân chủ phụ thuộc vào đảng cộng sản, người ta cho thế nào thì biết vậy.”

Trao đổi với RFA tối 9/4, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, từng rời bỏ Đảng nhận xét về tình hình dân chủ tại Việt Nam hiện nay như sau:

“Dân chủ của dân không những không cải thiện mà ngày càng kém đi. Ví dụ hiện nay ở trong Đảng càng ngày sự mất dân chủ càng nhiều hơn. Hiện nay đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội, tôi theo dõi thấy dân chủ kém đi.”

Từ Hà Nội, Nhà hoạt động dân sự Nguyễn Lân Thắng nói rõ hơn thực tế ‘thiếu dân chủ’ đang diễn ra:

“Trong giai đoạn vừa rồi ở Việt Nam cũng vẫn có vô số người hoạt động xã hội cũng như người bất đồng chính kiến lên tiếng những vấn đề đất nước và hoàn toàn thực hiện quyền công dân của mình là phản biện xã hội mà bị bắt giam.

Trong đó trường hợp gần đây nhất là chị Thúy Hạnh và một số người khác nữa như anh Lê Trọng Hùng, là những người phổ biến pháp luật, phổ biến Hiến pháp và tham gia vào việc ứng cử Hội đồng Nhân dân cũng bị bắt.

Thế thì mọi báo cáo, mọi điều luật khi để những chuyện đấy xảy ra thì rất phi lý.”

Mới đây nhất, gia đình ông Nguyễn Quốc Huy, một nhà thơ người Chăm, vào ngày 9/4, đã cho RFA biết ông Huy bị mất tích 2 ngày sau khi bị công an mời lên làm việc.

Facebook ông Huy cho hay ông tự ứng cử do ‘nhìn thấy các đại biểu Quốc hội đồng tộc mình, chủ yếu để làm kiểng’.

Bên cạnh đó, ông Huy còn đăng tải trên Facebook cá nhân những thông tin về vụ án chống người thi hành công vụ của 3 người Chăm trong vụ việc tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Trong cùng ngày 7/4, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cũng đã bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.

Tổ chức Ân xá Quốc Tế (Amnesty International) vào ngày 8/4 ra thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thuý Hạnh, nhưng yêu cầu này đến nay vẫn chưa được chính phủ Hà Nội đáp trả.

Trước đó, nhà báo chuyên viết bài chống tiêu cực Nguyễn Hoài Nam, người từng làm việc cho nhiều báo bao gồm Pháp Luật TPHCM, Thanh Niên, và VTV đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bắt giam ngày 2/4.

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, ông Nam bị bắt để điều tra tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015”.

Như vậy, chỉ trong một tuần đầu tháng 4, RFA ghi nhận có ba trường hợp bị bắt giữ vì biểu đạt ý kiến bị cho là ‘chống chính quyền’ như vừa nêu.

Theo GS. TS. Nguyễn Đình Cống, sở dĩ có những chuyện bắt bớ như vừa nêu là do tư tưởng, chủ trương của những người chỉ đạo cao nhất muốn hạn chế dân chủ của dân.

Do đó, GS. TS. Nguyễn Đình Cống cho rằng nếu để đúng theo báo cáo Quốc hội khóa XIV về nội dung ‘phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân’, chính phủ Hà Nội cần thay đổi:

“Biện pháp có nhiều nhưng quan trọng là phải từ tư tưởng, chỉ đạo của người ta. Trong ý thức của những người lãnh đạo phải có vậy (dân chủ) trước, còn trong ý thức người lãnh đạo không có cái ấy thì những biện pháp đề ra chỉ là giả tạo mà thôi tại vì có ai chỉ đạo thi hành đâu. Hoặc nói để cho có dân chủ của dân thì cái đấy quá đơn giản.

Dân chủ đầu tiên phải trong chuyện bầu người đại diện, người ta có được tự do chọn không? Đầu tiên là phải để dân tự do bầu, người ta thích ai thì người ta bầu. Còn áp đặt thì chẳng thể nào có dân chủ được.

Ở một đất nước muốn làm gì thật hay, thật đúng thì chính nước ấy phải trở thành tình cảm và nhận thức của những người lãnh đạo cao nhất. Khi đó người ta sẽ nghĩ ra những chuyện để thực hiện, còn không người ta chỉ nói quanh nói quẩn.

Vẫn theo GS. TS. Nguyễn Đình Cống, việc thực hiện không hề khó vì mọi điều khoản đã được nhắc đến trong Hiến pháp và luật pháp, nên nếu những người điều hành đất nước muốn là có thể thực hiện được.

Theo báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019 của Economist Intelligence Unit, Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn trong nhóm Chuyên chế và đứng hạng 136/167 quốc gia trong bảng xếp hạng.

Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, tình trạng dân chủ tại Việt Nam được những nhà quan sát trong và ngoài nước cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá bị tuột dốc nghiêm trọng khi Chính phủ Hà Nội cho bắt giữ hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội dân sự, blogger, nhà báo độc lập… chỉ vì nêu lên quan điểm cá nhân.

Nhiệm vụ của cơ quan Quốc hội là xây dựng các luật xác lập quyền của người dân; tuy nhiên trong thực tế nhiều quyền công dân căn bản vẫn chưa được các vị dân biểu bảo đảm thông qua những bộ luật được Quốc hội thảo luận và thông qua.

RFA (09.04.2021)

 

 

VN: Nhà thơ người Chăm Đồng Chuông Tử ‚mất tích‘?

NGUỒN HÌNH ẢNH,FB ĐỒNG CHUÔNG TỬ Chụp lại hình ảnh, Ông Đồng Chuông Tử là một nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa Chăm ở Bình Thuận

Một nhà thơ, nhà hoạt động xã hội dân sự và văn hóa người Chăm, ông Đồng Chuông Tử bị mất tích từ hôm thứ Tư, 07/4/2021, trong lúc gia đình bày tỏ nghi ngại với BBC là ông đã bị an ninh chính quyền ‚bắt giữ‘.

Hôm thứ Sáu, trên đường từ tỉnh Bình Phước về nhà ở tỉnh Bình Thuận, bà Phú Thị Hà Nin, vợ của nhà thơ nói với BBC:

„Chồng tôi đã không về nhà kể từ hôm thứ Tư, tôi thì đang đi làm công ở tỉnh khác, hôm trước chồng tôi có nói với tôi là anh ấy có nhận được giấy mời lên làm việc của công an, và anh ấy sẽ đi.

„Bình thường anh ấy vẫn gọi điện hay trao đổi với tôi, nhưng từ hôm thứ Tư đến giờ, tôi không hề nhận được cú điện thoại hay nhắn tin nào của chồng tôi.

„Ngày hôm qua, thứ Năm, tôi bất ngờ nhận được một cú điện thoại của một người, người đó nói là chồng tôi đang ở một nơi với ba người và ngày hôm sau chồng tôi sẽ được về nhà.

„Tôi có đề nghị người đó cho tôi nói chuyện với chồng tôi, thì người đó nói là anh Đồng Chuông Tử đang ‚bị say quá‘ nên không nói chuyện được, say từ sáng đến chiều.

„Tôi năn nỉ là kể cả chồng tôi có say, thì cứ cho tôi nghe, tôi nghe tiếng hay hơi thở của chồng tôi, thì tôi biết ngay, nhưng người đó nhất quyết không cho tôi nói chuyện và sau đó tắt máy và tôi cố liên lạc lại thì đều không được và chồng tôi biệt vô âm tín từ hai ngày qua và anh ấy cũng chưa được về nhà.“

‚Có giấy triệu tập của công an‘?

NGUỒN HÌNH ẢNH,FB ĐỒNG CHUÔNG TỬ Chụp lại hình ảnh, Ông Đồng Chuông Tử phát biểu tại một sự kiện văn hóa ở địa phương năm 2018

Khi được hỏi bà có nghĩ là ông chỉ tự vắng mặt và mất liên lạc do một lý do bình thường nào đó hay không, bà Phú Thị Hà Nin nói:

„Tôi không thể biết lý do nào mà nhà tôi bị bắt, anh ấy làm gì, có hoạt động gì hay không, thì tôi không bao giờ được biết, nhưng chồng tôi có cho tôi biết là anh ấy có giấy mời của công an lên làm việc từ hôm thứ Tư và từ đó thì anh ấy biệt vô âm tín.

„Tôi dự định là sẽ về đến nhà cuối tuần này để lên Công an hỏi về việc của chồng tôi, nếu không kịp thì tôi cố gắng ngay đầu tuần sau sẽ ra cơ quan công an.

„Tôi cũng rất khó khăn, chồng tôi cũng phải đi làm ăn xa, thỉnh thoảng anh ấy mới về nhà, thì lần này lại như vậy, tôi vừa mới tới tỉnh ngoài định làm công vài ngày kiếm chút tiền để về nhà, hiện tại tôi cũng không có tiền nữa, nhưng cố gắng để xoay đâu đó để về nhà xem anh ấy ra sao,“ vợ nhà hoạt động nói với BBC.

Hôm thứ Năm, một nhà thơ khác người Chăm, ông Lưu Tặng, bạn của ông Đồng Chuông Tử, viết trên Facebook cá nhân từ Bình Thuận ‚cập nhật thông tin‘ về vụ việc:

„Thông tin theo cá nhân nhận được, anh Đồng Chuông Tử đã (được) chuyển từ cơ quan công an thị xã Ma Lâm xuống công an tỉnh Bình Thuận vào ngay ngày hôm qua 07/4. Vụ việc còn đang theo dõi xác minh lý do bị bắt và tạm giữ. Có thể đến chiều ngày mai 09/4 sẽ cập nhật chi tiết hơn.“

‚Bị theo dõi và quan ngại bắt giữ‘?

Hôm thứ Sáu, cũng từ Bình Thuận, một người bạn khác của gia đình nhà thơ Đồng Chuông Tử (không muốn tiết lộ danh tính) nói với BBC:

„Gần đây, anh ấy có cho tôi và một số bạn bè biết là anh ấy có ý định đứng ra tự ứng cử Đại biểu Quốc hội của tỉnh nhà tức là tỉnh Bình Thuận, để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri người Chăm và đồng bào nói chung ở quê hương.

„Nhưng anh ấy cũng lại viết công khai trên Facebook của anh ấy rằng Bình Thuận chỉ có 7 suất, hết 3 suất là của Trung ương, chỉ còn 4 suất địa phương của cả tỉnh ‚cũng đâu đến mình‘, tức là khó có cơ hội cho anh ấy được trúng cử. Anh ấy đã bình luận công khai như thế.

„Thế rồi, mấy hôm trước anh nói là anh cảm giác bị theo dõi nhiều lên và anh cho biết là có giấy triệu tập lên làm việc của công an thị trấn Ma Lâm, thuộc huyện Hàm Thuận Bắc ở đây.

„Từ trước đến nay, anh Đồng Chuông Tử luôn là một người con hiền hòa của dân tộc Chăm, một người chỉ biết yêu quê hương, đất nước, con người của người dân mình, và sống hòa nhã với bà con khắp nơi.

„Anh ấy làm thơ, sáng tác, viết báo ca ngợi quê hương đất nước Chăm, phong tục, truyền thống Chăm, nhưng có thể do anh ấy cũng có những bài viết gần đây bày tỏ lo lắng về tình hình đời sống, quyền con người của người dân Chăm và bà con ở quê hương, mà anh ấy bị chú ý và bị người ta theo dõi.

„Gần đây anh có nhắc lại với tôi và một số bạn bè là anh ấy quan ngại rằng mình sẽ bị bắt. Hôm nay, tôi có hỏi và được một người có quen biết trong chính quyền ở tỉnh nhà nói rằng anh ấy sẽ được chính quyền thả về vào thứ Ba tuần sau, nhưng tôi không dám chắc là có chuyện thả ấy không, vì đợt này nhiều người bị bắt đi, là bắt đi luôn và có thể bị đưa đi xét xử.

„Tôi và các bạn bè, cũng như gia đình anh ấy đang rất lo lắng cho anh ấy và chúng tôi thực sự quan ngại rằng có thể anh ấy đã bị an ninh, hay công an chính quyền bắt giữ.“

Liên quan đến ứng cử Đại biểu Quốc hội?

NGUỒN HÌNH ẢNH,CỔNG THÔNG TIN CATPHN Chụp lại hình ảnh, Thông cáo của Công an TP Hà Nội về vụ bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh hôm thứ Tư, 07/4/2021

Hôm 09/4, từ Hà Nội, một nhà quan sát xã hội dân sự quan tâm đến sự kiện này bình luận với BBC:

„Tôi chưa biết thông tin cuối cùng về sự việc, nhưng tôi chỉ thấy rằng trong một thời gian vừa qua, nhất là trong lúc chuẩn bị để nộp hồ sơ ứng cử của Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam, đã có rất nhiều người, hoặc có ý định ra ứng cử, hoặc nộp hồ sơ rồi, thì đã bị công an đến đe dọa, hoặc thậm chí một số người còn bị bắt hẳn hoi,“ Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC.

„Và tôi cũng có nghe rằng nhiều người mà 5 năm trước ứng cử, hoặc có giúp những người khác trong hoạt động ứng cử độc lập cũng đều bị công an bắt lên, hỏi, rồi truy lùng.

„Tôi cho rằng những hiện tượng như thế khó chấp nhận được trong một chế độ mà người ta tự nhận là của dân, do dân và vì dân, dân thụ hưởng và đó là một sự vi phạm trắng trợn quyền của công dân đã được ghi vào chính Hiến pháp của họ.

„Với trường hợp của ông Đồng Chuông Tử, với tư cách một nhà thơ người dân tộc ít người, dân tộc Chăm, nếu đúng là ông bị chính quyền bắt và họ làm không khéo, thì có thể có vấn đề sẽ trở thành rất lớn đối với chính quyền.“

Đang có một chiến dịch trấn áp?

Ông Nguyễn Quang A nhân dịp này cho hay ông cũng rất quan ngại về điều được cho là có thể có một chiến dịch trấn áp với giới hoạt động xã hội dân sự, vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam:

NGUỒN HÌNH ẢNH,HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NA Chụp lại hình ảnh, Các ông Phạm Chí Dũng (trái), Nguyễn Tường Thụy (trên, phải) và Lê Hữu Minh Tuấn (dưới, phải) đều bị truy tố về tội tuyên truyền chống nhà nước CNXHCN Việt Nam

„Việc kiện toàn nhân sự của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam thì chỉ diễn ra gần đây thôi, nhưng đã có những chiến dịch đàn áp bắt bớ kéo dài, nối tiếp nhau, mà đợt gần nhất kéo dài thực sự là suốt 6 tháng nay rồi.

„Thậm chí từ trước cả đó nữa, từ các vụ bắt bớ, trấn áp với anh Phạm Chí Dũng, anh Nguyễn Tường Thụy, nhiều người khác, rồi đến Phạm Thị Đoan Trang và mới đây là Nguyễn Thúy Hạnh, chưa kể các trường hợp khác như anh Lê Trọng Hùng, người đã nộp đơn vào ứng cử Quốc hội

„Tôi nghĩ đây là một chiến dịch đàn áp rất khốc liệt, có hệ thống và họ làm như thế không khôn ngoan gì cả, nếu một chính quyền mạnh, thì sợ gì các nhà hoạt động và họ làm như vậy chỉ càng chứng tỏ họ đang rất lo sợ người dân đòi hỏi, thực thi quyền dân chủ và như thế không nên.

„Tôi cho rằng, những hành động này của chính quyền chắc chắn gây ra ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam. Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, mà lại đi làm như thế, thì tôi không biết là giữa bên Công an và bên Ngoại giao, các bộ, ngành này có kết hợp, phối hợp, trao đổi với nhau hay không.

„Nhưng nếu mà không có sự phối hợp, thì các hành động mà tôi cho là đàn áp, trấn áp này chính là tự đánh vào các hoạt động ngoại giao, uy tín của Việt Nam ở quốc tế và khu vực. Tình hình hiện nay đã khác, thời của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ vừa qua đã khép lại, hiện nay chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đặt lại sự nhấn mạnh vào nhân quyền và ủng hộ dân chủ, tự do.

NGUỒN HÌNH ẢNH,FB NGUYỄN THÚY HẠNH Chụp lại hình ảnh, Bà Nguyễn Thúy Hạnh, sinh năm 1963, từng ra ứng cử trên tư cách ứng viên độc lập cho ghế Đại biểu Quốc hội Việt Nam vào năm 2016

„Tôi không nghĩ Việt Nam muốn bắt chước Trung Quốc, vì Việt Nam có vị thế khác Trung Quốc, để mà đi nắn gân chính quyền Biden vào thời điểm này, nhưng tôi nghĩ rằng nếu là một chính quyền mạnh, tự tin và vững, không cần gì phải làm những việc như trên.

„Mà thậm chí, trái lại, nên và phải khuyến khích những ý kiến khác nhau được nói lên, phải tôn trọng quyền của công dân một cách thực sự,“ ông Nguyễn Quang A nói với BBC.

Gần đây, truyền thông Việt Nam công bố nhiều vụ bắt giữ, khởi tố bị can, khởi tố vụ án với nhiều người mà chính quyền gọi là các đối tượng lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, chống phá đảng và nhà nước.

Chính quyền cho rằng đã có nhiều ‚đối tượng‘ ở trong và ngoài nước là các thế lực thù địch, đã và đang tuyên truyền, hoạt động chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam khẳng định đảng và nhà nước quan tâm, khuyến khích xã hội dân sự, dân chủ hóa và đề cao nhân quyền, ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ có những người bị pháp luật xử lý vì vi phạm luật pháp, kể cả luật hình sự mà thôi.

BBC (09.04.2021)

 

 

Nhiều ký giả nổi tiếng thế giới kêu gọi CSVN trả tự do cho nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

Tin từ Paris: Nhiều ký giả nổi tiếng trên thế giới, những người từng được tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) vinh danh, đã cùng lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phóng thích nhà hoạt động nhân quyền và blogger chính trị Phạm Đoan Trang, người cũng được RSF trao tặng giải thưởng năm 2019 và đã bị bắt đầu tháng 10 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống chế độ.”

Nhà báo Ba Lan Tomasz Piatek sử dụng chương trình trực tuyến của mình có tên “Coming to the truth” yêu cầu Hà Nội ngưng ngay biện pháp sách nhiễu công dân và cho người dân quyền nói lên sự thật, còn nhà báo Ấn Độ Swati Chaturvedi phát biểu rằng RSF đại diện cho công cuộc đấu tranh của những nhà báo đang bị cầm tù nên hãy lên tiếng và giúp đỡ cho người đồng nghiệp đang bị giam ở Việt Nam.

Nhà báo kiêm nhà sản xuất phim tài liệu Thổ Nhĩ Kỳ Can Dündar nói rằng thông điệp mạnh mẽ từ trường hợp Phạm Đoan Trang là niềm hy vọng giải thưởng khích lệ các nhà báo khác tại Việt Nam kiên định hơn trong công cuộc theo đuổi sự thật, công lý, và nhân quyền. Nhà báo Philippines Espina-Varona cho rằng Việt Nam cáo buộc Phạm Đoan Trang một cách độc vì trách nhiệm của mỗi nhà báo là phê phán và khi cần thiết phản đối những chính sách và hành động phương hại đến sự an nguy và quyền của con người.

Ông Daniel Bastard, trưởng Văn phòng RSF ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sự đoàn kết quốc tế với Phạm Đoan Trang cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thấy rằng cả thế giới đang theo dõi họ, và Hà Nội không nên bỏ tù một nhà báo chỉ vì người này viết bài trích chế độ.

VietBF (09.04.2021)

 

 

Bắt bớ vô cớ sẽ gia tăng qua trường hợp Nguyễn Thúy Hạnh

Bà Nguyễn Thúy Hạnh  Photo: facebook Nguyen Thuy Hanh

Theo ghi nhận của RFA, từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ nhiều người từ Bắc tới Nam có liên quan đến các hoạt động bị cho là vi phạm các điều khoản an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự 2015. Trong số những người bị bắt có ông Trần Hữu Đức, ông Ngô Công Trứ, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, ông Lê Anh Dũng, ông Trần Quốc Khánh, bác sĩ Nguyễn Duy Hướng, ông Lê Trọng Hùng, ông Nguyễn Hoài Nam, bà Nguyễn Thuý Hạnh.

Đa số những người mới bị bắt đều bị cáo buộc vi phạm Điều 109 với tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Điều 331 với tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; Điều 117 với tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam về tội danh ‘trốn thuế’ vào năm 2013, bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger vào sáng ngày chín tháng tư năm 2021: 

“Tôi rất buồn nhưng không bất ngờ. Tôi cho rằng „Độc tài ngày càng độc tài – Toàn trị ngày càng toàn trị“. Tôi sợ rằng sẽ còn thêm nhiều vụ bắt bớ nữa.

Rất dễ cáo buộc vào tội này vì nội hàm của nó đã được mở rộng hơn so với điều 88 BLHS cũ. Người nào làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.  Nói chung nó là một lưới „dã cào“ quét, vét được hết mọi loại hành vi mà Đảng coi là chống Nhà nước, mà thực chất là chống hoặc không tuân thủ quan điểm của Đảng Cộng sản.” 

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là trường hợp mới nhất bị bắt hôm bảy tháng tư năm 2021 với lý do được đưa ra là vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015. Bà là người sáng lập quỹ 50K nhằm kêu gọi sự giúp đỡ cho gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, người nhận thông báo từ Công an Hà Nội về việc bắt bà Hạnh để tạm giam, chia sẻ với RFA cảm nghĩ của ông một ngày sau đó:

“Thì họ dựng lên chứ Hạnh có làm gì mà bị phạm vào Điều 117. Họ nói với anh là họ có tịch thu một số sách và tài liệu Hạnh viết. Tức là để hắn ghép Hạnh vô tội ‘làm và tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin…’ đấy. Nhưng thật ra sách là vài cuốn sách chính trị người ta in ra tặng anh còn sót lại vài cuốn. Còn tài liệu viết tay thì Hạnh có viết cái gì đâu. Hạnh chưa bao giờ đọc những sách chính trị mà viết thì chỉ viết theo cảm xúc. Hạnh không quan tâm chuyện chính trị mà Hạnh chỉ thương người và yêu nước mà thôi.”

Theo ông Huỳnh Ngọc Chênh, việc bà Hạnh làm từ thiện cứu giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm, bị chính quyền coi là hành vi nguy hiểm cho chế độ. Nhưng khởi tố bà Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên họ đành phải mượn cớ khác.

Những người bị bắt giam trong năm 2021 với cáo buộc vi phạm các điều về an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự 2015

Nhiều nhà quan sát cho rằng, từ nhiều năm qua, Chính quyền Hà Nội dường như vẫn sử dụng các nhà bất đồng chính kiến trong cuộc mặc cả với quốc tế về nhân quyền. Khi bắt ai đó thì họ nhắm đến các đối tượng mà họ có thể đưa ra đàm phán hay mặc cả trong cuộc đối thoại về nhân quyền với Mỹ, Liên minh châu Âu hay là Úc và trong cuộc mặc cả về các vấn đề như là thương mại tự do hay các vấn đề khác.

Báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2020 của Dự án 88 vừa qua nhận định, năm 2020 là một năm đầy khó khăn cho các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động tại Việt Nam. Ngoài đại dịch COVID-19 dẫn đến việc chính quyền tăng cường giám sát công dân chặt chẽ hơn qua nhiều hình thức, cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden được cho là đề cao các giá trị tự do dân chủ như là nền tảng để thiết lập quan hệ đồng minh trong cuộc chiến ý thức hệ chống độc tài toàn trị.

Trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 24 tháng hai năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố vấn đề nhân quyền được đặt là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Hoa Kỳ cam kết hướng tới một thế giới trong đó nhân quyền được bảo vệ, những người bảo vệ nhân quyền được tôn vinh và những ai vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn nhấn mạnh rằng, thúc đẩy tôn trọng nhân quyền không phải là việc làm đơn phương của nước Mỹ, mà cần được thực hiện một cách tốt nhất cùng với các quốc gia đồng minh, đối tác trên toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại hợp nhất với các giá trị dân chủ và chú trọng đến bảo vệ dân chủ và nhân quyền.

Một Facebooker quan tâm đến tình hình chính trị trong và ngoài nước, yêu cầu ẩn danh, nhận định về việc bắt bớ những năm qua, đặc biệt trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh:

“Theo thiển ý của tôi thì chuyện này thật ra không đáng lo lắm, bởi khi Hoa Kỳ có chính quyền mới thì các áp lực về nhân quyền bắt đầu dồn dập trở lại đối với Chính quyền Việt Nam. Do đó, theo tôi, phía Việt Nam đã ra tay trước bằng cách tìm bắt một số người có tiếng tăm để chuẩn bị như một điều kiện để điều đình với Hoa Kỳ.

Khi Chính quyền Hoa Kỳ gây áp lực với Chính quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền thì họ sẽ nhượng bộ. Họ sẽ thả những người này ra.

Không phải tôi coi thường những chuyện bắt bớ như vậy, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một chiêu trò chính trị của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà thôi. Chủ ý của họ là dấy động dư luận để có sự quan tâm với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.” 

Theo báo cáo nhân quyền mới công bố hôm sáu tháng tư của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, tính đến cuối năm 2020 đã có ít nhất 173 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù và các trại tạm giam ở Việt Nam. Đây là con số cao nhất kể từ khi Ân Xá Quốc Tế bắt đầu thực hiện các báo cáo tương tự vào năm 1996.

Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân về việc những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ thời gian qua. RFA đã được phép sử dụng đoạn trích sau:

“Ngoài xã hội, những người bất đồng chính kiến bị bắt giữ, xử lý ngày một nhiều hơn và không có sự phân biệt bất kỳ thành phần, độ tuổi nào. Có vẻ như người lớn tuổi không phải là đối tượng được “nương nhẹ” khi mà thời gian vừa qua, số người bị bắt đang bị “già hoá”. Không có sự giải thích, không có lời đối thoại nào với những người có suy nghĩ khác biệt, chỉ có những cuộc bắt bớ, xử lý, tù tội mà thôi. Có vẻ như người ta đang mất kiến nhẫn với những tiếng nói trung thực nhưng khó nghe. Từ việc một số người bị bắt bớ khiến cho những người xung quanh lo sợ và không mấy ai còn mặn mà với những chuyện bao đồng nữa… 

Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ sự lo lắng cho thế hệ hiện tại và kế tiếp khi mà rất rất nhiều người đã mất đi khả năng phản biện, phản kháng phi bạo lực mà chỉ thụ động tiếp nhận thông tin một chiều. 

Tình hình nhân quyền Việt Nam luôn bị quốc tế chỉ trích nhưng phía Chính quyền Hà Nội mạnh miệng phản bác và cho rằng các cáo buộc vi phạm nhân quyền là vô căn cứ. Trong khi đó, những người trong cuộc và các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam dùng những điều luật mơ hồ để bịt miệng những tiếng nói đối lập, những người công khai lên tiếng vì dân chủ- nhân quyền, vì lợi ích của dân tộc…

RFA (09.04.2021)

 

Ân xá Quốc tế lên tiếng việc Hà Nội bắt giam bà Nguyễn Thúy Hạnh

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 8/4/2021 kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh.

Hôm 8/4, tổ chức Ân xá Quốc tế lên tiếng việc công an Việt Nam bắt giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, cho rằng việc bắt bà có động cơ chính trị và vi phạm nhân quyền trắng trợn.

Bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết trong một thông báo: “Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nỗ lực trắng trợn và có động cơ chính trị nhằm bịt miệng một trong những nhà đấu tranh nhân quyền được tôn trọng nhất trong nước.”

“Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nhà hoạt động đầy cảm hứng, người đã làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ những người bị giam giữ oan ức ở Việt Nam. Bất chấp sự đánh đập của công an và nhiều năm bị quấy rối, bà vẫn kiên định trong nỗ lực giúp đỡ và hỗ trợ những người đang gặp khó khăn,” bà Ming Yu Hah nói thêm.

Đại diện của Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Hà Nội phóng thích bà Thúy Hạnh: “Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh và chấm dứt các cuộc tấn công không ngừng vào những người bảo vệ nhân quyền và những người chỉ trích ôn hòa. Nhà chức trách phải tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và tự do lập hội.”

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội. Bà đã thành lập Quỹ 50K vào năm 2017, qua đó bà đã gây quỹ hỗ trợ cho các gia đình của những người bị giam giữ oan ức trên khắp Việt Nam, cũng theo tổ chức Ân xá Quốc tế.

Bà bị bắt vào ngày 7/4/2021 và bị buộc tội theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với cáo buộc “truyền truyền chống nhà nước,” có thể bị phạt tù từ 5 đến 20 năm.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Nguyễn Thúy Hạnh, nói với VOA:

“Họ có cớ này cớ khác để bắt. Tôi nghĩ Nguyễn Thúy Hạnh chả làm gì sai pháp luật, ngoài chuyện làm nhân đạo.”

Ông Chênh viết trên Facebook: “Khởi tố Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên đành phải mượn cớ khác.”

Hôm 8/4, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực châu Á, bình luận với BBC:

“Việc bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho thấy tuyên bố của Việt Nam rằng nước này luôn đảm bảo nhân quyền chỉ là trò đùa. Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Hà Nội luôn tìm cách thể hiện mình như là một nhà nước chừng mực, tiến bộ nhưng ở trong nước, chính phủ nước này lại đang mở rộng việc đàn áp bất cứ ai cả gan nghi vấn hoặc thách thức sự lãnh đạo chuyên chế của đảng cộng sản. Với việc tiếp tục bách hại những người như bà Hạnh, Việt Nam cho thấy đây vẫn là một trong những chính phủ áp bức nhất châu Á.”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết trên Facebook: “Theo các nhà quan sát, việc bắt giữ chị Nguyễn Thúy Hạnh có thể được xem như là một trong những cú dứt điểm của công an Hà Nội, để hoàn toàn quét sạch tất cả những trạm thông tin tự do, đem lại sự thật có thể gây bất lợi cho phía chính quyền.”

Truyền thông Việt Nam loan tin rằng công an Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh “về hành vi chống phá Nhà nước.”

VOA (09.4.2021)

 

 

Ân xá Quốc tế nói số tù nhân lương tâm ở Việt Nam ở mức kỷ lục trong năm 2020

Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế có trụ sở ở London nói số tù nhân lương tâm ở Việt Nam ở mức kỷ lục trong năm 2020 sau khi nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội gia tăng việc bắt giữ người bảo vệ nhân quyền và người hoạt động xã hội.

Theo báo cáo của Ân xá Quốc tế công bố ngày 06/4, chế độ cộng sản Việt Nam hiện đang giam giữ 173 tù nhân lương tâm, cao nhất từ năm 1996 khi tổ chức này bắt đầu thực hiện thống kê về tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Ân xá Quốc tế nhận định năm 2020 là một năm giới hoạt động dân chủ, nhà báo và nhà xuất bản độc lập ở Việt Nam liên tục phải đối mặt với những sách nhiễu, tấn công, khởi tố tuỳ tiện, tra tấn và đối xử tàn tệ khi bị an ninh bắt giữ. Trước đại hội 13 của đảng cộng sản, lực lượng an ninh đã thực hiện một cuộc đàn áp lớn nhắm vào những người dám đưa ra ý kiến trái chiều dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Báo cáo cho biết hai nhóm xã hội dân sự bị đàn áp mạnh nhất năm ngoái là Nhà Xuất bản Tự do và Hội Nhà báo Độc lập trong năm 2020. Dưới sức ép của Hà Nội, Facebook và Google buộc phải tăng việc kiểm duyệt các nội dung trên mạng bị cho là không có lợi cho chế độ cộng sản.

Báo cáo cũng nói đến tình trạng giam giữ tồi tệ trong nhà tù đối với những tù nhân lương tâm. Gia đình những tù nhân lương tâm thường xuyên phản ánh tình trạng thân nhân bị phân biệt đối xử trong tù, bị tra tấn. Báo cáo cũng nói Việt Nam vẫn áp dụng mức án tử hình trong năm 2020.

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) công bố ngày 01/4 vừa qua, cộng sản Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 256 tù nhân lương tâm trong điều kiện sống vô cùng hà khắc.

RFA (08.04.2021)

 

 

Dân biểu Hoa Kỳ tố cáo CSVN lợi dụng đại dịch COVID-19 để tăng cường đàn áp giới hoạt động

Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal tố cáo nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lợi dụng đại dịch COVID-19 để tăng cường đàn áp giới hoạt động nhằm củng cố quyền lực.

Ông Lowenthal nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng trong cuộc gặp trực tuyến tuần trước, ông và một số thành viên của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã thảo luận về tình trạng hiện tại của nhân quyền ở Việt Nam. Ông nói cộng sản Việt Nam không những tăng cường việc bắt giữ giới hoạt động mà còn tuyên các bản án cực kỳ khắc nghiệt và dài hạn đối với tù nhân lương tâm, và đây là điều mà Hoa Kỳ không thể làm ngơ. Ông nói rằng sẽ tiếp tục lên tiếng trước Quốc hội Hoa Kỳ cho các cử tri gốc Việt của mình bằng cách bày tỏ mối lo ngại của ông về nhân quyền Việt Nam với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Dân biểu Alan Lowenthal tại một buổi điều trần về nhân quyền (VOA)

Theo ông, Hoa Kỳ cần hợp tác với Việt Nam để đối phó với Trung Cộng nhưng không vì thế mà bỏ quên nhân quyền và pháp quyền ở Việt Nam. Nhân quyền được coi là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay.

Ông Lowenthal là một trong số nhiều thượng nghị sỹ và dân biểu Liên bang Hoa Kỳ luôn quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm qua. Ông đã và đang bảo trợ cho nhiều tù nhân lương tâm trong đó có Nguyễn Văn Hoá và Trương Duy Nhất.

VOA (08.04.2021)