Tại Pháp, bắt đầu từ hôm nay, 12/04/2021,tất cả những người trên 55 tuổi đều có thể được tiêm vac-xin không cần điều kiện ưu tiên nào, theo như thông báo của bộ Y Tế. Cùng ngày Pháp nhận lô vac-xin Johnson&Johnson đầu tiên với đặc tính tiêm một liều, dễ vận chuyển, bảo quản. Một số điều cần biết về sản phẩm mới ngừa Covid-19 này của Mỹ.
Vac-xin Johnson&Johnson do hãng dược Janssen-Ciglag, chi nhánh của tập đoàn Johnson&Johnson bào chế, được giao cho Pháp đợt đầu 200 nghìn liều, hôm nay tức là sớm hơn một tuần so với dự kiến. Là sản phẩm mới đã được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng tại Hoa Kỳ, vac-xin tiêm một liều này chưa hề được sử dụng ở châu Âu.
Mục lục
Công nghệ bào chế vac-xin Johnson&Johnson?
Cùng sử dụng công nghệ như AstraZeneca, vac-xin Johnson&Johnson được bào chế bằng công nghệ vector virus. Các nhà khoa học sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được dùng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào người. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể để tự bảo vệ. Vector không gây hại cho cơ thể.
Khác biệt cơ bản với vac-xin AtraZeneca là ở chỗ vac-xin Johnson&Johnson chỉ cần tiêm một liều duy nhất. Tuy nhiên điều này chưa thuyết phục giới chuyên gia. Trả lời phỏng vấn báo Libération, chủ tịch Hội đồng Hoạch định chiến lược tiêm chủng của Pháp, giáo sư Alain Fischer, tỏ hoài nghi về khả năng tạo hiệu quả miễn dịch sau 1 mũi tiêm của loại vac-xin mới này. Các nghiên cứu về liều tiêm duy nhất vẫn đang được thực hiện và kết quả sẽ có trong những tuần tới, theo giao sư Alain Fischer.
Hiệu quả của sản phẩm Johnson&Johnson ?
Hiệu quả của vac-xin Johnson&Johnson đã được thử nghiệm lâm sàng rộng rãi trên khoảng hơn 40 nghìn người có độ tuổi từ 18 trở lên ở nhiều nước, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Mêhico, Brazil và Nam Phi. Kết quả cho thấy vac-xin có công hiệu tới 85% ngăn chặn các thể nặng của Covid-19. Đây là điều rất quan trọng vì như vậy sẽ giảm được đáng kể số bệnh nhân nhập viện và tử vong. Tỷ lệ công hiệu trong thử nghiệm ở Mỹ là 72%. Ở Nam Phi, độ bảo vệ của sản phẩm giảm xuống còn 64%, do biến chủng B.1.351 dễ lây lan chiếm tới 95% ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm trên 6.000 người, theo số liệu phân tích của Cơ quan Quản lý thuốc của Mỹ.
Còn so với các loại vac-xin khác ? Kết quả trung bình 66% công hiệu không thể so sánh với tỷ lệ hiệu quả 95% của vac-xin Pfizer và Moderna. Nhưng thực ra thì hai loại vac-xin ra trước của Mỹ này được thử nghiệm trong khi mà biến chủng virus Nam Phi chưa lây lan rộng.
Điểm mạnh của Johnson&Johnson so với các loại vac-xin khác ?
Trong khi ba loại vac-xin đã lưu hành Pfizer, Moderna và AstraZeneca cần phải tiêm 2 liều, cách nhau nhiều tuần, vac-xin Johnson&Johnson chỉ cần một liều và có thế bảo quản trong 3 tháng ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường.
Đây là một ưu thế trong việc vận chuyển và phân phối thuốc. Vac-xin dễ sử dụng hơn, có thể tiêm cho nhiều người hơn. Đây là yếu tố then chốt khi nguồn cung đang hạn chế, sản phẩm có thể góp phần thúc đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng.
Từ tháng Ba, Cơ quan y Tế cao cấp (HAS) của Pháp đã bật đèn xanh cho việc sử dụng vac-xin này với tất cả các đối tượng người lớn từ 18 tuổi. Vac-xin Johnson&Johnson có thể được chọn sử dụng trong các khu vực dịch đang hoành hành mạnh và là nơi cần tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, theo khuyến cao của HAS. Cuối cùng, Cơ quan y tế Pháp chốt lại vac-xin sẽ được dành cho đối tượng trên 55 tuổi trước.
Vac-xin Johnson&Johnson có những phản ứng phụ như thế nào ?
Các phản ứng phụ được quan sát thấy thường xuyên trong các thử nghiệm lâm sàng là đau ở nơi tiêm, đau đầu, mệt mỏi hay đau cơ. Phòng thí nghiệm Mỹ hồi cuối tháng Hai vừa qua có ghi nhận ít nhất một ca sốc phản vệ – một dạng phản ứng dị ứng nặng tại Nam Phi.
Những phản ứng như vậy, dù rất hiếm, cũng đã gặp ở những người tiêm vac-xin Moderna hay Pfizer. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Phòng chống Bệnh tật ( CDC) khuyến cáo những người đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng không nên tiêm vac-xin Johnson&Johnson.
Còn lại câu hỏi lớn về nguy cơ gây rối loạn đông máu ?
Hôm 09/4 vừa rồi, Cơ quan quản lý thuốc của Mỹ (FDA) thẩm định là đến giai đoạn hiện nay không hề có mối liên hệ nguyên nhân nào giữa việc hình thành các cục máu đông và việc tiêm vac-xin Johnson&Johnson, đã được phép lưu hành tại Hoa Kỳ từ cuối tháng Hai và vẫn được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng đồng loạt ở Mỹ. Cơ quan Quản lý Thuốc Châu Âu ( EMA) trước đó cũng cho biết đã điều tra về mối liên hệ có thể giữa loại vac-xin này với hiện tượng đông máu, sau khi có 4 trường hợp trong đó một ca tử vong đã được ghi nhận. Đó là một trường hợp xảy ra trong thử nghiêm lâm sàng và 3 trong khuôn khổ chiến dịch tiêm chủng ở Hoa Kỳ.
(Theo AFP)
RFI