Seite auswählen
Ảnh tư liệu : Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạ (Liu He – bên phải) mời bộ trưởng Ngân Khố Mỹ  Steven Mnuchin (G) và bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, vào phòng họp tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư, Bắc Kinh, ngày 01/05/2019.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạ (Liu He – bên phải) mời bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Steven Mnuchin (G) và bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, vào phòng họp tại Nhà khách chính phủ Điếu Ngư, Bắc Kinh, ngày 01/05/2019. REUTERS – POOL

Ngày 08/04/2021, bộ Thương Mại Hoa Kỳ thông báo trừng phạt thêm 7 thực thể Trung Quốc chuyên về siêu máy tính. Quyết định này càng gây nghi ngờ về « huyền thoại » Mỹ- Trung phụ thuộc lẫn nhau. Quá trình « chia ly » « tách cặp » được Donald Trump khởi xướng và được Bắc Kinh thúc đẩy nhanh hơn nữa, liệu có báo hiệu một cuộc đối đầu giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới hay không ?

Trang mạng đài France Culture dẫn phân tích của cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd, chủ tịch Asia Society Policy Institute và Mark Leonard, chuyên gia người Anh về châu Á giải thích vì sao « đối đầu lại là điều không thể tránh khỏi ? ».

Bắc Kinh : Ngày tàn của phương Tây đã điểm ! 

Thứ nhất, giới lãnh đạo Trung Quốc tự tin cho rằng thời cơ đã đến. Kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt nước Mỹ trước năm 2030. Do vậy, phương Đông tiến lên, Phương Tây suy tàn, là điều tất yếu và lợi thế sẽ nghiêng về Trung Quốc, theo như tuyên bố của một thành viên trong Ban thường vụ Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Dịch bệnh Covid-19 là một minh chứng điển hình, cho thấy rõ một khác biệt rất lớn trong năng lực ngăn chận dịch bệnh giữa Đông và Tây.

Thứ hai, cuộc chiến thương mại do Donald Trump khởi xướng đã tạo nên một bước ngoặt chính trị quan trọng cho Trung Quốc, và đây cũng là nguồn cội của mọi sự căng thẳng. Khi xem xét kỹ Kế hoạch Made in China 2025 cũng như những quyết định do Tập Cận Bình thông báo gần đây trong khuôn khổ Kế hoạch 5 năm, người ta chợt nhận ra rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước giờ đây chỉ còn là một huyền thoại.

Mục tiêu đề ra là Trung Quốc phải tự lực tự cường trong mọi lĩnh vực và chủ động « tách rời » khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau, từ năng lượng cho đến các ngành công nghệ mũi nhọn. Trung Quốc phải vượt qua Mỹ trong mọi lĩnh vực tân tiến nhất, bắt đầu từ trí thông minh nhân tạo. Từ đây đến năm 2025, 70% sản phẩm Trung Quốc phải được lắp ráp bằng chính các linh kiện sản xuất ở trong nước.

Hơn nữa, Bắc Kinh muốn tăng trưởng kinh tế giảm lệ thuộc vào thị trường bên ngoài, và phải sử dụng thị trường nội địa như là một « thỏi nam châm » để hút các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, cái thời mà phương Tây đến lập nhà xưởng ở Trung Quốc nhưng vẫn giữ các bộ phận nghiên cứu và các dịch vụ chiến lược ở trong nước đã qua. Từ nay, các công ty phương Tây, nếu muốn làm ăn với Trung Quốc thì nên đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc.

Con đường tơ lụa và “lưu thông kép”  

Để thực hiện các mục tiêu đó, giới lãnh đạo Trung Quốc nói đến « lưu thông kép » (hoặc « tuần hoàn kép »). Điều này có nghĩa là, một mặt, Bắc Kinh chú trọng đến các liên kết với bên ngoài, đặc biệt là dự án Những Con đường Tơ lụa mới, nhưng đồng thời, hệ thống kinh tế trong nước cũng sẽ được hưởng các biện pháp khuyến khích và bảo hộ đặc biệt của Nhà nước Trung Quốc.

Như vậy, thông qua mạng lưới « Một vành đai, Một con đường » và các khoản đầu tư khổng lồ của mình, Bắc Kinh đang tạo ra một chuỗi khách hàng và những nước « chịu ơn » để rồi từ đó buộc các nước này đi đến việc chấp nhận các chuẩn mực do Trung Quốc đề ra.

Nếu như cho đến nay, phương Tây đã phát triển cả một hệ thống các cơ quan và tiêu chuẩn quốc tế, làm cơ sở cho quan hệ kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa như WTO, IMF, Ngân hàng Thế giới, v.v.., thì Trung Quốc giờ đây cũng đang cố gắng phát triển các hệ thống tiêu chuẩn của riêng họ, và trong những năm gần đây, họ đã đưa người vào nắm quyền lãnh đạo các tổ chức quốc tế chiến lược, chẳng hạn như Liên minh Viễn thông Quốc tế.

Cuối cùng, trong vấn đề Đài Loan. Con đường sáp nhập hòa bình xem như chấm dứt. Chiến lược của ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc là nhằm can ngăn Hoa Kỳ đến ứng cứu vào lúc Bắc Kinh quyết định tấn công Đài Bắc. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd cảnh báo đây là một nước cờ nguy hiểm. Mỹ sẽ bị « mất uy tín » nghiêm trọng với các đồng minh nếu tổng thống Joe Biden làm cho Trung Quốc hiểu rằng Hoa Kỳ không có khả năng bảo vệ một nền dân chủ đồng minh tại vùng chiến lược !

RFI