Seite auswählen
Nhà soạn nhạc, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Đông Âu, Bartók Béla. Ảnh chụp năm 1927.
Nhà soạn nhạc, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Đông Âu, Bartók Béla. Ảnh chụp năm 1927. © Domaine public CC0

Trong những ngày dịch bệnh hoành hành trên đất nước Hungary, mà vị thủ tướng nước này phải thốt lên than thở “chúng ta đang ở những thời khắc đen tối nhất trước bình minh”, ít ỏi du khách đặt chân tới thủ đô Budapest có thể thấy trên đường phố những áp-phích khổ lớn với dòng chữ “Mùa xuân Bartók” (Bartók tavasz).

Đại nhạc sư này được giới am tường đánh giá là đã để lại dấu ấn và ảnh hưởng rất lớn đến nền âm nhạc Hungary, châu Âu và thế giới thế kỷ 20, một trong những danh nhân tầm quốc tế của nước Hung. Ngày 25/3, nước Hung kỷ niệm 140 năm ngày sinh của Bartók Béla, người mà ngay ở Paris cũng có tượng đài và công viên mang tên ông.

Sự nghiệp âm nhạc của Bartók Béla rất đa dạng: không chỉ là một nghệ sĩ dương cầm lớn, một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất của thế kỷ trước, mà ông còn là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Đông Âu, người sáng lập ngành Dân tộc nhạc học với các công trình “chuẩn hóa” dân ca và do đó, gìn giữ được hồn cốt các dân tộc.

Khởi nguồn nghệ thuật

Bartók Béla chào đời năm 1881 tại một vùng đất đặc biệt nằm ở phía nam của Vương quốc Hungary, mà sau này Hiệp định hòa bình Trianon chấm dứt Đệ nhất Thế chiến đã chia cắt cho Serbia và Rumani. Đây là nơi luôn có sự chung sống của nhiều dân tộc như Serbia, Rumani, Đức, Bulgari và Hungary, nét đa văn hóa đó đã có ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách và sự nghiệp của Bartók về sau này.

Được thừa hưởng nền tảng của cha mẹ là các trí thức am hiểu âm nhạc – cha ông chơi thạo nhiều nhạc cụ, sáng tác một số vở nhạc vũ và từng tổ chức một hiệp hội âm nhạc cùng rất nhiều buổi hòa nhạc tại địa phương, còn mẹ ông, một phụ nữ gốc Đức, là một nhạc công xuất sắc – nên Bartók cho rằng ông có được thiên hướng và tài năng trong âm nhạc là nhờ họ và bầu không khí tinh thần như vậy.

Được mẹ chăm lo, chiều chuộng nên thuở nhỏ, cậu bé Bartók tỏ ra rụt rè, ít tiếp xúc, và do bị nhiễm trùng khi chủng đậu mùa nên cho đến năm lên 5 tuổi, cậu luôn phải tới bác sĩ điều trị. Chậm biết đi, hơn 2 tuổi mới bắt đầu biết nói, nhưng từ năm 1 tuổi cậu đã rất để tâm tới nhạc và ra hiệu là thích loại nhạc nào. Một tuổi rưỡi, cậu nhận biết được giai điệu và khi lên bốn, đã chơi được một tay trên dương cầm.

Theo hồi ức của người nhạc sĩ lớn sau này, lúc đó, cậu bé 4 tuổi đã thuộc được chừng 40 bản dân ca, và nếu ai nói từ đầu của bài là Bartók lập tức nhớ ngay được giai điệu. Nhạc dân tộc đã đi vào tâm thức của Bartók như thế, và đặt nền móng cho sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu và hệ thống hóa “dân nhạc” – cũng như việc đưa nhạc dân tộc vào những sáng tác để đời của ông trong những năm tháng sau.

Bartók Béla được cha dạy bài nhạc dương cầm đầu tiên vào sinh nhật 5 tuổi, và một tháng sau, cậu đã khiến cha ngạc nhiên với khả năng “chơi bốn tay” cùng cha. Năm lên 6, cậu có được ấn tượng lớn khi lần đầu nghe giao hưởng: theo lời kể của bà mẹ, “các vị khách vẫn tiếp tục ăn uống, nhưng cậu lập tức đặt thìa dĩa xuống bàn và chỉ tập trung nghe nhạc, và bất bình vì sao nhạc hay thế mà thiên hạ cứ ăn”.

Đó là một buổi hòa nhạc do hiệp hội âm nhạc mà cha cậu đứng đầu tổ chức, và chắc chắn là có vai trò ngoạn mục trong sự hình thành thẩm mỹ của Bartók. Lên 7 tuổi, cậu đã có “khiếu thẩm âm tuyệt vời”, vẫn theo lời người mẹ, và sau đó cậu đã bắt đầu sáng tác tặng mẹ. “Như dòng chảy của sông Danube vậy”, cậu nói, nhưng rồi không ngờ cuộc sống êm đềm ấy mau chóng kết thúc với sự ra đi của người cha.

Bậc thầy trong nghiên cứu nhạc học

Đang rất tiến bộ trong quá trình học hỏi, nhưng Bartók và cả gia đình đã gặp phải thay đổi lớn lao khi cha ông qua đời khi còn rất trẻ, năm 32 tuổi. Khi đó, Bartók mới lên 8, và mẹ ông phải bỏ dạy trong trường để nuôi dạy và rèn nhạc cho con. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn: cuối năm đó, họ phải trả lại căn hộ công vụ của gia đình. Bắt đầu một thời kỳ mà họ phải sống tằn tiện, và cứ hàng năm lại đổi chỗ ở.

Bước ngoặt đến với chàng trai Bartók khi ông chuyển lên Bratislava, được coi là thành phố lớn so với các vùng quê mà ông từng sống, và khi đó là đô thị quan trọng của Vương quốc Hungary. Được thụ giáo một bậc thầy có tiếng, ông trở thành nghệ sĩ dương cầm triển vọng và trình diễn tốt các bản nhạc của Chopin, Liszt… Khi đó, ông quyết định không qua Vienna, mà lên Budapest theo người thầy của mình.

Năm 18 tuổi, Bartók thi đậu vào Nhạc viện Pest, “thánh địa” của âm nhạc cổ điển Hungary do “ông hoàng của nhạc lãng mạn” Liszt Ferenc sáng lập, và chỉ trong 2 năm, ông tốt nghiệp khoa Trình diễn và Sáng tác. Nhanh chóng, Bartók trở thành một danh cầm lưu diễn ở nhiều nơi, từ Budapest qua Vienna, nhưng sự nghiệp sáng tác của ông vẫn dậm chân ở mức mày mò, cho tới khi ông gặp dòng nhạc thôn quê.

Đó là năm 1904, khi Bartók bắt đầu những chuyến “điền dã” về các miền quê, và dần dần phát hiện ra nét đẹp và sự khác biệt giữa 2 thể loại “dân nhạc” và “nhạc thôn quê”. Một năm sau, ông khởi đầu thu thập và nghiên cứu một cách khoa học nền nhạc dân tộc. Năm 1906, ông được thụ giáo, học hỏi và hỗ trợ từ Kodály Zoltán, một “người khổng lồ” khác của nền nhạc Hungary, được xem như nhà bác học về nhạc học.

Bartók đã bỏ ra hơn 10 năm để đi về các vùng quê của Đế chế Áo – Hung, sau đó, ông còn sang Thổ và Bắc Phi để tìm hiểu những nét đặc sắc trong nhạc dân tộc của các xứ sở này. Nhờ đó, về sau này, người nhạc sĩ đã có nguồn cảm hứng mới từ những âm hưởng dân gian phong phú, tạo nên một trường phái mang tên ông, với dáng dấp mới mẻ, hiện đại, khai phóng và tiên phong trong nền nhạc cổ điển Hung.

Trên cương vị nghiên cứu nhạc học, Bartók đã có một tác phẩm lớn, để đời mang tên “Nhạc dân tộc Hungary” (năm 1924), trong đó ông thu thập, phân tích và tái biên soạn các bản nhạc dân tộc Hung cho đời sau. Một công trình nghiên cứu lớn khác của ông, in năm 1934, với tựa đề “Dân nhạc Hungary và nhạc dân tộc các nước lân cận”, hay được nhắc tới và được coi là nghiên cứu cơ bản của môn Âm nhạc So sánh.

“Trường phái Bartók”

Năm 26 tuổi, Bartók được giữ cương vị giáo sư dương cầm tại Nhạc viện Hoàng gia Quốc gia Budapest, và thực sự khởi đầu sự nghiệp sáng tác. Tuy nhiên, các tác phẩm của ông vì tính mới lạ và khó cảm thụ, thoạt đầu không chiếm được cảm tình của giới phê bình và công chúng. Những sáng tác chịu ảnh hưởng “nhạc thôn quê” của ông ngày càng “lạ”, đặc trưng và cấp tiến, và tiến gần tới chủ nghĩa biểu hiện.

Không nản chí, Bartók vẫn theo đi con đường riêng, để dần dần định hình và tạo dựng “Trường phái Bartók Béla” trong thời gian giữa 2 cuộc Thế chiến, kết hợp và đồng hóa ảnh hưởng của các trường phái cổ điển, lãng mạn và biểu tượng với những tinh túy của nhạc dân tộc châu Âu, và cả những nét nhạc châu Phi và Ả Rập. Phong cách ấy của nhạc Bartók đã có tầm ảnh hưởng khá lớn đến nhạc đương đại thế giới.

Những tác phẩm của ông, dù là sáng tác cho sân khấu opera, nhạc balet, tứ tấu đàn dây, độc tấu dương cầm, concerto cho đàn violin hoặc cho dàn nhạc đều không dễ cảm nhận, dường như chỉ dành cho giới “sành nhạc”. Dầu vậy, “Lâu đài yêu râu xanh”, “Hoàng tử gỗ”, “Mandarin tuyệt vời”, “Cantata Profana” hay “Mikrokozmosz”… về sau này đều được giới phê bình đánh giá là những kiệt tác trong thể loại của chúng.

Là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, Bartók được coi là người đã đưa văn hóa âm nhạc Hung lên tầm thế giới và ở nửa đầu thế kỷ 20, trong số các nhà soạn nhạc lớn thì ông đã tìm được giải pháp hoàn thiện nhất, đầy đủ nhất và thuyết phục nhất trên phương diện ý tưởng và nghệ thuật, giữa những mâu thuẫn, mê lộ và cách trở của thời đại ông sống. Như một danh cầm, ông cũng có dịp lưu diễn ở 22 nước.

Trong những chuyến đi ấy, Paris đương nhiên là một chặng không thể thiếu với Bartók: năm 1905, ông tham dự Cuộc thi Dương cầm Rubinstein nhưng không đoạt giải. Tuy nhiên, nhạc của ông đã được giới nghệ sĩ trẻ Pháp để tâm và yêu thích: năm 1922, Bartók đã có dịp giới thiệu bản sonat thứ nhất dành cho vĩ cầm với sự hiện diện của các tên tuổi Ravel và Stravinsky. Năm 1931, ông được nhận huân chương Bắc đẩu Bội tinh  của Pháp.

Với thời gian, Bartók trở thành một trong những tên tuổi đại diện của nền văn hóa Hung tại Pháp, và thuộc hàng những nhà soạn nhạc ngoại quốc được trình diễn nhiều nhất tại các khán phòng Pháp. “Allegro Barbaro”, tác phẩm lớn sáng tác năm 1911 dành cho đàn dương cầm của Bartók, được coi là một tác phẩm điển hình cho chủ nghĩa hiện đại Hungary trong 1 triển lãm lớn kéo dài gần 3 tháng ở Paris.

Nổi trôi theo dòng lịch sử

Bartók Béla là một “công dân thế giới” theo đúng nghĩa của từ này: học nhạc tại Hung, Tiệp, biểu diễn tại Đức, Áo, Anh, Pháp, Hà Lan, Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ… và định cư ở Mỹ. Dầu vậy, trong những năm tháng “nhiễu nhương” của thời cuộc, không phải lúc nào Bartók Béla cũng được nhìn nhận đúng tầm vóc của ông: ngay ở quê hương, cũng có những tháng năm dài tên tuổi Bartók bị vùi dập và tưởng như đi vào quên lãng.

Chẳng những là một nhạc sĩ lớn, Bartók Béla còn là một nhà ái quốc với câu nói nổi tiếng : “Tôi chỉ có một mục đích: phục vụ dân tộc và tổ quốc Hung”. Khi chủ nghĩa phát-xít bắt đầu lan rộng ở châu Âu, ông đã cấm các kênh phát thanh Đức và Ý chơi nhạc của ông và dần dần, đoạn tuyệt các mối quan hệ âm nhạc liên quan đến Đức. Năm 1940, Bartók cùng vợ phải sang Mỹ lánh nạn Thế chiến – mà theo ông nghĩ chỉ là “tạm thời”.

Tuy nhiên, vì bệnh tình máu trắng quá nặng, Bartók từ trần tại Mỹ năm 1945, ngay sau khi nước Hung thoát khỏi ách phát-xít. Những năm đầu của chế độ cộng sản ở Hung, sự nghiệp âm nhạc của Bartók đã bị trù dập, việc Mỹ và các nước Phương Tây tôn trọng và đánh giá cao nhạc và những công trình nghiên cứu nhạc học của ông, đã khiến chính quyền Hung cho rằng ông “phục vụ chủ nghĩa đế quốc”.

Cùng những tài danh khác của nền âm nhạc Hungary như Kodály Zoltán, Seress Rezső (tác giả “Chủ nhật buồn”, được coi là bản nhạc tình buồn nhất thế kỷ 20), nhiều tác phẩm của Bartók đã bị cấm ở Hung trong một thời gian. Nhạc của ông còn bị coi là “khó hiểu”, “theo chủ nghĩa hình thức”, xa lạ với quần chúng và người yêu nhạc thời ấy. Tuy nhiên, lịch sử vốn công bằng và hậu thế đã trả lại vị thế xứng đáng cho Bartók Béla.

Cuộc Cách mạng mùa thu năm 1956 và ba thập niên của “nền độc tài mềm dẻo” của tổng bí thư Kádár János sau đó đã từng bước đem các tác phẩm của Bartók trở lại với công chúng. Tên ông được đặt cho đường phố ở Budapest, tượng ông được dựng tại London, Paris và Bruxelles: tại Bỉ, đây là pho tượng duy nhất của một danh nhân Hung! Một thời, hình Bartók được đưa lên đồng tiền mệnh giá 1.000 Forint của Hung.

Và sau 43 năm, vào mùa hạ 1988, tro cốt Bartók Béla đã được trở về với cố quốc, khi đó đang đứng trước ngưỡng cửa tự do, và ông được vinh danh như nhà soạn nhạc xuất chúng của Hung thế kỷ 20. Tại Paris, tượng của Bartók nằm ở một công viên nhỏ rợp bóng cây mang tên ông tại quận 15, gần tháp Eiffel, là nơi là giới yêu văn nghệ và Hung kiều thường lai vãng để tưởng nhớ người nghệ sĩ đi ra thế giới từ Đông Âu!

RFI