- Neeta Lal
- BBC Travel
Nhà báo từng hai lần đoạt giải Pulitzer và là học giả Hội Địa lý Quốc gia Paul Salopek đang ghi lại thế giới trong hành trình đi khắp toàn cầu trong nhiều năm, hành trình có tên gọi là ‘Bước ra khỏi Eden’.
Kể từ tháng 1/2013, người đàn ông Mỹ 59 tuổi này đã khởi hành từ châu Phi dọc theo con đường di cư cổ xưa của loài người, vốn bắt đầu từ 50.000 đến 80.000 năm trước.
Chuyến phiêu lưu dài hơn 38.000km qua trên 36 quốc gia của nhà báo này trải dài từ Ethiopia đến Argentina, đi qua Tây Á, Con đường Tơ lụa, Ấn Độ, Trung Quốc, Siberia và bờ biển phía tây của Bắc và Nam Mỹ trước khi kết thúc tại Tierra del Fuego ở mũi lục địa Nam Mỹ.
Cho đến nay, ông đã đi được quãng đường 12.000km và hiện đang bị mắc kẹt ở Myanmar do nước này siết chặt kiểm soát biên giới vì đại dịch.
Được đào tạo làm nhà khoa học, Salopek nói rằng dự án của ông là để kể chuyện; một thử nghiệm cách làm báo chậm và dấn thân. Qua hành trình ‘Bước ra khỏi Eden’, ông đặt mục tiêu thu thập kiến thức chậm hơn, với tốc độ đời thường hơn, đưa vào công việc những hiểu biết phong phú hơn, sâu sắc hơn về cảnh quan và cuộc sống của những người ông gặp.
Gần đây chúng tôi đã bắt kịp Salopek để hỏi ông dịch Covid đã ảnh hưởng đến hành trình của ông như thế nào, điều gì tạo cảm hứng cho ông tiếp tục cất bước và ông muốn di sản chuyến đi của ông sẽ như thế nào.
Hỏi: Chúng tôi đã phỏng vấn ông sáu năm trước, hai năm sau khi ông bắt đầu hành trình, khi đó ông đang ở đông Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến đi của ông dường như có trở nên quan trọng hay khẩn cấp hơn chút nào không khi xét đến những thách thức gần đây mà hành tinh phải đối mặt?
Giống như hầu hết mọi người, tôi đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Các đường biên giới bị đóng. Việc di chuyển bị hạn chế. Tôi đã tạm dừng hành trình ở miền bắc Myanmar, chờ đợi mọi thứ mở cửa trở lại. May mắn thay, trong số những bài học mà đi đường trường dạy tôi là kiên nhẫn.
Trong thế giới trước mắt của tôi, không có nhiều thay đổi. Nông dân đang trồng lúa. Xe tải lắc lư chạy dọc theo những con đường rừng chở đến lô bia kế tiếp và chở đi cá sông hay gỗ.
Tôi may mắn. Myanmar có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong rất thấp. Lý do vì sao thì không ai hoàn toàn biết và có lẽ phức tạp. Có thể có một mức độ kháng bệnh cơ bản vì con người và virus corona hoang dã đã cùng sống chung trong môi trường nhiệt đới này trong nhiều thiên niên kỷ. Chính vì điều này, một người bạn của tôi là nhà di truyền học gọi đây là ‘vành đai tê tê’.
Tôi không dám chắc dịch Covid đã làm cho thông điệp trong hành trình của tôi trở nên cấp bách hơn. Có thể là phù hợp hơn. Đại dịch làm nổi bật sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta. Chúng ta sẽ không lành lại cho đến khi mọi người lành lại. Sự an toàn của chúng ta là vấn đề chung.
Hỏi: Là phóng viên nước ngoài, đi khắp nơi và kể chuyện là năng khiếu của ông. Đó có phải là điều đã tạo cảm hứng cho ông để thực hiện hành trình này, và ông có thể cho chúng tôi biết điều gì thúc đẩy ông tiếp tục bước tới hay không?
Dự án này là để kể chuyện. Đi bộ chỉ là phương tiện có từ ngàn đời nay cho sứ mạng đó.
Các thi sỹ Hy Lạp cổ đại đi đây đó. Các tài tử du hành Tây Phi. Các nhà Nho hành giả ở Trung Quốc. Thói quen con người kết hợp hành trình trên đôi chân với văn hóa kể chuyện, học hỏi và chia sẻ là rất lâu đời. Đó là truyền thống có ở nhiều nơi trên thế giới.
Tôi từng là phóng viên nước ngoài chuyên nghiệp trong nhiều năm, đã đưa tin nóng lúc thì bằng máy bay khi thì bằng xe hơi.
Sự ra đời của Cách mạng Thông tin chỉ đẩy nhanh toàn bộ quá trình đó. Các câu chuyện của chúng ta hôm nay di chuyển với tốc độ ánh sáng. Vì vậy, ‘Bước ra khỏi Eden’ là một chút phản công lại tất cả những điều đó.
Nó nhằm để thu thập kiến thức một cách chậm hơn, với tốc độ người hơn, tốc độ mà những bộ não thời Đồ Đá vẫn còn trong người chúng ta được tạo ra để xử lý – tốc độ 5km/h.
Bằng cách làm chậm lại quá trình đưa tin của mình, hy vọng sẽ đem lại cho công việc của tôi những hiểu biết phong phú hơn, sâu sắc hơn về cảnh quan và cuộc sống của những người tôi gặp.
Đi bộ đường trường đem đến yếu tố bổ sung về thời gian. Nó kết nối câu chuyện này với câu chuyện kia theo cách nguyên thủy. Nó khuyến khích bạn suy nghĩ trước khi viết. Tôi gọi đó là ‘báo chí chậm’, nhưng đó chỉ là hình thức khám phá lâu đời nhất của chúng ta.
Điều gì giúp tôi đi tiếp? Những câu chuyện tôi chứng kiến. Chúng không bao giờ kết thúc và không có hai câu chuyện giống nhau. Mỗi chuyện đặt ra một vấn đề mới.
Hỏi: Điều gì khiến ông quyết định lần theo con đường di cư cổ xưa của con người?
Tôi được đào tạo làm nhà khoa học. Tôi nghiên cứu di truyền học, khảo cổ học và nguồn gốc con người.
Điều luôn khiến tôi ấn tượng là các dân tộc toàn cầu có liên hệ chặt chẽ với nhau như thế nào. Về mặt sinh học, những người trong chúng ta sống bên ngoài châu Phi chỉ tản ra khỏi lục địa mẹ này mới ngày hôm qua.
Và tôi cũng bị cuốn hút về làm sao mà chúng ta biết hết sức ít ỏi về việc đợt di dân đầu tiên trên thế giới.
Đó là câu chuyện vĩ đại nhất về thành tựu của con người trong lịch sử 300.000 năm của nhân loại – khám phá toàn bộ hành tinh, chủ yếu là đi bộ.
Chính hành trình này đã biến chúng ta thành những sinh vật biết giải quyết vấn đề ngày nay.
Vì tất cả chúng ta bằng cách nào đó đều góp phần cho khai phá ban đầu đó, bởi vì một số tổ tiên chung ắt hẳn đã đi qua một phần những con đường đó, việc đi trở lại các tuyến đường di cư cũ đóng vai trò là sợi chỉ đỏ thống nhất xuyên suốt của mạch truyện.
Đó là lời nhắc nhở rằng [thi sĩ Anh] Donne đã đúng. Số phận của chúng ta đan xen vào nhau, có lẽ hơn bao giờ hết.
Bạn sẽ là kẻ ngốc nếu tin rằng bất cứ điều gì xảy ra ở Mỹ hoặc Myanmar bằng cách nào đó sẽ không ảnh hưởng gì đến bạn.
Hỏi: Từ việc này, phong trào Black Lives Matter có bất kỳ tác động nào đến chuyến đi của ông không cũng như đối với những gì ông đang muốn thể hiện thông qua công việc của mình?
Tôi là kẻ du mục được hưởng những đặc quyền. Tôi là đàn ông, da trắng và được các tổ chức quyền uy như Hiệp hội Địa lý Quốc gia hỗ trợ. Tôi muốn nói thêm rằng tôi mang theo hộ chiếu thể hiện những thành tựu, nhưng thực sự điều này không có tác dụng nữa đúng không?
Dù gì đi nữa, tôi đi bộ khắp Trái Đất là do mình lựa chọn, không phải vì cần phải đi như hầu hết một tỷ di dân ước tính đang di chuyển khắp toàn cầu ngày nay – những người tị nạn chiến tranh, di dân kinh tế và những người bỏ chạy khỏi sự tàn phá của khủng hoảng khí hậu.
Tôi cố gắng hết sức để truyền đạt lập trường này trong câu chuyện mình kể. Thực sự là rất khó để không làm vậy.
Đi bộ là một trải nghiệm khiêm nhường. Nhưng đó cũng chính là sức mạnh chính. Hãy nghĩ xem. Khi bạn đi liên tục, năm này qua năm khác trên đôi chân mình, qua những vùng đất của người lạ, thật khó để xa lánh những người không quen biết mà bạn gặp bởi vì thông thường cuộc sống của bạn phụ thuộc vào họ theo nghĩa đen. Đến giờ có lẽ tôi đã chết nếu không có lòng thương của người lạ.
Chẳng mấy chốc bạn sẽ biết rằng mọi người ở mọi nơi có đến 95% đều quan tâm đến những việc giống nhau. Tất cả chúng ta đều nói về cùng một chuyện. Tình yêu hay sự vô tình. Số phận của con cái chúng ta. Ghét sếp. Và, ngày càng nhiều là về viễn cảnh khí hậu đáng sợ.
Những gì đang xảy ra với phong trào Black Lives Matter, đối với tôi dường như liên quan rất nhiều đến những cân nhắc vốn đã quá trễ về một hệ thống đẳng cấp của Mỹ và sự bất công thâm căn cố đế của nó.
Nhưng đó cũng là cơ hội lớn để lắng nghe. Ý tôi là thực sự lắng nghe. Đó là sức mạnh hiếm của nó. Đây là điều tôi nói với các sinh viên sau chuyến đi. Tôi lắng nghe cũng nhiều như đi bộ khắp thế giới. Dĩ nhiên, đó là điều mà ai kể chuyện đàng hoàng cũng làm. Nhưng tôi cho rằng đó là một hình thức cầu nguyện. Lắng nghe là một hành động xây dựng con người.
Hỏi: Ông đã dành nhiều tháng ở Ấn Độ để đi dọc theo những con sông lớn như sông Hằng và Brahmaputra. Ông đã học được gì về đất nước này và người dân ở đó?
Hành trình ở Ấn Độ kéo dài 16 tháng và trải gần 4.000 km khắp miền bắc. Điều bạn học được khi khám phá trên đôi chân là mỗi ngôi làng là một vũ trụ với tính cách và vấn đề riêng.
Khi đó, điều tôi chọn để tập trung vào trong công việc của mình là nước. Ấn Độ là đất nước của sông ngòi. Mỗi con sông ở đây là một vị thần.
Ấy vậy mà, đất nước này đang trải qua một thảm họa nước thầm lặng – thiếu nước, ô nhiễm – ảnh hưởng đến con số khủng là 600 triệu người. Đó là tai ương lớn của con người và vấn đề này to tát đến nỗi thậm chí chỉ có ít người có thể nhìn thẳng vào nó.
Chắc chắn chính quyền thì không; họ vẫn dựa vào kế hoạch hồi thế kỷ 19 của Anh để định tuyến lại toàn bộ các hệ thống sông. Chúc họ may mắn với việc đó.
Như một trong những bạn đồng hành của tôi, nhiếp ảnh môi trường tuyệt vời Arati Kumar-Rao, đã nói, đất nước này không nhìn nhận thực tại.
Ở cấp độ con người, Ấn Độ là một nơi rất gần gũi với việc đi bộ. Đó là do hàng triệu người vẫn đi bộ. Nông dân đặt chậu đất đựng nước ở lề đường cho khách bộ hành uống, và một số cộng đồng vẫn có dharamshalas, tức là nhà khách cho người hành hương. Sự ầm ĩ của giao thông Ấn Độ vẫn còn vang vọng trong tai tôi.
Câu hỏi: Tường thuật hành trình là một phần quan trọng của chuyến đi. Làm thế nào ông ghi lại và chia sẻ những gì ông thấy, và ông muốn hành trình để lại di sản như thế nào?
Tôi viết bản tin gửi về hàng tuần hoặc hai tuần một lần và những người bạn đồng hành với tôi – đối tác của dự án – cũng đóng góp câu chuyện riêng của họ.
Hầu hết tài liệu này đăng trên trang web National Geographic. Có những ‘cột mốc’ mà tôi ghi lại mỗi khi đi được 160 km. Có các bản đồ tường thuật. Có hình ảnh và video.
Biên tập viên của tôi tính toán rằng với tốc độ sản xuất hiện tại, hành trình đang trên đà viết được một triệu từ. Những người bạn đồng hành và tôi cũng thực hiện các hội thảo trên đường đi về ‘báo chí chậm’.
Tôi nghĩ rằng sứ mệnh giáo dục này sẽ là di sản thực sự của hành trình. Còn gì có thể làm cho tôi vui hơn là để lại một cộng đồng đa văn hóa gồm những người kể chuyện sâu sắc noi dấu chân tôi.
Bằng cách đó, hành trình vẫn tiếp diễn nhờ vào những người khác rất lâu sau khi tôi treo giày ở Tierra del Fuego.
Hỏi: Thế giới là một nơi tuyệt vời. Hãy kể chúng tôi biết về một số điều đã khiến ông yêu hành tinh chúng ta trên hành trình?
Tôi nghĩ rằng đi bộ dạy chúng ta về thế giới một cách lý tưởng. Tầm nhìn được mở rộng.
Chúng ta sống trong những hạn chế của cơ thể – bước tiến được đánh dấu theo chiều dài sải chân. Hạn chế giữ chúng ta ở tại chỗ, nhỏ bé. Giống như rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống – tình yêu, tình bạn, thức ăn, trò chuyện – sự chậm chạp của nó là điều cần thiết.
Có điều gì đó như là những điều thiêng liêng hàng ngày. Bạn thức dậy, uống một tách trà, gói ghém và tiếp tục lên đường. Vào hoàng hôn, quá trình này diễn ra ngược lại trong sự tận hưởng.
Đi bộ giúp bạn làm quen lại với các nghi lễ đến và đi bị lãng quên. Đây là những nghi thức hàng ngày mà việc đi lại bằng xe, tốc độ, lịch trình, đã xóa sổ.
Và bạn thức dậy nhìn trời mà không biết bạn sẽ ngủ ở đâu tiếp, nhưng với một hướng đi cố định trong đời: hướng đông.
Bạn trải nghiệm dòng chảy liên tục trong cuộc sống mà tôi nghĩ ắt hẳn là trạng thái ban đầu của chúng ta. Thế giới trôi qua, thời gian thức dậy của bạn cân bằng giữa tỉnh táo và mơ màng.
Hỏi: Ông đã đối mặt với những thách thức nào trong việc lên kế hoạch cho hành trình? Và ông sẽ đi đâu tiếp?
Khoảng 60.000 đến 70.000 năm trước, khi những con người hiện đại đầu tiên bắt đầu bước ra khỏi châu Phi một cách nghiêm túc, những trở ngại chính là sa mạc, đại dương hay băng giá.
Đối với tôi, những rào cản lớn ngày nay là rào cản nhân tạo – biên giới chính trị. Tôi không thể xin được thị thực để đi qua Iran hoặc Turkmenistan, hai quốc gia là trung tâm di cư và văn hóa quan trọng của con người. Tôi đi vòng những nước này.
Bây giờ tôi đang chờ đợi biên giới bị đóng do đại dịch mở trở lại, hy vọng trong một hoặc hai tháng nữa.
Sau đó tôi sẽ đi từ Myanmar đến Trung Quốc. Đi qua Trung Quốc, một đất nước mà sự đa dạng môi trường và văn hóa tuyệt vời thường bị truyền thông cào bằng, sẽ là một trong những điểm nhấn của hành trình. Tôi mong chờ điều đó theo cách các nhà Nho xưa, vốn theo đuổi cuộc sống đàng hoàng thông qua thực hành 德 (Đức) trong khi thực hiện một hoạt động được gọi là 遊 (Du).
Đoạn đường này chiếm hơn 6.000km trong hành trình và mất khoảng một năm rưỡi.
Hỏi: Mục đích chuyến đi của ông là kết nối với dân địa phương, nhưng hành trình của ông nghe có vẻ khá đơn độc. Ông có thể kể chúng tôi nghe về những người vừa giúp đỡ vừa đồng hành với ông trong suốt hành trình không?
Từ lúc bắt đầu cuộc hành trình ở Ethiopia, tôi luôn di chuyển với các bạn đồng hành người địa phương.
Lúc đầu, điều này chủ yếu là vì lý do hậu cần – để giúp đỡ dẫn đường và phiên dịch phỏng vấn. Nhưng tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng đi với bạn đồng hành trên quê hương của họ đã trở thành một trụ cột cơ bản của chính dự án. Nếu không có họ, tôi sẽ học được ít hơn nhiều, chỉ chia sẻ được ít hơn nhiều với độc giả, và nói chung trải nghiệm của hành trình sẽ bị giảm bớt.
Điều này đặc biệt đúng nếu đi với phụ nữ. Nó giúp mở ra cánh cửa những câu chuyện của một nửa nhân loại và đóng góp một góc nhìn quan trọng của riêng họ mà tôi thường không có được, đặc biệt là ở các xã hội nông thôn bảo thủ.
Những người bạn đồng hành của tôi – trong đó có mục sư Ethiopia cưỡi lạc đà, nhà cổ sinh vật học Mỹ, sĩ quan quân đội Ả-rập Saudi đã nghỉ hưu, nhiếp ảnh gia phong cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, học sinh trung học Gruzia và các nhà văn Ấn Độ tuyệt vời… – giống như gia đình.
Giờ đây, chúng tôi đưa câu chuyện của họ trong hành trình vào mạch truyện. Bằng cách này, hành trình đang xây dựng một cộng đồng toàn cầu những người kể chuyện, nghệ sĩ, nhà tư tưởng, những người sẽ là di sản thực sự của cuộc phiêu lưu điên rồ này./.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.