Seite auswählen

ĐIỆP MỸ LINH (Hồi ký)

 

Vào khoảng tháng Tư, dọc theo xa lộ của tiểu bang Texas, hoa Bluebonnet nở rộ, màu xanh thẫm, pha một tý tim tím. Nhìn từ xa lộ, sẽ không thể thấy những viền trắng ly ty trên đài hoa mà chỉ thấy toàn màu xanh tím, trông đẹp và buồn. Màu Bluebonnet buồn hiu hắt này gợi trong tôi hình ảnh những rừng sim tím xa tít tắp nơi giãi đất hình chữ “S” thân thương mà lúc nào hồn tôi cũng quyến luyến!

 

Giải đất hình chữ “S” rất nghèo nàn và khốn khổ; vì ông Hồ Chí Minh đã du nhập chủ nghĩa cộng sản và khơi động hai cuộc chiến tranh tàn khốc/dai dẳng để người Việt giết người Việt!

 

Trên giải đất nhuộm đầy máu và nước mắt đó tôi đã được sinh ra, lớn lên, được yêu thương/được nuông chiều và cũng được Cha Mẹ dạy bảo để hiểu thế nào là hạnh phúc/thế nào là khổ nạn và đọa đày; vì vậy tôi rất trân quý và biết ơn sự hy sinh của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã bảo vệ miền Nam Việt Nan “của tôi”.

 

Từ khi chạy theo Người Lính VNCH để thoát khỏi hỏa tiễn 120 do cộng sản Việt Nam (csVN) “nả” dồn dập vào Saigon, chưa một lần tôi nghĩ rằng tôi sẽ mất Quê Hương. Nhưng thực tế và lý trí cho tôi biết rằng tôi đã mất Bà vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.

 

Ngày gần cuối tháng Tư, 1975, khi ba tiếng nổ rền vang một góc trời, tôi vội vàng mở radio theo dõi tin tức. Dinh Độc Lập bị Trung Úy phản tặc Phạm Thành Trung hướng dẫn phi công csVN lấy phi cơ của VNCH từ Phan-Rang bay vào dội bom! Lệnh thiết quân luật được ban hành.

 

Tôi vội chụp điện thoại gọi Minh – Bố của các con tôi. Minh không có mặt tại văn phòng.

 

Tôi chạy lên sân thượng nhìn ra đường. Từng đoàn xích lô máy/xe lam đầy người, lũ lượt chạy về Sở Hàng Hà, Thị Nghè. Tôi lấy ống dòm để nhìn xa hơn. Từng đoàn Quân Cảnh, Cảnh Sát đang giăng kẽm gai khắp mọi nẽo đường.

 

Tôi chạy xuống bếp rồi chạy ra/chạy vào phòng khách mà không biết phải làm thế nào để đón bốn đứa con của tôi đang ở nội trú! Quanh tôi chỉ có bà giúp việc, cũng đang hoang mang/sợ hãi, nhìn tôi. Tôi quyết định đi bộ.

 

Vào đến sân trường Régina Pacis, tôi mệt lã, mồ hôi nhễ nhại. Quanh tôi nhiều người cũng thất thần/hoang mang/sợ hãi như tôi. Vừa thấy tôi, Sơ Claudine cho người dẫn hai đứa con gái của tôi đến và bảo tôi ký vào sổ.

 

Rời trường Régina Pacis, nắm tay hai đứa bé, tôi cố sải những bước dài, lòng tràn ngập lo âu. Đến ngã tư Tú Xương và Hồng Thập Tự, ba Mẹ con tôi bị chận lại bằng tiếng quát tháo:

 

– Đi đâu? Đi về đi. Thiết quân luật, không biết sao?

 

Tôi phải trình đủ giấy tờ và van lơn họ mới nhích hàng kẽm gai cho ba Mẹ con tôi đi qua.

 

Chúng tôi ghé trường Notre Dame des Missions đón hai đứa con trai. Quang cảnh ở đây cũng chẳng khác gì ở trường Régina Pacis. Năm Mẹ con tôi nắm tay nhau, vừa đi vừa chạy.

 

Vế đến nhà, tôi lại điện thoại cho Minh, nhưng vẫn không gặp. Tôi bồn chồn, đứng ngồi không yên. Cha Mẹ và cả đại gia đình của tôi còn kẹt ngoài Trung. Nay thân đàn bà với bốn con thơ, một đứa lại hen suyển rũ người, trong túi chỉ còn khoảng hơn hai ngàn đồng, ngân hàng lại đóng cửa, tôi không biết phải toan tính gì! Tôi gọi các con tôi lại, chỉ cho con tôi nơi trốn pháo kích, rồi dặn:

 

-Từ bây giờ, nếu ai hỏi các con Ba làm nghề gì, các con phải nói Ba là thợ may, nghe chưa?

 

Con gái lớn của tôi vùng vằn:

 

-Sao kỳ vậy? Ba đâu phải thợ may. Con biết chớ bộ. Ba là…

 

Đưa tay bịt miệng cháu lại, tôi năn nỉ:

 

-Con thương Măng, nghe lời Măng. Các con phải nói Ba là thợ may thì các con và Măng mới không bị họ giết!

 

-Họ là ai mà ác quá vậy, Măng?

 

-Việt cộng, tên khác là cộng sản Việt Nam!

 

-Măng dạy tụi con không được nói láo; bây giờ Măng biểu tụi con nói Ba là thợ may. Ba biết may hồi nào?

 

-Bây giờ Măng muốn các con nói Ba là thợ may; các con có chịu nói hay không?

 

Các cháu tiu nghĩu, im lặng.

 

Chiều 29 tháng 4, tôi hỏi Minh:

 

-Có nên vào cư xá Hải Quân tạm trú hay không, anh?

 

-Vô cư xá, gần Bộ Tư Lệnh, càng dễ “lãnh” pháo kích nữa! Đừng lo. Nếu có di tản chiến thuật, mấy “thằng” bạn của anh sẽ điện thoại cho anh. “Tụi nó” hứa rồi.

 

Hoàng hôn kéo về vừa đủ bóng tối cho đoàn quân khát máu tiến nhanh về Thủ Đô miền Nam. Chính lúc đó, nhiều gia đình quanh xóm kéo đến trước cổng nhà tôi.

 

Vì Minh vẫn còn mặc quân phục, tôi không cho Minh ra cổng. Tôi ra cổng xem họ cần gì. Nhìn những đôi mắt thất thần của họ, tôi hơi yên lòng, hỏi:

 

-Các ông bà cần gì ạ?

 

-Cô Hai ơi! Nhà của cô ba tầng, kiên cố quá, xin cho chúng tôi vào trốn pháo kích.

 

Là một phụ nữ dễ tin người và rất nhẹ dạ, nghe hai tiếng “cô Hai” – mà anh tài xế của Minh và bà giúp việc thường gọi tôi – tôi nghĩ có lẽ những người này cũng không xa lạ gì. Tôi mở cổng. Nhóm người tràn vào nhà, ngồi trên nền gạch hoa tại phòng khách, phòng ăn và nhà bếp.

 

Tôi lên lầu hai, bắt gặp ánh mắt giận dữ của Minh:

 

-Em khùng hả? Em cho họ vào như vậy nhỡ có gì làm sao mình đi? Nhỡ có nội tuyến thì sao?

 

-Tội nghiệp họ mà! Mình ở hiền, gặp lành anh à! Họ xin vào trốn pháo kích mà mình không cho, nhỡ Việt cộng pháo kích, họ chết thì mình nghĩ sao?

 

Minh im lặng. Tôi tiếp:

 

-Ô, anh gọi anh Thanh chưa?

 

-Rồi! Nó và vợ con đang trên đường tới.

 

Sau khi gia đình anh Thanh đến, tôi đưa gia đình anh lên tầng hai, ngồi chung với gia đình tôi. Minh và anh Thanh bàn định kế hoạch, thủ sẵn đạn và một M16. Tôi ngồi riêng một góc, đầu óc quay cuồng. Bần giùn. Đi hay ở lại? Ở lại có gặp được Cha Mẹ và các em của tôi không? Ở lại Minh có bị gì không? Đi thì đi đâu?

 

Khoảng 9 giờ tối, ngoài đường vắng tênh. Tiếng súng lớn nghe xa xa. Tiếng súng nhỏ nổ dòn, mỗi lúc một gần. Minh chạy lên sân thượng để nhìn sang Hải Quân Công Xưởng, vùng Tân Cảng và xa lộ để phỏng đoán tình hình. Thấy hướng cầu xa lộ và Tân Cảng có nhiều đóm sáng xẹt qua/xẹt lại, Minh chạy xuống, chụp ống điện thoại rồi chán nản vất xuống; vì điện thoại bị cắt. Minh trở lên sân thượng, mở máy truyền tin. Không ai đáp lời Minh cả. Minh trở xuống, giọng bực tức nói với anh Thanh:

 

-Chắc “cha con tụi nó” đi hết rồi! “Moa” nghe chúng nó điều động tàu bè mà không đứa nào đáp lời “moa” trên máy truyền tin cả.

 

Im lặng. Một chốc sau, Minh tiếp:

 

– Để “moi” lên sân thượng, dùng ống dòm nhìn qua Hải Quân Công Xưởng xem còn chiếc nào không.

 

Tôi chỉ im lặng, thở dài. Không lâu lắm, Minh trở xuống, giọng bực tức:

 

-Chắc “cha con nó” đi hết rồi! “Moi” thấy còn 2 chiếc mà hai chiếc “đại kỳ” (đang sửa chữa) thì làm “chó” gì được! Thôi, đi ngủ, sáng mai tính.

 

Tôi hốt hoảng:

 

-Súng nổ gần quá mà anh bảo để mai tính? Mai thì chỉ mình anh đi được thôi; còn mẹ con em không thể nào chạy nổi đâu!

 

Anh Thanh cũng thúc Minh nên đi ngay.

 

Chúng tôi kéo nhau xuống tầng dưới. Khi đi ngang kệ sách, tôi chần chừ, nhìn cuốn album gia đình rồi nhìn cây đàn Accordéon. Tôi vừa đưa tay có ý muốn xách cây đàn thì Minh nạt:

 

-Không đem cây đàn! Bốn đứa nhỏ lo còn chưa xong…

 

Thấy những người xin trốn pháo kích im lặng nhìn chúng tôi, Minh không nói tiếp. Tôi quẹt nước mắt, vừa bước đi vừa ngoái nhìn lại cây đàn Accordéon.

 

Vừa đi về phía cổng Sở Hàng Hà, tôi vừa khóc. Tôi không hiểu tại sao tôi không tiếc ngôi nhà lầu ba tầng mà tôi lại chỉ tiếc cây đàn Accordéon! Cây đàn Accordéon này là do Ba tôi – sau khi tôi lên trung học – đã đưa tôi vào tiệm đàn Mỹ Tín, trên đường Hai Bà Trưng, Saigon, đặt mua từ Ý Đại Lợi và Cụ cũng đặt mua cuốn sách dạy đàn Accordéon từ Pháp, bằng tiếng Pháp.

 

Khi tiệm đàn Mỹ Tín cho biết cây đàn đã về, Ba tôi lại đưa tôi vào Saigon, đến tiệm đàn Mỹ Tín, nhận cây đàn và cuốn sách, rồi về lại Nha Trang dạy tôi đàn.

 

Tình Cha thương con vô bờ đến như thế mà nay tôi đành đoạn ra đi, bỏ lại Cha Mẹ! Ngay cả kỷ vật của Cha mà tôi cũng không thể mang theo! Chính điều này ray rức hồn tôi rất nhiều!

 

Chúng tôi đi bộ vào sở Hàng Hà. Minh nhờ một giang đỉnh đưa chúng tôi sang Dương Vận Hạm Đà Nẵng, HQ501. Có tiếng loa xua đuổi và xác nhận HQ501 không đi.

 

Minh lại nhờ chiếc giang đỉnh đưa chúng tôi sang LST cuối cùng còn tại bến – Dương Vận Hạm Thi Nại, HQ502. Lại tiếng loa không cho giang đỉnh cặp vào. Minh bắt loa gọi đích danh Hạm Trưởng Tánh và xưng tên thì bên HQ502 im lặng. Minh nhờ thủy thủ từ HQ 502 quăng giây xuống. Giang đỉnh cặp vào.

Từng tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp – có đụng độ lớn – nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi như hôm đó! Khoảng cách từ giang đỉnh lên đến sàn chiến hạm quá xa. Nước chảy xiết và xoáy sâu. Từ chiến đỉnh, từng người một, phải đu vào sợi giây do thủy thủ từ HQ 502 thòng xuống; và cũng chính những thủy thủ hảo tâm này kéo chúng tôi lên HQ 502.

 

Chúng tôi theo Minh tìm chỗ ngồi. Không còn một chỗ trống. Chúng tôi kéo nhau lên gần đài chỉ huy và ngồi ngay khoảng không gian nho nhỏ nối tiếp giữa đài chỉ huy và sàn tàu.

 

12 giờ đêm 29-1975, HQ502 được chặt giây, tách bến.

 

Khi HQ502 giang hành ngang Câu Lạc Bộ nổi, cầu A, cầu B rồi Bộ Tư Lệnh Hải Quân, tôi cảm thấy buồn quá đổi! Nỗi buồn rưng rức trong hồn tôi lúc này không khác mấy so với niềm xót xa ngày nào trên kinh Vĩnh Thế, khi đoàn chiến đỉnh kéo nhau đi, bỏ lại phía xa chiếc Command 01 bị chìm, vì người nhái Việt cộng gài mìn!

 

Khi HQ 502 đến gần Nhà Bè, tôi thấy nhiều bồn xăng phát nổ vì trúng đạn pháo kích của csVN. Quanh tôi, từng khối lửa lóe sáng, từng cột khói đen cuồn cuộn, từng loạt đạn pháo kích nổ dòn như nỗi vui mừng hớn hở của đoàn csVN khát máu đang kéo về dày xéo phần còn lại của Mẹ Việt Nam!

 

Sương xuống thật nhiều. Gió lộng từng cơn. Tôi không biết tôi đang nghĩ gì? Đang làm gì? Đang đi đâu? Có thật csVN đang tiến vào Saigon hay không? Tôi tự hỏi, năm Mậu Thân, 1968, csVN tấn công tòa đại sứ Mỹ – ngay trước dinh Độc Lập – mà mình vẫn chống trả, chiếm lại được Tòa Đại Sứ Mỹ. Bây giờ csVN chỉ tới ngã tư Bảy Hiền, tại sao mình lại bỏ đi? Những lần tháp tùng hành quân, chưa bao giờ tôi thấy đơn vị do Minh chỉ huy phải rời bỏ vùng hành quân khi chưa chiếm  được mục tiêu!

 

Tôi hỏi Minh:

 

-Tại sao mình phải di tản, anh?

 

-Ở lại, đạn đâu nữa mà đánh! Xăng đâu còn cho phi cơ yểm trợ! Dầu đâu còn cho tàu chạy! “Thằng Mỹ” khốn nạn, gây ra cảnh này!

 

Tôi gục mặt vào lòng bàn tay, khóc! Bất ngờ tôi nghe tiếng Minh:

 

-Tánh ơi! Cho mấy chiếc PBR – khinh tốc đỉnh – của Đại Tá Xuân cặp vào. Vớt ông ấy đi!

 

Hạm trưởng Tánh hỏi:

 

-Xuân nào? Sao anh biết?”

 

-Đại Tá Trịnh Quang Xuân, Tư Lệnh Vùng III Sông Ngòi. Nghe giọng ông ấy trong máy truyền tin “moi” biết mà.

 

Nhìn hai bên bờ, trong cảnh tranh tối tranh sáng, tôi thấy nhiều ghe và giang đỉnh trôi dật dờ.

 

Không bao lâu, chúng tôi đến Vũng Tàu khi ánh nắng mai đang reo vui trên triền sóng. Quanh tôi, mọi người trông rất rũ rượi, mệt mỏi, có lẽ đêm hôm qua không ai có thể ngủ được; vì tất cả đã trải qua một đêm kinh hoàng!

 

Bất ngờ một câu nói chát chúa làm mọi người giật mình:

 

-Mẹ! Dương Văn Minh đầu hàng rồi!

 

Mọi người chia ra từng nhóm quanh những người có radio. Tiếng tướng Minh lập đi lập lại lè nhè làm tôi khó chịu. Tôi vẫn không tin những gì tôi đã nghe. Quanh tôi, vài giọng bực tức vang lên:

 

-Tắt mẹ nó mấy cái radio đi!

 

-Đập bể cái radio cho “lão” câm “mõm” lại đi!

 

Thế là hết! Tôi cảm thấy như hụt hẩng/như chơi vơi/như đang rơi vào khoảng không!

 

Trong trạng thái vừa ngầy ngật vì say sóng, vừa bấn loạn về tâm thần vì tin tướng Minh đầu hàng csVN, tôi chợt thấy một chiếc L19 lượn nhiều vòng quanh HQ502. Mọi người nhốn nháo/lo âu; vì ngại phi công csVN lấy phi cơ của VNCH bay theo, bắn vào người di tản.

 

Bất ngờ một anh Không Quân nhảy ra. Mọi người reo mừng.

 

Trong khi anh Không Quân “ngoi ngóp” trên triền sóng, người nhái Nguyễn Văn Kiệt mang phao và đôi chân nhái, cầm theo một phao nữa rồi nhảy xuống biển, vớt anh Không Quân.

 

Chiếc L19 lượn thêm nhiều vòng nữa, rồi anh phi công nhảy ra. Thân người của anh phi công vừa chạm mặt nước thì bị “tưng” lên rồi…chìm khuất! Mọi người ngơ ngác trong vài giây rồi hướng mắt về chiếc phi cơ không người lái. Chiếc phi cơ quay vài vòng rất hẹp rồi chúi mũi xuống mặt biển, nổ tung!

 

Phía trước HQ502 là những chấm nhỏ ly ty của đoàn tàu; phía sau là “rừng” ghe thuyền ồ ạt. Nhiều giang tốc đỉnh – PBR – kè sát hai bên HQ502; và trên không, vài chiếc trực thăng xin bãi đáp.

 

Tôi đã đọc và xem phim về cuộc di cư của người Bắc vào Nam năm 1954. Tôi cũng đã nghe Ba tôi kể lại cuộc triệt thoái của quân đội viễn chinh Pháp. Nhưng chưa bao giờ tôi nghe/thấy/đọc về cuộc rút quân nào mang tính chất bi hùng nhưng thảm khốc như những cuộc di tản của đồng bào tôi vào mùa xuân đẩm máu/chia lìa, 1975! Không ai còn khóc được nữa! Trái tim đã tê điếng và khối óc đã dại khờ!

 

Đêm về thật nhanh. HQ502 tiến một cách ngập ngừng; cuối cùng phải nhờ một chiến hạm khác kéo đi.

 

Sáng hôm sau, Minh đến dặn tôi:

 

-Sắp cặp và tàu Mỹ để nhận nhiên liệu và thực phẩm, em phải giữ bốn đứa nhỏ tại đây, không cho các con ùa đến xin thức ăn. Đừng để Mỹ nó khinh!

 

Khi chiến hạm Mỹ cặp sát vào HQ502, đúng như Minh tiên đoán, nhiều người chen lấn nhau, cố chụp giật từng trái cam/trái táo do thủy thủ Mỹ thảy sang. Thấy những nụ cười nham nhở trên những vành môi đang nhai ngồm ngoàm miếng táo/miếng cam, tôi cảm thấy tức giận, nhưng không biết giận ai!

 

Những ngày kế tiếp cũng vẫn nước uống hạn chế, thức ăn dè xẻn. Vấn đề vệ sinh phải sắp hàng. Đàn ông/đàn bà dùng chung một nhà cầu “dã chiến”, lộ thiên!

 

Một đêm thật khuya, tôi nhìn xuống sàn chiến hạm và thấy mọi người nằm ngổn ngang. Tất cả đều im lặng như không còn sự sống. Tiếng máy tàu vi vu trong gió, âm hưởng thật buồn. Tự dưng tôi nhớ tiếng máy của đoàn chiến đỉnh, thuộc Giang Đoàn 26 Xung Phong, trong những đêm khuya giang hành trên những dòng sông đầy mìn bẫy của Việt cộng để tiếp cứu các đồn Nghĩa Quân, thuộc vùng U-Minh/Chương Thiện. Không biết bao nhiêu lần tôi thấy giang đỉnh chìm, mang vào lòng sông nhuộm máu nhiều thân trai không toàn vẹn!

 

Ngày đó, chiến đỉnh chìm vì bị Việt cộng đặt thủy lôi. Bây giờ HQ402 chìm do Hải Quân Hoa Kỳ bắn – vì HQ402 bất khiển dụng! Và tôi thấy trên vài chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, người ta xô trực thăng xuống biển! Tôi hoang mang quá độ! Nếu cố gắng suy nghĩ, có lẽ tôi sẽ điên!

 

Bất ngờ, tôi thấy Minh từ đài chỉ huy chạy xuống, giọng bực tức:

 

-Mẹ nó! Nó đưa một thằng thiếu úy bàn giao hạm trưởng. Thằng thiếu úy chả thèm chào hạm trưởng, chỉ chìa tay bắt thôi. Tức bỏ mẹ!

 

Sau đó, không biết lệnh từ đâu, tất cả sĩ quan/hạ sĩ quan/binh sĩ phải gỡ cấp bậc, cắt cầu vai! Mọi quân nhân đều âm thầm thi hành.

 

Minh ngồi trầm ngâm nơi góc cầu thang. Tôi đến gần, thấy Minh đang cầm cái nón lưỡi trai, bên trong là cặp “ga-lông” có 3 gạch vàng, một vòng tròn cũng màu vàng và hai cầu vai. Minh ngồi lặng yên, mắt đăm đăm nhìn vào cái nón lưỡi trai. Tôi không thấy ánh mắt của Minh; nhưng tôi biết Minh đang nghĩ gì! Tự dưng nước mắt của tôi lăn dài!

 

Khi đưa tay quẹt nước mắt, tôi tưởng như tôi đang khóc khi chờ trực thăng tải thương vào những lúc Minh và thuộc cấp của Minh bị thương trên những dòng sông oan nghiệt; hoặc khi tôi thấy thân người không toàn vẹn – trong quân phục Bộ Binh – của những quân nhân đã hy sinh trong rừng tràm hoặc rừng dừa nước mịt mùng, được khiêng ra chiến đỉnh, đem về hậu cứ để thông báo cho gia đình!

 

Tôi cứ đứng lặng cho nước mắt tuôn rơi/cho tâm hồn chùng xuống để cùng gánh chịu nỗi đau của thế hệ hôm nay!

 

Bất chợt Minh ngẫng lên. Thấy tôi, Minh cố nén xúc động, trao tôi cái nón lưỡi trai – có cặp “ga-lông” bên trong – giọng hơi nghèn nghẹn, bảo:

 

-Cất đi!

 

Chưa bớt xúc động, tôi lại nghe từ đài chỉ huy:

 

-Tất cả sẵn sàng làm lễ hạ Quốc Kỳ, treo cờ Mỹ lên!

 

Không biết ai bắt đầu bài Quốc Ca nhưng mọi người cùng ca. Ca thật lớn cho vơi nỗi nghẹn ngào! Nước mắt đầm đìa khóc cho nỗi nhục chung!

 

Khi lá cờ được xếp lại, tôi liên tưởng đến những hàng cờ thẳng tắp, phủ ngay ngắn trên những dãy quan tài ở Nghĩa Trang Quân Đội! Và tôi tưởng như tôi thấy lại hình ảnh của những thiếu phụ – gồm cả vợ cố Thiếu úy Biệt Động Quân Hồ Trung, em ruột của Minh – đã vật vã khổ đau, úp mặt vào lá cờ như cố giữ lấy sự thiêng liêng khôn cùng!

 

Qua màn lệ mờ, tôi thấy quân cảng Subic Bay sừng sững với nhiều chiến hạm và hàng không mẫu hạm. Nhìn ra xa, chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ còn lãng vãng. Không xa lắm là mấy chiến hạm của một quân chủng vừa mất bến Mẹ!

 

Hoàng hôn xuống chầm chậm. Cảnh sắc hùng vĩ/bi thương như trong phim xi-nê chiến tranh. Có khác chăng, đây là một phim sống thực của một soạn giả vô nhân và một đạo diễn không tình người!

 

Bốn mươi sáu năm đã qua, cảnh sắc hùng vĩ/bi thương năm xưa tưởng đã nhạt nhòa trong hồn tôi; nhưng, không ngờ, mỗi lần thấy màu xanh tím của rừng hoa Bluebonnets là mỗi lần hồn tôi nhói đau vì những kỷ niệm xưa lại hiện về!

 

Bốn mươi sáu năm tuy dài, nhưng mối tình cảm thiêng liêng trong lòng tôi vẫn ngập tràn để dâng đầy mi, nghẹn tiếng nấc mỗi khi nghe bài Tiếng Gọi Thanh Niên; nghe tiếng Accordéon hoặc khi đưa tay tuyên thệ trung thành với giãi đất đã nhận tôi là người tỵ nạn chính trị.

 

Vâng, tôi là công dân Mỹ họ Nguyễn. Tôi xin thề trung thành với vùng đất giàu sang này.

 

Nhưng, vào một ngày đầy uất hận – 30 tháng Tư năm 1975 – tôi đã để lại trái tim của tôi nơi Quê Mẹ đau thương, bên kia trời Châu Á!

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/